Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC TRONG KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC



Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam dù đã qua đi hơn 30 năm, song chưa bao giờ lùi xa vào lịch sử. Với tầm vóc và tư cách là biểu tượng của khát khao độc lập tự do, khát khao hoà bình, thống nhất, là biểu tượng của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, cuộc kháng chiến có sức sống mãnh liệt, vượt thời gian. Chẳng có gì là kỳ lạ, nếu như trong rất nhiều sự kiện của thế kỷ XX in dấu đậm nét trong lịch sử nhân loại, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẫn luôn khơi gợi, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của rất nhiều chuyên gia, rất nhiều nhà nghiên cứu cả trên thế giới, cũng như ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Cũng dễ dàng nhận thấy rằng, còn nhiều khía cạnh của cuộc kháng chiến mới chỉ đang hé lộ. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc cũng nằm trong rất nhiều khía cạnh ấy.

1. Lợi ích chiến lược– cơ sở củng cố quan hệ Việt - Trung trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Lợi ích chiến lược luôn là một trong những vấn đề trọng yếu của mỗi quốc gia. Đó cũng là mối quan tâm hàng đầu mà mỗi quốc gia đặt nhiệm vụ đảm bảo trong mọi hoàn cảnh, điều kiện. Lợi ích chiến lược không nhất thành bất biến, nó vận động không ngừng và chi phối chiến lược của mỗi quốc gia trên mọi phương diện, nhất là trong quan hệ quốc gia – quốc gia; quốc gia - quốc tế.
Từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai (1945), Mỹ nhờ lợi dụng vị trí đặc biệt của mình mà trở thành đế quốc giầu có, hùng mạnh nhất thế giới tư bản, thực hiện chiến lược toàn cầu mở rộng ảnh hưởng. Trong chính sách đối ngoại đó, Mỹ rất coi trọng vị trí chiến lược của Việt Nam – nơi Mỹ đánh giá là một trong những vị trí sống còn trong tuyến ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Bên cạnh đó, chính sách của Mỹ ở miền Nam Việt Nam gắn với chính sách của Mỹ ở Đông Dương, Đông Nam Á và nằm trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, Liên Xô và hệ thống XHCN nói chung, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô, Trung Quốc.
Về phía Việt Nam, trước thách thức ấy, nhân dân Việt Nam không có sự lựa chọn nào khác là buộc phải tiến hành cuộc kháng chiến chống lại đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất đất nước. Việt Nam trở thành nơi thử thách sức mạnh cúa dân tộc và thời đại; là nơi thử thách sức mạnh của ý thức hệ, “là cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc mang tính thời đại một cách sâu sắc”[1]. Do tính chất cuộc chiến tranh và đặc điểm thời đại, Việt Nam luôn coi trọng và có được sự ủng hộ, giúp đỡ của lực lượng tiến bộ trên thế giới, của các nước XHCN, trong đó có Liên Xô, Trung Quốc. Trung Quốc là nước láng giềng lớn của Việt Nam, cùng chung ý thức hệ, cùng chung lợi ích của phe XHCN, việc củng cố quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trở thành một đòi hỏi chiến lược của cách mạng Việt Nam.
Về phía Trung Quốc, từ sau năm 1954, khi đạt được những thỏa hiệp về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, Trung Quốc tập trung vào xây dựng kinh tế, quốc phòng với mong muốn sớm trở thành một cường quốc ở châu Á - Thái Bình Dương. Về đối ngoại, Trung Quốc quan tâm hàng đầu đến việc mở rộng ảnh hưởng, tập hợp lực lượng trong các nước vừa mới giành độc lập ở Á, Phi, đặc biệt là ở Nam Á, Đông Nam Á - khu vực láng giềng kề cận phía Nam và phía Tây của mình. Vì thế, ngay từ khi Mỹ đưa quân can thiệp vào Chiến tranh Triều Tiên (1950), sau đó xây dựng học thuyết con bài dôminô[2], ngày càng dính líu sâu vào Đông Dương, phong toả, bao vây cấm vận Trung Quốc, khôi phục Nhật Bản, biến nước này thành đồng minh lớn của Mỹ ở khu vực, Trung Quốc đã ý thức một cách sâu sắc mối nguy hiểm, sự đe dọa của Mỹ đối với lợi ích quốc gia của mình. Trung Quốc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ, ngoài đóng góp thiết thực cho phong trào cách mạng thế giới, ngoài vấn đề ý thức hệ và lợi ích chống chủ nghĩa đế quốc, bảo vệ hoà bình, còn có ý nghĩa chiến lược trực tiếp: Mỹ là kẻ thù của Trung Quốc, tiến hành chiến tranh sát nách Trung Quốc, đe dọa trực tiếp an ninh của Trung Quốc từ phía Nam. Giúp Việt Nam chống Mỹ, Trung Quốc có lợi ích kiềm chế Mỹ, bảo đảm an ninh của Trung Quốc, bảo đảm một số điều kiện cho Trung Quốc nhanh chóng trỗi dậy trở thành cường quốc ở khu vực.
Như vậy, lợi ích chiến lược chung tương đồng, lợi ích riêng của mỗi quốc gia đã làm cho việc củng cố quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt – Trung không những là cần thiết, mà còn trở nên cấp thiết. Nhất quán trong toàn bộ cuộc kháng chiến, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn đặt mục tiêu củng cố, không ngừng xây dựng, phát triển quan hệ với Trung Quốc, tranh thủ tối đa sự ủng hộ vật chất và tinh thần.
 2. Linh hoạt và mềm dẻo trong củng cố quan hệ hữu nghị với Trung Quốc
Tuy có lợi ích chiến lược, lợi ích quốc gia làm mẫu số chung để không ngừng củng cố, tăng cường quan hệ Việt – Trung, song, không phải trong mọi điều kiện, mọi hoàn cảnh, mọi giai đoạn của cuộc kháng chiến, quan hệ Việt – Trung đều “xuôi chiều, mát mát". Trong những tình huống nhạy cảm ấy, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn cố gắng ở mức độ cao nhất, bình tĩnh, tỉnh táo phân tích tình hình, thực hiện nhất quán đường lối đoàn kết quốc tế, đưa ra những biện pháp mềm dẻo, linh hoạt, song giữ vững nguyên tắc.
Từ sau năm 1954, khi đạt được những thỏa hiệp về vấn đề Triều Tiên và Đông Dương, Trung Quốc tập trung vào xây dựng kinh tế, quốc phòng, lo ngại rằng, nếu Việt Nam phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam, chiến tranh có thể mở rộng, có khả năng kéo Trung Quốc đụng độ với Mỹ một lần nữa. Đối với phong trào đấu tranh cách mạng ở miền Nam, Trung Quốc khuyên Việt Nam "trường kỳ mai phục", "chờ đợi thời cơ" không nên đấu tranh vũ trang ở miền Nam, chỉ đấu tranh chính trị, càng không nên đưa lực lượng quân sự miền Bắc vào miền Nam[3]. Trước tình hình đó, Việt Nam tôn trọng ý kiến của Trung Quốc, song giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ thuyết phục.
Thời điểm những năm 1960 - 1970, quan hệ Việt – Trung đứng trước nhiều thách thức: Trung Quốc tiến hành cách mạng văn hóa; Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam và bắt đầu kiếm tìm tín hiệu từ phía Trung Quốc; Trung Quốc, Liên Xô mâu thuẫn, bất đồng, Trung Quốc muốn lôi kéo Việt Nam trong tầm kiểm soát và ảnh hưởng của mình... Trước tình hình đó, Việt Nam đã có thái độ mềm dẻo, song cương quyết và có lý, có tình: Thứ nhất, Việt Nam thể hiện rõ ràng thái độ không ủng hộ cuộc đối đầu của hai nước XHCN, tránh làm những việc có thể đào sâu thêm hố ngăn cách giữa Liên Xô và Trung Quốc, đồng thời không ngả về Trung Quốc để chống Liên Xô; thứ hai, khi cuộc “cách mạng văn hoá” diễn ra, Việt Nam coi đó là công việc nội bộ của Trung Quốc và bày tỏ mong muốn tình hình Trung Quốc sớm ổn định.
 Khi Trung Quốc có những hành động và thái độ không thuận cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đang bước vào giai đoạn khốc liệt nhất như: Bác bỏ đề nghị của Liên Xô về thống nhất hành ủng hộ Việt Nam; làm khó dễ cho viện trợ của các nước XHCN quá cảnh qua Trung Quốc đến Việt Nam; không đồng tình với sách lược "vừa đánh, vừa đàm" của Việt Nam... Việt Nam đã luôn khẳng định mong muốn có được sự ủng hộ, chi viện của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến, mong muốn Trung Quốc không gây trở ngại cho việc hàng viện trợ từ Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu cho Việt Nam; đồng thời kiên trì trao đổi, giải thích với Trung Quốc về bước đi sách lược “vừa đánh, vừa đàm" nhằm kiềm chế Mỹ. Sự kiên trì, mềm dẻo của ấy đã nhận được sự phản hồi tốt từ phía Trung Quốc. Ngày 17-11-1968, khi tiếp đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam thăm Trung Quốc Mao Trạch Đông đã nói rằng, Việt Nam đánh giỏi, đàm phán cũng giỏi và khẳng định ủng hộ phương châm vừa đánh, vừa đàm của Việt Nam[4], khẳng định tiếp tục viện trợ và giúp đỡ hết lòng cho Việt Nam đánh Mỹ.
Năm 1971, Trung Quốc sử dụng phương thức “ngoại giao bóng bàn”, bí mật mời H.Kitxinhgơ - cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ tới Bắc Kinh, dàn xếp, chuẩn bị cho chuyến đi của Nicxơn đến Bắc Kinh tháng 2-1972. Thấy trước những bất lợi của sự kiện này, Đảng, Nhà nước Việt Nam đề nghị Trung Quốc không tiếp Nicxon. Mặc dù không được phía Trung Quốc chấp thuận, nhưng Việt Nam vẫn tỏ ra tế nhị và kiềm chế các phản ứng. Lập trường trên đây của Việt Nam đã có tác động nhất định tới Trung Quốc. Trong hội đàm Mỹ - Trung, vấn đề Việt Nam tuy được nói đến, nhưng hai bên chủ yếu trình bày lập trường của mình mà không đi tới thỏa thuận nào. Các học giả Mỹ như J.Amter, Larry Berman... đều khẳng định: “Trên vấn đề Việt Nam, chuyến đi của Nixon thất bại”. Điều đó thể hiện rõ nét trong Tuyên bố công khai của Trung Quốc sau khi tiếp H.Kitxinhgơ vào năm 1971. Trong Tuyên bố này, Trung Quốc nhấn mạnh, vấn đề Việt Nam phải do chính người Việt Nam quyết định.
Có thể nói rằng, trong những lúc khó khăn, thử thách, Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn giữ gìn tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc và cố gắng củng cố quan hệ giữa hai nước.
3. Trung Quốc ủng hộ Việt Nam chống Mỹ
Trên nền tảng quan hệ hữu nghị giữa hai nước, trên cơ sở bảo đảm lợi ích chung, cũng như lợi ích quốc gia, ngay từ những ngày đầu tiên và trong suốt cuộc kháng chiến, Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ, ủng hộ tích cực, hiệu quả và nhiều mặt từ phía Trung Quốc.
Về chính trị, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam bước vào giai đoạn quyết liệt, Trung Quốc cũng tăng cường ủng hộ Việt Nam trên nhiều phương diện: Ra Tuyên bố ngày 6-8-1964, lên án hành động xâm lược của Mỹ, khẳng định tình đoàn kết và trách nhiệm cao đối với Việt Nam trước việc máy bay Mỹ đánh phá một số địa điểm ở miền Bắc Việt Nam; tổ chức cuộc mít tinh tại quảng trường Thiên An Môn (10-2-1965) cùng với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước CHND Trung Hoa và hơn 1 triệu người, phản đối tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ trong việc Mỹ dùng không quân, pháo hạm đánh phá dữ dội thị xã Đồng Hới cùng với một số mục tiêu thuộc tỉnh Quảng Bình, Vĩnh Linh và đảo Cồn Cỏ; tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Thiên An Môn (22-7-1966) để ủng hộ Việt Nam, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn dân chống Mỹ (17-7-1966)...
Về vật chất, tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tổng khối lượng viện trợ quốc tế ước tính 2.362.682 tấn, trị giá 7 tỷ rúp[5], thì viện trợ của Trung Quốc chiếm khoảng trên 50% tổng số viện trợ nói trên. Trong lĩnh vực quân sự, Trung Quốc viện trợ cho Việt Nam chủ yếu là vũ khí bộ binh, quân trang, quân dụng, lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, một phần nhiên liệu, phương tiện vận tải và một số xe quân sự, pháo và đạn pháo, mặc dù trong khoảng thời gian trên, Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, mức thu nhập bình quân tính theo đầu người còn thấp. Vào giai đoạn đầu của kháng chiến chống Mỹ (1956-1963), viện trợ quân sự của Trung Quốc  cho Việt Nam  là 320 triệu Nhân dân tệ[6]. Ngoài việc giúp đỡ vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho nhân dân Việt Nam đánh Mỹ, Trung Quốc còn đảm nhiệm một công việc rất quan trọng là vận chuyển quá cảnh số lượng hàng hoá, vũ khí, đạn dược mà các nước khác viện trợ cho Việt Nam. Cũng theo thoả thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc, một số đơn vị công binh và pháo binh của Trung Quốc đã sang giúp Việt Nam nâng cấp, sửa chữa mở rộng thêm và bảo vệ các tuyến đường giao thông trên bộ, thuộc các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc. Từ cuối năm 1966 đến đầu năm 1969, một số chi đội phòng không của quân đội Trung Quốc đã luân phiên nhau sang tham gia chiến đấu chống máy bay Mỹ, bảo vệ các tỉnh phía Bắc, giáp biên giới Việt – Trung (số lượng kỹ sư và lực lượng bộ đội thuộc lực lượng pháo binh Trung Quốc lên tới 320.000 người).  
Khối lượng vật chất phục vụ chiến tranh mà Trung Quốc giành cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam được nhân dân Việt Nam sử dụng hiệu quả trong các hoạt động tác chiến trên chiến trường, góp phần từng bước đưa lực lượng và phong trào cách mạng miền Nam phát triển cả về lượng, về chất, từng bước đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ.
Các con số viện trợ đã đủ nói lên rất nhiều điều, đủ nói lên sự giúp đỡ hiệu quả và to lớn từ phía Trung Quốc cho nhân dân Việt Nam chống Mỹ và thắng Mỹ. Song điều đáng nói hơn còn ở chỗ:
Thứ nhất, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam phần lớn là không hoàn lại, phần nhỏ không lấy lãi hoặc lãi suất thấp. Thí dụ viện trợ không hoàn lại đạt 18,84 tỷ đô la Mỹ chiếm 93% tổng ngạch viện trợ, cho vay 1,35235 tỷ đô la Mỹ, chiếm 6,7% tổng ngạch viện trợ
Thứ hai, nhiều hạng mục hàng hoá vật tư trong nước rất khó khăn, Trung Quốc phải cắt bỏ hạng mục của mình để giúp Việt Nam (pháo cao xạ, máy radar, ống thép đặt ống dẫn dầu...), hoặc có loại vật tư phải mua của nước ngoài để giúp Việt Nam (mua tiểu mạch và ngô của Canada, Australia, Argentina, mua phân bón hoá học của Nhật, mua thiết bị cơ khí của Tây Đức.. và viện trợ cho Việt Nam).
Thứ ba, trên tinh thần “hữu cầu tất ứng”, Trung Quốc đã không nề hà, quản ngại, luôn cố gắng đáp ứng Việt Nam theo yêu cầu, ở mức cao nhất, thậm chí cả con người (có mất mát và hy sinh xương máu).
Thứ tư, các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định phía Trung Quốc không coi viện trợ là giúp đỡ một bên, mà là viện trợ lẫn nhau. Chủ tịch Mao Trạch Đông phát biểu: Nhân dân Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải cảm ơn nhân dân Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ. Thủ tướng Chu Ân Lai cũng từng nói: Nhân dân Việt Nam kháng chiến đổ máu hy sinh trên tuyến đầu chống Mỹ, đó là sự chi viện mạnh mẽ biết bao đối với nhân dân Trung Quốc đang tiến hành cách mạng XHCN.
 4. Lời kết
Ngay từ những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Mỹ-  một cuộc chiến tranh có mức độ tàn bạo, khốc liệt nhất trong lịch sử thế giới đương đại mà Mỹ tiến hành chống lại dân tộc Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định phải tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nhất là sự ủng hộ của các nước XHCN, trong đó có Liên Xô và Trung Quốc cho cuộc kháng chiến. Với vị trị địa lý kề cận, Trung Quốc trở thành  chỗ dựa vững chắc cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam và công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam. Tổng bí thư Lê Duẩn phát biểu: “Một điều rõ ràng và dễ thấy là không có Trung Quốc làm cách mạng thành công thì không thể có Việt Nam ngày hôm nay. Đó là lô-gích lịch sử”[7].
Mặc dù quan hệ hai nước còn có lúc, có chỗ không hoàn toàn bằng phẳng, nhưng xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tình hữu nghị vẫn là dòng chủ lưu trong quan hệ Việt – Trung. Việc lực lượng đồng minh chiến lược của Việt Nam trong lúc khó khăn, hay thuận lợi chủ yếu đứng về phía nhân dân Việt Nam, kiên định sự ủng hộ, giúp đỡ cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đã chứng tỏ điều đó. “Bán anh em xa, mua láng giềng gần", chung sống hòa hiếu, hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau cũng phát triển - đó là một yêu cầu ngoại giao, một nguyên tắc đối ngoại, mà ý nghĩa của nó trở nên giá trị hơn bao giờ hết trong ngày hôm nay.
Download bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ

 [1]Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị (1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 4.
[2] Học thuyết này cho  rằng do tác động của Trung Quốc, nếu không ngăn chặn kịp thời, bất kỳ một nước nào ở Đông Nam Á cũng có thể rơi vào sự kiểm soát của cộng sản. tình hình này sẽ lan sang cả Nam Á và Trung cận Đông, trở thành mối nguy hiểm trực tiếp với sự tồn vong của các nước tư bản.
[3]Viện Quan hệ quốc tế - Bộ Ngoại giao (1990), Hồ Chí Minh với công tác ngoại giao, Nxb.Sự thật, Hà Nội, tr. 172.
 [4] Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000,  tr. 227.
[5] Chiến tranh cách mạng Việt Nam, thắng lợi và bài học, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 200, tr. 601.
[6] Chen Jian, Chiná s Involvement in the Vietnam War 1964-1969, In: the China Quarterly, No 142, June 1995, 359.
[7] Sự thật về quan hệ Trung Quốc – Việt Nam”, Tạp chí “Nghiên cứu vấn đề quốc tế” của Sở nghiên cứu vấn đề quốc tế Trung Quốc, số 2/1981.





1 nhận xét:

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!