Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà
Nội
1. Việt Nam và Liên Xô tuy xa cách
nhau về mặt địa lý, nhưng hai dân tộc đã có sự hiểu biết và tiếp xúc từ rất
sớm. Chuyên gia Việt Nam học Anatoly Sokolov cho biết: “Lần đầu tiên ở Nga
người ta được biết về Việt Nam là vào năm 1783. Khi đó, xưởng in trường Đại học
Mátxcơva đã phát hành bộ sách nhiều tập dịch từ tiếng Pháp mô tả các nước khác
nhau. Một trong những tác giả là Samuel Baron, con trai của đại diện Công ty
Đông Ấn Hà Lan tại Bắc Kỳ đã dành 65 trang để nói về khí hậu, tôn giáo, quân
đội, hệ thống tài chính và các phong tục dân gian của Việt Nam”[1].
Nếu trong thế kỷ XVIII, người Nga chỉ biết đến Việt Nam qua những thông tin ít
ỏi đó, thì đến đầu thế kỷ XIX đã bắt đầu xuất hiện hàng chục thông tin chi tiết
hơn về đất nước này, mặc dù khi đó Việt Nam còn nằm bên ngoài lợi ích địa -
chính trị của Đế chế Nga. Do hai phần ba thế kỷ XIX chưa hề có người Nga nào
đến Việt Nam; vì vậy, giai đoạn này, các ấn phẩm ở Nga viết về Việt Nam chủ yếu
được dịch từ báo chí nước ngoài, hầu hết là từ tiếng Pháp.
Rất nhiều
khả năng, người Nga đầu tiên đặt chân lên đất Việt Nam là Konstantin
Stanyukovich – một chuẩn úy hải quân trẻ. Theo nhà nghiên cứu Maksim
Syunnerberg, năm 1863, Stanyukovich phục vụ trên chiến hạm Abrek có lộ
trình đi qua xứ Nam Kỳ[2].
Trong lúc chờ đợi một con tàu Nga khác là Gaydamak cập cảng Sài Gòn,
K.Stanyukovich được Chỉ huy thủy đội Thái Bình Dương phái đến Sài Gòn với nhiệm
vụ quan sát, mô tả chi tiết cảnh quan thành phố và tình trạng đội quân
Pháp.
K.Stanyukovich
hoàn thành công việc được giao một cách xuất sắc, cung cấp tất cả những thông
tin đáng chú ý lúc bấy giờ. Tháng 2-1864, trên tập san Kỷ yếu hàng hải –
cơ quan ngôn luận của Hải quân Đế chế Nga - công bố tập ghi chép dày 120 trang
của K.Stanyukovich nói về xứ Nam Kỳ thuộc Pháp[3].
Mở đầu tập Bút ký, K.Stanyukovich viết: “Tôi
buộc phải ở Nam Kỳ chính vào thời điểm mà sau khi đàn áp cuộc nổi dậy chống đối
của những người dân Việt bất mãn, nhà cầm quyền Pháp đã viết những báo cáo lớn
tiếng phô trương chiến tích của họ và tự hào khoe khoang về cuộc chinh phục Nam
Kỳ vẻ vang"[4].
Ngay từ dòng mở đầu đã toát lên sự mỉa mai đối với “công cuộc khai sáng thuộc
địa” mà người Pháp tiến hành ở Việt Nam. Sau này, khi đã trở thành nhà văn
nổi tiếng, K.Stanyukovich nhớ lại: “Người dân địa phương khi biết con tàu lạ
lẫm này tới đây với mục đích hòa bình, đã đón tiếp những sứ giả của nước Nga xa
xôi với một tình cảm chân thành. Đến lượt mình, những thủy thủ Nga thông cảm
sâu sắc với cuộc sống đầy khó khăn và cuộc đấu tranh anh dũng chống lại sự xâm
lược từ bên ngoài của người dân nơi đây”[5]. Tập Bút ký của K.Stanyukovich là một công trình ghi
chép, trình bày và mô tả khá công phu về những sự kiện lịch sử cuộc xâm lược và chính sách cai trị thực dân của Pháp ở Việt
Nam.
Sau
K.Stanyukovich, nhiều người Nga khác đã đến Sài Gòn, bởi qua hải cảng Sài Gòn
có hành trình đường biển của những con tàu Nga thường kỳ lưu thông giữa các
cảng phía Tây và phía Đông xứ Nga. Năm 1891, trong chuyến du khảo Viễn Đông, “một nhân vật
nổi tiếng trong lịch sử Nga là Sa hoàng Nikolai Đệ nhị - khi còn là Thái tử -
đã viếng thăm Sài Gòn trên chiến hạm Azov”[6]. Một người Nga – giáo sư Simonov
đã đến Việt Nam hai lần vào năm 1894 và 1897. Những cảm nhận, ghi chép của ông
được xuất bản ở Saint-Peterburg năm 1902. Đó là những trang viết mô tả chi tiết
về thiên nhiên, khí hậu Việt Nam, về không gian đầy chất thơ với vẻ đẹp dữ dội
của giông bão nhiệt đới. Giáo sư Simonov dành
một dung lượng đáng kể phân tích chính sách thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt
Nam, về các cuộc khởi nghĩa chống Pháp và sự đàn áp của chính quyền thực dân[7]…
Tháng 2-1904, khi tham gia
chiến tranh Nga – Nhật (1904-1905), tuần dương hạm Diana – người anh em
song sinh với chiến hạm Rạng Đông đã cập cảng Sài Gòn. Chiến hạm
Nga neo lại ở đó cho đến tháng 10-1095. Trong thời gian buộc phải
thả neo ở Sài Gòn, 12 thủy thủ Nga của “Diana” đã qua đời vì những vết thương
hiểm nghèo. Các thủy thủ xấu số tạ thế nơi viễn xứ được chôn cất dưới những
phần mộ riêng trong nghĩa trang thành phố. Trong những năm Chiến tranh thế giới
thứ hai, phát xít Nhật đã hủy hoại mộ phần những đối thủ cũ mai táng từ cách đó
bốn mươi năm, đập nát mọi bia chí. Các nhà ngoại giao Nga tại Việt Nam chỉ biết
về những ngôi mộ này vào cuối những năm 70 của thế kỷ XX, khi kế hoạch cải tạo
tổng thể thành phố Hồ Chí Minh được thực thi. Sau khi gửi yêu cầu xác minh về
Cơ quan Lưu trữ Trung tâm của Hải quân Nga, các nhà ngoại giao đã tìm
thấy danh tính của 8 trong số 12 thủy thủ Nga từ trần ở Sài Gòn nhiều năm trước.
Các thủy thủ người Nga được cải táng và mộ phần đặt gần Lái Thiêu thuộc tỉnh
Sông Bé. Năm 2002, các đại diện chính thức của Giáo hội Chính thống Nga
có chuyến thăm phụng vụ đến Việt Nam. Lần đầu tiên sau gần một trăm năm, nghi
lễ cầu siêu Chính thống giáo được các linh mục cử hành trên nấm mộ những thủy
thủ Nga. Từ đó trở đi, mỗi khi tàu chiến Nga ghé thăm miền Nam Việt Nam, các
thủy thủ Nga đều tới viếng mộ những người đồng hương tiền bối[8].
2. Ở Việt Nam, có lẽ Lê Quý Đôn là người đầu tiên nhắc
đến một quốc gia có tên gọi “nước Nga” trong công trình của mình; tuy nhiên,
người trình bày chi tiết, kỹ càng hơn về đất nước này là Philip Bỉnh – một
linh mục Công giáo Dòng Tên ở Việt Nam. Sau khi dòng đạo bị cấm, để bảo vệ các
giáo xứ Dòng Tên với hơn 120.000 giáo dân người Việt, năm 1796, ông đi châu Âu
hy vọng gặp gỡ các nhân vật có ảnh hưởng trong giáo hội cũng như giới thượng
lưu và được tiếp kiến Quốc vương Bồ Đào Nha với vai trò phái viên Kitô hữu
chính thức của vua An Nam. Suốt ba mươi sáu năm cho đến khi qua đời,
Philip Bỉnh sống ở Bồ Đào Nha, làm công việc nghiên cứu và trong một cuốn
sách của ông đã một số nội dung viết về nước Nga[9].
Song, mối quan hệ
gần gũi giữa hai dân tộc Việt - Nga chỉ thực sự bắt đầu từ sau Cách mạng tháng
Mười (1917). Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười và sự ra đời của Nhà nước Xô
viết đã ảnh hưởng to lớn, trực tiếp đến bức tranh địa – chính trị thế giới,
thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột, tìm được sự đồng
tình, ủng hộ của người Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng có một không hai trong lịch sử nhân
loại, có sức lan tỏa to lớn bởi lý tưởng về một xã hội công bằng, tiến bộ.
Những khẩu hiệu "Hòa bình cho các dân tộc", "Ruộng đất
cho nông dân", "Bánh mì cho người đói", "Tự
do cho người nô lệ"... tự thân nó đã phản ánh tính chất công bằng,
tiến bộ mà Cách mạng tháng Mười muốn đem lại cho người lao động.
Để ủng hộ
Cách mạng Tháng Mười, một thủy thủ Việt Nam (Tôn Đức Thắng) đã kéo lá cờ đỏ búa
liềm lên cột cờ của chiến hạm France trong cuộc binh biến của các thủy thủ ở
Sevastopol (1919). Năm 1920, những cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa những người yêu
nước Việt Nam với đại diện của nước Nga Xô viết đã diễn ra mà người đề xướng là
Phan Bội Châu. Từ năm 1921 đến năm 1924, sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga
(1917), liên minh Quốc - Cộng tại Trung Quốc... có ảnh hưởng lớn đến Phan
Bội Châu. Ông mong muốn tìm hiểu Cách mạng tháng Mười, tìm hiểu những sự kiện
xảy ra trên đất nước Nga. Phan Bội Châu dịch sách ca ngợi Cách mạng tháng Mười,
ca ngợi Liên Xô. Giao thiệp với đại diện Sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh,
Phan Bội Châu dự định gửi cán bộ sang đào tạo ở Moscow, song sự việc không
thành. Cuối tháng 12-1924, khi Nguyễn Ái Quốc[10]
xuất hiện ở Quảng Châu, Phan Bội Châu liên hệ và bàn bạc với nhân vật trẻ tuổi
của phong trào cách mạng mới, hứa hẹn cải tổ đảng mình. Ý định tốt đẹp đó chưa
kịp thực hiện thì ông đã bị mật thám Pháp bắt ở Thượng Hải vào tháng 6-1925[11].
Người Việt
Nam chịu ảnh hưởng sâu rộng và thực sự lĩnh hội tư tưởng của Cách mạng tháng
Mười là Nguyễn Ái Quốc. Vào thời điểm Cách mạng tháng Mười bùng nổ, mặc dù đang
hoạt động ở Anh, sau đó là Pháp, song bằng nhạy cảm chính trị, Nguyễn Ái Quốc
đã đến với cuộc cách mạng hết sức tự nhiên. Nguyễn Ái Quốc chăm chú, say mê
nghiên cứu cuộc cách mạng vĩ đại này và hết sức khâm phục sự kiên cường, quật
khởi vùng lên của giai cấp vô sản Nga đã làm nên cuộc đổi đời vĩ đại, “thúc đẩy
phong trào giải phóng dân tộc, làm cho nó trở thành một làn sóng mãnh liệt
trong tất cả các nước phương Đông”[12].
Sau khi đọc
bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc
địa của V.I. Lê-nin đăng trên báo Nhân đạo (cơ quan ngôn luận của
Đảng Cộng sản Pháp), Nguyễn Ái Quốc quyết định lựa chọn con đường cứu nước,
giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản - con đường của Cách mạng
tháng Mười Nga. Từ đây, quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng Liên Xô
được hình thành. Nguyễn Ái Quốc là người giăng mắc những sợi tơ đầu tiên dệt
nên tình hữu nghị Việt – Xô, là người đặt những viên gạch lát đầu tiên trên con
đường hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Những năm 1920-1930, quan hệ giữa cách mạng
Việt Nam với cách mạng Liên Xô được tiếp nối trên cơ sở các hoạt động phong phú
của Nguyễn Ái Quốc. Năm 1923, Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cử Nguyễn Ái Quốc
đến Mátxcơva dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản. Điều này phù hợp với nguyện vọng
cháy bỏng của người thanh niên trẻ là được đến nước Nga - trung tâm phong trào
cách mạng thế giới học tập lý luận và khảo sát thực tiễn có hệ thống. Ngày
13-6-1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời Paris đi Liên Xô. Ngày 30-6-1923, Nguyễn
Ái Quốc đến Petrograt, quê hương của Cách mạng Tháng Mười. Đây là một sự kiện
quan trọng không chỉ đối với cuộc đời hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, mà còn đối
với cách mạng Việt Nam, đối với quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với Liên Xô. Dù
thời gian lưu lại Liên Xô không lâu (16 tháng), nhưng trong quá trình làm việc
tại đây, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập đường dây liên lạc Mátxcơva - Paris - Việt
Nam, phá vỡ sự đơn độc, thế cô lập của cách mạng Việt Nam, kết gắn cách mạng
Việt Nam với Liên Xô – chiếc nôi cách mạng thế giới. Cách mạng, nhân dân Việt
Nam có một điểm tựa chắc chắn, tin cậy, không đơn độc trên con đường đi tới độc
lập, tự do.
Trong những
năm tháng ở Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc có những ngày tháng hoạt động cách mạng hết
sức sôi nổi, có mặt trong các đại hội, các hội nghị quốc tế quan trọng, tham
gia vào các diễn đàn quốc tế, nói lên tiếng nói của người dân thuộc địa, tập
trung sự chú ý của những người cộng sản quốc tế đến phong trào cách mạng thuộc
địa. Rời khỏi Liên Xô, trong bước đường hoạt động cách mạng tiếp theo, dù ở
đâu, Nguyễn Ái Quốc vẫn luôn hướng về nước Nga, Nguyễn Ái Quốc tích cực tuyên
truyền về Cách mạng tháng Mười, về nước Nga vĩ đại. Tạp chí Đỏ của Liên
Xô (số tháng 2-1925) đăng bài Lênin
và các dân tộc thuộc địa của người
thanh niên Nguyễn Ái Quốc với những dòng viết cháy bỏng nhiệt huyết: “Trong con
mắt của các dân tộc thuộc địa, trong lịch sử cuộc đời khổ đau và bị mất quyền
của các dân tộc thuộc địa, Lênin là người sáng tạo ra cuộc đời mới, là ngọn hải
đăng chỉ dẫn con đường đi tới giải phóng cho toàn thể nhân loại bị áp bức”[13].
Trong báo Công nhân Bacu (số 16-1925), Nguyễn Ái Quốc khẳng định niềm
tin son sắt của nhân dân thuộc địa vào Lênin: “Khi còn sống, Lênin là người
thầy, người cha của nhân dân bị áp bức. Sau khi mất, Người là ngôi sao chỉ
đường tiến tới sự nghiệp giải phóng vĩ đại của nhân dân bị áp bức”[14].
Nguyễn Ái Quốc kể về nước Nga bằng lời lẽ hết sức dung dị: “…ở một góc trời xa xăm có một dân
tộc đã đánh đuổi được bọn chủ bóc lột họ và hiện đang tự quản lấy đất nước
mình”[15].
Quả thật, những thành tựu của một dân tộc “đang tự quản lấy đất nước mình”
khiến cả nhân loại ngưỡng mộ: Mười lăm năm sau khi ra đời, Liên Xô đã
vượt một quãng đường lịch sử mà các nước tư bản đã phải trải qua 100 năm. Tính
đến năm 1937, giá trị tổng sản lượng nông nghiệp của Liên Xô tăng gấp 6 lần năm
1913. Nếu so sánh về tốc độ phát triển của công nghiệp, Liên Xô đi nhanh gấp
15,5 lần so với thế giới tư bản trong những năm 1913-1937[16].
3. Quan hệ giữa cách mạng Việt Nam
với cách mạng Liên Xô có thêm những cơ sở phát triển khi Liên Xô và Quốc tế
Cộng sản quan tâm, giúp đỡ đào tạo những nhà cách mạng Việt Nam đầu tiên.
Trường Đại học Phương Đông[17],
Trường quốc tế Lênin, Viện nghiên cứu những vấn đề dân tộc và thuộc địa... là
những địa chỉ tin cậy đào tạo cán bộ cách mạng cho Việt Nam. Một trong những
người cộng sản Việt Nam tiên phong đã có những tháng ngày học tập miệt mài tại
nước Nga Xô viết là Lê Hồng Phong. Tháng 10-1926, dưới sự dàn xếp của đại diện
Liên Xô tại Quảng Châu M.M. Borozin, Lê Hồng Phong tới học
tập tại Trường Không quân Leningrad và đến tháng 12-1927, chuyển đến tiếp tục
học tập tại Trường Cao đẳng Không quân Boritxolebec[18].
Tháng 12-1928, Lê Hồng Phong nhập học tại trường Đại học Phương Đông – nơi đang
có những người cộng sản Việt Nam cốt cán theo học như Nguyễn Thế Rục, Trần Phú, Bùi Công Trừng… Cũng dưới mái
trường này, quan hệ thân thiết giữa Lê Hồng Phong và Nguyễn Ái Quốc được thiết
lập.
Theo nhà
nghiên cứu A.A. Sokolov, từ năm 1925 đến cuối những năm 30 của thế kỷ XX, ở
Trường đại học Phương Đông, Trường quốc tế Lênin, Viện nghiên cứu những vấn đề
dân tộc và thuộc địa có khoảng 60 người Việt Nam theo học[19].
Chỉ riêng tại Trường đại học Phương Đông, đến năm 1935 có 47 người Việt Nam tốt
nghiệp, trong số đó có 40 đến từ Pháp, 7 người đến từ Trung Quốc, ngoài 47
người này, năm 1936 có 5 người nữa tiếp tục học tập[20].
Trong quá trình học tập tại Moscow, các học viên Việt Nam được Chính phủ Liên
Xô giúp đỡ hết sức tận tình, tài trợ toàn bộ sinh hoạt phí, được làm việc với
những cán bộ, giảng viên tốt nhất, được tiếp xúc với những nhà hoạt động cách
mạng nổi tiếng, học tập các môn học phong phú, bổ ích. Kết quả quá trình đào
tạo đã rèn luyện nên một đội ngũ những chiến sĩ cách mạng ưu tú: Trần Phú,
Nguyễn Khánh Toàn[21],
Lê Hồng Phong[22],
Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Văn Giàu[23]...
Sau khi Đảng
Cộng sản Việt Nam ra đời (2-1930), ở Việt Nam dấy lên một phong trào đấu tranh
mạnh mẽ theo khuynh hướng cách mạng vô sản. Lo sợ ảnh hưởng của nước Nga Xô
viết làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh, thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn chặn,
bưng bít những tin tức về Liên Xô. Như một mối dây gắn bó máu thịt, tự nhiên,
những người cộng sản Việt Nam lãnh lấy trọng trách tuyên truyền và bảo vệ Liên
Xô: “Phải ủng hộ Liên bang Xô viết” - đó chính là mệnh lệnh trái tim. Nhật
ký chìm tàu[24]
của Nguyễn Ái Quốc giới thiệu nước Nga trước và sau cách mạng một cách toàn
diện bằng giọng văn sinh động, lời lẽ giản dị, hấp dẫn, đi vào lòng người. Nước
Nga Xô viết đã không còn xa lạ với những người anh em Việt Nam cần lao cách xa
nửa vòng trái đất. Nước Nga ở trong tim những người Việt Nam đang khát khao
công bằng và công lý, soi rọi con đường đến với chân trời mới mẻ - nơi có ánh
sáng ấm áp của tự do, niềm tin và hy vọng.
Trong điều
kiện thực dân Pháp đàn áp, khủng bố gắt gao, tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Đông
Dương kỷ niệm lần thứ 13 ngày Cách mạng tháng Mười. Liên tục từ năm 1932 đến
năm 1935, dù chịu khủng bố trắng, cơ sở cách mạng, tổ chức Đảng bị vỡ hàng
loạt, nhưng ngày Cách mạng tháng Mười luôn được long trọng kỷ niệm với nhiều
hình thức độc đáo, phong phú, thể hiện tình cảm trân trọng, sự ngưỡng mộ của
những người cộng sản Việt Nam, của nhân dân Việt Nam với cách mạng, với đất
nước của Lênin.
Những năm
tháng này, Liên Xô bắt đầu ủng hộ cuộc đấu tranh của những người yêu nước Việt
Nam. Khi phong trào cách mạng Việt Nam đang dâng cao, báo Sự thật - cơ
quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Bonsevic Nga đăng bài Hai năm của Đảng Cộng
sản Đông Dương (18-11-1931), giới thiệu đến nhân dân Liên Xô và bạn bè quốc
tế cuộc đấu tranh của những người cộng sản, quần chúng cách mạng Việt Nam.
Trong phong
trào vì hòa bình, dân sinh, dân chủ (1936-1939), hòa vào dòng thác cách mạng
thế giới, ngoài những nhiệm vụ đấu tranh cải thiện đời sống, thực hiện các
quyền dân chủ, những người cách mạng Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền,
ủng hộ Liên Xô, ra tuyên bố kêu gọi nhân dân thế giới đứng về phía Liên Xô. Khi
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, những người cộng sản Việt Nam không chỉ
tích cực tuyên truyền mà còn có những hành động thực tế ủng hộ cuộc chiến tranh
vệ quốc của nhân dân Liên Xô. Trong hàng ngũ Hồng quân tiến thẳng ra trận khi
ấy chỉ còn cách Thủ đô Mátxcơva vài km từ cuộc duyệt binh huyền thoại trên
Quảng trường Đỏ (1941) có các chiến sĩ cộng sản Việt Nam. Tháng 1-1942, ba chiến
sĩ Hồng quân người Việt đã hy sinh anh dũng trên mặt trận bảo vệ Thủ đô Moscow.
Đó là các liệt sĩ Lý Nam Thanh, Lý Anh Tạo và Lý Thúc Chất (cùng là người làng
Kim Liên)[25].
Cuộc cách
mạng giành độc lập của nhân dân Việt Nam tháng 8-1945 nổ ra trong điều kiện
quốc tế thuận lợi dưới tác động chiến thắng phát xít của Liên Xô và các nước
đồng minh. Ngày 9-8-1945, sau khi giành thắng lợi hoàn toàn trước quân Đức, Hồng
quân Liên Xô bắt đầu tiến công quân Nhật. Trong vòng không đầy một tuần lễ,
quân đội Liên Xô đánh tan gần một triệu quân Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc),
buộc Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng Minh không điều kiện, chấm dứt Chiến tranh
thế giới lần thứ hai[26].
Việc gần một triệu quân Quan Đông thiện chiến nhất của Nhật bị tiêu diệt đã tác
động mạnh đến tinh thần quân Nhật ở Đông Dương. Điều kiện khách quan cho cuộc khởi
nghĩa vũ trang giành chính quyền của nhân dân Việt Nam đã hoàn toàn chín muồi,
"thời cơ ngàn năm có một" đã đến, nhân dân Việt Nam đứng dậy, tiến
hành thắng lợi Tổng khởi nghĩa tháng Tám (1945), giành chính quyền từ tay Nhật,
thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Có thể thấy
rằng, Việt Nam – Liên Xô tuy xa mà gần, sớm có mối liên hệ gắn bó –những sợi
dây giăng mắc đầu tiên đã trở thành tiền đề cho việc thiết lập, củng cố quan hệ
giữa hai nước trong những năm tháng phía sau – những năm tháng gian khó của dân
tộc Việt Nam đấu tranh bảo tồn nền độc lập.
Download
toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC
[3]Sau đó, những ghi chép này cùng với
các tiểu luận khác của Stanyukovich về chuyến du hành vòng quanh thế giới được
xuất bản ở Saint-Peterburg trong một tập sách riêng, nhiều lần tái bản, kể cả
dưới thời Xô viết. Konstantin Stanyukovich từ trần năm 1903, ở tuổi 60,
khi đã nổi danh ở nước Nga như một nhà nghiên cứu văn học uyên thâm.
[5]Розин
Александр: Советские моряки в оказании интернациональной помощи
Вьетнаму в обретении независимости и отражении американской агрессии,
alerozin.narod.ru
[6]Thúy Anh: “Việt Nam trong con mắt những người Nga 100 năm trước”, Nhịp
cầu thế giới Online, ngày 11-01-2011.
[10]Tên gọi Nguyễn
Ái Quốc lần đầu tiên xuất hiện khi Nguyễn Tất Thành gửi bản Yêu sách tám
điểm của nhân dân An Nam tới Hội nghị Véc - xây (6-1919).
[12]Hồ Chí Minh:
“Cách mạng Tháng Mười và sự nghiệp giải phóng dân tộc ở các nước Phương Đông”,
báo Nhân dân ngày 5-6-1957.
[15] Nguyễn Am - Đặng Quang Minh: Bác Hồ
với Cách mạng tháng Mười Lê-nin và tình hữu nghị Việt - Xô, Hội hữu nghị
Việt - Xô, Hà Nội, 1987, tr. 35.
[17]Trường được thành lập theo sắc lệnh ngày
21-4-1921 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Cộng hoà xã hội
chủ nghĩa Xô viết và đặt ở Moscow, trực thuộc Hội đồng giáo dục quốc dân Liên
bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xô viết để đào tạo cán bộ cho các nước Cộng hoà
Phương Đông. Về sau, Trường trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản
(b) Nga, tồn tại từ năm 1921 đến năm 1938.
[18] Sophie Quinn –
Judge: Ho Chi Minh - The Missing Years 1919-1941, Hurst &
Company, London, 2003. P. 92.
[19]А.А.Соколов: Коминтерн и Вьетнам (Подготовка Вьетнамских Политических
Кадров в Коммунистических Вузах СССР: 20-30-е), Институт Востоковедения РАН,
Москва, 1998, C.77.
[21]Trong nhóm
sinh viên Đông Dương
chỉ có một người duy nhất đã học
xong chương trình nghiên
cứu sinh là Nguyễn Khánh Toàn. Ông
viết luận án về đề tài: “Cuộc
chiến tranh nông dân
ở Đông Dương vào
thế kỷ XVIII. Cuộc khởi nghĩa
Tây Sơn”.
[22]Khi
vừa bắt đầu viết luận án, Lê Hồng Phong được yêu cầu trở về nước, vì vậy, đã không hoàn thành luận án dự định với đề tài: “Tình
hình kinh tế và chính trị ở Đông Dương”. Ở Lưu trữ Liên bang Nga vẫn còn lưu bản viết tay luận án của Lê Hồng Phong viết năm
1931.
[23]Giữa năm 1931, Trần
Văn Giàu (1911-2010) được cử qua học tại Trường Đại
học Phương Đông. Năm 1933, ông
bảo vệ thành công đề tài
tốt nghiệp “Vấn đề ruộng đất
ở Đông Dương”.
[24]Ban đầu, tác phẩm này có tiêu đề là: Những kỷ
niệm về cuộc du lịch của tôi. Nhưng trong quá trình viết bản thảo, Nguyễn
Ái Quốc sửa lại thành Nhật ký chìm tàu. Nội dung tập Nhật ký chìm tàu
gồm 3 phần: 1-Trước cách mạng; 2-Trong cách mạng; 3-Ngày nay”, bố cục thành 24
chương. Mở đầu mỗi chương đều có lời đề dẫn bằng hai câu thơ, nói lên chủ đề
chính. Mục đích chính của Nhật ký chìm tàu được Nguyễn Ái Quốc ghi trong
Lời mở đầu là để: " …..kể lại những điều tai nghe mắt thấy cùng những gì
đổi mới trên quê hương cách mạng Tháng Mười Nga Xô viết. Xin gởi cho Đảng Cộng
sản Đông Dương để có thể lưu hành sâu rộng trong quần chúng Liên Bang Đông Dương
xem biết ….”. Nhân kỷ niệm 119 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
(19-5-2009), Nhà xuất bản Thanh Niên đã phát hành quyển Nhật ký chìm
tàu vào tháng 4-2009. Sách dày 230 trang (dẫn theo Phạm Quý Thích: Nguyễn
Ái Quốc với Nhật ký chìm tàu, Nxb.Thanh Niên, Hà Nội, 2009).
[26]Tháng 8-1945, quân đội Nhật ở khu vực châu Á – Thái Bình
Dương vẫn còn đông tới khoảng 7 triệu người, với 10.000 máy bay, 500 tàu chiến,
trong khi quân Đồng Minh chỉ có khoảng 1,8 triệu người và 5.000 máy bay. Nếu
như Liên Xô không tham chiến với quân Nhật, cuộc chiến tranh sẽ có thể kéo dài
lâu hơn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!