Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

TRIẾT LÝ NGOẠI GIAO "DĨ BẤT BIẾN, ỨNG VẠN BIẾN" VỚI CON ĐƯỜNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA VIỆT NAM



Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” – triết lý hành động của ngoại giao Việt Nam
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, trong tình thế "nước sôi, lửa bỏng", "vận nước lâm nguy", Nhà nước Việt Nam mới đã nỗ lực hết sức mình để đưa đất nước thoát khỏi cảnh "ngàn cân treo sợi tóc". Chuyến sang Pháp của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 5-1946 là một trong những cố gắng ấy. Trước lúc rời đất nước (31-5), Hồ Chí Minh dặn dò cụ Huỳnh Thúc Kháng: "Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó mà phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ "dĩ bất biến, ứng vạn biến"[1]. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" – là sự tổng hoà các phương pháp luận, trở thành chân giá trị, thước đo khả năng quyền biến trở thành phương pháp cách mạng nói chung và phương pháp ngoại giao nói riêng, nhằm đảm bảo sự tồn vong của dân tộc trong điều kiện "thù trong giặc ngoài".

 "Dĩ bất biến, ứng vạn biến" – lấy cái không thể thay đổi để ứng phó với muôn sự thay đổi, lấy cái "vạn biến" để bảo vệ, giữ gìn, củng cố và phát triển cái "bất biến"có nguồn gốc triết học phương Đông. Xuất phát từ quan niệm vạn vật trong vũ trụ đều bị chi phối bởi quy luật khách quan, triết học phương Đông quan niệm muốn ứng phó được với mọi biến hoá của trời đất, tất yếu phải nắm bắt quy luật, có nghĩa là lấy cái bất biến chế ngự cái vạn biến, lấy tĩnh chế động, lấy nhu thắng cương... Triết lý này mang tính nhân sinh sâu sắc, nó hướng con người tới việc dung hòa, quân bình vạn vật. Con người hay bậc thánh nhân đều nên biết dùng cái bất biến ứng phó với cái vạn biến, nhận thức cái vĩnh hằng trong cái tạm thời, cái tuyệt đối trong cái tương đối, để đạt tới sự ung dung, tự tại.
Triết lý "dĩ bất biến, ứng vạn biến" được Hồ Chí Minh nhắn nhủ về cách thúc ứng phó trong thời khắc cam go của lịch sử đất nước là triết lý hành động, gắn chặt với hoạt động thực tiễn, với cái "bất biến“ là lợi ích của dân tộc, là độc lập, tự do, đặt độc lập, tự do là lợi ích tối cao của dân tộc - “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đó cũng là vấn đề bản chất nhất, cội rễ nhất, cốt lõi nhất - độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Đó là những khát vọng thiết tha, cao đẹp, là mục tiêu cốt tử mà dân tộc Việt Nam hướng tới, quyết tâm thực hiện. Độc lập, tự do là quy luật phát triển và tồn tại của dân tộc Việt Nam, chứa đựng ba yếu tố: Giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người; có xuất phát điểm vì con người, vì dân tộc, lấy con người, lấy dân tộc làm động lực, mục tiêu.
Triết lý ngoại giao "dĩ bất biến, ứng vạn biến" cũng chỉ ra rằng, muốn đạt được cái "bất biến", cần hành động một cách hết sức linh hoạt, trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, kết hợp hài hoà giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo. Bên cạnh đó, muốn “ứng vạn biến” thì phải đánh giá đúng về thế và lực của mình, của đối tác, về chiều hướng chuyển biến so sánh lực lượng, về cái thuận và nghịch của tình hình quốc tế trong từng giai đoạn và thời điểm cụ thể, từ đó xác định giới hạn của nhân nhượng, xác định bước đi thích hợp, sẵn sàng khắc phục mọi thử thách. Một cách tổng quát, thực hiện triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong hoạt động đối ngoại là nắm vững, kiên định mục tiêu, bản lĩnh vững vàng, quyết đoán, khôn khéo, mau lẹ, kịp thời để ứng phó thích hợp với từng hoàn cảnh, từng tình thế, từng đối tượng trong từng trường hợp, từng vấn đề cụ thể, nhằm nhận biết, tạo dựng, nắm bắt cơ hội để bảo vệ và thực hiện tốt nhất lợi ích của quốc gia, dân tộc.
2. Triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” và những thời khắc lịch sử quan trọng của ngoại giao Việt Nam
Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam đã thành hiện thực: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập"[2]. Thế nhưng thành quả của dân tộc Việt Nam luôn phải đối diện với những thách thức to lớn từ trong nước và quốc tế trong suốt chiều dài tồn tại của nước Việt Nam mới (1945 đến nay). Cũng trong ngần ấy năm tháng, ngoại giao Việt Nam luôn phải đối mặt với những thách thức to lớn, những thời khắc cam go. Cũng trong gian khó, hiểm nguy, trên nền tảng triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, ngoại giao Việt Nam đã vượt qua sóng gió, đưa ra những quyết sách.
Trong những năm 1945-1946, trên nguyên tắc "dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có những bước đi sách lược khôn khéo, phân hoá cao độ kẻ thù, tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng để giữ vững chính quyền, tạo điều kiện đối phó với quân Pháp ở miền Nam, từng bước phá tan âm mưu “diệt Cộng, cầm Hồ”, “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng Giới Thạch, tích cực đấu tranh bảo tồn nền độc lập, tự do quý báu vừa mới giành được. Để cứu vãn quyền  lợi chung của đế quốc, chống phong trào cách mạng  vô  sản  và cách mạng thuộc địa, Pháp – Tưởng  đã ký kết Hiệp ước Trùng Khánh (28-2-1946), mua bán, trao đổi lợi ích, "bắt nhân dân Việt Nam nhắm mắt nuốt chửng Hiệp ước Hoa – Pháp"[3], đặt nhân dân Việt Nam trước những thử thách mới, đòi hỏi phải có quyết định tỉnh táo. Sau những cuộc thương lượng và nhân nhượng có nguyên tắc, Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp được ký kết, thể hiện sự mềm dẻo về sách lược, linh hoạt trong đấu tranh, nhưng hướng đích, kiên định độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.  Đây là bước đi cần thiết, hy sinh không gian để tranh thủ thời gian, biến thời gian thành lực lượng vật chất, củng cố thực lực một cách toàn diện để đối phó với kẻ thù chính là thực dân Pháp. Đó cũng là cái cách mà Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhìn nhận thấu đáo quan hệ biện chứng giữa cái "bất biến" và cái “vạn biến", đã cân nhắc lợi hại gần xa của dân tộc một cách cẩn trọng, trong hai con đư­ờng đ­i đến độc lập, “đã chọn con đ­ường đỡ hao tổn mà cũng chắc chắn hơn”[4].
Tháng 7-1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu“, Việt Nam đi tới bàn đàm phán của Hội nghị Geneva với tư thế của một dân tộc chiến thắng. Tuy nhiên, trước việc các nước lớn tìm cách tác động đến tiến trình giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đồng thời, thế và lực của cách mạng Việt Nam còn có những hạn chế nhất định, Việt Nam đã có những nhân nhượng cần thiết để Hội nghị đạt được các thoả thuận, lập lại hoà bình trên bán đảo Đông Dương, góp phần làm dịu tình hình châu Á. Với hắng lợi của Hiệp định Geneva, nửa nước được giải phóng, buộc đối phương phải thừa nhận cái bất biến là quyền độc lập cơ bản, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Điều quan trọng hơn là phần chìm của việc ký kết Hiệp định – nửa nước có hòa bình tạo tiền đề quan trọng cho dân tộc Việt Nam  bước tiếp những bước dài vững chắc trên chặng đường dẫn đến mục tiêu cuối cùng,“đánh cho Mỹ cút”,“đánh cho nguỵ nhào”. Hiệp định Geneva là một điển hình sống động của triết lý ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn, mang đậm dấu ấn và bản sắc Việt Nam.
Cuộc trường chinh 9 năm chống thực dân Pháp kết thúc, nửa nước không còn bóng ngoại xâm, song cả dân tộc vẫn chịu chung nỗi đau chia cắt. Trước nỗi đau cắt chia t đất nước , với ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”,  kết thành một khối thống nhất, nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến tự vệ chính nghĩa, phấn đấu vì một "ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hoà bình thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà”[5]. Đương đầu với đế quốc Mỹ - một đối phương mạnh hơn gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế, quân sự, trong lịch sử 200 năm lập nước chưa hề nếm mùi bại trận, trên tinh thần “tự lực cánh sinh là chính”, Việt Nam ra sức tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nhất là sự giúp đỡ của Liên Xô và Trung Quốc. Trong điều kiện hai nước có những bất đồng sâu sắc và Mỹ triệt để lợi dụng, khoét sâu mâu thuẫn, hòng cô lập và làm suy yếu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vận dụng triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Việt Nam chèo lái con thuyền kháng chiến đi giữa hai ngọn sóng Xô – Trung, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ quốc tế, tăng cường nội lực, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Trong quá trình ấy, Việt Nam kết hợp đánh – đàm, kéo địch đến bàn đàm phán, buộc Mỹ ký kết Hiệp định Paris - kết quả của cuộc đàm phán lâu dài nhất, khó khăn, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam. Hiệp định Paris đạt tới đỉnh cao triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, khi Mỹ buộc phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất của dân tộc, buộc phải cam kết rút quân và không can thiệp trở lại, còn Việt Nam giữ nguyên lực lượng chính trị, vũ trang ở miền Nam, tạo cục diện chính trị và chiến trường thuận lợi để đi tới thắng lợi cuối cùng. Nắm vững quy luật khách quan, nắm vững thời và thế, biết cách tạo thời và thế, nắm vững nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, thắng lợi của Hiệp định Paris là thắng lợi của nền ngoại giao nhân văn Việt Nam trước nền ngoại giao trên thế mạnh của Mỹ, khi Việt Nam biến nghịch thành thuận, biến những khả năng mỏng manh thành hiện thực có lợi.
Trong những năm đổi mới, trước mọi thử thách và nguy cơ từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 (XX), với cẩm nang “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, Nhà nước Việt Nam xác định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ quốc tế, với tinh thần "Việt Nam sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trên thế giới". Đường lối đối ngoại rộng mở, các chính sách đối ngoại linh hoạt, có tính thích ứng cao đã xây dựng, củng cố môi trường hòa bình xung quanh đất nước, ứng phó với  tác động sự sụp đổ Đông Âu, Liên Xô, tích cực hội nhập quốc tế. "Ứng vạn biến" không chỉ đưa Việt Nam ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, mà còn tạo những bước phát triển quan trọng, đem lại thế và lực mới cho đất nước giữ vững mục tiêu bất biến- độc lập dân tộc.
3. Triết lý ngoại giao "dĩ bất biến, ứng vạn biến” và con đường phát triển của Việt Nam
Bước vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam "bước vào thời kỳ chiến lược mới trong bối cảnh thế giới đang thay đổi rất nhanh, phức tạp và khó lường"[6] và "sẽ có những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều bất trắc"[7], chứa đựng rất nhiều thách thức, rủi ro, "các nước lớn vẫn sẽ chi phối các quan hệ quốc tế"[8]. Tuy nhiên, "hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn"[9] và "cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn, xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển"[10] – đó là những cơ hội to lớn, những vận hội mới cho hợp tác và phát triển.
Hòa vào dòng chảy chung của thế giới, Việt Nam triển khai chiến lược tăng trưởng mới, thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020Kế hoạch phát triển 5 năm 2011-2015. Hiện nay, quan tâm, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam  là đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc, xây dựng đất nước phát triển bền vững; độc lập, tự do của Tổ quốc, an ninh và phát triển là lợi ích tối cao– đó chính là những mục tiêu bất biến, sống còn của dân tộc. Đặc biệt, thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, Việt Nam hướng tới thời kỳ tăng trưởng bền vững, phát triển thăng tiến, phát triển bứt phá. Để đảm bảo tốt nhất lợi ích quốc gia dân tộc, cần nhận thức rằng, bối cảnh, tình hình mới đang làm cho các hình thức tập hợp lực lượng, các phương thức hợp tác cũng đa dạng và phong phú hơn, các nước dù lớn hay nhỏ đều có thể tham gia vào quá trình toàn cầu. Các nước nhỏ, nếu biết đặt mình vào trào lưu chung của khu vực, của thế giới, đổi mới tư duy, tỉnh táo trước sự vận động, biến động của các quan hệ quốc tế, thì hoàn toàn có thể đóng vai trò không nhỏ.
Bước đi trong thế giới với bước đi của mình, vận dụng triết lý ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để giữ vững mục tiêu bất biến - độc lập dân tộc và phát triển bền vững, cần ứng vạn biến một cách uyển chuyển - ý thức đầy đủ mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh; nhân nhượng và đấu tranh; đối tượng và đối tác trong hợp tác quốc tế; biết mình, biết người, xử lý đúng đắn và hài hòa quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực và các nước nước lớn.
Thế giới ngày nay đang có xu hướng tiến tới giải pháp Win - Win solutions trong giải quyết các vấn đề quốc tế (tức là hai bên cùng thắng). Một mặt, đây là điều kiện thuận lợi cho phép Việt Nam ứng vạn biến để đạt tới cái bất bất biến; mặt khác, bản thân giải pháp chính là cách mà thế giới có thể xác lập quyền lợi vì lợi ích của hòa bình và tiến bộ xã hội, hướng đến các giá trị nhân văn chung của nhân loại, tuân theo triết lý “dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Đây không chỉ là những điều kiện thuận lợi, những thời cơ mới, để Việt Nam không ngừng củng cố thực lực, tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vì sự phát triển năng động, ổn định của đất nước, mà còn mở ra cơ hội "thúc đẩy giải quyết những vấn đề còn tồn tại về biên giới, lãnh thổ, ranh giới biển và thềm lục địa với các nước có liên quan"[11], là bạn, là đối tác tin cậy và đặc biệt là "thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế"[12].
Trên con đường hội nhập, phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt khi vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế đã khác trước, Việt Nam ngày càng được cộng đồng quốc tế tin tưởng, giao phó các trọng trách ở các tổ chức đa phương, nhưng thời cơ và thách thức vẫn đan xen, tích cực và tiêu cực vẫn tồn tại, tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải, biển đảo vẫn gay gắt, thì càng cần nắm vững, vận dụng nhuần nhị triết lý ngoại giao "dĩ bất biến ứng vạn biến", nâng lên tầm nghệ thuật và khoa học – nghệ thuật và khoa học của khả năng nắm vững, mở rộng giới hạn của điều có thể, thu hẹp giới hạn của điều không thể, biết mình, biết người, biết thời thế, biết chừng mực, biết vận động biến đổi. Chỉ có như thế, Việt Nam mới có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu", tồn tại vững vàng trên bàn cờ địa- chính trị khu vực.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC



[1] Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 216.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 12.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 8, sđd, tr. 42 .
[4]Quốc hội n­ước Cộng hoà XHCN Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 77.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, sđd, , tr. 62
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 95.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sđd, tr. 182.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sđd, tr. 183.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sđd, tr. 182.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sđd, tr. 183.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sđd, tr.39.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, sđd, tr.39.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!