Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

HIỆP ĐỊNH SƠ BỘ 6/3/1946 – MỘT QUYẾT SÁCH LỊCH SỬ


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
 1. Thời khắc cam go và sự lựa chọn sáng suốt
 Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đánh dấu một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam - thời đại nhân dân đứng lên làm chủ vận mệnh đất nước, tự quyết định, tự lựa chọn con đường đi cho dân tộc. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam đã thành hiện thực. Đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập"[1][1]. Sự kiện Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên được thành lập ở Việt Nam là bước đột phá khởi đầu, song đặc biệt quan trọng vào hệ thống dinh lũy của chủ nghĩa đế quốc, báo hiệu thời kỳ tan rã không tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân cũ. Với tầm vóc lớn lao, ý nghĩa to lớn mang tầm quốc gia và quốc tế, thành quả Cách mạng tháng Tám – thành quả xương máu của dân tộc Việt Nam trở thành đối tượng đánh phá, tiêu diệt của các thế lực phản động cả trong nước và quốc tế.

Nhất quán với ý đồ quay lại Đông Dương, khi cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đang trong giai đoạn kết thúc, thực dân Pháp từng bước chuẩn bị mọi mặt cho kế hoạch quay trở lại nơi vốn coi là "lãnh địa" của mình. Trong tình hình đó, ngày 17-7-1945, Hội nghị Potsdam nhóm họp và ra quyết định đưa quân đội Đồng mình vào Đông Dương giải giáp quân đội Nhật. Quyết định của Hội nghị Potsdam đã dẫn tới sự có mặt của một lực lượng lớn quân đội nước ngoài tại Việt Nam, đối địch với chính quyền cách mạng Việt Nam còn non trẻ, vừa mới ra đời. Đây là một sự chênh lệch lớn về cán cân lực lượng, ngày càng trở nên hết sức bất lợi cho chính quyền cách mạng còn trứng nước.
Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cùng một lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù, ngay từ những ngày đầu tiên, Nhà nước Việt Nam mới đã xác định: "Cuộc cách mạng Đông Dương lúc này vẫn là cuộc cách mạng  dân  tộc  giải phóng. Cuộc cách mạng ấy đang tiếp diễn, nó  chưa  hoàn  thành, vì nước chưa được hoàn toàn độc lập"[2]; nhận diện một cách chính xác kẻ thù nguy hại nhất lúc này vẫn "là thực dân Pháp xâm lược, phải tập  trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng"[3]. Bên cạnh nạn giặc ngoại xâm, nạn giặc "nội xâm" tiếp tục hoành hành, gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Tổ quốc lâm nguy!
Trong tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", trên nguyên tắc giữ vững chủ quyền và độc lập dân tộc, Nhà nước Việt Nam đã có những bước đi sách lược khôn khéo, phân hoá cao độ kẻ thù, tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng để giữ vững chính quyền, tạo điều kiện đối phó với quân Pháp ở miền Nam, từng bước phá tan âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ”, “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng Giới Thạch; đồng thời, không ngừng củng cố khối đoàn kết toàn dân, động viên toàn thể nhân dân đoàn kết một lòng, dốc sức xây dựng thực lực đất nước.
Sau hơn 6 tháng tích cực đấu tranh bảo tồn nền độc lập, tự do quý báu vừa mới giành được, đất nước lại đứng trước những thử thách và sự lựa chọn mới. Ngày 28-2-1946, Hiệp ước Hoa - Pháp được ký kết tại Trùng Khánh. Hai nước lớn đã mua bán, trao đổi lợi ích, tạo điều kiện cho thực dân Pháp quay trở lại Đông Dương, "bắt nhân dân Việt Nam nhắm mắt nuốt chửng Hiệp ước Hoa – Pháp"[4]. Về Hiệp ước Trùng Khánh, Đảng Cộng sản Đông Dương nhận định: Hiệp ước Hoa – Pháp chứng tỏ "vì muốn cứu  vãn  quyền  lợi chung của đế quốc, chống phong trào cách mạng  vô  sản  và cách mạng thuộc địa, Anh, Pháp và Mỹ - Tàu  đã  tạm  dẹp mâu thuẫn bộ phận ở Đông Dương"[5] và "dù nhân dân Đông Dương muốn hay không  muốn,  nhất  định chúng cũng thi hành Hiệp ước ấy"[6]. Vấn đề đặt ra không phải là đánh hay không đánh, mà "là biết mình biết người, nhận một cách khách quan  những  điều  kiện lời lãi trong nước và ngoài nước mà chủ  trương  cho  đúng"[7]. Đứng trước thời khắc gay go, quyết liệt, đòi hỏi những hành động tỉnh táo, đúng đắn, Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra quyết sách lịch sử sáng suốt: Hòa để tiến.
2. Lùi để tiến vì đại cục
Quyết định hòa với Pháp để đuổi Tưởng về nước, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phân tích tình hình, khả năng có thể ký Hiệp ước với phía Pháp và nhận thấy rằng, tuy quân Tàu, Pháp đã ký Hiệp ước và có thái độ không đếm xỉa đến ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, "nhưng  chúng  vẫn gờm cách mạng Đông Dương và dư luận quốc tế, nên cả Tàu lẫn Pháp cũng muốn dàn xếp với ta về  việc  quân  Pháp kéo vào Bắc nước ta"[8] và "bọn Pháp muốn dàn xếp với ta cũng bởi một là  cuộc  kháng  chiến của ta làm cho chúng hao tốn; hai là phong  trào  phản  chiến nảy nở trong nhân dân và quân đội Pháp;  ba  là  nhân dân Pháp và Chính phủ Goanh (trong đó cộng  sản  và  xã hội chiếm đa số) không muốn kéo dài cuộc đổ máu  ở  Đông  Dương"[9]. Như vậy, điều kiện hòa hoãn đã hiện hữu và Dự thảo Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp với những điều khoản nhân nhượng cần thiết liên quan đến quyền lợi quốc gia đã được nhanh chóng hoàn thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Hội đồng Chính phủ báo cáo với Ban Thường trực Quốc hội, với Chính phủ, Uỷ ban kháng chiến, Cố vấn tối cao tại phiên họp đặc biệt sáng 6-3-1946 và được sự nhất trí của Hội nghị. Để cho sự uỷ quyền có tính chất chính thức, tất các các vị đại biểu tham dự phiên họp đều ký vào Biên bản đặc biệt ; đồng thời, Chính phủ cũng sẽ yêu cầu những vị vắng mặt ký vào biên bản sau.
Sau những cuộc thương lượng và nhân nhượng có nguyên tắc, 16 giờ 30 phút chiều ngày 6-3-1946, lễ ký kết Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt đã diễn ra tại nhà số 38 phố Lý Thái Tổ, Hà Nội. Theo Hiệp định, nước Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Khối Liên hiệp Pháp và cam đoan thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ; nước Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa và sẽ rút hết sau 5 năm; hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức, trong khi đàm phán, quân đội hai bên giữ nguyên vị trí...[10]. Mặc dù phía Pháp chưa công nhận nền độc lập của Việt Nam, song bản Hiệp định lại mang tính chất văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ký với nước ngoài, có sự chứng kiến của đại diện các nước Mỹ, Anh và Trung Hoa. Điều này chứng tỏ rằng: Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, "đối với nước Việt Nam ta, sự ký kết đó có một kết quả hay là nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ"[11]. Đánh giá về ý nghĩa quốc tế của bản Hiệp định, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Bản Hiệp định sẽ dẫn chúng ta đến một vị trí quốc tế ngày càng vững vàng, và đó là một thắng lợi chính trị lớn lao”[12]. Như vậy, Hiệp định sơ bộ đã tạo cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh ngoại giao của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, Hiệp định Sơ bộ Việt – Pháp đã biến thoả thuận tay đôi Hoa - Pháp thành thoả thuận tay ba Việt - Pháp - Hoa, kết thúc vai trò của lực lượng Tưởng Giới Thạch về mặt pháp lý theo quyết định của các nước lớn Đồng minh tại Hội nghị Potsdam. Việc đẩy quân đội Tưởng ra khỏi Việt Nam đã làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, thay vì phải đối đầu với hơn 30 vạn quân của các lực lượng thù địch, 20 triệu đồng bào Việt Nam chỉ còn phải chiến đấu chống 10 vạn quân Pháp. Bên cạnh đó, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có "hai điều lợi lớn: a). Phá được mưu mô bọn Tàu trắng, của bọn phát xít, và của  bọn  Việt  gian, bảo toàn được thực lực ; b). Dành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu  mới  phối  hợp với các cuộc chiến đấu của nhân dân Pháp, tiến  tới  giành  độc lập hoàn toàn"[13]. Có thể nói rằng, mềm dẻo trong sách lược, cứng rắn trên nguyên tắc, Hiệp định Sơ bộ là bước đi cần thiết, hy sinh không gian để tranh thủ thời gian, biến thời gian thành lực lượng vật chất, củng cố thực lực một cách toàn diện để đối phó với đối phương chính, có thực lực to lớn là thực dân Pháp song trong điều kiện không còn có lực lượng đồng minh hỗ trợ tại chỗ; đồng thời, việc chấp nhận cho cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc cũng chính là một hình thức san đỡ gánh nặng, chia lửa với đồng bào miền Nam ruột thịt.
Trên thực tế, khi Hiệp định Sơ bộ được ký kết, trong Đảng và trong nhân dân cũng có rất nhiều thắc mắc, "cho đó là chính sách quá hữu", song thực tiễn đã chứng minh rằng, "chúng ta cần hoà bình để xây dựng nước nhà, cho nên chúng  ta  đã  ép lòng mà nhân nhượng để giữ hoà bình. Dù thực  dân  Pháp  đã bội ước, đã gây chiến tranh, nhưng gần một  năm  tạm  hoà bình đã cho chúng ta thời giờ để xây dựng lực  lượng  căn  bản"[14], chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt cho cuộc kháng chiến mà chúng ta lường định là khó tránh khỏi.
 3. Bài học lịch sử viết cho thời hiện tại
"Nếu có lợi cho cách mạng, thì dù có phải thỏa hiệp với bọn kẻ cướp, chúng ta cũng thỏa hiệp"[15] – trên tinh thần ấy, Hiệp định Sơ bộ 6-3 là một mẫu mực về sự thoả hiệp có nguyên tắc để phá thế bế tắc, vượt qua khó khăn, lợi dụng mâu thuẫn giữa các nước lớn với nhau, cũng như mâu thuẫn nội bộ của mỗi lực lượng có mặt tại Việt Nam; từ đó tạo điều kiện đạt tới mục tiêu đã định, hướng tới độc lập, tự do thống nhất thực sự.
Trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, linh hoạt trong đấu tranh, chủ động kiên quyết và khôn khéo, luôn hướng đích, việc nhân nhượng có nguyên tắc thể hiện sinh động qua Hiệp định Sơ bộ đã cho phép Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ trong những thời điểm nguy nan của đất nước biến nghịch thành thuận, biến những khả năng mỏng manh thành hiện thực có lợi cho đất nước. Đó cũng là cái cách mà Chính quyền chưa đầy tuổi thôi nôi đã cân nhắc lợi hại gần xa của dân tộc một cách cẩn trọng, trong hai con đư­ờng đ­i đến độc lập, “đã chọn con đ­ường đỡ hao tổn mà cũng chắc chắn hơn”[16].
Sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, Tạm ước 14-9-1946 là một bước đi nhân nhượng tiếp theo của Nhà nước Việt Nam mới cùng với sự khẳng định dứt khoát: "Tạm ước ngày 14 tháng Chín là một bước nhân nhượng cuối cùng. Nhân nhượng nữa là phạm đến chủ quyền của nước, là hại quyền lợi cao trọng của dân tộc!”[17]. Hiệp định Sơ bộ 6-3Tạm ước 14-9 đã xác định giới hạn, nguyên tắc của sự nhân nhượng - đó là không bao giờ làm tổn hại chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc. Có thể nói rằng, việc ký kết Hiệp định Sơ bộ thể hiện bản lĩnh vững vàng của bộ máy lãnh đạo đất nước quyết sách vì tồn vong đất nước, dân tộc - nắm vững quy luật khách quan, nắm vững thời và thế, biết cách tạo thời và thế, từ đó phấn đấu giành thắng lợi từng bước, từ nhỏ đến lớn, từ thấp lên cao, biết tiến, biết thoái, thoái một bước để tiến hai bước, giải quyết hài hòa giữa cương và nhu, lấy nhu thắng cương.
Hiện nay, quá trình xây dựng đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề cấp bách, phức tạp trước sự vận động, biến đổi nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới, của các mối quan hệ quốc tế. Mối quan tâm, ưu tâm hàng đầu hiện nay là đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc - xây dựng đất nước phát triển bền vững; độc lập, tự do của Tổ quốc, an ninh và phát triển là lợi ích tối cao của dân tộc. Để đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc, cần nhận thức rằng, bối cảnh tình hình mới đang làm cho hình thức tập hợp lực lượng, diễn biến các mối quan hệ quốc tế, các phương thức hợp tác cũng đa dạng và phong phú hơn. Trước những biến động đó, một mặt, phải giữ vững mục tiêu bất biến - độc lập dân tộc; mặt khác, ý thức đầy đủ mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh; nhân nhượng và đấu tranh trong hợp tác quốc tế. Trong một thế giới đang biến đổi sâu sắc, việc xử lý đúng đắn và hài hòa quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và nước lớn, biết mình, biết người.là điều kiện quan trọng để đảm bảo vững chắc lợi ích quốc gia dân tộc. Trên ý nghĩa ấy, những kinh nghiệm lịch sử từ việc ký kết Hiệp định Sơ bộ 6-3 luôn ở trong hành trang đi tới tương lai của Việt Nam.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 12.
[2]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 26.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 26.
 [4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 42 .
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 41.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 41.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 44.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 41-42.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.42.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 1149-1152.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 305.
[12] Philippe Devillers, Tài liệu lưu trữ chiến tranh 1944-1947, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, tr. 218.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.45.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Sđd, tr.23.
[15] V.I.Lênin: Toàn tập, Tập 41, Nxb. Tiến bộ, Matsxcova 1977, tr 24.
[16]Quốc hội n­ước Cộng hoà XHCN Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 77.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 148.

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!