Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

THÀNH TỰU VÀ THÁCH THỨC TRONG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC 15 NĂM SAU BÌNH THƯỜNG HÓA (1991-2006)





Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
11.  Một số thành tựu cơ bản
Sau khi Việt Nam – Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, thông qua các cuộc hội đàm, quan hệ chính trị giữa Việt Nam - Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Thành tựu lớn nhất mà hai nước đã đạt được là đã "khép lại quá khứ, mở ra tương lai", xây dựng, phát triển quan hệ kiểu mới – “đồng chí, nhưng không đồng minh”. Đó là cơ sở quan trọng, đặt nền tảng để hai nước tiếp tục hợp tác sâu rộng hơn.
Sau khi bình thường hóa hóa quan hệ (1991), các chuyến thăm hữu nghị rộng rãi, các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước đã diễn ra sôi động, liên tục.
Trong quan hệ đối ngoại nói chung của cả Việt Nam và Trung Quốc đối với các nước láng giềng thời gian qua, chỉ có quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mới có đặc điểm là hàng năm hai nước đều tiến hành các cuộc gặp gỡ cấp cao. Trong vòng 10 năm (1991-2001), đã có 6 chuyến viếng thăm của Tổng Bí thư hai nước; 5 chuyến viếng thăm của Chủ tịch nước; 4 chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ; 4 chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội. Chỉ trong năm 2000 đã có khoảng 300 đoàn cán bộ cấp cao gặp gỡ, qua lại. Các cuộc gặp gỡ này có ý nghĩa tích cực về chính trị, ngoại giao, làm cho hai bên có điều kiện giải quyết những bất đồng, tồn tại, để ngày càng tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
 Ngoài các cuộc gặp cấp cao, còn có các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các ban, ngành, các bộ, các tổ chức xã hội, kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng... của hai nước, để trao đổi những khả năng hợp tác và giao lưu kết nghĩa. Những cuộc gặp gỡ này đã có ý nghĩa tích cực, hỗ trợ, xây đắp thêm cho nền ngoại giao chính thức.
Từ năm 1991 đến 2001, với những lần thăm chính thức, hai bên đã ra 4 Thông cáo chung (năm 1991, 1992, 1994, 1995), 3 Tuyên bố chung (1999, 2000, 2001), ký kết gần 40 Hiệp định. Đặc biệt, việc ký Hiệp định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (12-1999) và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ (12-2000) là thành quả quan trọng nhất. Với những hiệp định được ký kết, hai nước có một hành lang biên giới tương đối rõ ràng, trực tiếp thúc đẩy sự giao lưu kinh tế, văn hóa. Những hiệp định này còn góp phần củng cố an ninh trong khu vực.
Ngoài những chuyến viếng thăm, gặp gỡ diễn ra tại Việt Nam, Trung Quốc, lãnh đạo cấp cao hai nước còn tranh thủ những dịp gặp gỡ tại các diễn đàn của các tổ chức khu vực hoặc quốc tế để trao đổi quan điểm. Tại các hội nghị, các diễn đàn như: Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM - 7-1994); Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF, 7-1994); Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (3-1996); Hội nghị AMM lần thứ 32 và ARF lần thứ 6 (7-1999); Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 7 (APEC- 9-1999)... lãnh đạo hai nước Việt –Trung thường xuyên bàn bạc, thống nhất quan điểm tháo gỡ, giải quyết các vấn đề biên giới, lãnh thổ.
Từ năm 2002 đến nay, Việt Nam và Trung Quốc đã lần lượt tổ chức các hội thảo về nguyên nhân, bài học kinh nghiệm từ sự tan rã của Liên Xô và các nước Đông Âu (2002), về CNXH và kinh tế thị trường- kinh nghiệm của Trung Quốc, kinh nghiệm của Việt Nam (10-2003),về xây dựng Đảng cầm quyền (2-2004)....
Trong năm 2002-2006, tiếp tục truyền thống gặp gỡ thường xuyên, đã diễn ra những cuộc viếng thăm quan trọng giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Trung Quốc. Đó là sự kiện TBT, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Giang Trạch Dân thăm hữu nghị chính thức Việt Nam (27-2 đến 1-3-2002) và chuyến thăm hữu nghị Trung Quốc của TBT BCHTƯ ĐCSVN Nông Đức Mạnh (7-4-2003). Tháng 9-2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương tới Trung Quốc. Đặc biệt, 10-2004, Hồ Cẩm Đào đã sang thăm Việt Nam với nhiều cương vị khác nhau: TBT ĐCSTQ, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa, Chủ tịch Quân uỷ Trung ương. Liên tục trong hai năm 2005-2006, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa đã sang thăm Việt Nam hai lần (tháng 11-2005 và tháng 11-2006).
Ngoài ra, với tư cách là thành viên chính thức của tổ chức ASEAN, Việt Nam tích cực ủng hộ Trung Quốc trở thành bên đối thoại chính thức diễn đàn khu vực ARF, tạo điều kiện để Trung Quốc phát triển quan hệ với các nước khu vực. Ngược lại, với địa vị là thành viên có tiếng nói quan trọng trong tổ chức APEC, Trung Quốc cũng tích cực ủng hộ Việt Nam gia nhập tổ chức nói trên, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển không những qua kênh song phương, mà còn qua kênh đa phương. Đây là nội dung mới trong sự hợp tác Việt Nam - Trung Quốc, mở rộng không gian hợp tác giữa hai nước.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được đặt trong bối cảnh hai nước thực hiện chính sách đối ngoại cởi mở, đa dạng hóa và đa phương hóa. Mối quan hệ đa phương của mỗi nước tạo thêm điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ song phương lồng trong xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa. Đây cũng là nét đặc thù trong quan hệ giữa hai nước.
Sau nhiều thăng trầm, hiện nay, về mặt hình thức, hai bên cơ bản đã đi tới đồng thuận về các nguyên tắc lớn trong quan hệ song phương  - láng giềng thân thiện, hữu nghị, dựa trên 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; giải quyết những vấn đề tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình; quan hệ hai nước không nhằm vào nước thứ ba và cũng không làm ảnh hưởng đến quan hệ mỗi nước với các nước khác. Những nguyên tắc đó là cơ sở cho việc hợp tác giữa hai nước từ sau bình thường hóa và được xác định là nguyên tắc chung để xử lý quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thế kỷ XXI.
Sau những năm dài quan hệ Việt Nam - Trung Quốc ở tình trạng đối đầu, hơn 15 năm qua (1991-2006), với sự cố gắng của hai Đảng, hai Nhà nước, quan hệ giữa hai nước đã có bước chuyển nhất định. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, quan hệ chính trị Việt - Trung vẫn gặp phải một số những khó khăn, thách thức không nhỏ. Khắc phục những khó khăn, thách thức đó sẽ tạo ra những xung lực mới cho sự phát triển của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
2. Những thách thức chủ yếu
Sau khi Việt Nam, Trung Quốc bình thường hóa quan hệ, với sự cố gắng từ hai phía, về cơ bản, hai nước đã giải quyết được hai trong ba vấn đề biên giới, lãnh thổ (biên giới đất liền, vấn đề Vịnh Bắc Bộ). Vấn đề nổi cộm nhất hiện nay chính là vấn đề thứ ba: Tranh chấp trên biển Đông, liên quan đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Với tầm quan trọng của biển Đông, Trung Quốc coi đây là "không gian sinh tồn" với ý định rõ ràng là phải sở hữu bằng được các quyền lợi sống còn của biển Đông, mở rộng cương vực sinh tồn, tạo thêm sức mạnh trong cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong các tranh chấp trên biển Đông, Trung Quốc luôn có các hành động khó lường và yêu sách lấn dần không định rõ. Nói cách khác, chiến lược của Trung Quốc dường như đồng thời: Củng cố khả năng hải quân, mở rộng khả năng hiện diện hiện thực, từ đó hợp thức hóa việc chiếm đóng, thu hút các công ty dầu lửa phương Tây đến thăm dò các vùng tranh chấp.
Đối với Hoàng Sa, Trung Quốc coi như mọi sự đã an bài -điều này được thể hiện rất rõ. Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc chỉ nhắc đến tranh chấp Trường Sa, còn Hoàng Sa thì không hề đả động đến và cho xây cất nhiều công trình để củng cố sự chiếm hữu của mình.
Với quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đang chiếm giữ một số đảo, mà với thời gian nếu như không có sự phản đối từ phía quốc gia có đảo bị chiếm giữ và nếu có sự thừa nhận của các quốc gia thứ ba, thì Trung Quốc càng có căn cứ để khẳng định chủ quyền; thậm chí, hiện nay Trung Quốc còn đang chuẩn bị đưa cả đảo Bạch Long Vĩ của Việt Nam vào diện tranh chấp (?). Tình hình tranh chấp phức tạp trên biển Đông khiến cho dư luận quốc tế và khu vực lo ngại, bởi "nếu không hành động, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục nuốt dần từng quốc gia Đông Nam Á"[1] và vì bất kỳ diễn biến có tính chất thù địch nào trên biển Nam Trung Hoa sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình và sự ổn định trong khu vực. Các lấn chiếm của Trung Quốc trên biển Đông trong thời gian qua và cả hiện tại không những sẽ hạn chế khả năng, triển vọng kinh tế của Việt Nam, mà còn làm cho Việt Nam rất dễ bị sức ép của Trung Quốc về phương diện quân sự. Trung Quốc không do dự khi tạo ra những cuộc chiến cỡ nhỏ trong vùng, thực hiện kế hoạch "vết dầu loang" để đạt mục tiêu. Chiến lược biển Đông của Trung Quốc với chính sách tăng cường ảnh hưởng, chiếm lĩnh những vị trí quan trọng về kinh tế, quân sự trên biển Đông là nhất quán. Mục tiêu lâu dài của Trung Quốc là hướng ra biển Đông và trở thành một đế chế biển rộng lớn.
Tất nhiên, đối với các tranh chấp biển Đông, Việt Nam không thể và không bao giờ từ bỏ chủ quyền đối với lãnh hải và thềm lục địa; do vậy, tranh chấp biển Đông là một vấn đề hết sức phức tạp. Xuất phát từ sự chênh lệch quá lớn về các chỉ số so sánh giữa Việt Nam và Trung Quốc, đây là trở ngại lớn nhất, khó giải quyết nhất trong quan hệ hai nước trong những năm qua và cả hiện tại. Xoay quanh những bất đồng trong vấn đề biển Đông, hai nước đã không ít lần có những đụng độ vũ trang. Thực tiễn cũng cho thấy, việc giải quyết vấn đề tranh chấp biển Đông giữa hai bên trong thời gian qua còn chậm. Các cuộc đàm phán đã được tổ chức chưa bao gồm hết các khu vực tranh chấp giữa hai nước. Lác đác vẫn xảy ra những sự kiện không bình thường trên biển.
Về phía Việt Nam, trong các tranh chấp, Việt Nam cố gắng nỗ lực để tiến tới giải pháp cuối cùng cho vấn đề biển Đông. Việt Nam mong muốn tất cả các bên hữu quan cần thể hiện sự mềm dẻo và nhân nhượng, xây dựng lòng tin và hợp tác. Sự hợp tác có thể bao gồm những vấn đề như: Hợp tác để gạt bỏ bất đồng và cùng phát triển; hợp tác trong nghiên cứu khoa học biển; hợp tác trong các biện pháp xây dựng lòng tin, hợp tác an ninh....
Đối với những tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, các nước ASEAN đặt mục tiêu đưa hai nước vào trong khuôn khổ giải pháp ASEAN để tìm kiếm con đường giải quyết thông qua thương lượng. Một số nước cũng đặt ra giải pháp quốc tế hóa vấn đề Trường Sa, chủ trương liên kết với các nước lớn hợp tác chống lại "sự xâm lấn của Bắc Kinh". Nhưng giải pháp này có thể gây nên những phức tạp mới, bất ổn trong khu vực vốn đã tồn tại nhiều mâu thuẫn, lợi ích chồng chéo.
Phía Trung Quốc cho rằng, thương lượng đa quốc gia là không chính thức, không chấp nhận mô thức giao kèo tập thể (Group Bargaining) của ASEAN, phản đối các tổ chức đa quốc gia được thành lập để quản lý các tài nguyên. Trung Quốc muốn tránh đối đầu với quan điểm tập thể của ASEAN về các tranh chấp - điều có thể xảy ra trong các cuộc đàm phán đa phương và rõ ràng là Trung Quốc đang tránh những quan điểm ngoại giao chính thức - điều sẽ hạn chế phạm vi thao túng của họ. Thay vào đó, Trung Quốc khăng khăng đòi giải quyết song phương với lý do: Vấn đề chủ quyền là phải do hai bên thương lượng. Trung Quốc chỉ ủng hộ các cuộc đàm phán song phương mà họ có thể chiếm ưu thế và với việc khai thác chung song phương - chỉ khi cần thiết.
Trung Quốc đưa ra chủ trương: "Chủ quyền thuộc mình, gác lại tranh cãi, giải quyết hòa bình, cùng nhau khai thác"; tuy nhiên, giải pháp khai thác chung này khó có thể thực hiện được một khi vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết rõ ràng. Hơn nữa, khái niệm "khai thác chung" của Trung Quốc dường như bao gồm cả việc khai thác tại những mỏ dầu, mỏ khí trên thềm lục địa của Việt Nam và sau đó chỉ có chủ quyền của Trung Quốc là được công nhận. Thực ra, ý tưởng "khai thác chung" của Trung Quốc như là một sự tham gia của Việt Nam trong việc khai thác những gì được coi là tài nguyên của mình, trái ngược với hình thức khai thác chung truyền thống, trái ngược với khái niệm "khai thác chung" thông thường - đó là việc cùng đóng góp các quyền đối với các tài nguyên trong các vùng tranh chấp.
Có vẻ như Trung Quốc đã phát triển một chính sách ba không để giải quyết vấn đề quần đảo Trường Sa: Không định rõ yêu sách; không đàm phán nhiều bên; không quốc tế hóa vấn đề, bao gồm cả không có sự tham gia của các cường quốc ngoài khu vực. Qua những hành động đó của Trung Quốc, một câu hỏi được đặt ra: "Liệu có phải Trung Quốc đang tìm cách viết nên luật lệ của chính mình cho trật tự thế giới, thay bằng việc chấp nhận các nguyên tắc đang tồn tại?".
 Vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa không chỉ là vấn đề giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc, mà còn liên quan tới các nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực như: Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan, Indonesia. Sự phức tạp trong những vấn đề liên quan tới biển Đông là một chuỗi những mối quan hệ chồng chéo, không chỉ bao gồm lịch sử, lợi ích chiến lược, vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, mà còn là trung tâm của các hoạt động trên biển, địa bàn tranh chấp giữa các nước lớn trong và ngoài khu vực. Thực tế này cho thấy, đây là một trong những vấn đề vô cùng phức tạp, không phải một sớm, một chiều mà giải quyết ngay được, nhưng cần nỗ lực tìm ra phương hướng giải quyết từ các bên có liên quan.
Nguyên tắc để giải quyết vấn đề là với tinh thần "dễ trước, khó sau", Trung Quốc và Việt Nam cần tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng cùng triển khai hợp tác thích hợp; không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình hoặc mở rộng tranh chấp; không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên cần kịp thời bàn bạc, giải quyết thỏa đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh, xây dựng, thông qua đàm phán hòa bình trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau và trên cơ sở Luật pháp quốc tế, Công ước luật biển 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản mà hai bên có thể chấp nhận được. Ngoài những biện pháp mang tính tình thế, hai bên cần có kế hoạch, đề ra và thực hiện những biện pháp mang tính lâu dài, căn bản để giải quyết tốt vấn đề này. Và như vậy, yêu cầu cấp thiết trước mắt là cần sử dụng các cơ chế để duy trì đối thoại, trước hết duy trì các cuộc gặp gỡ hàng năm, các cuộc gặp gỡ không chính thức… để giải quyết xung đột.
Trong khi dàn xếp, giải quyết bất đồng với Trung Quốc về vấn đề biển Đông, Việt Nam cần triệt để sử dụng vai trò các tổ chức quốc tế, các diễn đàn an ninh khu vực, quốc tế… đặc biệt cần chú trọng tới vai trò của ASEAN, vì ASEAN được coi là tổ chức khu vực có sức mạnh và vai trò tích cực. Việt Nam cần có các bước đi mạnh mẽ để tham gia các cơ chế hợp tác khu vực vì an ninh và phát triển, phù hợp với khả năng, lợi ích. Việt Nam cũng phải bám sát và tận dụng các cuộc đàm phán đa phương giữa ASEAN với Trung Quốc trong khi chú ý các thương lượng song phương.
Khi xử lý quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc trong vấn đề biển Đông, phải luôn luôn tỉnh táo, cảnh giác, hiểu rõ vai trò và sĩ diện nước lớn của Trung Quốc, không bao giờ để rơi vào cảnh mình là người đối đầu, hoặc đối đầu duy nhất với Trung Quốc, nhưng kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc trên nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Cũng cần nhận thức rằng, đây là vấn đề hết sức khó khăn mà con đường tiến tới mục đích đầy cam go, gian khổ. Chiến lược biển Đông của Trung Quốc sẽ tiếp tục là yếu tố gây cản trở trong quan hệ Việt - Trung, có thể nhiều lúc tình hình vẫn sẽ còn căng thẳng và mất ổn định. Hơn thế nữa, thực tiễn chính sách quân sự và ngoại giao của Trung Quốc trong những thập niên vừa qua không cho phép ảo tưởng về triển vọng một giải pháp dứt điểm cho các tranh chấp, mà hơn nữa là còn dựa trên luật pháp quốc tế và thực tiễn lịch sử, để đảm bảo tính công bằng, hợp lý.
Cùng với tranh chấp biển Đông, một vấn đề khác cũng luôn nổi cộm trong quan hệ hai nước ở hiện tại là vùng đánh cá chung. Khi ký Hiệp định hợp tác nghề cá, Việt Nam đã đồng ý với thời hạn của vùng đánh cá chung hơi dài (12-15 năm). Trung Quốc sẽ triệt để sử dụng kẽ hở về thời gian này để khai thác và tạo cớ khi cần. Mặt khác, tàu thuyền đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy sản của Việt Nam nhỏ, phương tiện đánh bắt thô sơ hơn, phần thua thiệt đã rõ. Tình hình chỉ còn có thể cải thiện bằng cách phải vươn lên một cách nhanh chóng, ngang tầm với Trung Quốc một cách đúng luật (tuy điều này là rất khó), nếu không muốn thua thiệt hơn nữa; đồng thời, việc thăm dò, khai thác tài nguyên trong lãnh hải thuộc chủ quyền đã phân định của Việt Nam trong vịnh Bắc Bộ cần luôn cảnh giác, đề phòng với mọi khả năng có thể xảy ra và sẵn sàng ứng phó cao độ.
Sau tranh chấp biển Đông, vấn đề người Hoa là một thách thức không nhỏ đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Trung Quốc có chủ trương sử dụng Hoa kiều ở nước ngoài để thực hiện đường lối chính trị trong nước, mở rộng ảnh hưởng cũng như thực hiện một số mục đích khác. Tư tưởng chủ đạo về người Hoa ở nước ngoài của Trung Quốc là "ở đâu có Hoa kiều, thì đó là đất nước Trung Quốc". Ở Việt Nam hiện có gần 2 triệu người Hoa sinh sống và chính sách của Trung Quốc với Hoa kiều ở Việt Nam cũng không nằm ngoài chủ trương ấy. Vấn đề người Hoa không chỉ liên quan đến cộng đồng người Hoa ở Việt Nam, mà còn liên quan đến số phận những người Hoa đã rời Việt Nam sang Trung Quốc cuối thập niên 70 (XX). Trung Quốc không thôi nuôi ý định và duy trì mục đích đưa những người Hoa này trở lại Việt Nam, còn Việt Nam kiên quyết phản đối, cho rằng, số người này đã định cư, đã hòa nhập xã hội Trung Quốc, và vì thế, việc hồi hương sẽ làm xáo trộn cuộc sống của họ. Hơn nữa, Việt Nam không thể đón nhận một số lượng lớn người Hoa, ước tính tới 280.000 người. Đây sẽ là gánh nặng cho nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng không thể không tính đến vấn đề an ninh khi đón nhận người Hoa trở lại. Đối với việc Trung Quốc muốn đưa trở lại Việt Nam những người Hoa đã ra đi, cần kiên quyết khước từ, nhưng giữ thái độ mềm dẻo. Việc tiếp nhận lại số người Hoa này thực sự sẽ gây cho Việt Nam nhiều phiền phức, bất cập. Việt Nam cần kiên trì bảo vệ lập trường của mình. Mọi vấn đề đều phải được giải quyết phù hợp với thực tiễn, luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Với vấn đề Hoa kiều, Đảng và Nhà nước Việt Nam cần có chính sách đúng đắn, nhằm phát huy năng lực, thúc đẩy họ tham gia vào sự nghiệp phát triển đất nước, hạn chế những tiêu cực. Cần nhìn thấy rằng, ngoài một số nguy cơ tiềm ẩn từ phía Hoa kiều, đại đa số những người Hoa đang làm ăn, sinh sống ở Việt Nam đều gắn bó với lợi ích của Việt Nam, nếu biết khai thác, lực lượng này có thể đóng góp một vai trò tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Về mặt này, hoàn toàn có thể tham khảo, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nhiều nước Đông Nam Á khác.
3. Kết luận
Với những điều vừa trình bày ở trên, cần nhận thức rằng, bên cạnh một số thành tựu đã đạt được trong quan hệ chính trị giữa Việt Nam – Trung Quốc, quan hệ hai nước vẫn đứng trước những thách thức không nhỏ và một số vấn đề nổi cộm hiện nay trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ không dừng lại ở trạng thái hiện nay, mà sẽ còn được tiếp tục đẩy tới, vì Trung Quốc là nước lớn, nước mạnh, sẽ còn hùng mạnh hơn nữa và còn bởi Trung Quốc cho rằng, tình thế hiện tại đang rất thuận lợi cho việc Trung Quốc có thể thực hiện chính sách của mình mà chỉ gặp phải phản ứng quốc tế ở mức thấp nhất.
Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục kế thừa và phát triển đường lối đối ngoại của các đại hội Đảng trước với dòng chủ đạo: Hoà bình, phát triển, chung sống hữu nghị với các nước láng giềng. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của Việt Nam và các nước châu Á khác. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là điều Trung Quốc tuyên bố và thực tế có luôn trùng lặp? Sống bên cạnh một nước láng giềng ngày càng hùng mạnh lên cũng luôn là một thử thách không nhỏ đối với Việt Nam. Thực tiễn cũng cho thấy, trong thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh, Trung Quốc đang trở thành một cường quốc ở châu Á và sự lớn mạnh của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn quân sự sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu cũng như an ninh trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương những năm tới. Việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự[2] thực sự là một thách thức đối với Việt Nam và các nước trong khu vực. Sở dĩ các nước trong khu vực và Việt Nam quan tâm tới sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự của Trung Quốc là bởi đều băn khoăn, e ngại Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh đó như thế nào trong tương lai. Một câu hỏi thường trực mà các nước láng giềng của Trung Quốc luôn đặt ra:  Liệu rồi Trung Quốc có trở thành một cường quốc ôn hòa, hành động có trách nhiệm trong khu vực, hay trở thành mối đe dọa cho tương lai? Rõ ràng, câu trả lời còn ở phía trước. Song, trong tình huống nào, thì vấn đề tìm một chính sách thích hợp trong quan hệ với với Trung Quốc cũng là cần thiết. Chính sách này không thể bỏ qua nguyên tắc vừa hợp tác, vừa không ngừng nâng cao cảnh giác.
Cần nhận thức rằng, để vượt qua những thách thức, các nước nhỏ như Việt Nam  luôn phải chủ động tìm biện pháp thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, vì với vị thế là một nước lớn, Trung Quốc có ưu tiên hàng đầu cho ngoại giao với các nước lớn; hơn nữa, Trung Quốc là cường quốc, bận tâm với các vấn đề của cường quốc. Mối quan hệ với các nước láng giềng nhỏ chưa được quan tâm đúng mức. Điều này lý giải phần nào về việc mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc tuy tiến triển, nhưng còn nhiều tồn tại, nhiều điểm bất lợi cho phía Việt Nam. Cần đặc biệt chú ý rằng, đối sách của Việt Nam với Trung Quốc phải hết sức uyển chuyển, mềm dẻo, hiểu rõ sức mạnh nước lớn của họ, nhưng không vì thế mà lùi bước trước sức ép một cách bị động. Việt Nam sẽ không bị chi phối và kiềm tỏa, nếu tranh thủ được hậu thuẫn quốc tế, bởi ở thời điểm hiện tại, mối tương quan quốc tế rất quan trọng và cộng đồng thế giới có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của mỗi quốc gia. Việt Nam hiện nay đang là thành viên của cộng đồng quốc tế, có vị thế tốt trên thế giới, được sự ủng hộ của nhiều tổ chức toàn cầu (IMF, WB, UNDP, APEC..) và đây là một đảm bảo an ninh tốt cho Việt Nam.
Cuối cùng, lợi ích quốc gia dân tộc được đảm bảo ở mức độ nào, tùy thuộc vào đất nước mạnh hay yếu; thành công hay hạn chế trong quan hệ giữa các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào thực lực mỗi nước, "thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn"[3]. cần phải tìm ra con đường ngắn nhất, thực tế nhất, hiệu quả nhất để xây dựng và phát triển đất nước. Có như thế, vị thế của dân tộc Việt Nam mới được khẳng định trên trường quốc tế, tạo điều kiện để phát triển quan hệ hòa bình, hữu nghị, bình đẳng với Trung Quốc.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC


[1]Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, "Trung Quốc gặm dần, ASEAN chần chừ", Thông tin công tác tư tưởng, số 2 (1995), tr. 27.
[2] Theo các chỉ số của Ngân hàng Thế giới (năm 2004), thu nhập quốc gia của Trung Quốc là 1.9 nghìn tỷ USD, trong khi sản lượng quốc gia của các nước ASEAN gộp lại chỉ có 796.4 tỷ. Chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc là 81 tỷ USD, trong khi các nước ASEAN chỉ có 11.2 tỷ.
[3] Hồ Chí Minh toàn tập (1995), Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!