Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

QUAN HỆ VIỆT NAM - LIÊN BANG NGA TRONG KHUNG CẢNH HỢP TÁC NGA - ASEAN


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
1. Khởi sắc hợp tác Nga - ASEAN
Bước sang thế kỷ XXI, với hàng loạt ưu thế vượt trội[1], Đông Nam Á trở thành  trung tâm của các quá trình hội nhập trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, là điểm đến hấp dẫn của các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Sau một giấc “ngủ đông” dài, nước Nga nhanh chóng phục hồi, từng bước vững chắc trở lại địa vị cường quốc, nhanh chóng nắm bắt lấy Đông Nam Á - “vùng đệm” quan trọng trong chiến lược kiềm chế lẫn nhau, lan tỏa ảnh hưởng giữa các nước lớn ở châu Á – Thái Bình Dương. Với hai thế mạnh vượt trội: Có nguồn năng lượng lớn nhất thế giới[2] và khoa học - kỹ thuật quân sự phát triển[3], Liên bang Nga có đầy đủ điều kiện cũng như ưu thế trên con đường ghi dấu sự hiện diện ở Đông Nam Á. 

Từ cuối những năm 90 của thế kỷ XX, hợp tác Nga - ASEAN đã được khởi động, nhưng năm 2004 mới là điểm mốc thực sự đánh dấu sự trở lại của nước Nga ở khu vực qua sự kiện chính thức tham gia Hiệp ước hợp tác hữu nghị  ASEAN. Sau hai Hội nghị Thượng đỉnh Nga - ASEAN (Kuala Lumpur, 2005; Hà Nội, 2010), nước Nga góp mặt vào hầu hết các hoạt động chính trị, đối thoại an ninh và các hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, chú trọng thảo luận những vấn đề về thiết lập trật tự thế giới đa cực, về kiến ​​trúc an ninh khu vực, về an ninh năng lượng, an ninh môi trường…. Bắt đầu sự trở lại Đông Nam Á từ lĩnh vực chính trị - ngoại giao, Liên bang Nga tập trung  phát triển những lĩnh vực hợp tác trọng điểm, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các nước khối ASEAN về an ninh – quốc phòng và năng lượng.
Với chiến lược tập trung cho các lĩnh vực hợp tác thế mạnh, mũi nhọn, hợp tác năng lượng là điểm sáng của toàn bộ tiến trình hợp tác Nga - ASEAN giai đoạn 2005-2015 trên hai hướng chính: 1- Cung cấp nhiên liệu cho các nước ASEAN; 2- Hợp tác khai thác dầu mỏ, khí đốt, than đá và chuyển giao công nghệ phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng điện… Là nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu dầu mỏ (xuất siêu)[4], với những phân tích kinh tế nhạy bén, Liên bang Nga đã “bắt đúng mạch”, nắm đúng “yết hầu” kinh tế các nước ASEAN – năng lượng là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định sự tăng trưởng kinh tế. Trong “Chiến lược năng lượng của Cộng hòa Liên bang Nga đến năm 2030”, năng lượng xuất khẩu sang ASEAN vào năm 2030 sẽ chiếm khoảng 26-27% tổng xuất khẩu năng lượng của nước Nga[5]. Hợp tác năng lượng được ví như “động cơ chuyển dịch quan hệ Nga – ASEAN từ điểm chết đến quan hệ đối tác chiến lược”[6]. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở thuyết phục, bởi để giải quyết sự phụ thuộc chặt chẽ vào thị trường năng lượng toàn cầu dưới sự chi phối của Tổ chức OPEC[7] và một số “ông Trùm” dầu khí, ngoài việc tích cực nhập khẩu dầu mỏ - thứ tài nguyên sẵn có từ nước Nga, các nước ASEAN có khả năng sẽ tìm tới hai cứu cánh: Một là, năng lượng hạt nhân – lĩnh vực thế mạnh của nước Nga, nơi không thiếu các nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm; hai là, xây dựng các nhà máy nhiệt, thủy điện - lĩnh vực mà các chuyên gia Nga có những ưu thế vượt trội trong thăm dò địa chất, xây dựng đường ống dẫn khí đốt, xây dựng đường dây tải điện… Thị trường năng lượng nói chung, năng lượng hạt nhân Đông Nam Á nói riêng khá rộng mở đối với nước Nga.
Một lĩnh vực hợp tác ghi đậm dấu ấn, đã có rất nhiều thành công và còn đầy tiềm năng phát triển ở phía trước của Liên bang Nga với ASEAN là hợp tác kỹ thuật - quân sự. Từ năm 2001 đến năm 2006 là khoảng thời gian làn sóng vũ khí Nga lần thứ nhất tràn vào Đông Nam Á mạnh mẽ. Trong hai năm 2001-2002, Malaysia mua của Nga hệ thống tên lửa chống tăng “Metis-M”, ký kết hợp đồng mua vũ khí trị giá lên tới 48 tỷ USD; Myanmar nhập của Nga 14 máy bay chiến đấu MiG-29[8]. Trong năm 2003, Nga đã ký hợp đồng cung cấp vũ khí cùng lúc cho ba quốc gia “có máu mặt” ở Đông Nam Á là Việt Nam, Indonesia, Malaysia với tổng số tiền hơn 1,6 tỷ USD, nhiều hơn tổng số tiền các hợp đồng vũ khí trong cùng kỳ với Ấn Độ và Trung Quốc – những quốc gia vốn được coi là những đối tác chiến lược hàng đầu của Nga trên thị trường vũ khí[9]Ngay cả một số nước như Brunei, Singapore, Bangladesh trước đây chỉ nhập khẩu vũ khí từ Anh, Pháp và Mỹ cũng đã chuyển sang lựa chọn vũ khí của Nga, còn Myanmar, Thailand đã và đang tích cực tìm kiếm và bắt đầu hợp tác kỹ thuật quân sự với Liên bang Nga. Làn sóng vũ khí lần thứ hai của Nga ở Đông Nam Á bắt đầu từ năm 2007. Trên nền tảng giá thành hợp lý và các điều kiện hợp đồng linh hoạt, nhằm mở rộng thị trường bán vũ khí ở Đông Nam Á, củng cố chặt chẽ quan hệ chính trị - an ninh với các nước ASEAN, dọn đường cho việc hoàn thành mục tiêu đóng vai trò chi phối ở khu vực, Liên bang Nga đẩy mạnh ký kết hợp đồng mua bán vũ khí, khí tài với nhóm nước đối tác truyền thống (Việt Nam, Malaysia, Indonesia), nhóm nước đối tác giầu tiềm năng (Brunei, Myanma, Thailand) và thúc đẩy hợp tác với nhóm nước triển vọng (Singapore, BangladeshPhilippines). Hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với các nước Đông Nam Á có đặc điểm: 1- Giá trị các hợp đồng lớn; 2- Vũ khí được các quốc gia Đông Nam Á đặt mua có tính năng, tác dụng rất hiện đại (máy bay tiêm kích tàng hình Su-27SK và Su-30MK2, hộ tống hạm Gepard, tàu ngầm lớp Kilo…); 3- Mở rộng phạm vi hợp tác cả về không gian địa lý lẫn nội dung hợp tác. Ở thời điểm hiện tại, “vũ khí Nga là mặt hàng "nóng" trong các thị trường Đông Nam Á[10].
Một điểm đặc biệt trong hợp tác Nga – ASEAN là hợp tác vận tải hàng không, chinh phục vũ trụ. Nắm bắt đặc điểm phát triển nhanh chóng của thị trường hàng không Đông Nam Á[11], năm 2010, Liên bang Nga ký ba hợp đồng[12] cung cấp máy bay cho Indonesia, Malaysia, Lào với tổng trị giá hơn 4 tỷ USD[13]. Nga đã có các hợp đồng phóng vệ tinh viễn thám, vệ tinh viễn thông vào vũ trụ với Indonesia (Tiung SAT-1, 2000; MEASAT-3, 2006), đào tạo cán bộ kỹ thuật ngành vũ trụ với Việt Nam; đưa các nhà du hành lên vũ trụ với Malaysia (2006)…
 Bên cạnh đó, hợp tác kinh tế - thương mại của Liên bang Nga với các nước ASEAN còn một số hạn chế nhất định – còn khá khiêm tốn, dù năm 2010, thương mại của Nga với ASEAN đã có bước tăng đáng kể, đạt 12,5 tỷ USD (chiếm 1,8 tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga[14]) so với năm 2009 là 6,8 tỷ USD[15] (không vượt quá 0,5% thương mại của các nước thành viên[16], dù trong khoảng thời gian này Nga là nước xuất khẩu đứng thứ 7 trên thế giới, còn nếu so sánh với xuất khẩu thương mại vào ASEAN trong cùng năm của Trung Quốc là 178 tỷ USD[17], thì thương mại Nga - ASEAN quả nhỏ bé). Dòng vốn đầu tư trực tiếp của Nga tại khu vực Đông Nam Á những năm 2007-2009 cũng không chiếm ưu thế trong quan tâm đầu tư, chỉ đạt 270,6 triệu USD[18], tương đương 0,2% toàn bộ FDI của Nga ở nước ngoài[19]. Trong phần lớn những sân chơi của các nước ASEAN, các doanh nghiệp Nga mới chỉ là những đấu thủ non trẻ[20]Dù còn cần nỗ lực khắc phục sự chênh lệch trong tương quan hợp tác giữa hai lĩnh vực chính trị - an ninh và kinh tế - thương mại, song sự khởi sắc trong hợp tác Nga – ASEAN là mảnh đất mầu mỡ cho quan hệ song phương của Nga với các quốc gia ASEAN phát triển mạnh mẽ.
2. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga
Yêu cầu củng cố, làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác chiến lược, đối tác tin cậy với Việt Nam thể hiện trong Sắc lệnh "Về các biện pháp thực hiện chính sách đối ngoại" do Tổng thống V.Putin ký trong ngày tuyên thệ nhậm chức (7-5-2012) nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt từ phía Việt Nam. Trong chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2012), quan hệ đối tác chiến lược được hai nước nhất trí nâng lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Hợp tác năng lượng giữa Việt Nam và Liên bang Nga là một trong những lĩnh vực hợp tác “xương sống”. Liên doanh dầu khí Vietsovpetro (thành lập năm 1980) trở thành biểu tượng hữu nghị giữa hai đất nước không chỉ bởi sự tồn lại lâu đời của nó, mà còn bởi hiệu quả kinh tế: Trong hơn 30 năm hoạt động, Vietsovpetro khai thác gần 200 triệu tấn dầu mỏ, chiếm gần 60% tổng sản lượng dầu mỏ, gần 100% tổng sản lượng khí đốt do Việt Nam khai thác, trở thành lá cờ đầu của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, lọt vào Top 10 công ty khai thác dầu khí hiệu quả cao nhất thế giới[21]. Hàng năm, Vietsovpetro đóng góp cho ngân sách Liên bang Nga 8 tỷ USD[22]. Với sự khởi đầu tốt đẹp và thực tiễn hoạt động thành công, Việt Nam và Liên bang Nga mở rộng hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam và Liên bang Nga, tiến tới các nước thứ ba. Tại Việt Nam, bên cạnh Gazprom và Zarubezhneft, các Tập đoàn dầu khí hàng đầu của Nga như Lukoil và TNK-BP đã bắt đầu triển khai các dự án dầu khí tại thềm lục địa. Tại Nga, Liên doanh Rusvietpetro đã đón dòng dầu đầu tiên ở mỏ Bắc Khosedaiu (9-2010); mỏ Visovoje (7-2011); mỏ Tây Khosedai (7-2012). Năm 2012, sản lượng khai thác của Rusvietpetro tăng lên hơn 2 triệu tấn và sẽ đạt mức 5 - 5,5 triệu tấn/năm vào năm 2018[23]. Hợp tác trên lĩnh vực điện hạt nhân là bước đột phá lớn với việc hai nước ký Hiệp định liên Chính phủ về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam (10-2010). Trong chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2012), phía Nga hứa sẽ cung cấp cho Việt Nam 10 tỷ USD tín dụng, trong đó “khoảng 8 tỷ dollar tín dụng sẽ được chi cho công trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam”[24].
Trong bối cảnh khu vực có những biến động phức tạp, Việt Nam tăng cường chi phí quốc phòng, hiện đại hóa quân đội và đối tác ưu tiên số một trong hợp tác kỹ thuật -quân sự được lựa chọn tất yếu là Liên bang Nga. Những năm 2002-2007, Việt Nam đặt mua của Nga một số loại vũ khí tối tân, hiện đại: Tầu tuần tra ven biển Svetlyak Project 10.412, tổ hợp tên lửa S-300PMU1, tàu khu trục Gepard-3.9 Project 11.661; hệ thống rada phòng không tự động... Ngoài mua mới, Việt Nam còn ký kết hợp đồng nâng cấp hệ thống S-125M, phiên bản "Pechora-2M", đào tạo lực lượng vận hành… Tuy nhiên, ở giai đoạn này, các hợp đồng mới chỉ có giá trị trên dưới 500 triệu USD. Từ năm 2008, hợp tác kỹ thuật - quân sự Việt – Nga diễn ra sôi động. Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga tại Đông Nam Á và là đối tác lớn thứ ba ở châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ[25]. Trong năm 2008, trị giá các hợp đồng ký kết mua bán vũ khí Việt – Nga lên đến trên 1 tỷ USD. Năm 2009, giá trị mua bán của các hợp đồng tăng vọt - đạt 3 tỷ USD; trong đó, đáng lưu ý là hợp đồng trị giá 2 tỷ USD để mua 6 chiếc tàu ngầm Project 636 lớp "Kilo"[26] – “sát thủ vô hình” dưới biển. Riêng quý I-2010, các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Việt Nam với Liên bang Nga đã vượt quá 1 tỷ USD[27]. Đầu năm 2011, Việt Nam đặt hàng từ Nga 2 tàu khu trục loại "Gepard-3,9" được trang bị hệ thống tên lửa và súng chống máy bay vào loại hiện đại bậc nhất "Palma" và "Sosna-R". Cuối năm, Việt Nam quyết định mua tiếp hai tàu loại tương tự. Điều đáng lưu ý là hợp tác kỹ thuật quân sự Việt – Nga không chỉ dừng lại ở mức độ các hợp đồng mua bán vũ khí, mà tiến mạnh theo chiều sâu, mở rộng nội dung hợp tác. Liên bang Nga hợp tác sản xuất tại Việt Nam phi đạn Uran (SS-N-25 Switchblade) theo một dự án tương tự như việc hợp tác sản xuất loại tên lửa siêu âm BrahMos giữa Nga và Ấn Độ. Việt Nam và Liên bang Nga còn tiến hành đàm phán xây dựng căn cứ dành cho lực lượng tàu ngầm Việt Nam và những cơ sở hạ tầng, đội ngũ vận hành tương ứng. Tháng 7-2012, Việt Nam và Liên bang Nga bước đầu thỏa thuận về một hợp đồng sửa chữa, tân trang Cảng Cam Ranh trị giá 220 triệu USD.
3. Quan hệ hợp tác đan xen và thúc đẩy Việt Nam – Liên bang Nga – ASEAN: Thuận lợi và thách thức
Việt Nam là quốc gia vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời với nước Nga, có vai trò ngày càng cao trong khối ASEAN, có vị trí địa – chính trị, địa – kinh tế quan trọng ở Đông Nam Á, có khả năng kiểm soát các tuyến đường hàng hải và hàng không huyết mạch đi qua khu vực biển Đông. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương và tiểu khu vực Đông Nam Á ngày càng làm tăng vị thế địa - chính trị của Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, trong từng bước trở lại Đông Nam Á, Liên bang Nga xem Việt Nam là một mặt xích quan trọng đáp ứng yêu cầu bảo đảm các quyền lợi an ninh, kinh tế, hàng hải có ý nghĩa chiến lược và tăng cường hợp tác với ASEAN, chọn việc đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam như một trụ cột quan trọng, coi Việt Nam là một trong những đối tác chiến lược chính. Việt Nam trở thành đòn bẩy trong hợp tác Nga – ASEAN, là chất xúc tác trong chính sách lan tỏa ảnh hưởng của Nga tại khu vực.
Về phía Việt Nam, là một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, sau những năm tháng cải cách, đổi mới, Việt Nam đã có những bước phát triển ngoạn mục, song hiện đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên những vấn đề “nóng” như nguy cơ tụt hậu ngày càng cao, nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, nạn tham nhũng trầm trọng, vấn đề dân chủ, vấn đề biển Đông… Trước những biến động trong tình hình thế giới, khu vực và những vấn đề của chính mình, Việt Nam cần bạn bè, đồng minh, đối tác và không thể đặt mình ra ngoài những vận động, biến đổi tại khu vực. Do vậy, thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện với Liên bang Nga là một trong những hướng đối ngoại quan trọng của Việt Nam.
Quan hệ hợp tác Việt – Nga vừa có nét tương đồng, vừa có những điểm khác biệt so với quan hệ của Nga với các quốc gia Đông Nam Á khác. Đó là những đặc điểm: 1- Hình thành một hành lang pháp lý thông thoáng cho hai nước xúc tiến mạnh mẽ quan hệ hợp tác cùng có lợi với 60 hiệp định, hiệp ước, văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết trên nhiều lĩnh vực[28]; 2- Cả hai nước đều mong muốn và có biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả; 3- Hợp tác an ninh – quốc phòng và năng lượng là những điểm nhấn quan trọng, song hai nước không ngừng mở rộng các lĩnh vực hợp tác khác; 4- Quan hệ hai nước mang tính thực tế cao dựa trên sự nhận thức về vị trí, vai trò của mỗi nước với tư cách là yếu tố tác động và đảm bảo hệ thống lợi ích của từng nước. Như vậy, trong những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga trên phông nền quan hệ Nga - ASEAN ngày càng mở rộng, ngày càng đi vào thực chất, liên tục phát triển, mang tính chất mới, được xây dựng trên cơ sở lợi ích của mỗi nước, của khu vực, khác hẳn về chất so với thời kỳ chiến tranh Lạnh, có giá trị hiện thực và tiềm năng vươn xa.
Hiện nay ở Đông Nam Á đang nổi lên một vấn đề trong quan hệ giữa một số nước; đồng thời cũng là vấn đề của khu vực, ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh, hòa bình, ổn định: Biển Đông dậy sóng. Xung quanh những bất đồng, yêu sách, tranh chấp biển Đông thậm chí đã xảy ra đụng độ vũ trang, va chạm trên biển, lúc căng thẳng, lúc chùng xuống, song mật độ thì có vẻ như ngày càng dày hơn, dù các bên liên quan luôn tuyên bố và kêu gọi kiềm chế, giải quyết thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình. Đông Nam Á còn là nơi cạnh tranh ảnh hưởng của ba nước lớn vốn có mối quan hệ cạnh tranh truyền thống: Nga – Mỹ- Trung; trong đó, nhiều nước ASEAN coi sự hiện diện của Nga ở Đông Nam Á như một đối trọng với Trung Quốc - quốc gia có chiến lược biển được hoạch định khá sớm và kỹ càng.
Vốn giữ thái độ thận trọng và trung lập trong các tranh chấp biển Đông, gần đây nước Nga đã không đứng ngoài cuộc, có những động thái mới, thể hiện “tính thực dụng” trong chính sách đối ngoại. Tháng 4-2012, Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom và Vietsovpetro thỏa thuận về việc Gazprom sẽ tiến hành cùng khai thác khí đốt tại hai lô 5.2 và 5.3 ngoài khơi Việt Nam – nơi mà Bắc Kinh cho là “nằm bên trong hải giới truyền thống” của mình và công ty Anh BP (British Petroleum) phải rút lui dưới áp lực của Trung Quốc. Trong khi Mỹ đang lưỡng lự, chưa rút lui nhưng cũng không có dấu hiệu tiến tới thực hiện dự án Exxon Mobil khai thác dầu tại lô 119 ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam, còn Ấn Độ đang chần chừ xem có nên bước thêm bước nữa trong dự án thăm dò dầu khí ở hai lô 127 và 128, dù dự án được sự ủng hộ của Nhật Bản, thì việc doanh nghiệp Nhà nước Gazprom của Liên bang Nga ký kết hợp đồng khai thác và mạnh dạn tiến vào “vùng cấm” không đơn thuần chỉ là một hợp đồng kinh tế, mà có ý nghĩa lớn hơn – một tuyên ngôn mang tính chính thống/Nhà nước, thể hiện lập trường của Nga đối với vấn đề biển Đông không chỉ hướng tới Trung Quốc, mà còn hướng tới cộng đồng quốc tế. Nếu Nga khai thác dầu khí thành công có nghĩa là Việt Nam có thêm đồng minh trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông - nơi đang nóng lên từng ngày do các xung đột lãnh hải và việc khai thác tài nguyên diễn ra êm thấm là một hình thức xác định/khẳng định chủ quyền trên vùng biển đó. Nếu như tại Hội nghị Thượng đỉnh an ninh châu Á lần thứ 11 (Shangri-La, 6-2012), Nga hầu như không có một phát biểu cụ thể gì về biển Đông, trong khi Mỹ khá mạnh dạn bày tỏ quan điểm, thì tại cuộc gặp thượng đỉnh Việt – Nga (7-2012), vấn đề biển Đông được Nga đề cập đến với thái độ tương đối dứt khoát[29]. Các tuyên bố của nước Nga rất rõ ràng, là cam kết có nguyên tắc của một cường quốc đang từng bước tái can dự trở lại châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á, có nội dung gần gũi với “Nguyên tắc 6 điểm về biển Đông” mà ASEAN đạt được vào tháng 7-2012. Cần nói thêm rằng, quan hệ Nga - Trung tuy được tuyên bố là “quan hệ đối tác chiến lược”, “đạt mức cao nhất chưa từng có”[30], song thực chất là mối quan hệ hết sức lỏng lẻo, đồng thuận và không đồng thuận đan xen, bất đồng nhiều hơn đồng thuận[31] – đó là cũng là điểm cộng của Nga trước những quốc gia Đông Nam Á đang có mâu thuẫn với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đối với vấn đề biển Đông, Nga muốn đóng vai trò trung gian, dành những lợi ích có thể từ mỗi bên tranh chấp, nên dù không phản đối đưa vấn đề ra bàn bạc ở các diễn đàn đa phương, song Nga ủng hộ thương lượng song phương là chủ yếu (trùng với lập trường của Trung Quốc). Có chung hơn 4.000 km biên giới, trước đây cũng như hiện nay, tuy quan hệ Nga – Trung là mối quan hệ phức tạp, rắc rối, song trong bối cạnh toàn cầu hóa, cạnh tranh quyết liệt, Liên bang Nga có nhiều quyền lợi trong hợp tác với Trung Quốc trên các lĩnh vực chính trị[32], kinh tế, quốc phòng[33]. Nhìn chung, trong so sánh với Trung Quốc, Việt Nam và các quốc gia khác ở Đông Nam Á chỉ chiếm một phần nhỏ trong chính sách đối ngoại và chiến lược toàn cầu của Liên bang Nga. Nước Nga sẽ không hy sinh lợi ích của mình vì những mối quan hệ cụ thể, song xây dựng, mở rộng vùng ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương và Đông Nam Á, nước Nga không thể không tính đến các nước vệ tinh trong vòng vận động của bàn cờ địa-chính trị liên quan. Hợp tác Nga - ASEAN, hợp tác Việt – Nga trong vòng xoáy Nga –Trung - ASEAN ở trong thế đan xen thúc đẩy và kiềm chế; vì thế, tạo ra thuận lợi và thách thức, cơ hội và khả năng, đòi hỏi Việt Nam phải có nhận thức mang tính thực tế cao, có cái nhìn tỉnh táo, không để tư duy bạn – thù cứng nhắc chi phối. Cần nhận thức rõ rằng, nền tảng của mọi mối quan hệ là lợi ích, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn, bạn, thù, đồng minh… đều chuyển hóa nhanh chóng trên cơ sở chuyển hóa lợi ích. Nắm bắt, nhận diện những vận động, tương tác, thuận nghịch các quan hệ quốc tế (nhất là quan hệ giữa các nước lớn) trong khu vực và trên thế giới, vận dụng có lợi nhất, biến nguy thành an, vững vàng tồn tại và phát triển là bài toán khó, song cần có lời giải đúng, bởi nó quyết định vận mệnh của quốc gia và dân tộc.

[1] Đông Nam Á có dân số vào khoảng hơn 590 triệu người (10% dân số thế giới), có GDP khoảng 1,491 nghìn tỷ USD (2,5% của GDP toàn cầu), kim ngạch xuất khẩu là 1,521 nghìn tỷ USD, nằm trên tuyến đường biển nối liền các khu vực có tiềm lực kinh tế, chính trị và quân sự như Đông Bắc Á, Ấn Độ, Trung Đông, Australia và nhiều nước thuộc khu vực Thái Bình Dương.
[2] Dầu mỏ của Nga chiếm 13% tổng trữ lượng dầu mỏ và 34% trữ lượng khí đốt thế giới đã được phát hiện, đứng đầu thế giới về xuất khẩu khí đốt, đứng thứ 2 về xuất khẩu dầu mỏ, sản lượng điện chiếm 12% tổng sản lượng điện toàn cầu (NguồnNền kinh tế Liên bang Nga, http://www.apec.org).
[3] Nga sở hữu các vũ khí hiện đại vào bậc nhất nhì trên thế giới như máy bay SU-35, SU-30MK2, máy bay tàng hình Sukhoi T-50, máy bay chiến đấu F35, máy bay tiêm kích MiG-35, tàu ngầm lớp Amur…
[4]Hàng năm nước Nga nhập 380 tỷ USD, xuất 500 tỷ USD dầu mỏ, khí đốt (NguồnViệt Nam và thế giới, 26-7-2012).
[5] Энергетическая стратегия России на период до 2030 г.//Министерство энергеЭнергетическая стратегия России на период до 2030 г.// Министерство энерге-  г.//Министерство энергег.// Министерство энерге-и РФ (утверждена распоряжением Правительства РФ от 13 ноября 2009 г. № 1715-р): офицсайт. URL: http://minenergo.gov.ru/activity/energostrategy/
[6]Усов Илья Викторович: “Отношения России и АСЕАНмодернизация – путь к успеху”, Журнал Проблемы национальной стратегии, № 2 (7) 2011, стр.59.
[7]Tổ chức này đang điều khiển khoảng 70% tổng dự trữ dầu và chiếm khoảng 41% nguồn cung dầu toàn cầu. Lượng dầu xuất khẩu bởi OPEC chiếm 60% tổng lượng thương mại dầu toàn cầu. Tổ chức này dự tính đến 2030 chỉ tăng chưa đến 10% mức xuất khẩu dầu.
[8]Светлана Ключанская, “Военно-техническое сотрудничество России и стран Юго-Восточной Азии в стратегических областях”, Журнал Новый Оборонный Заказ. Стратегии, №3 (20), 6-2012.
[9]Оружейная вертикаль”, Коммерсантъ “Власть”, № 4 (557), 2-2-2004.
[10]Jiang Lin: “Nước Nga hưởng lợi từ các xung đột trên biển Nam Trung Hoa”, http://opinion.huanqiu.com, 7-8-2012.
[11]Theo dự đoán của Boeing Company thì đến năm 2029, vận tải hành khách các hãng hàng không các nước ASEAN tăng trung bình 6,9%/năm, vận tải hành khách nội khối tăng khoảng 8,3%/năm và các nước ASEAN sẽ phải có 2770 chiếc máy bay – nghĩa là mua mới gần 2000 máy bay (so với năm 2009 với 980 chiếc (Nguồn: Current Market Outlook 2010–2029//Boeing: aerospace company website, 2010, p.18. http://www.boeing.com/commercial/cmo/pdf/Boeing_Current_Market_ Outlook_2010_to_2029.pdf).
[12]Đó là hợp đồng với Hãng hàng không Indonesia Kartika Airlines (trị giá 951 triệu USD); Hãng hàng không Malaysia Crecom Burj Resources Ltd (trị giá 3 tỷ USD); Hãng hàng không Lào Phongsavanh Airlines (trị giá 95,1 triệu USD).
[13]Усов Илья Викторович: “Отношения России и АСЕАН: модернизация – путь к успеху”, Там же, с.63.
[14]Тезисы выступления заместителя директора Департамента Азии и Африки Н.Н. Стригуновой “О торгово-экономическом и инвестиционном сотрудничестве России и АСЕАН и о проекте «дорожной карты» торгово-экономических связей Россия–АСЕАН”,13-5-2010, с.3. 
[15]ASEAN Trade by Selected PartnerCountry/Region, 2005−2009//ASEAN: offic. site. URL: http://www. aseansec.org/stat/Table19.xls.
[16]ASEAN Trade by Selected PartnerCountry/Region, 2005−2009//ASEAN: offic. site. URL: http://www. aseansec.org/stat/Table19.xls.
[17]Усов Илья Викторович: “Отношения России и АСЕАН: модернизация – путь к успеху”, Там же, с.56.
[18]Foreign Direct Investment Net Inflow to ASEAN from Selected Partner Countries/Regions (as of 15 July 2010) : Table 26// Association of Southeast Asian Nations: offic. URL: http://www.aseansec.org/stat/Table26.pdf/
[19]Платёжный баланс Российской Федерации//Центральный банк Российской Федерации: офиц. сайт. URL: http://www.cbr.ru/statistics/?Prtid=svs.
[20]Усов Илья Викторович: “Отношения России и АСЕАН: модернизация – путь к успеху”, Там же, с.55.
[21] Đinh Lanh: “Hợp tác dầu khí Việt – Nga đơm hoa, kết trái”, Tin tức – TTXVN, ngày 26-7-2012.
[22] “Зачем России АСЕАН? Журнал Российская Фередация сегодня, №22, 2010г.
[23] Đinh Lanh: “Hợp tác dầu khí Việt – Nga đơm hoa, kết trái”, TLđd.
[24] “Nga cấp cho Việt Nam khoản tín dụng khoảng 10 tỷ dollarTiếng nói nước Nga, 27-7-2012.
[25]Министр обороны обсудит во Вьетнаме военно-техническое сотрудничество, URL: http://army.lv/ru/armiya-vetnama/901/23650.
[26]Việt Nam đã trở thành khách hàng chính mua thiết bị kỹ thuật hải quân của Nga”, Tiếng nói nước Nga, 31-8-2012.
[27]Сердюков обсудит во Вьетнаме двустороннее сотрудничество, URL: http://army.lv/ru/armiya-vetnama/901/23668.
[28]“Quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” Việt Nam – Liên bang Nga”, Tạp chí Cộng sản điện tử, 24-7-2012.
[29] Nga đưa ra tuyên bố với các nội dung: 1- Tăng cường phối hợp nhằm đối phó với các thách thức, nguy cơ mới đe dọa an ninh và phát triển bền vững ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; 2- Các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại không gian Châu Á-Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế hiện hành, nhất là Hiến chương Liên Hợp quốc và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; 3- Ủng hộ việc thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 và tiến tới sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại biển Đông (Nguồn: “Внешняя политика Путина", Мир новостей Best of Hot News, 8-5-2012).
[30] Thông tấn xã Việt Nam: “Quan hệ chiến lược Trung –Mỹ-Nga”, Tài liệu tham khảo đặc biệt, tháng 6-2005.
[31] Năm 2012, Nga đã từ chối bán những loại vũ khí tối tân như máy bay SU-35, tên lửa phòng không S-400, tàu ngầm lớp Amur… cho Trung Quốc, lo ngại Trung Quốc sao chép, xâm phạm bản quyền, lo ngại hệ lụy an ninh lâu dài. Tận dụng đầu tư thương mại trong khối Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), Trung Quốc đã xâm nhập mạnh mẽ, “lấn sân” ở khu vực Trung Á – khu vực với tính chất Á-Âu của nó vốn được Nga coi là địa bàn và sân sau chiến lược đặc biệt quan trọng của mình. Việc mở rộng thương mại và liên kết kinh tế giữa Nga và Trung Quốc, đặc biệt ở khu vực biên giới hai nước dẫn đến làn sóng di dân tự do từ Trung Quốc vào Nga, đưa tổng số lượng người Trung Quốc tại đây lên tới 2 triệu người, trong đó có khoảng 1 triệu người đã định cư ở vùng Viễn Đông – mảnh đất có vị trí địa quân sự quan trọng đối với nước Nga.
[32] Trung Quốc và Nga có chung quan tâm giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran và Bắc Triều Tiên và đều có mục tiêu kiềm chế Mỹ. Hợp tác với Trung Quốc, Nga có điều kiện tham gia vào các quá trình chính trị kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua các liên kết song phương với Bắc Kinh. Trung Quốc còn là đối tác giúp Nga củng cố vị trí trên thế giới trong thế giới đa cực mà cả Trung Quốc và Nga đều mong muốn xây dựng.
[33] Thương mại Nga – Trung tuy hạn hẹp (9,5% kim ngạch), nhưng không ngừng gia tăng (đạt 55,45 tỷ USD vào năm 2010, tăng 43,1% so với năm 2009; năm 2012 đạt 90 tỷ USD). Trung Quốc là đối tác số một của Nga trên thị trường kỹ thuật - quân sự khu vực châu Á – Thái Bình Dương (70% vũ khí mua từ nước ngoài hàng năm của Trung Quốc có xuất xứ từ Nga chiếm 15% tổng khối lượng xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm 2011).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!