Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

LIÊN BANG XÔ- VIẾT VỚI CUỘC XUNG ĐỘT CỤC BỘ ĐẦU TIÊN TRONG CHIẾN TRANH LẠNH




Nguyễn Thị Mai Hoa
Gần 60 năm đã trôi qua, nhưng cho đến hôm nay, chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) vẫn đang là sự kiện lịch sử chứa đựng rất nhiều điều bí ẩn, chưa được giải mã.  Một thời gian dài, những tư liệu đã được công bố về sự kiện lịch sử này hoặc còn sơ lược, hoặc còn mâu thuẫn, thậm chí là trái ngược nhau. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho việc nghiên cứu về cuộc chiến tranh trở nên khó khăn, ít tiến triển. Thời gian qua, Cộng hòa Liên bang Nga và các nước liên quan đã giải mật một số lượng lớn các tài liệu về cuộc chiến tranh này (trong đó có 215 bộ hồ sơ giá trị do Bộ Tổng tham mưu quân đội CHLB Nga cung cấp), nhờ thế, giới nghiên cứu có thêm cơ sở và điều kiện nhìn nhận, đánh giá, luận giải những chiều cạnh khác nhau của cuộc chiến tranh một cách thấu đáo hơn, bao gồm vai trò và quá trình can dự của Liên Xô vào cuộc chiến.

1. Bán đảo Triều Tiên và lợi ích chiến lược của Liên Xô
Tại Hội nghị Ianta (2-1945), Tổng thống Mỹ F.D. Roosevelt đã đề nghị I.V. Stalin đặt Triều Tiên dưới sự đồng bảo trợ của Mỹ và Liên Xô bằng cách thiết lập chế độ ủy trị quốc tế (An International Trusteeship). Theo F.D. Roosevelt, “trong những năm là thuộc địa của Nhật Bản, những nhà lãnh đạo Triều Tiên đã quên mất cách thức điều hành đất nước. Do vậy, sau khi được giải phóng, cần một thời gian nhất định để có thể đào tạo những nhà chính trị đủ khả năng điều hành đất nước một cách văn minh"[1]. Được thuyết phục là Hoa Kỳ không có ý định bố trí quân Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, I.V. Stalin đã ngay lập tức đồng ý với đề nghị này mà không hề yêu cầu F.D. Roosevelt giải thích thêm về quan điểm của phía Mỹ về vấn đề trên. Điều đó phần nào cho thấy đến trước năm 1945, trong chiến lược đối ngoại của mình, Liên Xô chưa có nỗ lực nào nhằm gây ảnh hưởng và thiết lập sự kiểm soát trên bán đảo Triều Tiên. Thực ra, cho đến thời điểm bấy giờ, sự quan tâm của giới lãnh đạo Xô-viết chủ yếu hướng tới việc cân bằng lực lượng cũng như ngăn chặn sự tranh giành quyền hoàn toàn kiểm soát bán đảo này của các cường quốc khác.
Thế nhưng từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ quốc tế diễn ra những thay đổi nhanh chóng mang tính bước ngoặt. Quan hệ đồng minh - “một cuộc hôn phối không có tuần trăng mật”[2] giữa Liên Xô và Mỹ nhanh chóng chuyển sang trạng thái đối đầu quyết liệt. Thế giới bị bao phủ bởi bầu không khí u ám của chiến tranh Lạnh. Trật tự thế giới hai cực với cục diện đối đầu Đông - Tây được thiết lập và trở thành nguyên nhân sâu xa làm bùng phát hàng loạt xung đột cục bộ ở khắp các châu lục. Trong bối cảnh đó, bán đảo Triều Tiên với vị trí địa chiến lược của nó được cả hai chủ thể chủ chốt của trật tự thế giới mới là Liên Xô và Mỹ đặt vào tầm ngắm.
Dựa trên vị trí không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế và vai trò cường quốc ở châu Âu từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô triển khai chính sách đối ngoại đặt trọng tâm vào việc bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng đất nước từ đổ nát của Chiến tranh Vệ quốc, rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển, giữ thế cân bằng chiến lược với Mỹ, đuổi kịp Mỹ trong lĩnh vực kinh tế và khoa học- công nghệ, mở rộng vùng ảnh hưởng; đồng thời, “phát triển tình đoàn kết anh em với các nước dân chủ nhân dân, củng cố toàn diện hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc... hợp tác hữu nghị với các quốc gia độc lập trẻ tuổi, bảo vệ hoà bình”[3]. Nhằm đạt được những mục tiêu trên đây, Liên Xô thực hiện một chính sách đối ngoại khôn ngoan, tránh dính líu trực tiếp vào các cuộc tranh chấp, đối đầu, xung đột. Tuy nhiên, để bảo đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc, Liên Xô luôn cân nhắc kỹ mọi hành động trên bàn cờ chính trị quốc tế. Người ta thấy đằng sau không ít cuộc xung đột quân sự mang tính khu vực ở nhiều nơi trên thế giới sau năm 1945 đều có bóng dáng cường quốc đầu đàn của phe XHCN.
Tuy vùng ảnh hưởng trọng yếu được đặt vào vòng cung Đông Âu, song đối với Liên Xô, bán đảo Triều Tiên lại có giá trị như một vệ tinh quan trọng trong chiến lược mở rộng quỹ đạo, củng cố vành đai an ninh vòng ngoài. Đặc biệt, trong thế đối đầu Xô – Mỹ và trước các bước triển khai chiến lược toàn cầu của Mỹ, thì việc đặt Triều Tiên trong tầm kiểm soát của mình được Liên Xô coi trọng. Trong tính toán của các nhà lãnh đạo Xô-viết, bán đảo Triều Tiên vừa phải trở thành tấm lá chắn chống lại sự "nhòm ngó" từ phía Mỹ, vừa phải trở thành vùng đệm giúp Liên Xô kiểm soát, kiềm chế Nhật Bản – đồng minh quan trọng của Mỹ. Vị trí lá chắn của Triều Tiên càng trở nên quan trọng với bài học lịch sử năm 1930, khi Nhật Bản dùng Triều Tiên làm bàn đạp để đánh chiếm Trung Quốc, đồng thời tiến sâu vào lãnh thổ Liên Xô.
Bên cạnh đó, Bắc Triều Tiên còn quan trọng với Liên Xô bởi đây là mảnh đất rất giàu khoáng sản và các kim loại quý, trong đó có quặng Monazite – một loại quặng có chứa phóng xạ, dùng để chế tạo bom nguyên tử. Theo nhà sử học A.C. Orlov, thì “ngay từ những ngày đầu năm 1945, khi đặt chân đến bán đảo Triều Tiên trong sứ mệnh của những người giải phóng, các quan chức Liên Xô đã phát hiện ra quặng Monazite và những mẫu khoáng sản đầu tiên đã được chuyển về Liên Xô để phân tích"[4]. Vào tháng 3-1949, Đại sứ Liên Xô tại Bình Nhưỡng T.F. Shtyukov đã hối thúc I.V. Stalin "nhanh chóng đưa ra những biện pháp để tăng tối đa số lượng khai thác các khoáng sản quý ở Triều Tiên, nhất là Tantalum, Niobium và đặc biệt là Monazite"[5]. Ngay lập tức, tuyến đường sắt từ thành phố Primorye đến ga Honio, Bắc Triều Tiên, dưới sự giúp đỡ của Liên Xô (thực chất là Liên Xô đầu tư) đã nhanh chóng được khởi công và hoàn thành trong một thời gian ngắn, tạo điều kiện thuận lợi cho những chuyến tầu hàng từ CHDCND Triều Tiên về tới Liên Xô. Một đất nước Xô-viết đang khôi phục kinh tế sau chiến tranh, đặt mục tiêu đuổi kịp và vượt Mỹ trên hàng loạt các chỉ số kinh tế, việc có một nguồn tài nguyên với những điều kiện khai thác có lợi là một lợi thế so sánh không thể bỏ qua. Không chỉ có vậy, trong cuộc chạy đua chiếm ưu thế về vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên với quặng Monazite  là một cơ hội mà Liên Xô nhất định phải nắm lấy.
Dưới tác động của Mỹ, tháng 8-1948, Nam Triều Tiên tuyên bố thành lập Đại hàn Dân quốc, dưới ảnh hưởng của Liên Xô, tháng 9-1948, Bắc Triều Tiên tuyên bố thành lập Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên (CHDCND Triều Tiên), chính thức hình thành cục diện chia cắt bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên trở thành điểm hội tụ những mâu thuẫn lớn của thời đại, nơi chứa đựng và bộc lộ những toan tính của các cường quốc đặt trong không gian chung là cuộc chiến tranh Lạnh. Ngay cả  việc hai miền Nam, Bắc Triều Tiên đều ráo riết chuẩn bị cho công cuộc thống nhất đất nước bằng vũ lực cũng không nằm ngoài những động cơ, những dự liệu, cũng như những kế hoạch ngầm định của các nước lớn.
2. Liên Xô và những thời điểm quan trọng của cuộc chiến tranh
Thời điểm thứ nhất: Chiến tranh bùng nổ.
Ngay sau khi thành lập CHDCND Triều Tiên, Kim Nhật Thành đã nung nấu ý định thống nhất Triều Tiên bằng biện pháp quân sự. Kế hoạch tấn công quân sự của nước này được xây dựng từng bước, bổ sung, hoàn chỉnh và đích thân Kim Nhật Thành nhiều lần tham vấn, nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của I.V. Stalin nhưng không có kết quả. Cuối tháng 5-1950, với sự giúp đỡ của Trung tướng Vasiliev - Trưởng đoàn cố vấn quân sự Liên Xô, CHDCND Triều Tiên đã hoàn chỉnh kế hoạch tấn công Nam Triều Tiên, theo đó CHDCND Triều Tiên sẽ bất ngờ "thực hiện đòn tấn công bằng hai cánh quân bộ binh bao gồm 9 sư đoàn, trên hai hướng Seoul và Hunchhon, kết hợp với các cuộc tấn công của lực lượng du kích và các cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân, dự định sau ba ngày sẽ tiến vào và chiếm giữ  Seoul"[6]. Ngày 30-5-1950, Đại sứ Liên Xô T.F.Shtyucov tại CHDCND Triều Tiên gửi Báo cáo tới I.V. Stalin, khẳng định "kế hoạch của CHDCND Triều Tiên có thể tiến hành đúng như dự kiến"[7]; chuyển yêu cầu viện trợ dầu mỡ, thuốc men của CHDCND Triều Tiên tới I.V. Stalin và đề nghị Moscow nhanh chóng đưa ra quyết định. I.V. Stalin lập tức hồi đáp, hứa rằng, trong điều kiện nhanh nhất có thể, sẽ viện trợ đủ những gì mà CHDCND Triều Tiên đề nghị. Hồi đáp đó của phía Liên Xô "đồng nghĩa với việc Moscow bật đèn xanh cho Kim Nhật Thành tiến hành chiến tranh"[8]. Cũng cần lưu ý thêm rằng, thời điểm mà Moscow lựa chọn ủng hộ quyết định phát động chiến tranh của CHDCND Triều Tiên được tính toán hết sức "khôn ngoan", ít nhất bởi hai lý do: 1). Thế cân bằng vũ khí nguyên tử đã được thiết lập (Liên Xô thử thành công bom nguyên tử ngày 29-8-1949); 2). Hiệp ước hợp tác hữu nghị Xô –Trung đã được ký kết (14-2-1950) mở ra khả năng ủng hộ trực tiếp của Liên Xô với Trung Quốc và gián tiếp với Triều Tiên khi cần thiết[9]. Ngay sau khi Hiệp ước được ký kết, Bộ trưởng Quốc phòng CHDCND Triều Tiên đã lập tức tuyên bố: "Hiệp ước Xô – Trung ký kết đã cho chúng tôi hy vọng vững chắc vào thắng lợi trong cuộc đấu tranh đánh đổ chính quyền Lý Thừa Văn"[10]. Những điều đó cho thấy: Thứ nhất, chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào ngày 25-6-1950 có sự đồng ý ngầm của I.V. Stalin; thứ hai, khi khởi đầu cuộc chiến, CHDCND Triều Tiên đã vững tin vào sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên Xô và niềm tin ấy là một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy CHDCND Triều Tiên phát động chiến tranh, củng cố quyết tâm chiến đấu, hy vọng ở chiến thắng.
Thời điểm thứ hai: Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ) họp bàn về vấn đề Triều Tiên.
Ngay khi chiến tranh Triều Tiên bùng nổ, ngày 25-6 và ngày 27-6-1950, diễn ra hai cuộc họp của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Triều Tiên. Đây là thời điểm quan trọng đối với cả Bắc và Nam Triều Tiên, bởi quyết định của Hội đồng Bảo an sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc Mỹ có đứng về phía Nam Triều Tiên can thiệp vào cuộc chiến tranh hay không? Giáo sư sử học Đại học Tổng hợp Columbus (Mỹ) A.V. Pansov cho rằng, "không có sự ủng hộ của lực lượng quân sự Liên hiệp quốc, Hoa Kỳ không bao giờ liều lĩnh nhảy vào cuộc phiêu liêu quân sự trên đất Triều Tiên"[11]. Theo logic thông thường, kết quả của cuộc họp dường như đã được biết trước, vì với tư cách là một trong năm nước thành viên của Hội đồng Bảo an, Liên Xô nắm giữ quyền phủ quyết – trong trường hợp này, đó là quyền ngăn chặn sự can thiệp quân sự của Mỹ vào bán đảo Triều Tiên. Hay nói cách khác, lá phiếu phủ quyết trong tay Liên Xô như một điểm tựa vững chãi của CHDCND Triều Tiên trước những sóng gió mà Mỹ có thể gây ra. Tuy nhiên, diễn tiến sự việc lại làm cả thế giới kinh ngạc: I.V. Stalin ra lệnh cho Đại diện Liên Xô tại Hội đồng Bảo an LHQ Y.A. Malik tẩy chay cuộc họp với lý do Hội đồng Bảo an không công nhận CHND Trung Hoa là thành viên chính đáng, hợp pháp của tổ chức này. Việc Y.A. Malik rút khỏi hội nghị đồng nghĩa với việc Liên Xô tự đánh mất quyền phủ quyết, tự đánh mất cơ hội đứng ra bảo vệ CHDCND Triều Tiên trước sự trừng phạt của Liên quân LHQ. Quả nhiên, trong cuộc họp ngày 27-8-1950, 53 nước đã bỏ phiếu tán thành quyết định sử dụng lực lượng quân sự của LHQ "bảo vệ" Nam Triều Tiên; quân đội của 15 nước đã ngay tức khắc được tập hợp. Cùng ngày, được lệnh của Tổng thống Mỹ H.S.Truman và dưới sự chỉ huy của Đại tướng D. MacArthur, lực lượng không quân Mỹ đóng tại Nhật Bản đã dội những trận mưa bom vào những khu vực được cho là nơi đồn trú của quân đội CHDCND Triều Tiên. Ở đây, dường như sự việc đã diễn ra không theo một logic bình thường: Tại sao I.V. Stalin không sử dụng quyền phủ quyết tại LHQ? Phải chăng I.V. Stalin không muốn Kim Nhật Thành thống nhất Triều Tiên? Hay ngoại giao Liên Xô đã sai lầm? Cho đến nay, đây vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ, gây nhiều tranh luận, dẫn đến những đồn đoán, suy luận, giả thuyết khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau. Tuy nhiên, ý kiến về khả năng nhầm lẫn của ngoại giao Xô-viết là hoàn toàn không có cơ sở, thiếu chứng cứ biện minh. Một nền ngoại giao kỳ cựu với thủ lĩnh I.V. Stalin già dặn trên đấu trường quốc tế thì việc lường định, "đong đếm" những hậu quả của việc từ bỏ quyền phủ quyết quả thật không thể phạm sai lầm, sơ suất. Lý giải thấu đáo nguồn cơn cần dựa trên những mục tiêu sâu xa hơn của Liên Xô và đặt nó trong quan hệ "sinh tử" với Mỹ và Trung Quốc – những lợi ích vượt trên những tính toán thông thường có được từ việc thống nhất bán đảo Triều Tiên. Nói cách khác, việc Liên Xô "vô tình" tước bỏ quyền phủ quyết của mình trong trường hợp này ít nhất là nhằm: 1). Đẩy Mỹ tham gia và sa lầy trong chiến tranh, buộc Mỹ phải bộc lộ tính chất hiếu chiến của mình trước thế giới; 2). Trung Quốc "kháng Mỹ, viện Triều" đối đầu với Mỹ và phụ thuộc vào Liên Xô trước là về vũ khí, khí tài, sau là về chính trị.
Điều đáng nói là nếu như ở thời điểm thứ nhất, CHDCND Triều Tiên có sự tin tưởng chắc chắn vào Liên Xô, thì ở thời điểm thứ hai, hành động của Liên Xô khiến Bắc Triều Tiên bị hẫng hụt, nhưng không thể có phản ứng.
Thời điểm thứ ba: Quân đội Hàn Quốc và Liên quân LHQ lật ngược thế cờ.
Từ tháng 6 đến cuối tháng 9-1950, cục diện chiến trường nhìn chung có lợi cho CHDCND Triều Tiên. Seoul thất thủ chỉ ba ngày sau khi chiến tranh bùng nổ (28-6-1950). Trên đà chiến thắng, quân miền Bắc tiếp tục tiến xuống phía Nam, buộc lực lượng Mỹ và Hàn Quốc lui vào thế cố thủ. Đến cuối tháng 8-1950, các đơn vị quân đội Bắc Triều Tiên chỉ còn cách mục tiêu kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên một chặng đường ngắn, nhưng nỗ lực tấn công để kết thúc thắng lợi cuộc chiến của quân đội CHDCND Triều Tiên đã vấp phải những ngáng trở. Tháng 10-1950, để lật ngược tình thế, trong vai trò Tổng Tư lệnh lực lượng LHQ tại Hàn Quốc, Đại tướng D. MacArthur đã sử dụng chiến thuật “vây Ngụy, cứu Triệu” và bộ binh Hàn Quốc đã phản công mạnh mẽ, vượt vĩ tuyến 38, tràn lên miền Bắc khiến tình hình chiến sự ngày càng căng thẳng và bất lợi đối với CHDCND Triều Tiên. Quân đội CHDCND Triều Tiên bị thiệt hại nặng nề, quân đội Hàn Quốc và LHQ đang tiến dần về phía biên giới Trung Quốc. Ngày 7-10-1950, Đại sứ Liên Xô tại Triều Tiên T.F.Shtyucov thông báo cho I.V. Stalin về tâm trạng rất bất ổn của lãnh tụ Bắc Triều Tiên, chuyển tới I.V. Stalin thông điệp của Kim Nhật Thành: "Chiến tranh đang phát triển theo chiều hướng bất lợi, nếu CHDCND Triều Tiên không có sự giúp đỡ từ bên ngoài, thì việc mất Triều Tiên là hoàn toàn có thể"[12]. Tuy nhiên, "tham gia vào cuộc xung đột này không nằm trong tính toán của I.V. Stalin"[13], quan điểm của I.V. Stalin là "cần phải hối thúc Trung Quốc vào trận, còn Liên Xô chỉ can dự trong trường hợp thật khẩn cấp, bất khả kháng"[14]. Về phía Mao Trạch Đông, dù đã phản đối quyết liệt kế hoạch tấn công Hàn Quốc cho tới 6 tuần trước khi nổ ra cuộc chiến, cuối cùng cũng đồng ý "kháng Mỹ, viện Triều" một phần "vì "chiều lòng" I.V. Stalin – lãnh tụ “anh cả” của phong trào Cộng sản, công nhân quốc tế; một phần là để bảo đảm sự hỗ trợ của Liên Xô cho Trung Quốc và một phần là để khẳng định vị thế trong phong trào cách mạng toàn cầu, đặt dấu ấn nước lớn với thế giới[15]. Song là nhà chính trị lão luyện, dày dạn kinh nghiệm, Mao Trạch Đông đã không vội vàng quyết định, mà cân nhắc để tham gia cuộc chiến tranh với những điều kiện có lợi nhất, đặc biệt là trong vấn đề tranh thủ viện trợ từ Liên Xô. Ngày 2-10-1950, khi thông báo cho I.V. Stalin là Trung Quốc sẽ đưa quân giúp đỡ CHDCND Triều Tiên và dự định sẽ có mặt ở Triều Tiên vào trung tuần tháng 11-1950, Mao Trạch Đông đề nghị: "Lúc đầu, khoảng 5-7 sư đoàn quân tình nguyện sẽ được đưa tới Triều Tiên, song những sư đoàn này chỉ có thể tham gia chiến đấu sau khi nhận được trang bị vũ khí từ Liên Xô"[16]. Mao Trạch Đông đồng thời yêu cầu Liên Xô viện trợ cho Trung Quốc, bảo vệ biên giới, các khu công nghiệp và quân đội Trung Quốc từ trên không. Ngày 8-10-1950, Mao Trạch Đông dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc tới thành phố Sôchi (Liên Xô) gặp I.V. Stalin (lúc này đang nghỉ mát tại đó) để thương thảo. Về viện trợ vũ khí, I.V. Stalin lập tức đồng ý với Đoàn đại biểu Trung Quốc: "Liên Xô sẵn sàng trang bị vũ khí cho khoảng 20 sư đoàn Quân chí nguyện Trung Quốc"[17]. Về yêu cầu bảo vệ một số địa điểm của Trung Quốc, I.V. Stalin trả lời: "Liên Xô không thể có ngay lực lượng không quân đủ để bảo vệ những nơi mà Trung Quốc yêu cầu. Liên Xô có thể bảo vệ một số cụm công nghiệp của Trung Quốc và bảo vệ vùng biên giới Trung Quốc giáp CHDCND Triều Tiên, nhưng cần có thời gian chuẩn bị"[18]. Không thật hài lòng về câu trả lời của I.V. Stalin, Mao Trạch Đông tiếp tục trì hoãn đưa quân vào Triều Tiên trong khi cuộc chiến diễn biến ngày càng bất lợi cho quân đội CHDCND Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc và Liên quân LHQ ngày càng tiến gần tới biên giới Trung Quốc. Không thể chậm chễ hơn, Mao Trạch Đông lệnh cho Chu Ân Lai (lúc này đang ở Liên Xô) chuyển tới I.V. Stalin thông báo: "Chí nguyện quân Trung Quốc sẽ tiến vào Triều Tiên, nếu Liên Xô trang bị ngay cho 15 sư đoàn quân tình nguyện Trung Quốc"[19] . Trong tình thế lúc đó, I.V. Stalin không còn cách nào hơn là đồng ý. Ngày 19-10-1950, Chí nguyện quân Trung Quốc vượt biên giới, trực tiếp tham chiến trên chiến trường Triều Tiên.
Về phía Liên Xô, thừa lệnh I.V Stalin, từ ngày 20 -10 đến ngày 10-11-1950, Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô gấp rút thành lập hai sư đoàn không quân (mỗi sư đoàn có 30 máy bay MiG- 15) và hai sư đoàn không quân này " nhanh chóng được gửi bằng tầu hỏa đến thành phố Phụng Thiên (Trung Quốc) dưới danh nghĩa thực tập bay mùa hè”[20], song trên thực tế, các sư đoàn này được lập tức tung vào cuộc chiến. Cuối tháng 11-1950, trên địa phận Trung Quốc, Quân đoàn phòng không Liên Xô số 64 được thành lập, có nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở kinh tế, chính trị quan trọng, các vị trí chiến lược quân sự trọng yếu của vùng Đông Bắc Trung Quốc và hậu phương của quân đội CHDCND Triều Tiên[21].
Như vậy, cho dù đã cố tránh dính lứu trực tiếp vào cuộc xung đột, song do diễn biến thực tế của cuộc chiến và để làm an lòng người bạn lớn Trung Hoa, Liên Xô đã buộc phải hành động, nhưng khá thận trọng, trong giới hạn vừa đủ để không bị coi là bỏ mặc những người anh em đồng minh, vừa đủ để CHDCND Triều Tiên trụ vững dưới sự giúp đỡ của Chí nguyện quân Trung Quốc với vũ khí và viện trợ quân sự Liên Xô, mà vẫn "không bị đẩy vào cuộc chiến tranh này để chịu sự lên án của dư luận thế giới"[22]. 
Thời điểm thứ tư: Những cuộc đàm phán kéo dài trên thế giằng co của cuộc chiến.
Từ tháng 7-1951 đến tháng 1-1953, chiến sự trên bán đảo Triều Tiên diễn ra khốc liệt. Sau khi Chí nguyện quân Trung Quốc và lực lượng phòng không - không quân Liên Xô nhập cuộc, cán cân quân sự trên chiến trường trở nên cân bằng, cuộc chiến diễn ra trong thế giằng co, rơi vào tình trạng bế tắc; và do vậy, việc kết thúc chiến tranh bằng giải pháp chính trị trở nên cấp thiết. Khi mục tiêu kiểm soát toàn bộ bán đảo đã trở nên xa vời đối với cả hai bên tham chiến, khi tổn thất, thương vong nặng nề đã làm quân đội hai bên mệt mỏi, kiệt lực, cả hai bên giờ đây đều hướng tới ký kết thỏa thuận hòa bình. Đáp ứng nguyện vọng đó, ngày 10-7-1951, tại Kaesong, Đại diện của các bên tham chiến đã bắt đầu các cuộc đàm phán ngừng bắn, tuy nhiên, diễn tiến của các cuộc đàm phán rất chậm chạp. Vào tháng 5-1952, các bên đã đạt được thỏa thuận trên hầu hết các điều kiện, ngoại trừ số phận của tù nhân chiến tranh. Phải mất hơn một năm, đến tháng 6 -1953, các bên mới thống nhất được về việc trao đổi tù nhân, để ngày 27 -7- 1953 ký kết thỏa thuận ngừng bắn. Một trong những nguyên nhân chủ yếu gây nên sự trì hoãn trong ký kết hòa đàm là những tính toán của các nước lớn, trong đó có Liên Xô.
Chiến tranh Triều Tiên là cuộc chiến tranh có khoảng thời gian đàm phán tương đối kéo dài (hai năm) đặt trong so sánh với  toàn bộ chiều dài của cuộc chiến (ba năm, hai tháng). Theo như phân tích của nhà nghiên cứu A.V. Smorchkov thì I.V Stalin đã lường định rằng, "cuộc chiến tranh giằng co sẽ hạn chế tiềm lực quân sự của Mỹ ở châu Âu, tiêu hao các nguồn lực kinh tế và tạo ra những khó khăn chính trị cho chính quyền H. S. Truman”[23], làm cho Mỹ bị sa lầy, bộc lộ sự yếu kém về quân sự. Cuộc chiến tranh kéo dài làm chảy máu nước Mỹ… Người Mỹ hiểu rằng cuộc chiến tranh này là bất lợi đối với họ… Sau chiến tranh Triều Tiên, người Mỹ sẽ không còn khả năng tiến hành những cuộc chiến tranh lớn”[24]. Nhà nghiên cứu A.V.Pansov cũng cho rằng, "ngay từ đầu, I.V Stalin đã dự tính sử dụng chiến tranh Triều Tiên để làm Mỹ yếu đi bằng cách đẩy Mỹ đụng độ với CHDCND Triều Tiên và Trung Quốc"[25], “làm tăng lên sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đồng nghĩa với sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow[26]. Chiến tranh kéo dài còn làm "giảm đáng kể sự nhòm ngó của Mỹ và các nước phương Tây đối với châu Âu"[27] – nơi được mệnh danh là "trái táo bất hòa giữa hai cường quốc thế giới Hoa Kỳ và Liên Xô"[28], "tạo điều kiện để Liên Xô củng cố vững chắc vị trí của mình đối với các nước dân chủ nhân dân vừa mới được thành lập ở Đông Âu"[29]. Bên cạnh đó, theo lý thuyết tiến hành cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới, "chiến tranh Triều Tiên chính là một phần kế hoạch cách mạng thế giới của I.V Stalin; vì vậy, những cuộc thương lượng hòa bình chỉ là hình thức"[30]. Những điều này đều nằm trong kế hoạch của Liên Xô và có ý nghĩa quan trọng đối với việc củng cố vị trí siêu cường, lan tỏa ảnh hưởng của Liên Xô không chỉ tại thời điểm đó, mà còn về lâu, về dài sau này.
3. Liên Xô với chiến tranh Triều Tiên và hệ lụy
Chiến tranh Triều Tiên đã phần nào thay đổi cách nhìn của Liên Xô đối với thế giới. Sau chiến tranh Triều Tiên, Liên Xô cổ vũ cho chính sách "chung sống hòa bình" giữa các nước có chế độ chính trị - xã hội khác nhau. Không phải ngẫu nhiên, tháng 4-1952, I.V Stalin tuyên bố: "Cùng tồn tại hòa bình và hợp tác giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản là hoàn toàn có thể, nếu như hai bên đều có mong muốn và tuân thủ nguyên tắc bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ"[31]. Mặt khác, với Liên Xô, "được và mất", "chiến thắng và chiến bại" trong chiến tranh Triều Tiên là những khái niệm thật khó đặt lên bàn cân để so đo nặng nhẹ: 1). Về chính thống, Liên Xô không tham gia vào chiến tranh; 2). Tuy Liên Xô không thể mở rộng ảnh hưởng trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên, song vẫn giữ nguyên vùng ảnh hưởng của mình ở Bắc Triều Tiên; 3). Bước thay đổi chiến lược trong cuộc chiến làm cho quan hệ Xô –Trung vốn tiềm ẩn những bất ổn, chuyển hẳn sang trạng thái căng thẳng, mâu thuẫn rồi đi đến đối đầu – điều hoàn toàn ngược lại với tính toán khiến Trung Quốc gắn kết và phụ thuộc hơn nữa vào Liên Xô khi Trung Quốc bị lôi kéo vào cuộc chiến; 4). Chiến tranh Triều Tiên tạo ra một lực cọ sát các mối quan hệ quốc tế của Liên Xô, khiến Liên Xô trở nên có nhiều đối thủ hơn (quan hệ Xô - Mỹ ngày càng thù địch, quan hệ Xô-Trung xấu đi trông thấy, Liên Xô và Nam Triều Tiên không thể xích lại gần nhau); 5). Chiến tranh Triều Tiên là phép thử đầu tiên và để lại những kinh nghiệm quan trọng cho Liên Xô trong xử lý những vấn đề xung đột cục bộ ở Mozambique, Angola, Ethiopia, Syria,  Ai Cập, Việt Nam ... và sau này là ở Afghanistan.
Trong đánh giá của phương Tây về Liên Xô, chiến tranh Triều Tiên được nhìn nhận "như khúc nhạc dạo đầu, báo hiệu về sự bành trướng ảnh hưởng của Liên Xô đối với thế giới"[32], nhất là khi I.V Stalin liên tục cảnh báo về khả năng chuyển hóa của cuộc chiến thành cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Sự lo lắng này của phương Tây được củng cố bởi tin tức về vụ thử thành công bom nguyên tử của Liên Xô vào năm 1949 – vụ thử phá vỡ thế độc tôn nguyên tử của Hoa Kỳ. Định kiến về "mối đe dọa Liên Xô" đã dẫn đến sự gia tăng một cách mạnh mẽ ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ đi đôi với việc biến NATO từ một liên minh chính trị - quân sự thành một tổ chức quân sự thống nhất dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ và việc thành lập những khối quân sự ở Đông Nam Á (SEATO), Trung cận Đông (SЕНТО). Chiến tranh Lạnh đã lan ra toàn cầu.
Lúc khởi phát, cuộc chiến tranh Triều Tiên mang tính chất một cuộc nội chiến, nhưng sau đó nhanh chóng biến thành một cuộc xung đột quốc tế với sự can dự của rất nhiều quốc gia, trong đó có các siêu cường, nhưng kết cục của cuộc chiến là không có người chiến thắng và cũng chẳng có kẻ chiến bại, chỉ có những mất mát, tổn thất là có thực và không dễ xóa nhòa. Cuộc chiến tranh "đã mang đi sinh mạng của 9.000.000 người Triều Tiên, gần 1.000.000 Chí nguyện quân, 54.246 lính Mỹ, 299 sĩ quan Liên Xô và hàng triệu người mang thương tật cả đời"[33]. Hơn 60 năm đã qua đi kể từ ngày được tạm coi là ngưng tiếng súng, bán đảo Triều Tiên hôm nay vẫn là một điểm nóng của thế giới, luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Ước mơ người thân được gặp người thân, ước mơ được sống trong một đất nước thống nhất, hòa bình của người dân Triều Tiên vẫn chưa thành hiện thực. Bài học lịch sử từ chiến tranh Triều Tiên cho thấy trong giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước phải tránh trở thành con bài trong tay người khác, tránh bị tác động, sức ép từ bên ngoài, tránh để các nước lớn áp đặt, chế định, lái vào quỹ đạo và quân sự không phải là giải pháp để đi đến mục đích, cần tỉnh táo vượt qua thế đối đầu, thông qua đối thoại, thương lượng hòa bình để tìm tiếng nói chung trên nền tảng tôn trọng lợi ích, hạnh phúc và khát vọng của nhân dân.


Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC





[1] A.C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Nxb Veche, Matxcova, 2003, tr. 75 (tiếng Nga).
[2]Walte LaFeber, America, Russian, and the Cold War, 1945-1996, The McGraw-Hill Copanies, Inc, New York, 1997, tr. 6
[3]Lịch sử  chính sách đối ngoại của Liên Xô (1945-1970), Nxb. Khoa học, Matxcơva, 1971, tr. 26 (tiếng Nga).
[4] A.C. Orlov, B.A. Gavrilov (2003), Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 65.
[5] A.C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 66.
[6] A.C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 69.
[7] Kim Chum Kon, The Korean War, Seoul, 1973, tr. 19.
[8] A.C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 71.
[9]Theo các điều khoản của Hiệp ước, thì hai bên ký kết có thể áp dụng những biện pháp phòng ngừa, nếu một trong hai bên, hoặc bạn bè của một trong hai bên bị đe dọa an ninh.
[10] Kim Chum Kon, The Korean War, Seoul, 1973, tr. 38.
[11]A.V. Pansov, Stalin cố tình kéo dài chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, Báo Độc lập, ngày 18-7-2008, tr.3 (tiếng Nga).
[12] A.C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 150.
[13] A.C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 159.
[14] A.C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 159.
[15] R. Balandin, C. Mironov, Những chuyến ngoại giao của Stalin, Nxb. Khoa học, Matxcova, 2009, tr. 219 (tiếng Nga).
[16]A. C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 164.
[17] A. C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 169.
[18]A. C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 169.
[19] A. C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 172.
[20] X.I.Ataevich, Con đường chiến đấu của Quân đoàn phòng không Liên Xô số 64, Cổng thông tin Hàn Quốc thống nhất, ngày 13-3-2011, (tiếng Nga).
[21]Bao gồm các sân bay của thành phố Antung, thủy điện Suphun, các nút giao thông đường sắt, cây cầu bắc qua sông Áp Lục và hàng loạt các vị trí kinh tế, chính trị, quân sự khác của vùng Đông Bắc Trung Quốc.
[22]V.V. Yurzanov, Trong chiến tranh Triều Tiên: Ghi chép của một nhà báo Xô-viết, Nxb Quân sự, Matxcova, 1958, tr. 96, (tiếng Nga).
[23] A.V. Smorchkov, Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Chekist.ru, ngày 29-11-2009, (tiếng Nga).
[24]A.V. Pansov, Stalin cố tình kéo dài chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, TLđd, tr.5.
[25]A.V. Pansov, Stalin cố tình kéo dài chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, TLđd, tr.6.
[26] A.V. Smorchkov, Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Chekist.ru, ngày 29-11-2009, (tiếng Nga).
[27] Leonid Katsva, Lịch sử nước Nga – thời kỳ Xô-viết, Sđd, tr. 112.
[28] A. C. Orlov, B.A. Gavrilov, Bí mật chiến tranh Triều Tiên, Sđd, tr. 381.
[29] Leonid Katsva, Lịch sử nước Nga – thời kỳ Xô-viết, Sđd, tr. 113.
[30]A.V. Pansov, Stalin cố tình kéo dài chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, TLđd, tr.6.
[31] Leonid Katsva, Lịch sử nước Nga – thời kỳ Xô-viết, Nxb. Khoa học, Matxcova, tr.112, (tiếng Nga).
[32] Leonid Katsva, Lịch sử nước Nga – thời kỳ Xô-viết, Sđd, tr.113.
[33] S.S. Potocki (Chủ biên), Chiến tranh Triều Tiên, 1950-1953, Tủ sách Nghiên cứu “Tư liệu chiến tranh”, Nxb Poligol, Matxcova, 2003, tr. 2.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!