Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

NHÂN TỐ QUỐC TẾ VÀ SỰ NGHIỆP CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM



Nguyễn Thị Mai Hoa
Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam với mục tiêu chính nghĩa, khát vọng độc lập tự do tự thân đã tạo ra sức mạnh vượt trội. Tuy nhiên, sức mạnh ấy sẽ được nhân lên gấp bội lần, tính chính nghĩa càng tỏa sáng, nếu được gắn với thế hợp pháp, gắn với các giá trị tiến bộ của nhân loại, được thế giới động viên, cổ vũ, ủng hộ. Vì thế, đặt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trong trào lưu dân chủ, tiến bộ của thời đại, kết hợp chặt chẽ với các lực lượng hòa bình thế giới, tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ vừa là yêu cầu khách quan, vừa là mục tiêu chiến lược của cuộc kháng chiến.

1. Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước – tính thời đại và nhân văn
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra trong bối cảnh hết sức phức tạp; thế giới đan xen, chồng chéo nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, trên nền tảng đó, xuất hiện các lực lượng tiến bộ, các phong trào đấu tranh với những mục tiêu mang đậm tính thời đại, tính nhân văn sâu sắc:
Thứ nhất, các phong trào chống chiến tranh, chống xâm lược, vì an ninh, hòa bình thế giới hết sức nổi trội, thành trào lưu chính. Trào lưu này là kết quả của tâm lý chán ghét chiến tranh, ý thức về tính tàn khốc, sự hủy hoại của chiến tranh không chỉ về mặt vật chất, mà còn cả về phương diện tinh thần đối với con người. Trước những sự lựa chọn: Hòa bình hay chiến tranh, an ninh hay bất ổn, bất công hay công bằng xã hội... được đặt ra trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, đối đầu phe phái, ý thức hệ, các lực lượng tiên tiến của thời đại gắn kết với nhau trong một phong trào đấu tranh rộng lớn, hướng tới an ninh, phát triển và bình đẳng xã hội.
Thứ hai, chủ nghĩa xã hội - một sức mạnh mới, một sức mạnh ngày càng gia tăng, đang có những ảnh hưởng quyết định đến đa số các vấn đề của nhân loại. Chủ nghĩa xã hội lúc này hiện diện trên hầu hết các châu lục, là ngọn cờ đầu giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người.
Thứ ba, sự thức tỉnh dân tộc, tinh thần dân tộc, tính tự quyết dân tộc, quyền quyết định vận mệnh dân tộc trào dâng mạnh mẽ. Sự suy yếu của các nước đế quốc bởi chiến tranh và xung đột đã mở ra những hội cho các nước thuộc địa, phụ thuộc chống lại ách nô dịch dân tộc, đấu tranh vì những quyền dân tộc bất khả xâm phạm. Đây là một xu thế mới, lan tỏa nhanh chóng – xu thế của tiến bộ và độc lập dân tộc, của hòa bình và công lý.
Thứ tư, xuất hiện các lực lượng chính trị độc lập, tích cực đấu tranh bảo vệ hòa bình, chống chạy đua vũ trang, chống can thiệp, góp tiếng nói chung vì ổn định, độc lập và không liên kết.
Thực hiện chiến lược toàn cầu, Mỹ chọn Việt Nam là một trong những trọng điểm triển khai chiến lược, coi đây là một trong những vị trí sống còn trong tuyến ngăn chặn "làn sóng đỏ". Đứng trên tuyến đầu chống Mỹ, Việt Nam trở thành tâm điểm, nơi hội tụ của vô số mâu thuẫn khác nhau trên thế giới. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là hiện thân của những giá trị đích thực mà nhân loại tiến bộ theo đuổi. Thách thức ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của nhân dân Việt Nam, đế quốc Mỹ đồng thời cũng thách thức các lực lượng tiến bộ đang đấu tranh vì những khát vọng chính đáng, những mục tiêu nhân văn của thời đại – hòa bình, độc lập tự do, bình đẳng và tiến bộ xã hội. Tính nhân văn và thời đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước chính là điều kiện tiên quyết, là cơ sở, là nền tảng; đồng thời, cũng mở ra khả năng hiện thực để Đảng, Nhà nước Việt Nam có thể tranh thủ các nhân tố quốc tế có lợi, tạo ra sức mạnh cần thiết, đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đóng góp cho sự phát triển của thế giới và nhân loại.
2. Phát huy nhân tố quốc tế - yêu cầu khách quan, mục tiêu chiến lược của cuộc kháng chiến
Trong cuộc đụng đầu lịch sử với đế quốc Mỹ - một cường quốc có tiềm lực và sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội hơn Việt Nam gấp nhiều lần[1], chưa hề nếm mùi bại trận trong lịch sử gần 200 năm lập nước, ngoài sức mạnh nội lực của toàn thể dân tộc, phát huy các nhân tố quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, sức mạnh vật chất, tinh thần của các lực lượng dân chủ, tiến bộ và hoà bình trên thế giới cho cuộc kháng chiến mà Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam lường định là sẽ vô cùng khốc liệt, gian khổ không chỉ là một yêu cầu khách quan, mà còn là mục tiêu chiến lược được xác định ngay từ những ngày đầu cuộc kháng chiến.
Có một hiện thực là bên cạnh các nhân tố quốc tế thuận lợi, trong việc tranh thủ sức mạnh thời đại còn không ít những trở ngại, thách thức: 1). Mỹ là đế quốc giầu và mạnh nhất thế giới, tâm lý sợ Mỹ, e ngại sức mạnh Mỹ khá phổ biến, nhất là ở các nước thế giới thứ ba; 2). Trong hệ thống XHCN, đặc biệt là giữa hai nước lớn, trụ cột (Liên Xô, Trung Quốc) mâu thuẫn, bất đồng ngày càng gay gắt; 3). Liên minh chiến đấu với Lào và Campuchia có những khó khăn nhất định[2].
Xác định rõ tầm quan trọng, ảnh hưởng to lớn của những nhân tố quốc tế, sự cần thiết, khả năng tranh thủ các nhân tố đó để gia tăng sức mạnh kháng chiến; đồng thời, cân nhắc mọi khó khăn, bất lợi, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã hình thành nên hệ thống chủ trương, nhằm phát huy nhân tố quốc tế: Thứ nhất, "củng cố không ngừng tình đoàn kết, hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác”[3][, “tranh thủ sự giúp đỡ về quân sự của các nước anh em đến mức cao nhất, trên cơ sở có lợi cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ”[4]; thứ hai, “tăng cường khối đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương trở thành một khối thống nhất có một chiến lược chung”[5]; thứ ba, "ra sức tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân cả thế giới (...) và các nước Á, Phi, Mỹ-La tinh”[6]; thứ tư, "kiên quyết cùng các anh em và nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới tiếp tục chung sức đấu tranh để bảo vệ và củng cố hoà bình, chống lại chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc Mỹ”[7].
Một cách tổng quát, tranh thủ những thuận lợi cơ bản, vượt qua thách thức, vấn đề đặt ra đối với Việt Nam là cần triển khai các hoạt động đa diện, đa phương, song có trọng tâm, trọng điểm, thực hiện một cách hiệu quả mục tiêu đoàn kết, tập hợp, tranh thủ mọi lực lượng có thể, phân hoá, cô lập kẻ thù, có thêm nhiều bè bạn. Đây là những đòi hỏi, yêu cầu không hề đơn giản trong điều kiện bối cảnh quốc tế phức tạp, tình hình quốc tế chuyển động khôn lường, các quan hệ quốc tế vận động, biến đổi nhanh chóng, thường xuyên. Chuyển hóa sức mạnh quốc tế thành sức mạnh hiện thực của cuộc kháng chiến trở thành một nội dung quan trọng trong đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
3. Nhân tố quốc tế - sức mạnh hiện thực của cuộc kháng chiến
Ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bắt đầu, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã xác định Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN là chỗ dựa, là hậu phương quốc tế, sự hậu thuẫn vững chắc, nhân tố quốc tế số một, quan trọng nhất đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Sự ủng hộ của các nước XHCN về cả tinh thần lẫn vật chất là một đảm bảo chắc chắn nâng cao thế và lực cho cuộc kháng chiến. Trong điều kiện giữa các nước XHCN nảy sinh bất đồng, Liên Xô, Trung Quốc mâu thuẫn sâu sắc, bằng những nỗ lực cao độ, những bước đi sách lược linh hoạt, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thành công trong việc tranh thủ Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN từng bước đồng tình, đi đến ủng hộ đường lối, mục tiêu, lập trường, quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam. Các nước XHCN đã tích cực ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ một cách toàn diện. Mỗi bước phiêu lưu, mỗi tính toán leo thang, nhà cầm quyền Mỹ đều phải cân nhắc phản ứng của Liên Xô, Trung Quốc, của các nước XHCN. Việt Nam đã tận dụng vai trò quan trọng của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN trên trường quốc tế, đặc biệt đối với các tổ chức dân chủ, hoà bình, với phong trào giải phóng dân tộc. Việt Nam tranh thủ được các viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi với nhiều chương trình kinh tế, thương mại, lương thực, ngoại tệ... và đặc biệt là viện trợ quân sự của cả Liên Xô, Trung Quốc. Riêng về viện trợ vật chất, trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, tổng khối lượng viện trợ quốc tế cho Việt Nam ước tính 2.362.682 tấn, trị giá 7 tỷ rúp[8]. Sự viện trợ của các nước XHCN (đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc) to lớn về khối lượng, toàn diện về chủng loại, kịp thời theo yêu cầu đã tạo ra cho cuộc kháng chiến một sức mạnh cần và đủ để hạn chế một phần sức mạnh của đế quốc Mỹ, bảo đảm cho nhân dân Việt Nam đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn. Các con số viện trợ cho thấy, lực lượng đồng minh chiến lược của Việt Nam trong lúc khó khăn, hay thuận lợi, chủ yếu đứng về phía Việt Nam, kiên định sự ủng hộ, giúp đỡ. Bàn về nguyên nhân thắng lợi của kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bất kỳ đứng trên quan điểm nào, đều có sự nhất trí cao độ rằng, Việt Nam chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược là do hai nhân tố cơ bản: Nội lực của Việt Nam và sự giúp đỡ của các nước XHCN, trước hết là hai nước lớn Liên Xô, Trung Quốc.
 Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước Liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương xây dựng trên nguyên tắc “hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền”[9] và nguyện vọng chính đáng của mỗi dân tộc, không ngừng được củng cố, vun đắp vì lợi ích chung. Đông Dương là một chiến trường - sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba chiến trường Lào, Campuchia, miền Nam Việt Nam đã buộc quân đội Mỹ và Sài Gòn phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho mỗi nước, cho chiến trường chính miền Nam Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động quân sự, mở các cuộc tiến công chiến lược tiêu hao, tiêu diệt địch, giữ vững, mở rộng những địa bàn đứng chân của Việt Nam và căn cứ của các nước bạn. Một biểu tượng sinh động của tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào- Campuchia là tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn – tuyến giao thông huyết mạch đã đứng vững, bất chấp mọi sự đánh phá, ngăn chặn quyết liệt, làm tròn nhiệm vụ gắn bó, nối liền chiến trường ba nước, nối liền hậu phương miền Bắc với các hướng chiến lược quan trọng. Những năm tháng chống Mỹ gian lao, dù còn những thăng trầm nhất định, song Liên minh tự nguyện đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương cùng chia lửa và san sẻ gánh nặng đã thực sự phát huy tác dụng to lớn, đóng góp cho thắng lợi cuối cùng.
Phong trào giải phóng dân tộc và thế giới thứ ba là bạn bè, đồng minh tự nhiên của Việt Nam, nguồn ủng hộ chính trị, cổ vũ tinh thần cho nhân dân Việt Nam. Những ví dụ tiêu biểu như cuộc đột kích của du kích quân Vênêduyêla bắt sĩ quan Mỹ giữa Thủ đô Caracat để đổi lấy mạng sống cho anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, sự kiện Toà án quốc tế Béctrăng Rútxen xét xử tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, Hội nghị 50 nước của Phong trào không liên kết (Gioóc-giơ-tao, 1972)... cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ của các lực lượng tiến bộ đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Phong trào đã tác động nhất định tới chính sách chiến tranh của Mỹ, tác động rõ rệt đến thái độ, cũng như ứng xử của Liên Xô, Trung Quốc trong vấn đề giúp đỡ Việt Nam chống Mỹ. Phong trào như một lực đẩy tương hỗ đối với cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, tạo ra sự cô lập nhất định, dội gáo nước lạnh vào nước Mỹ hiếu chiến, mở rộng đáng kể hậu phương quốc tế của Việt Nam. Nhà báo Mỹ, biên tập viên sáng lập của tạp chí The New Republic Walter Lippmann viết: "Không có một nước độc lập nào ở châu Âu, hay châu Á theo gót chúng ta về Việt Nam cả".
Trong lịch sử loài người, có lẽ chưa từng có một phong trào quốc tế nào có phạm vi rộng lớn như Mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam, bao trùm khắp cả năm châu lục, lan tỏa từ các nước XHCN tới các nước TBCN, tới các nước dân tộc độc lập, liên kết rộng rãi các xu hướng chính trị - xã hội trên thế giới vì Việt Nam mà đấu tranh. Cuộc chiến tranh càng lan rộng, càng ác liệt, thì sự ủng hộ của phong trào đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam lại càng mạnh mẽ, nhiệt thành. Phong trào lên án giới cầm quyền Mỹ, thúc đẩy nhân dân Mỹ chống chiến tranh; ảnh hưởng  trực tiếp đến thái độ của nhà cầm quyền các nước. Lương tri loài người thức tỉnh. Cả loài người tiến bộ đứng về phía Việt Nam. Đó là nguồn cổ vũ lớn lao, nguồn động viên mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam, sức mạnh cộng hưởng nâng cao tầm vóc cuộc chiến đấu của Việt Nam trên thế giới.
Bên cạnh sức mạnh của Mặt trận to lớn đó, có sức mạnh của Phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh rộng lớn, kiên cường và quyết liệt. Những năm 1967- 1968, phong trào phản chiến của nhân dân Mỹ lan rộng chưa từng có. Thanh niên, sinh viên đốt thẻ quân dịch, cựu binh vứt bỏ huân chương phản đối chính phủ. Nhiều cuộc biểu tình, diễu hành, hội thảo... được tổ chức trong 120 thành phố; 2.000 trường học, hàng trăm tờ báo và hơn 200 tổ chức quần chúng, tổ chức phi chính phủ phản chiến... làm rung động Nhà Trắng. Một nước Mỹ chia rẽ, một chính quyền chia rẽ, một xã hội chia rẽ. Walterrt Lipmann nhận xét: "Lương tâm người Mỹ nổi giận". Điều đó phản ánh một hiện thực: Đây là cuộc chiến tranh mất lòng dân nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Phong trào dẫn đến sự phân hoá đối với giới cầm quyền Mỹ, tạo thành một sức ép thường trực, đòi lập lại hoà bình, rút quân Mỹ và chống kéo dài, mở rộng chiến tranh. Phong trào đặt chính quyền Mỹ trước nguy cơ của sự khủng hoảng toàn diện, "cơ cấu của chính phủ đã bị tan rã. Ngành hành pháp bị choáng váng"[10]. Trên thực tế, tiếng thét phẫn nộ của phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh đã kết hợp với diễn biến ở chiến trường buộc Tổng thống Mỹ Johnson phải chuyển từ leo thang sang xuống thang, buộc Tổng thống Nixon phải rút dần quân Mỹ, không thể kéo dài cuộc chiến tranh phá hoại lần hai (1969-1972). Nếu phong trào dân tộc, phong trào nhân dân thế giới có tác động gián tiếp đến nước Mỹ, thì phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh có tác động trực tiếp - đế quốc Mỹ bị cô lập ngay tại nước Mỹ, rơi vào khủng hoảng triền miên, phải "chiến đấu với một tay bị trói sau lưng". Hồ Chí Minh gọi đây là "mặt trận thứ hai" chống đế quốc Mỹ, một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ, góp thêm một sức mạnh mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.
Sức mạnh dân tộc mang ý nghĩa chủ quan. Sức mạnh quốc tế tồn tại khách quan. Sức mạnh quốc tế đã góp phần tạo ra một tập hợp lực lượng chưa từng thấy, bao vây, cô lập và tiến công đế quốc Mỹ từ mọi phía, mọi hướng. Việt Nam chiến thắng chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ bằng sức mạnh tổng hợp của dân tộc và thời đại. Việt Nam đã chiến thắng nhờ biết lấy thành quả của kháng chiến để mở rộng và tăng cường đoàn kết quốc tế; nhân tố quốc tế đến lượt mình trở thành một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến – điều mà Willlam Duiker, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam đã không thể lý giải: “Làm thế nào mà người Việt Nam chiến thắng bằng cách duy trì một cuộc tiến công ngoại giao vượt trội hơn hẳn một quốc gia vốn được coi là hùng mạnh nhất thế giới?”.
Phát huy nhân tố quốc tế, kết hợp nhuần nhuyễn nội lực với ngoại lực trên cơ sở những mục tiêu chính nghĩa, thời đại và nhân văn – đó là thế, thời và lực của đất nước. Thế, thời và lực đó đã làm nên một chiến thắng 30-4 vang dội, ghi dấu ấn sâu đậm vào lịch sử dân tộc và nhân loại.


[1] Dân số Việt Nam lúc đó chỉ xấp xỉ bằng 1/6 nước Mỹ, giá trị tổng sản phẩm quốc dân của miền Bắc bằng 1/1000, lực lượng so sánh về quân sự giữa hai bên, nhất là về trình độ khoa học kỹ thuật, chênh lệch rất lớn, nghiêng về phía Mỹ.
[2]Do hoàn cảnh lịch sử, xã hội, dân trí... một thời gian dài, phong trào và cuộc đấu tranh chống thực dân, chống Mỹ ở hai nước đều chậm phát triển nhiều so với Việt Nam. Mỹ ráo riết can thiệp mạnh vào Lào, Campuchia, giật dây lật độ các chính phủ ủng hộ Việt Nam.
[3] Biên bản Hội nghị BCH TƯ lần thứ 7 (khoá II), Đơn vị bảo quản 29, Cục lưu trữ Trung ương Đảng.
[4]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 28, Nxb. Chính trị quốc gia, tr.110.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, Tập 26, tr. 110.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, Tập 31,tr. 239.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, Tập 4, tr. 470.
 [8] Chiến tranh cách mạng Việt Nam, thắng lợi và bài học, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 601.
[9]Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, Tập 21, tr. 625.
[10]  H.Kitxinhgiơ, Những năm tháng ở Nhà Trắng, Bản dịch lưu tại Thư viện Quân đội, 1982, tr. 190.













[10][11] 










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!