Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

VẤN ĐẾ ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ TRONG HAI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP VÀ CHỐNG MỸ (1945-1975)




Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Là một nước nhỏ, với vị trí địa – chính trị, địa- kinh tế đặc biệt, trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, Việt Nam luôn luôn phải đối mặt với sự nhòm ngó, âm mưu thôn tính của nhiều thế lực thù địch khác nhau. Trong lịch sử dân tộc, thắng lợi của hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố tạo nên, trong đó không thể không kể đến một nhân tố cơ bản tạo nên sức mạnh cần và đủ để chiến thắng: Thực hiện đoàn kết quốc tế.

1. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được tiến hành trong tình hình thế giới có những vận động, chuyến biến phức tạp. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trật tự hai cực Xô- Mỹ đã hình thành rõ rệt. Hai hệ thống đối lập đấu tranh quyết liệt, thế giới bước vào thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Phân tích diễn biến của tình hình thế giới, Hội nghị Trung ương mở rộng (1-1948) Đảng Lao động Việt Nam nhận định: Các lực lượng phản dân chủ và dân chủ, đế quốc và chống đế quốc trên thế giới đã dần dần sắp thành hai phe rõ rệt: “Phe đế quốc phản dân chủ” và “Phe dân chủ chống đế quốc”. Như vậy, bên cạnh yếu tố bất lợi là một số nước tư bản thực hiện chính sách xâm lược, thì yếu tố tích cực cũng xuất hiện: Mặt trận dân chủ và hoà bình, mặt trận chống đế quốc lan rộng khắp thế giới. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam xác định: “Phong trào cách mạng thế giới ảnh hưởng đến cách mạng một nước không nhỏ. Ta phải chuẩn bị để đón lấy thời cơ tốt cho cuộc kháng chiến của ta”[1]. Trên quan điểm ấy, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương muốn đánh thắng thực dân Pháp- kẻ thù mạnh hơn gấp nhiều lần về tiềm năng quân sự và kinh tế, phải vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, vừa kháng chiến, vừa vận động quốc tế, phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ; thực hiện chiến lược đoàn kết quốc tế, làm cho mình nhiều bạn bè, ít kẻ thù hơn bao giờ hết, tranh thủ sự ủng hộ từ bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh quốc tế, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến.
Chiến lược đoàn kết quốc tế của Nhà nước Việt Nam mới được hình thành và triển khai trên những trận tuyến cụ thể.
 Trước tiên, lực lượng quan trọng mà Việt Nam chủ trương tranh thủ và thực hiện đoàn kết, hợp tác quốc tế đó là các lực lượng đang đứng lên đấu tranh giải phóng dân tộc.
Tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính phủ Việt Nam đặc biệt chú trọng đoàn kết với hai dân tộc Miên, Lào, bởi ba nước có chung một kẻ thù, có chung một mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do. Đông Dương là một chiến trường, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau là nghĩa vụ, là trách nhiệm của lương tâm. Nhận thức “ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn”[2]; do vậy, giúp đỡ cách mạng Lào và Campuchia là chính sách nhất quán của Chính phủ Việt Nam, trên cơ sở “tôn trọng độc lập, chủ quyền của hai nước đó”, “hợp tác trên cơ sở bình đẳng tuyệt đối giữa các nước có chủ quyền”[3]. Giúp bạn là tự giúp mình, trong điều kiện bị bao vây, cô lập, thì sự đoàn kết giúp đỡ nhau giữa ba nước Đông Dương càng có ý nghĩa quan trọng: “Ba dân tộc phải hợp tác trường kỳ. Hợp tác ngày nay để kháng chiến giành độc lập và thống nhất thật sự, hợp tác lâu dài sau kháng chiến để cùng tiến trên con đường dân chủ nhân dân”[4].
Ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách thiết thực, tích cực là nhiệm vụ quốc tế quan trọng [5] - thực hiện chủ trương đó, năm 1948, Trung ương Đảng trực tiếp phân công Đại tướng Võ Nguyên Giáp phụ trách công tác giúp cách mạng Lào và cách mạng Campuchia. Trọng tâm của công tác này là giúp các lực lượng kháng chiến của hai nước xây dựng cơ sở chính trị, giúp đỡ thành lập căn cứ địa, hoặc khu giải phóng, phát triển lực lượng vũ trang, xây dựng và củng cố, phát triển chính quyền dân tộc chống đế quốc.
Trong khi đặc biệt chú trọng xây dựng, củng cố liên minh chiến đấu Việt- Lào- Miên, Chính phủ Việt Nam nhận thức rằng, cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam còn có quan hệ mật thiết với phong trào đấu tranh của các dân tộc khác đang đứng lên đòi độc lập dân tộc, nhất là các nước thuộc địa Pháp; trên cơ sở đó, chủ trương đoàn kết với “các dân tộc bị áp bức trong khối Liên hiệp Pháp”, “thân thiện với các dân tộc Tàu, Xiêm, Diến Điện, Ấn Độ, Nam Dương...”[6]. Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự ủng hộ của các nước châu Á và các thuộc địa Pháp: “Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng. Vì nhân đạo, chính nghĩa, vì hoà bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện”[7].
Một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện chiến lược đoàn kết quốc tế của Việt Nam tăng cường đoàn kết với Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN. Đây là một lực lượng hùng hậu, lực lượng đối trọng với chủ nghĩa đế quốc từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Đoàn kết với các Đảng Cộng sản anh em, tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân là đường lối nhất quán của Chính phủ Việt Nam và được xác định là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược đoàn kết quốc tế. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định: “Về ngoại giao, chính quyền nhân dân thân thiện với Liên Xô và mật thiết liên lạc với các nước dân chủ mới”[8]. Tuy nhiên, thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, do cách mạng Trung Quốc chưa thành công, Việt Nam bị bao vây, cô lập, nên khả năng liên lạc với Liên Xô, với các nước XHCN khác còn nhiều khó khăn, trắc trở. Sau thắng lợi của cách mạng Trung Quốc (10-1949) và Chiến thắng Biên giới (1950, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của hệ thống XHCN đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên cả hai phương diện tinh thần và vật chất. Trong điều kiện lịch sử mới, từ sau năm 1950, Chính phủ Việt Nam chủ trương “liên minh với các nước dân chủ”[9], hướng mạnh về Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, đứng trong hàng ngũ dân chủ thế giới. Việt Nam “là một tiền đồn trong phòng tuyến dân chủ chống đế quốc ở Đông Nam châu Á (…)  được sự ủng hộ nhiệt liệt của Liên Xô, Trung Hoa, các nước dân chủ khác và của nhân dân thế giới”[10]. Trên thực tế, sự giúp đỡ quốc tế (mà chủ yếu là từ Liên Xô và Trung Quốc) đã làm tăng thêm đáng kể sức mạnh chiến đấu của quân và dân Việt Nam.
Một trong những trọng tâm triển khai chiến lược oàn kết quốc tế của Chính phủ Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp là tiến hành đoàn kết với các lực lượng hoà bình, dân chủ, tiến bộ trên thế giới, bởi vì, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp không chỉ vi phạm thô bạo chủ quyền dân tộc Việt Nam, mà còn đối lập với các trào lưu dân chủ, hoà bình thế giới. Chống lại dân tộc Việt Nam, thực dân Pháp cũng đồng thời chống lại  nhân dân yêu chuộng hoà bình, dân chủ và tiến bộ trên thế giới. Chính vì lẽ đó, “cuộc chiến đấu của các dân tộc Đông Dương thật sự là vì tự do, độc lập của mình mà cũng vì hoà bình và dân chủ trên thế giới. Nó không bị lẻ loi. Nó có một sức hậu thuẫn rộng lớn của phe dân chủ chống đế quốc trên thế giới giúp đỡ”[11].
Để tranh thủ được “sức hậu thuẫn rộng lớn” đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu lúc này là “phải làm cho các lực lượng tiến bộ trên thế giới nhận rõ rằng: Ta hy sinh, cố gắng vì hoà bình dân chủ trên thế giới nữa. Đấu tranh cho hoà bình, dân chủ, các lực lượng ấy không thể đứng bàng quan hoặc chỉ ủng hộ Việt Nam bằng lời nói mà phải ủng hộ Việt Nam bằng việc làm”[12]. Vận động các lực lượng hoà bình, dân chủ trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm đoàn kết với nhân dân tiến bộ Pháp, nhìn thấy sự phân hoá rõ rệt trong nội bộ nước Pháp. Chống lại dân tộc Việt Nam không phải là nhân dân Pháp và dân tộc Pháp nói chung, mà chỉ có lực lượng thực dân Pháp xâm lược. Dân tộc Việt Nam không có oán thù gì đối với dân tộc Pháp; do vậy, khi thực hiện chiến lược đoàn kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu: “Làm cho nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa Pháp tích cực ủng hộ ta, chống lại thực dân phản động Pháp”[13] và chủ trương “liên hiệp với dân tộc Pháp, chống bọn phản động thực dân Pháp”. Trong Thư gủi Quốc hội và nhân dân Pháp (7-1-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam thành thực muốn cộng tác với nhân dân Pháp như anh em trên một căn bản tín nghĩa và bình đẳng”[14].
Cần nói thêm rằng, trong khi tranh thủ tối đa mọi sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế, thực hiện tư tưởng đoàn kết quốc tế, nhân dân Việt Nam không trông chờ một cách bị động vào sự giúp đỡ từ bên ngoài, mà luôn luôn chú trọng tới yếu tố nội lực.
Thực tiễn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) đã chứng minh rằng, trong điều kiện một nước nhỏ phải chống lại một cường quốc, việc kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam có sự đóng góp của các nước xã hội chủ nghĩa, “là do nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa  anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc đã hết lòng giúp đỡ... Sự ủng hộ tích cực của các Đảng anh em khác, nhất là Đảng Cộng sản Pháp... Sự ủng hộ của các dân tộc thuộc địa và nhân dân yêu chuộng hoà bình toàn thế giới”[15].
2- Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bên cạnh việc giữ vững đường lối độc lập, tự chủ, sáng tạo, phát huy cao độ sức mạnh của toàn dân tộc, Nhà nước Việt Nam chủ trương ra sức tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn trên thế giới, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Có thể nói, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vấn đề đoàn kết quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh thời đại được coi là một bộ phận hợp thành đường lối chống Mỹ, cứu nước. Chiến lược  đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam có thể đúc rút ngắn gọn như sau: Đoàn kết, tập hợp và tranh thủ bất cứ lực lượng nào có thể đoàn kết, tập hợp, tranh thủ được, nhằm phân hoá, cô lập kẻ thù, đồng thời có thêm nhiều bạn bè và sự ủng hộ cho cuộc kháng chiến.
Xuất phát từ tình hình và nhiệm vụ đất nước, tính toán đến các yếu tố thế giới, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương:
Thứ nhất, đoàn kết và hợp tác toàn diện, chặt chẽ với Trung Quốc, Liên Xô và các nước khác trong phe XHCN; đồng thời, góp phần củng cố tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước trong cộng đồng XHCN; tăng cường đoàn kết và hợp tác trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Định hướng “củng cố không ngừng tình đoàn kết, hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác”[16] đã được nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (3-1955). Tiếp đó, Đề cương công tác đối ngoại do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày trước Bộ Chính trị (đầu năm 1962), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 (12-1963), lần thứ 11 (3-1965) và lần thứ 12 (12-1965), lần thứ 13 (1-1967)... đều nhất quán khẳng định: “Ra sức góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong phe xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự thống nhất của phong trào cộng sản quốc tế, kiên quyết đấu tranh chống mọi âm mưu và hành động phá hoại sự đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân”[17]; “đẩy mạnh đấu tranh chính trị và ngoại giao, góp phần củng cố sự đoàn kết trong phe xã hội chủ nghĩa”[18], kiên trì phấn đấu bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác- Lênin;  “tranh thủ sự giúp đỡ về quân sự của các nước anh em đến mức cao nhất, trên cơ sở có lợi cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tăng cường đoàn kết quốc tế trong phe xã hội chủ nghĩa”[19]...
Như vậy, trong các văn kiện, các tuyên bố, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quyết tâm làm hết sức mình để củng cố, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị anh em với các nước XHCN nói chung, với hai nước Liên Xô và Trung Quốc nói riêng. Tuy nhiên, đặt trong điều kiện tình hình thế giới diễn biến phức tạp thời điểm bấy giờ, khi mâu thuẫn Xô - Trung nảy sinh và ngày càng trở nên gay gắt, thì việc triển khai chiến lược đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam thực không hề đơn giản. Quá trình đó đòi hỏi ở bộ não chỉ đạo cách mạng Việt Nam phải kiên quyết giữ vững nguyên tắc, nhưng mềm dẻo về sách lược.
Bằng sự nỗ lực cao độ, Việt Nam đã tranh thủ được Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN khác từng bước đồng tình, đi đến ủng hộ đường lối, mục tiêu, lập trường và quyết tâm chiến đấu của nhân dân Việt Nam, giành cho Việt Nam sự giúp đỡ to lớn, quý báu về mọi mặt. Việt Nam đã tận dụng vai trò quan trọng của Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN trên trường quốc tế, đặc biệt đối với các tổ chức dân chủ, hoà bình quốc tế, với phong trào giải phóng dân tộc. Việt Nam tranh thủ được các viện trợ không hoàn lại, cho vay không tính lãi với nhiều chương trình kinh tế, thương mại, lương thực, ngoại tệ... và đặc biệt là quân sự của cả Liên Xô và Trung Quốc. Việc thực hiện thành công sự đoàn kết với Liên Xô, Trung Quốc và các nước XHCN khác đã tạo ra cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam một sức mạnh tổng hợp cần và đủ để hạn chế một phần sức mạnh của đế quốc Mỹ, bảo đảm đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn của Mỹ.
Thứ hai, đoàn kết chặt chẽ với Lào, Campuchia, hình thành mặt trận đoàn kết nhân dân ba nước Đông Dương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam có ảnh hưởng đến xu thế cách mạng ở Lào và Campuchia và ngược lại. Ba nước Đông Dương tiếp tục cùng  có chung một kẻ thù. Lào và Campuchia còn vừa là hậu phương, vừa là căn cứ địa của ba nước, là nơi tổ chức hậu cứ cho lực lượng ở miền Nam và đường tiếp tế từ Bắc vào Nam Việt Nam. Do vậy, đoàn kết, thiết lập tình đoàn kết chiến đấu keo sơn của các dân tộc Đông Dương thời kỳ chống thực dân Pháp, nay cùng chung chiến hào chống Mỹ tiếp tục được kế thừa và phát triển. Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh: “Tăng cường khối đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương trở thành một khối thống nhất có một chiến lược chung kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ba nước chống đế quốc Mỹ  xâm lược và bè lũ tay sai”[20]. Trong thế gắn bó, giúp đỡ chặt chẽ, vùng giải phóng ba nước nối liền, mở rộng, hình thành thế liên hoàn vững chắc. Đông Dương thành một mặt trận, tiến công trực diện vào đế quốc Mỹ.
Ở Lào, năm 1960 diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt. Sau sự kiện tháng 12-1962[21], Mỹ ráo riết can thiệp mạnh vào Lào. Đối với cách mạng Lào, Việt Nam kiên quyết ủng hộ Mặt trận Lào yêu nước và các lực lượng trung lập Lào đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh trên bàn đàm phán, nhằm là thất bại chính sách can thiệp của Mỹ, tạo thuận lợi cho cách mạng Lào đi lên. Với sự ủng hộ của Việt Nam và các lực lượng tiến bộ, hoà bình trên thế giới, Hiệp định Geneve 1962 về Lào được ký kết.
Từ đó đến khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc, Việt Nam và Lào luôn sát cánh, ủng hộ và giúp đỡ nhau một cách hiệu quả. Việt Nam và Lào phối hợp chặt chẽ trong đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao; nhờ đó, lực lượng kháng chiến Lào phát triển nhanh, vùng giải phóng Lào được mở rộng. Tình đoàn kết chiến đấu chặt chẽ giữa hai dân tộc đã thúc đẩy cách mạng hai nước phát triển vì mục tiêu độc lập dân tộc.
Thực hiện đoàn kết quốc tế với Campuchia, tuy có những khó khăn nhất định nảy sinh do mâu thuẫn giữa đường lối và lợi ích giữa Việt Nam với Đảng Nhân dân Campuchia, nhưng về cơ bản, sự ủng hộ lẫn nhau giữa hai dân tộc luôn được đảm bảo. Từ năm 1970 trở đi, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam công khai phối hợp với lực lượng kháng chiến Campuchia đánh trả quân Mỹ và quân đội Sài Gòn. Việt Nam tiếp sức cho Đảng Nhân dân Campuchia đứng lên chống Mỹ, chống Lon Non, giành vị trí hợp pháp.
Đỉnh cao của tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam- Lào- Campuchia thể hiện qua Hội nghị cấp cao nhân dân ba nước Đông Dương (từ ngày 24 đến ngày 25 tháng 4-1970). Tuyên bố chung của Hội nghị trở thành cương lĩnh đấu tranh chung, hiến chương chung về quan hệ đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân ba nước.
Thứ ba, tăng cường tình đoàn kết chiến đấu với các phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân Á-Phi, Mỹ- Latinh.
Từ những năm 60 (XX) trở đi, phong trào giải phóng dân tộc dâng lên mạnh mẽ ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ-Latinh. Năm 1960, hàng loạt các nước ở châu Phi giành được độc lập, hệ thống thuộc địa tan rã từng mảng lớn. Đa số những nước mới độc lập chọn con đường trung lập, không liên kết; giới lãnh đạo nhiều nước dân tộc chủ nghĩa có thiện cảm với CNXH và tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đấu tranh cho hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội. Lực lượng này đang trở thành một trong những lực lượng quan trọng, giữ một vai trò to lớn và làm cho so sánh lực lượng trở nên ngày càng bất lợi cho các nước đế quốc. Nhận thức rõ tương quan lực lượng, đường lối nhất quán của Chính phủ Việt Nam là “ra sức ủng hộ phong trào đầu tranh chống chủ nghĩa thực dân và giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ-Latinh’’[22]; ra sức tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân cả thế giới, của các nước Á, Phi, Mỹ-La tinh[23] … Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh thành công của Hội nghị Băng-đung (1955). Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đi thăm hàng loạt các nước châu Á (Ấn Độ, Miến Điện, Inđônêxia..); Việt Nam tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Á, Phi, Mỹ Latinh; thiết lập và mở rộng quan hệ với các nước vừa giành được độc lập... Với các hoạt động thiết thực đó, Việt Nam đã tranh thủ được sự đồng tình của các nước đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước; đồng thời, góp phần thúc đẩy xu hướng chống thực dân ở các nước vừa giành độc lập.
Thứ tư, đoàn kết với các lực lượng tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì hoà bình thế giới, chống đế quốc, thực dân, vì dân sinh, dân chủ.
 Nhận thức “vấn đề mở rộng và tăng cường mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là vấn đề có tầm quan trọng rất lớn”[24]; “kiên quyết cùng các anh em và nhân dân yêu chuộng hoà bình và tiến bộ trên thế giới tiếp tục chung sức đấu tranh để bảo vệ và củng cố hoà bình, chống lại chính sách xâm lược và chính sách chiến tranh của đế quốc Mỹ”[25], Nhà nước Việt Nam đồng thời xác định nhiệm vụ  phải thúc đẩy để mặt trận đó “tập hợp được tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới và lấy các nước trong phe xã hội chủ nghĩa làm chỗ dựa vững chắc”[26]. Thực hiện định hướng trên, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã tích cực nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế, thúc đẩy hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam. Nêu cao tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tập hợp được một lực lượng to lớn và đông đảo của nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Mặt trận này hình thành từ cuối năm 1964 (khi Mỹ đưa quân ồ ạt và Việt Nam và dùng không quân đánh phá miền Bắc), nhanh chóng mở rộng và phát triển mạnh mẽ. Phong trào lan từ các nước XHCN tới các nước TBCN, tới các nước dân tộc độc lập khắp các châu lục, liên kết rộng rãi các xu hướng chính trị- xã hội trên thế giới đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, trong đó có cả phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh. Các hình thức ủng hộ cũng rất đa dạng và phong phú, cuộc chiến tranh càng mở rộng, càng ác liệt, thì sự ủng hộ của lực lượng đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam càng mạnh mẽ. Phong trào này đã thực sự tác động đến thái độ của chính giới Mỹ, cổ vũ nhân dân Việt Nam, gây sức ép mạnh đối với chính quyền Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh.
Như vậy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chịu sự tác động lớn của nhân tố quốc tế trên cả hai phương diện tích cực và tiêu cực, nêu cao tư tưởng đoàn kết quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã xử lý khá thành công những phức tạp trong các mối quan hệ quốc tế, kết hợp  sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Đánh giá về những nhân tố đưa đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam nhận định: “Nhờ kết hợp sức mạnh của nhân dân ta với sức mạnh của thời đại, nhờ đường lối quốc tế đúng đắn của Đảng, chúng ta đã tranh thủ được sự ủng hộ rất lớn về tinh thần và vật chất của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của tất cả các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới, tạo thành một mặt trận quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược”[27].
*              *
*
Sức mạnh quốc tế tồn tại khách quan. Chính phủ, nhân dân Việt Nam đã khai thác và phát huy sức mạnh ấy. Chiến lược đoàn kết quốc tế, đường lối đoàn kết quốc tế Đảng, Nhà nước Việt Nam là một nhân tố căn bản bảo đảm cho việc tập hợp lực lượng quốc tế, góp phần tăng thêm đáng kể sức mạnh của dân tộc Việt Nam trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Bản thân ngọn cờ chính nghĩa của các cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam đã có sức mạnh vượt trội, nhưng sức mạnh ấy sẽ được nhân lên gấp nhiều lần nếu được thế giới đồng tình, cổ vũ, ủng hộ. Chiến lược đoàn kết quốc tế của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến (1945-1975) đã kết hợp sức mạnh nội lực với ngoại lực, góp phần quan trọng cho thắng lợi cuối cùng của dân tộc - thắng lợi trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H. 2000, t9, tr 180.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t13, tr 152.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t4, tr 470.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t12, tr 148.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t13, tr 152.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t8, tr 151.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t5, tr 23.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.9, tr 205.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.11, tr 225.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.11, tr 14.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t9, tr 177.
[12] Trường Chinh, Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, Nxb Sự thật, H, 1975, tr 248.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t9, tr 37.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H , 2000, t5, tr 11.
[15] Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, H, 1970, Nxb Sự thật, tr 233.
[16] Biên bản Hội nghị BCH TƯ lần thứ 7 (khoá II), Đơn vị bảo quản 29, Cục lưu trữ Trung ương Đảng.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập , t21, Nxb CTQG 2002, tr 625.
[18] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t26, tr 641.
[19] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t28,tr 110.
[20] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t31,tr 239.
[21] Phumi Nôxavan (thân Mỹ) làm đảo chính chính quyền của ông Hoàng Phuma.
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t21, tr 625.
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t26, tr 110.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t26, tr 641.
[25] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t21, tr 625.
[26] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, t26, tr 641.
[27] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb Sự thật, H 1977, tr 23.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!