Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Trong chiến tranh, nhân dân Việt Nam luôn
nhận được sự giúp đỡ nhiều mặt, hiệu quả của Liên Xô. Ngoài ủng hộ chính trị,
viện trợ kinh tế, phương tiện quân sự, Liên Xô còn cử sang Việt Nam một đội ngũ
chuyên gia quân sự hùng hậu, có trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm cao.
Tuy nhiên, vì những lý do khách quan, chủ quan, một thời gian dài, sự có mặt
của chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam nằm trong màn bí mật. Những năm gần đây,
Cộng hòa Liên bang Nga đã công bố một số lượng lớn các tài liệu lưu trữ
về sự can dự của Liên Xô trong các cuộc chiến tranh cục bộ ở nhiều nơi trên thế
giới; nhờ thế, giới nghiên cứu có thêm cơ sở, điều kiện để hình dung và luận
giải rõ hơn về lực lượng chuyên gia quân sự Xô-viết trong chiến tranh Việt Nam.
Cuối những năm 50 (XX),
Việt Nam, Đông Dương không thuộc khu vực quan tâm và ưu tiên chiến lược của
Liên Xô. Quan
hệ Xô –Việt khá mờ nhạt so với quan hệ của Liên Xô với những nước châu Á
khác. Tháng 12-1963, khi quyết định một
số vấn đề quan trọng về đường lối cách mạng Việt Nam, về quan hệ quốc tế, Hội
nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã nâng cao quan điểm về
"chủ nghĩa xét lại hiện đại", coi đó là nguyên nhân chính làm
"tổn thương nặng đến tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước anh em, nhất là
giữa Liên Xô và Trung Quốc, đánh vào trụ cột đoàn kết của cả phe ta"[1]. Kết luận đó khiến Liên Xô không hài lòng, có phản
ứng gay gắt, "cắt giảm viện trợ kinh tế cho Việt Nam tới 30%
và đòi Việt Nam gấp rút thanh toán những món nợ hiện có" [2].
Quan hệ Việt - Xô xấu đi trông thấy, rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử quan hệ hai nước.
Cuối những năm 1964 - đầu năm 1965, diễn ra một số sự kiện
làm biến đổi căn bản thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam. Tháng 10-1964,
N.Khorusov thôi giữ cương vị lãnh đạo, Ban lãnh đạo mới lên nắm quyền. Dù không
công khai tuyên bố từ bỏ chính sách đối ngoại “cùng tồn tại hòa bình",
nhưng Ban lãnh đạo của Liên Xô khẳng định lại vai trò trụ
cột đối với phong trào giải phóng dân tộc. Sự kiện Vịnh Bắc
Bộ (1964) đã khiến Liên Xô nhận thức lại vấn đề Việt Nam, nhất là khi ảnh hưởng của Trung Quốc ở
nơi đây đang tăng mạnh. Trong tình hình đó, nếu Liên Xô không có bước chuyển
chiến lược kịp thời, rất có thể vị trí của Liên Xô tại khu vực sẽ ngày càng hạn
chế và Liên Xô khó có cơ hội kiềm chế Trung Quốc – một đối thủ cạnh tranh nặng
ký và không dễ đối phó.
Cân nhắc tương quan lực
lượng thế giới, lợi ích khu vực và lợi ích chiến lược toàn cầu, Liên Xô điều
chỉnh chính sách đối ngoại, khởi động lại chính sách châu Á với điểm đến là
Việt Nam. Tháng 2-1965, Đoàn đại biểu cấp cao Liên bang CHXHCN
Xô-viết do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A.N. Kosygin dẫn đầu đã đặt chân
tới Việt Nam sau nhiều năm vắng bóng các chuyên viếng thăm cấp cao. Đây sự kiện
bước ngoặt quan trọng trong quan hệ Xô – Việt vốn trước đó khá mờ nhạt, nhằm
hướng tới mục tiêu xây dựng nền tảng mới cho quan hệ đồng minh, đưa quan hệ này
vào một giai đoạn phát triển khác biệt căn bản so với trước đây. Trong các cuộc thảo luận giữa Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên
Xô A.N. Kosygin với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các lãnh đạo
cấp cao của Việt Nam, việc làm
rõ các chi tiết trong quan hệ giữa hai nước gắn với các vấn đề quân sự là nội dung trọng tâm, thường xuyên và quan trọng. Tuyên bố chung được ký kết cuối chuyến thăm của A.N. Kosygin là một minh chứng sinh động về sự nồng ấm trở
lại trong quan hệ Việt – Xô: “Liên Xô không thờ ơ với an ninh của một
nước xã hội chủ nghĩa anh em và sẵn sàng ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam"[3].
Liên Xô và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận trên hai vấn đề cơ bản: 1- Liên Xô
cam kết cung cấp vũ khí chống lại sự tấn công bằng không lực của Hoa Kỳ, củng
cố khả năng phòng thủ của Việt Nam; 2- Liên Xô sẽ thoả thuận với Trung Quốc về
kế hoạch phối hợp hành động giúp đỡ Việt Nam[4].
Hai bên đồng ý tổ chức cơ chế tham vấn thường xuyên về những vấn đề quan trọng.
Cuối tháng 2-1965, Liên Xô quyết định viện
trợ tăng cường cho Việt Nam, tăng số lượng và chủng loại vũ khí trang bị;
đồng thời, đề nghị gửi Một lữ đoàn tên lửa, hai trung đoàn phòng không và các
đơn vị kỹ thuật, bảo đảm; một phân đội máy bay MiG-21 (trong đó có 12 máy bay
chiến đấu), một tiểu đoàn địa cầu, một tiểu đoàn trinh sát kỹ thuật”[5]sang bảo
vệ khu vực Hà Nội, Hải Phòng. Để tránh va chạm với Trung Quốc, Bộ Chính trị quyết
nghị không nhận các đơn vị chiến đấu của Liên Xô, chỉ đề nghị cử chuyên gia
sang giúp và xin trang bị. Cuối cùng, Liên
Xô đồng ý cử 290 chuyên gia giúp huấn luyện kỹ thuật cho lữ đoàn tên lửa phòng
không, 14 chuyên gia huấn luyện phi công và nhân viên kỹ thuật hàng không, 14
chuyên gia huấn luyện hải quân, tổng số tất cả là 318 người [6].
Tháng 4-1965, Bí thư thứ nhất Lê Duẩn
dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao gồm những tên tuổi quan trọng của Đảng CSVN (Bộ trưởng Quốc phòng
Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh) đến Liên Xô. Chuyến thăm
đã đạt được những kết quả to lớn trên nhiều phương diện. Hai nước nhất trí
“tiến một bước xa hơn nhằm bảo vệ chủ quyền và an ninh của Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa và triển khai những biện pháp thích hợp thực hiện mục đích”[7].
Hai bên đã ký thỏa thuận về viện trợ quân sự, về việc gửi các chuyên gia quân
sự Liên Xô sang Việt Nam. Thông cáo chung được ký kết nhân
chuyến thăm có đoạn viết: “Một khi các thế lực xâm lược Mỹ đẩy mạnh chiến tranh
chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong những trường hợp cần thiết, nếu như
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa yêu cầu, Chính phủ Liên Xô sẽ cho phép
những công dân Liên Xô có tình cảm quốc tế vô sản sâu sắc, mong muốn được chiến
đấu cho sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, được lên đường tới Việt
Nam”[8].
Có thể coi đây là tuyên bố chính thức về sự giúp đỡ toàn diện, thậm chí là bao
gồm cả nguồn lực con người đối với Việt Nam, dù Liên Xô biết rằng sự
hiện diện của các chuyên gia quân sự Xô-viết tại đây là một mạo hiểm cho hòa
hoãn Xô – Mỹ.
Theo tinh thần Thông cáo chung, Liên Xô lập tức có
những hành động thực tế: Ngày 6-7-1965, Hội đồng Bộ trường Liên bang Cộng hòa
XHCN Xô-viết ban hành Quyết định № 525-200, Về việc thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên
Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[9]. Quyết định № 525-200 nêu rõ nhiệm vụ của Đoàn chuyên gia
“trong thời gian ngắn nhất, giảng dạy và huấn luyện lực lượng Phòng không -
không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đủ khả năng tác chiến”[10].
Tuy nhiên, trước khi Quyết định № 525-200 được ban hành và có hiệu lực, công tác chuẩn bị gửi
chuyên gia quân sự sang Việt Nam đã được Nhà nước Xô viết, Bộ Quốc phòng Liên
Xô khẩn trương xúc tiến, thực hiện chu đáo, kỹ lưỡng. Ngày 5-1-1965, Chính phủ
Liên Xô ban hành Nghị định № 890-317, Về việc tăng tiền trợ cấp cho các sĩ quan thuộc
lực lượng đặc biệt[11] và
bắt đầu công tác lựa chọn chuyên gia. Các chuyên gia quân sự
phải trải qua các đợt giám định y khoa
nghiêm ngặt, trải qua nhiều đợt kiểm tra của các Ủy ban quân sự,
Hội đồng quân sự các cấp với yêu cầu cao về sức khỏe, về trình độ chuyên môn,
phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị …. Ứng viên vào các vị trí chỉ huy được
lựa chọn gắt gao hết sức và bắt buộc phải qua được "cửa ải" khắt khe
của Tổng cục 10[12],
Bộ Tổng tham mưu và sau đó là cuộc phỏng vấn – thẩm định của Tổng tham mưu
trưởng lực lượng vũ trang Xô-viết. Hầu hết các chuyên gia
đều là những sĩ quan, hạ sĩ quan đã từng tham gia cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại và chiến tranh
Triều Tiên 1953, được tôi luyện, dày dạn kinh nghiệm chiến đấu, có trình độ kỹ
thuật – quân sự cao và là vốn quý của lực lượng vũ trang Liên Xô. Sau khi được
lựa chọn, các chuyên gia thực hiện chế độ luyện tập quân sự thường xuyên, rèn
luyện thể lực, nghiên cứu điều lệnh tác chiến, các hướng dẫn khai thác, sử dụng
vũ khí, khí tài. Công tác này được tiến hành hoàn toàn bí mật, đích đến cuối
cùng của “chuyến biệt phái” chỉ được biết vào phút chót và tính bảo mật được
tuân thủ cho đến khi chuyên gia Liên Xô rút khỏi Việt Nam. Trước khi bay sang
Việt Nam, tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô đều được quán triệt rằng, “hoạt
động chiến đấu của họ tại các trận địa, số lượng máy bay Mỹ bị bắn rơi, quan hệ
công việc cụ thể với các chiến sĩ Việt Nam sẽ là hòn đá tảng cho việc cải thiện
các quan hệ chính trị, ngoại giao và tăng cường quan hệ hữu nghị với Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa"[13].
Sau thời gian chọn lựa, Ban chỉ huy Đoàn chuyên gia quân sự đầu
tiên đã được xác định, gồm: Chỉ huy trưởng Thiếu tướng G.A. Belov (từ tháng 9-1965 đến
tháng 10-1967); Phó Chỉ huy trưởng phụ trách chính trị Đại tá M. Borisenko và Trưởng nhóm chuyên gia Phòng không Đại tá A.M. Dưza (từ tháng 4-1965 đến
tháng 9-1965). Từ
năm 1967 đến năm 1975, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt
Nam qua các thời kỳ là: Thượng tướng Abramov (1967-1969; Trung tướng B.A. Stolnikov (1968-1970); Thiếu tướng N.K. Maksimenko (1970-1972) và Thượng tướng A. I.Hyupenen (1972-1975) [14]. Ban đầu, trong thành phần Đoàn chuyên gia
quân sự chỉ có các chuyên gia về tên lửa phòng không, kỹ thuật vô tuyến điện, về máy kiểm tra - đo
đạc…, sau này còn có thêm phi công, lực lượng kỹ thuật - kỹ sư, các chuyên gia
hải quân, chuyên gia xe tăng, các chuyên gia y tế….
Các chuyên gia được tiêm chủng theo các quy định của y tế thế giới
(kèm theo giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế), được phát quần áo thường phục,
được hưởng 100% lương do Nhà nước Xô-viết trả (sổ lương được chuyển về gia đình).
Tại Việt Nam, mỗi chuyên gia được nhận tiền lương của Nhà nước Việt Nam tùy
theo thang bậc quân hàm và chức vụ. Trước ngày các chuyên gia quân sự bay sang
Việt Nam, thẻ Đảng được gửi lại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, mọi giấy tờ
công vụ được chuyển về Tổng cục 10, Bộ Tổng tham mưu, khi đến Việt Nam, các
giấy tờ còn lại lưu giữ tại Đại sứ quán Liên Xô.
2- Các chuyên gia quân sự Liên Xô tác nghiệp
tại Việt Nam
Sau một thời gian nỗ lực chuẩn bị, tháng 4-1965, Đoàn chuyên gia
quân sự Liên Xô đầu tiên có sĩ số 100, dưới sự chỉ huy của Đại tá A.M. Dưza đã đến Việt Nam với nhiệm vụ “trong thời hạn ngắn nhất, huấn
luyện và đưa vào chiến đấu hai trung đoàn Phòng không Quân đội Nhân dân Việt
Nam”[15].
Cũng trong tháng 4-1965, Trung tâm huấn luyện quân sự dưới sự chỉ huy của Đại tá M. Sưgankov đã sang đến Việt Nam; trên cơ sở đó, hình thành hai Trung tâm huấn
quân sự luyện số 1 và 2. Từ ngày mùng 1-5 đến 15-5-1965, Bộ Quốc phòng Liên Xô
gửi đến Việt Nam thêm hai Trung tâm huấn luyện quân sự[16]
và trong một thời gian ngắn, cả bốn Trung tâm đã đi vào hoạt động. Từ tháng
6-1965 đến tháng 5-1967, “Bộ Quốc phòng Liên Xô đã gửi sang Việt Nam thêm 6
Trung tâm huấn luyện tên lửa –phòng không, mỗi một Trung tâm đảm nhiệm huấn
luyện một trung đoàn Phòng không Việt Nam”[17].
Trong hai năm 1965-1966, “các chuyên gia quân sự Liên Xô đã đào tạo được 10
trung đoàn tên lửa phòng không, 3 trung đoàn kỹ thuật vô tuyến, 2 trung đoàn
không quân tiêm kích”[18].
Để có được kết quả nêu trên, “từ tháng 4-1965 đến tháng 5-1966, đã có 2.266
chuyên gia Phòng không Liên Xô đến Việt Nam”[19],
còn tính đến tháng
12-1968, tổng cộng tất cả là 3.019 người
[20].
Các chuyên gia phòng không Liên Xô biên soạn
chương trình huấn luyện, đề cương, kế hoạch từng buổi lên lớp và phải làm việc
trong điều kiện khí hậu, thời tiết, điều kiện sinh hoạt hết sức khó khăn. Tuy
nhiên, họ luôn làm việc “với ý thức trách nhiệm cá nhân trước công việc được
giao phó và lòng tự hào thầm lặng, ẩn kín bên trong về đất nước mình”[21].
Mỗi chuyên gia làm việc bằng hai, thậm chí bằng ba người, ngày làm việc kéo dài
hơn 12 tiếng, thời gian nghỉ ngơi cũng luôn được dành để “tham vấn cá nhân”,
hoặc để dạy thêm các môn toán, hóa, kỹ thuật điện… cho các học viên Việt Nam. Vì
thiếu trầm trọng phiên dịch và một số phiên dịch chưa thông thạo những thuật
ngữ chuyên môn, nên công tác huấn luyện các chiến sĩ Phòng không Việt Nam được
tiến hành theo kiểu “cầm tay chỉ việc. Trong giảng dạy, các chuyên gia Liên Xô
triệt để sử dụng tranh minh họa, các sơ đồ, tập trung huấn luyện kỹ thuật bắn
tên lửa, kỹ năng chỉ huy phối hợp tác chiến cấp tiểu đoàn, trung đoàn, nhóm
trung đoàn”. Khi các chiến sĩ Việt Nam đã tiếp
thu và sử dụng thành thạo kỹ thuật, các chuyên gia Liên Xô chuyển sang
vai trò cố vấn ngay tại chỗ và đào tạo lớp chiến sĩ mới với những kỹ
thuật luôn luôn được cải tiến, hoàn thiện tại các Viện nghiên cứu và
thiết kế ở Liên Xô. Sau khi hoàn thành các khóa huấn
luyện cấp tốc với khoảng thời gian ngắn nhất (lúc đầu dự định là 8 tháng, sau
rút xuống 6 tháng và cuối cùng thực tế huấn luyện chỉ còn 2,5 tháng), Bộ Quốc
phòng Việt Nam quyết định thành lập các trung, tiểu đoàn hỏa lực, nhanh chóng
chiếm lĩnh trận địa. Tuy đã trải qua thời gian học tập, huấn luyện tích cực,
song vào thời điểm đó, nếu chỉ có bộ đội Việt Nam thì lực lượng Phòng không -
không quân Việt Nam còn khá mỏng, chưa đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ chiến
đấu. Bộ Quốc phòng Việt Nam và Ban Chỉ huy Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thông
qua quyết định gấp rút thành lập các khẩu đội chiến đấu có quân số rút gọn với
sự tham gia của chuyên gia quân sự Liên Xô và số chuyên gia còn thiếu đã được
Liên Xô gửi gấp sang [22].
Cuối tháng 7-1965, các Trung tâm huấn luyện được biên chế vào các trung đoàn
Phòng không của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhận các trang thiết bị cần thiết
từ Liên Xô và cùng tham gia chiến đấu. Thời kỳ đầu, mỗi trung đoàn Phòng không
Việt Nam có khoảng 50 chuyên gia Liên Xô cùng tác nghiệp; sau đó, khi các chiến
sĩ Phòng không Việt Nam đã sử dụng vũ khí, khí tài thành thục, tác chiến độc
lập thành công, số chuyên gia Liên Xô rút xuống còn từ 10-15 người[23].
Vũ khí, khí tài Liên Xô viện trợ cho Việt Nam được tháo rời và vận
chuyển bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển tới Việt Nam; bên cạnh đó,
độ ẩm ở Việt Nam lớn, nhiệt độ cao, khí tài vận hành gần như không ngừng nghỉ,
lại chịu sự đánh phá thường xuyên của máy bay địch; do vậy, cần phải được lắp
ráp, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm tra mức độ sẵn sàng chiến đấu. Đáp ứng
yêu cầu đó, các chuyên gia kỹ thuật Xô-viết lắp ráp, thực hiện kiểm tra định kỳ
đối với các loại khí tài theo đúng quy trình. Tuy nhiên, do tần suất đánh phá
của máy bay Mỹ dày đặc, nên công tác kiểm tra định kỳ trở nên hết sức khó khăn
và được thực hiện linh hoạt, song luôn đảm bảo đúng chỉ định. Các chuyên gia kỹ
thuật tích cực sửa chữa và phục hồi các khí tài bị hư hại, hoàn thành những
loại công việc mà ngay tại Liên Xô, để thực hiện chúng cần phải có những thiết
bị đặc biệt đặt trong những xưởng cố định. Công việc
bảo trì được các chuyên gia tiến hành từ khoảng 18h và kết thúc lúc nửa đêm, từ
3h sáng trở đi là chuỗi công việc kiểm tra khí tài, chuẩn bị chiến đấu. Riêng
việc kiểm tra khí tài được thực hiện theo quy trình soạn thảo riêng cho Việt
Nam, phù hợp điều kiện thực tiễn và đặc thù chiến đấu. Ngoài những nhiệm vụ
thường xuyên nói trên, các chuyên gia kỹ thuật còn trực tiếp huấn luyện đội ngũ
kỹ thuật viên Việt Nam, đưa ra những
khuyến cáo về vận hành, giải thích các quy tắc kỹ thuật, hình thành ở các học
viên kỹ năng hoạt động.
Cùng làm nhiệm vụ huấn luyện, tại sân bay quân sự Nội Bài, các phi
công Liên Xô hướng dẫn, huấn luyện các chiến sĩ Không quân Việt Nam kỹ thuật
bay. Các phi công Liên Xô thường xuyên hoạt động trong tình trạng quá tải, làm
việc tới hơn 12 giờ đồng hồ và nhiều hơn thế/ngày, bay trên những chiếc máy bay
kiểu Xpáccơ không được trang bị vũ khí, hoặc những máy bay chiến đấu MiG-21U
trong tình trạng bất cứ lúc nào sân bay cũng có thể bị tấn công và những chiếc
Xpáccơ có tốc độ chậm có thể bị bắn hạ. Hàng đêm, các phi công Liên Xô thực
hiện xoay vòng khoảng 20 chuyến bay huấn luyện, hoặc nhiều hơn; hàng ngày thực hiện các chuyến bay thử nghiệm kiểm tra
sau khi bảo trì trong mọi điều kiện thời tiết, thậm chí đôi khi thực hiện nhiệm
vụ chiến đấu trực tiếp [24].
Không hiếm trường hợp máy bay bay luyện tập do chuyên gia Liên Xô điều khiển bị
máy bay Mỹ truy đuổi và các phi công đã phải hạ cánh thẳng xuống sân bay, không
có các thiết bị định vị.
Trong chiến tranh Việt Nam, các phương tiện kỹ thuật quân sự hiện
đại được cả hai bên tham chiến sử dụng rộng rãi. Quân đội Mỹ đã tiến hành tại
Việt Nam các hoạt động quân sự hết sức đang dạng, từ tác chiến điện tử, hàng
rào bom mìn đến do thám, tình báo…Nhằm giúp Việt Nam đối phó một cách hiệu quả
với những thủ đoạn chiến tranh của Mỹ, chuyên gia khoa học quân sự Liên Xô với nhiều chuyên
ngành khác nhau đã tới Việt Nam.
Cuối năm 1966 đầu năm năm 1967, Không quân Mỹ đã sử dụng các hình thức gây nhiễu
với cường độ mạnh và sử dụng tên lửa chống ra đa; đồng thời,
khống chế các tổ hợp tên
lửa phòng không Việt Nam
bằng các phương tiện vô tuyến điện tử trên tất cả các băng tần, sử dụng các
hình thức gây nhiễu đối với sóng vô tuyến áp trong khi các tổ hợp tên lửa phòng không S-75 chưa được bảo vệ
tốt. Trước tình hình đó, tháng 6-1967, Chính phủ Việt Nam đề nghị Liên Xô gấp
rút gửi gấp sang số khí tài quân sự trong kế hoạch viện trợ năm 1967; đặc biệt là các khí tài chống nhiễu, các trạm rađa
SNAR-6, các loại khí tài bổ sung[25].
Nhận được yêu cầu, Liên Xô không chỉ nhanh chóng đáp ứng về vật chất, mà còn gửi
sang Việt Nam nhóm chuyên gia khoa học tên lửa và nhóm
chuyên gia công nghiệp quốc phòng (8-1967); trong đó có nhà khoa học tài năng phụ trách thiết kế tên lửa S-75 và
chuyên gia quân sự “huyền thoại I.P.Shavkun” [26].
Các chuyên gia quân sự Liên Xô “nghiên cứu chiến thuật, phương thức và phương
pháp hoạt động chiến đấu của Không quân Mỹ, nghiên cứu các phương tiện chiến
đấu mới địch đang sử dụng”[27],
nhằm tìm ra biện pháp giảm bớt hoặc loại trừ hiệu quả các phương tiện ấy. Các chuyên
gia đã nhanh chóng xác định những biện pháp đối phó với loại tên lửa tự tìm mục
tiêu Shrike, đưa ra khuyến cáo đối với khâu phóng các tên lửa trong điều kiện kẻ
địch sử dụng tên lửa chống rada Shrike, đề xuất những cải tiến quan trọng đối
với hệ thống tên lửa phòng không S-75.
Để giúp Việt Nam đối phó với cuộc chiến điện tử, gây nhiễu khống
chế hệ thống tên lửa phòng thủ, tháng 5-1968, Đoàn chuyên gia quân sự gây nhiễu
và tác chiến điện tử do Trung tá V.X. Kixilov chỉ huy bay sang Việt Nam [28].
Triển khai nghiên cứu ở khu vực không quân Mỹ hoạt động tích cực nhất, dù thiếu
những khí tài tối tân, song phát huy mọi khả năng, các chuyên gia đã sáng tạo ra
những thiết bị kỹ thuật; nhờ đó, nhanh chóng “xác định rõ cơ chế tác động của
nhiễu đối với hệ thống bám sát mục tiêu, tìm ra nguyên nhân làm cho tên lửa kém
hiệu quả”[29].
Kết quả được chuyển giao cho Bộ Tư lệnh Binh chủng Phòng không - không quân
Quân đội Nhân dân Việt Nam. Các chuyên gia điện tử Xô-viết tổ chức các buổi học
nâng cao nghiệp vụ cho các chuyên viên Việt Nam. Nội dung giảng dạy “được thảo luận, lựa chọn cho phù hợp điều kiện
và trình độ của học viên và được Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô phê
chuẩn”[30].
Trong không khí chiến tranh Lạnh bao trùm toàn cầu, việc nắm bắt
các bí mật vũ khí, khí tài hiện đại trở thành yêu cầu cấp thiết. Do vậy, giúp
đỡ Việt Nam về quân sự, các nhà lãnh
đạo Liên Xô còn quan tâm tới cơ hội thu thập thông tin về vũ khí của Mỹ và thử
nghiệm vũ khí của Liên Xô trên chiến trường Việt Nam. Tháng 8-1965, trong cuộc
hội đàm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thứ trưởng Quốc phòng Trần Sâm, Đại sứ Liên Xô
Serbacov và chuyên viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam Ivanov đề nghị Việt Nam hợp
tác cùng Liên Xô tìm hiểu tính năng kỹ thuật, chiến thuật, cách chế tạo và
phương pháp sử dụng những loại vũ khí, trang bị quân sự của Mỹ đã và đang sử dụng
ở Việt Nam [31]. Được sự đồng ý của
Việt Nam, trong năm 1965, Tổng
cục 10, Bộ Tổng tham mưu Quân đội Liên Xô đã thành lập nhóm chuyên gia
quân sự thu nhặt, nghiên cứu chiến lợi phẩm của Mỹ. Tháng 10-1965,
Đoàn chuyên gia khoa học quân sự, “gồm các chuyên viên cao cấp của các Học viện
quân sự và Viện nghiên cứu khoa học Bộ Quốc phòng, các chuyên gia - cán bộ
thiết kế ngành công nghiệp quốc phòng, chuyên gia điện tử, thiết bị dẫn đường và thông tin liên
lạc”[32]…
đã sang Việt Nam và lập tức bắt tay thu thập đạn, mìn chưa nổ, các loại súng
ống, phế liệu của các máy bay Mỹ bị bắn rơi, kiểm tra những trường hợp vũ khí
của Liên Xô hoạt động chưa tốt và gửi những mẫu hữu ích nhất về Moscow. Từ
năm 1965 đến năm 1974, Liên Xô đã gửi sang Việt Nam tất cả 40 chuyên gia quân
sự cao cấp Liên Xô các ngành công nghiệp quốc phòng cho
mục đích trên[33].
Để hoàn thành nhiệm vụ, Đoàn chuyên gia trực tiếp làm việc tại hiện trường
trong hoàn cảnh thiếu các thiết bị chuyên dụng, nguy hiểm luôn rình rập.Từ
tháng 5-1965 đến tháng 1-1967, nhóm chuyên gia đã “lượm lặt, lựa chọn và gửi về
Liên Xô hơn 700 chủng loại thiết bị quân sự và vũ khí Mỹ”[34].
Trên cơ sở những dữ liệu thu thập được, các chuyên gia quân sự Liên Xô biên
soạn những tài liệu quân sự giá trị, “đưa những đề xuất điều chỉnh các loại vũ
khí của Liên Xô có tính năng phù hợp hoặc vượt trội chống lại trang thiết bị
quân sự của Mỹ”[35].
Các thuyết minh và mẫu vật được nhóm chuyên gia gửi về Liên Xô đã góp phần cải tiến
các loại vũ khí, khí tài đang sử dụng trên chiến trường Việt Nam, “cho phép
giảm đáng kể chi phí và thời gian nghiên cứu sản xuất những vũ khí tương tự,
thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng Xô-viết phát triển nhanh chóng”[36].
Nhằm giúp Việt Nam chống lại
chiến lược phong tỏa bờ biển của Mỹ, rà phá bom mìn trên các cửa cảng, theo đề
nghị của Việt Nam, tháng 8-1972, Liên Xô cử một tổ 4 người sang nghiên cứu; tháng
10-1972, Liên Xô cử thêm 18 người cùng với 36 tấn khí tài mò lặn [37]. Tuy
nhiên, do chưa quen với các loại bom mìn mới của Mỹ, nên hiệu quả công tác rà
phá không cao, mặc dù các chuyên gia làm việc rất tích cực, nhiệt tình.
Từ cuối năm 1974, với những thay đổi trong cuộc
kháng chiến chống Mỹ, lực lượng chuyên gia quân sự Liên Xô rút dần và quy chế
"chuyên gia quân sự Liên Xô" được thay bằng quy chế "cố vấn quân
sự Liên Xô"; chức vụ Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô thay bằng chức
vụ Trưởng đoàn cố vấn quân sự bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam [38].
3- Cải tiến và ứng dụng kỹ thuật quân sự - kinh
nghiệm từ Việt Nam
Nhận sự ủy thác của Nhà nước Xô-viết, tham gia vào chiến tranh
Việt Nam, chuyên gia quân sự Liên Xô đã cống hiến sức lực, trí tuệ, thậm chí
tính mạng với mong muốn giúp những người anh em Việt Nam rút ngắn quãng đường
đi tới nền hòa bình hằng mong đợi. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự
Liên Xô, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống Phòng không – không quân hiện đại,
hùng mạnh với binh chủng tên lửa phòng không, pháo cao xạ, các phi đội máy bay
tiêm kích, binh chủng kỹ thuật vô tuyến, hệ thống các đài chỉ huy và các phương
tiện liên lạc. Trong khói lửa chiến tranh Việt Nam, chuyên gia quân sự Liên Xô
đã cùng với các chuyên gia Việt Nam nghiên cứu, tích cực cải tiến, phát triển
hệ thống phòng thủ phòng không - không quân của Việt Nam trên hai phương diện:
Kỹ thuật và chiến thuật.
Về kỹ thuật, chuyên gia
hai nước đã cải tiến các đài trinh sát, hiện đại hóa các bộ khí tài tên lửa
phòng không, mở rộng đáng kể các tính năng chiến đấu của tên lửa, mở rộng tầm
tiêu diệt và khả năng đối phó với các máy bay có sử dụng biện pháp cơ động
tránh tên lửa. Nhờ công sức đóng góp của các chuyên gia, “trong tất cả các bộ
khí tài tên lửa phòng không đều đã có những cải tiến, hoàn thiện có tác dụng
nâng cao khả năng chống nhiễu của mạch hồi trong đài điều khiển tên lửa; đã làm
tăng 2,5 - 3 lần độ điều khiển chính xác tên lửa nhằm vào mục tiêu đang cơ
động; sử dụng chế độ thông tin giả trong mạch của máy vô tuyến phát lệnh”[39].
Các chuyên gia còn đưa ra biện pháp phòng tránh tên lửa chống ra da bằng cách
sử dụng các phương tiện phát sóng đánh lạc hướng và một loạt biện pháp có tính
chất tổ chức - kỹ thuật như chỉnh lại các tần số làm việc của đài điều khiển
tên lửa, của các thiết bị phản hồi, nâng cao công suất các máy phát tín hiệu
phản hồi của tên lửa. Ngày 30-3-1968, sau khi cải tiến khối điều
khiển FR-15 của tên lửa S-75, một
máy bay F-111A của Mỹ bị tên lửa S-75 Dvina bắn rơi. Sự kiện này quan trọng đến
mức nó được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô Andei Grechko báo cáo trực tiếp lên
Tổng bí thư L.Breznev. Từ năm 1965 đến năm 1972, “hệ
thống rada của S-75 (SAM-2) đã được cải tiến 4 lần với 40 nội dung kỹ thuật để
bắt kịp cuộc chiến tranh điện tử của Không quân Mỹ”[40].
Những cải tiến kỹ thuật nêu trên đảm bảo cho bộ đội Phòng không Việt Nam
đạt hiệu quả cao trong chiến đấu, khiến “quân Mỹ bị tổn thất 1 máy bay/60 lần
chiếc xuất kích (trong chiến tranh Triều Tiên không quân Mỹ bị tổn thất 1 máy
bay/750 lần chiếc xuất kích)”[41],
chấm dứt sự thống trị của B-52, F-111, F-105… trên bầu trời và những cuộc ném
bom không bị trừng phạt xuống miền Bắc Việt Nam.
Về chiến thuật, các
chuyên gia quân sự Liên Xô phối hợp với binh chủng Phòng không Việt Nam áp dụng
rộng rãi phương pháp cơ động tiểu đoàn tên lửa, tổ chức phục kích, bất ngờ
phóng tên lửa vào máy bay địch, thiết lập trận địa giả đi đôi với áp dụng những
nguyên tắc mới trong cấu tạo các cụm đơn vị tên lửa phòng không, tạo ra các cụm
đơn vị tên lửa phòng không có cơ cấu hỗn hợp[42].
Các chuyên gia cũng chuyển từ phương pháp huấn luyện chiến đấu cho các trắc thủ
của các khẩu đội sang phương pháp tổ chức hiệp đồng đồng bộ các khẩu đội, các
đại đội, các tiểu đoàn, các đơn vị cho phù hợp các thay đổi chiến thuật.
Nhờ các cải tiến, phát triển kỹ thuật, chiến thuật “trong hai cuộc
chiến tranh phá hoại miền Bắc 1965-1968 và 1972, các đơn vị tên lửa SAM-2 của
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã đánh 3.542 trận, trong đó có 588 trận đánh ban
đêm; tiêu thụ 5.885 quả đạn; bắn rơi 788 máy bay của không lực Hoa Kỳ, 366
chiếc rơi tại chỗ; trong đó có 43 máy bay B-52; bình quân 7,1 quả đạn diệt được
một máy bay, bảo đảm an toàn trong sử dụng và nâng cao độ chính xác khi chiến
đấu”[43].
Kinh nghiệm tác chiến của các đơn vị tên lửa Phòng không -của
không quân ở Việt Nam đã được phân tích, nghiên cứu kỹ lưỡng và được áp dụng
rộng rãi trong công tác huấn luyện chiến đấu của Binh chủng Phòng không Liên Xô
và ở tất cả các nước tham gia Hiệp ước Vácsava. Bộ Quốc
phòng Liên Xô đã cho soạn thảo và phát hành những bản thông báo kỹ thuật bằng
nhiều thứ tiếng, phổ biến những tổng kết chiến tranh và những đề xuất về cải
tiến cơ cấu các cụm đơn vị tên lửa phòng không trên cơ sở kinh nghiệm từ chiến
tranh Việt Nam. Những thông tin thu thập được trong quá trình tác chiến ở Việt
Nam đều được đem giảng dạy rộng rãi trong các trường quân sự của Liên Xô, kể cả
tại các trường quân sự có các cán bộ quân sự nước ngoài theo học.
Các bộ khí tài tên lửa phòng không được các chuyên gia quân sự
Liên Xô và Việt Nam cải tiến, hiện đại hóa đã giúp binh chủng tên lửa phòng
không của Liên Xô và của những nước được cung cấp các bộ khí tài tên lửa ấy có
bước nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả hoạt động. Các
chuyên gia quân sự Liên Xô đã tổng kết kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam, nghiên
cứu và áp dụng nguyên tắc mới trong cơ cấu các cụm đơn vị tên lửa phòng không ở
Liên Xô. Kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Nam được phổ
biến, áp dụng cho cuộc chiến tranh 7 ngày (6-1967) giữa Ai Cập (có Liên Xô đứng
sau) và Israe. Ngoài ra, “Chính phủ Liên Xô quyết định
sao chép một số kiểu vũ khí Mỹ, như tên lửa đạn đạo Sparrow-3, động cơ máy bay,
các thiết bị điện tử trong ngành công nghiệp của Liên Xô”[44],
đẩy nhanh kỹ thuật quân sự quốc phòng phát triển.
Dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng V. X. Kixhanxki - Trưởng nhóm
chuyên gia tên lửa, một nhóm chuyên gia
quân sự Liên Xô đã tiến hành phân tích, hệ thống hóa và tổng kết kinh nghiệm
tác chiến và xuất bản cuốn sách Kinh nghiệm tác chiến của binh chủng
tên lửa phòng không ở Việt Nam. Ra đời ngày
23-2-1968, cuốn sách được phổ biến đến từng tiểu đoàn tên lửa và trong cuộc thi
các tác phẩm khoa học quân sự mang tên M. V. Phrunze do Bộ Quốc phòng Liên Xô
tổ chức (1972), cuốn sách đã được trao giải nhất và
hiện vẫn đang được sử dụng trong các khoa chuyên ngành tại các trường quân sự
Liên bang Nga.
Trong chiến tranh Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục tác chiến,
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, từ ngày 11-7-1965 đến ngày
31-12-1974 đã có 6.359 sĩ quan, tướng lĩnh và hơn 4.500 binh sĩ, hạ sĩ quan các
lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu; trong số
đó, có 13 người đã hy sinh tại Việt Nam[45].
Vì lòng quả cảm, tinh thần chiến đấu quên mình, sự hy sinh cao cả và những đóng
góp to lớn đối với nhân dân Việt Nam, từ năm 1965 đến năm 1973, 2.190 chuyên
gia quân sự Liên Xô được tặng các phần thưởng của Nhà nước Liên Xô, hơn 3.000
chuyên gia quân sự Liên Xô được tặng thưởng các huân chương và huy chương của
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[46].
Rời khỏi Việt Nam sau khi hoàn thành suất sắc nhiệm vụ, những chuyên gia quân
sự Xô-viết đã để lại một phần trái tim của mình tại nơi này, tại đất nước Việt
Nam trải qua nhiều đau thương không biết tự lúc nào đã trở nên gắn bó máu thịt. Vượt qua khốc liệt chiến tranh, sát cánh cùng nhân dân
Việt Nam chiến đấu cho hòa bình, họ đã lập nên những kỳ tích trên mảnh đất hình
chữ S. Họ luôn ở trong trái tim nhân dân Việt Nam.
[1] Đảng Cộng sản Việt
Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 24, Nxb Chính trị quốc gia, Hà
Nội, 2000, tr. 738.
[2]
V.V. Ivanov: Hợp tác Xô-Việt và lập
trường của Trung Quốc những năm 1965-1967,
Tạp chí Nước Nga và Châu Á – Thái Bình Dương, № 4, 2010, tr. 69 (tiếng
Nga).
[3]Việt
Nam-Liên Xô: 30 năm quan hệ 1950-1980, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1982,
tr. 107.
[4] I.V
Gaiduk: Liên Xô và chiến tranh Việt Nam,
Nxb. Lịch sử, Matxcơva, 1996, tr.22 (tiếng Nga).
[5] Bộ
Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam: Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975), Nxb. Quân đội
nhân dân, Hà Nội, 2003, tập 3, tr.
200.
[6] Bộ
Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam: Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975), Sđd, tập 3, tr.212.
[7] Lịch sử Việt Nam, narod.ru (tiếng Nga).
[8] Những hiệp định và thỏa thuận giữa Liên Xô
và Việt Nam, Đại từ điển Bách khoa toàn thư, Nxb. Từ điển, Matxcơva, 2005,
tr.299-231 (tiếng Nga).
[9] Sổ ghi chép các tài liệu giải mật của Trung
tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, Quyển số 7, mục I (tiếng Nga).
[10] Sổ ghi chép các tài liệu giải mật của Trung
tâm lưu trữ quốc gia Liên bang Nga, Tlđd.
[12] Tổng
cục 10 là Tổng cục Hợp tác quân sự quốc tế, trực thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực
lượng vũ trang Liên Xô.
[14]
B.V. Gromova (chủ biên): Các cuộc chiến
tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX, Matxcơva, 2003, tr.40 (tiếng
Nga).
[15] Alexander
Okorokov: Những cuộc chiến tranh bí mật
của Liên Xô, Nxb. Yauza Eksmo, Matxcơva, 2008, tr.247-248 (tiếng Nga).
[16] Alexander
Okorokov: Những cuộc chiến tranh bí mật
của Liên Xô, Sđd,
tr.247.
[19] B.V. Gromova (chủ biên): Các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX,
Sđd, tr.47.
[20] Bộ
Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam: Biên niên sự kiện Bộ Tổng tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
(1954-1975), Sđd, tập 5, tr.610.
[21] Z.A.Borisovich:
Chiến thắng không hề dễ dàng, Tlđd.
[23] B.V. Gromova (chủ biên): Các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX,
Sđd, tr.45.
[28]
H.H. Kolecsnik: Về sự tham gia của các
chuyên gia quân sự Xô –viết trong chiến tranh Việt Nam, ArtOfWar.ru, 5-
2009 (tiếng Nga).
[29] Chiến tranh Việt Nam…là như thế đó (1965 - 1973), Nxb. Eczamen, Matxcơva, 2005, tr. 372 (tiếng Nga).
[33] B.V. Gromova (chủ biên): Các cuộc chiến tranh và xung đột vũ trang nửa sau thế kỷ XX,
Sđd, tr.97.
[41] V.B.Alecsandrovik:
Nhật ký chỉ huy trưởng nhóm chuyên gia
quân sự Liên Xô ở Việt Nam, ArtOfWar.ru, 9-2008 (tiếng Nga).
[42]
K.V.Yakolevich: Chiến tranh Việt Nam qua
đánh giá của sĩ quan Sở chỉ huy lực lượng phòng không Liên Xô, ArtOfWar.ru,
5-2009 (tiếng Nga).
[43] Nghiêm
Đình Tích (chủ biên), Lịch sử bộ đội tên lửa phòng không (1965-2005), Nxb
Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 575-576.
(P/S. Bài đã đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự số tháng 2-2016, tr.14-32).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!