Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

CHÍNH SÁCH ĐÔI NGOẠI CỦA NHÀ NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA SAU NGÀY GIÀNH ĐỘC LẬP



Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công mở ra một kỷ nguyên mới, song không bao lâu sau ngày độc lập, nhân dân Việt Nam đứng trước không ít khó khăn, nguy cơ, thách thức. Thực hiện mục tiêu nhất quán và xuyên suốt - độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình, trên nền tảng "thống nhất bên trong, tìm bạn bên ngoài", Đảng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề ra và thực hiện một tổ hợp các chủ trương, chính sách đối ngoại, kết hợp chặt chẽ giữa đối nội với đối ngoại, để bảo vệ thành quả xương máu của dân tộc.

1. Đối thoại, thương lượng hòa bình vì sự tồn vong của chế độ mới
Cách mạng tháng Tám 1945 là một sự kiện lịch sử có sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng sâu rộng vượt ra khỏi biên giới quốc gia dân tộc. Nhà nước VNDCCH ra đời – chính từ thời khắc lịch sử ấy, "nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập"[1]. Dân tộc Việt Nam bước vào cuộc hồi sinh với mục tiêu xóa bỏ 80 năm nô lệ, xây dựng cuộc sống mới. Tuy nhiên, lịch sử lại đặt đất nước trước những nguy cơ, thách thức tồn vong – "Tổ quốc lâm nguy!".
Độc lập là vô giá, quyền dân tộc là thiêng liêng! Lúc này, lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do; nhiệm vụ trọng yếu của toàn thể nhân dân là bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ chế độ. Các mặt đối nội và đối ngoại phải được gắn kết chặt chẽ, thống nhất, nhằm tạo lập thế và lực cho đất nước trong một khoảng thời gian ngắn nhất. Trên tinh thần "Tổ quốc trên hết!", "Dân tộc trên hết!", Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương: "Củng cố chính quyền, dùng chính trị, ngoại giao, vũ khí cần thiết, đến dùng quân sự để giữ vững nền độc lập" [2]. Như vậy, vấn đề chính quyền là vấn đề số một, cấp bách; cần và phải được giải quyết trên nền tảng kết hợp chặt chẽ ba mặt đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao. Nhận thức mối liên hệ chặt chẽ, quy định và chi phối lẫn nhau giữa ba mặt đấu tranh đó, Chính phủ Việt Nam chủ trương chính trị, quân sự phải tạo đà cho ngoại giao, đến lượt mình, ngoại giao trở thành cánh tay nối dài của chính trị, cũng như quân sự. Hiện thực hóa chủ trương ấy, ngày 3-10-1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chính thức ra Thông cáo về chính sách ngoại giao. Thông cáo chỉ rõ mục tiêu bất di, bất dịch là "đưa nước nhà đến sự độc lập hoàn toàn và vĩnh viễn" [3]. Để thực hiện mục tiêu ấy, "tất cả chính sách ngoại giao phải có mục đích cốt yếu là giúp cho sự tranh đấu ấy thắng lợi bằng mọi phương pháp êm dịu hay kiên quyết" [4]. Có thể thấy, trong cơn "nước sôi, lửa bỏng", Chỉnh phủ Việt Nam đã đánh giá điều kiện khách quan, chủ quan, đưa ra phương pháp đấu tranh ngoại giao lấy đối thoại, thương lượng hòa bình làm trọng.
Nhằm làm rõ hơn những nội dung đối ngoại quan trọng, mang tính nguyên tắc, Chỉ thị kháng chiến kiến quốc (25-11-1945) nhấn mạnh hai vấn đề cơ bản: "Một là, thuật ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết; hai là, muốn ngoại giao được thắng lợi là phải biểu dương thực lực" [5]. Quan điểm đó được hiểu: Giữ vững độc lập, tự do, bảo vệ chế độ là mục tiêu nhất quán trong toàn bộ chủ trương, chính sách đối ngoại; nguyên tắc thực hiện là "thêm bạn bớt thù", "biểu dương thực lực", chú trọng biện pháp đối thoại và thương lượng hòa bình. Nắm vững những định hướng và nguyên tắc đối ngoại nêu trên, Nhà nước VNDCCH đã tiến hành những hoạt động ngoại giao hết sức đặc biệt: Ngoại giao ngay chính trên đất nước mình, thực hiện những bước đi sách lược khôn khéo, nhân nhượng, đối thoại với kẻ thù. Bước đi sách lược thứ nhất là tạm thời hoà hoãn với quân Tưởng, "chủ trương Hoa – Việt thân thiện, coi Hoa kiều như dân tối huệ quốc" [6], nhân nhượng cho quân Tưởng một loạt quyền lợi, song kiên quyết không để chúng can thiệp vào nội trị và xâm hại đến độc lập, tự do. Bước hòa hoãn sách lược ấy đã cho thời gian rảnh tay đối phó với quân Pháp ở miền Nam, từng bước phá tan âm mưu “diệt Cộng cầm Hồ”, “Hoa quân nhập Việt” của Tưởng Giới Thạch, bảo vệ chính quyền cách mạng. Bước đi sách lược thứ hai được đặt ra sau khi hai nước lớn Hoa - Pháp mua bán, trao đổi lợi ích, ký kết Hiệp ước tại Trùng Khánh (28-2-1946), "bắt nhân dân Việt Nam nhắm mắt nuốt chửng Hiệp ước Hoa – Pháp" [7]. Trước thời khắc gay go, đòi hỏi những quyết sách sáng suốt, đong đếm mọi lợi, hại, "biết mình biết người, nhận một cách khách quan những điều kiện lời lãi trong và ngoài nước" [8], Chính phủ Việt Nam quyết định hòa với Pháp. Chủ trương "Hòa để tiến" được thực hiện thông qua việc ký kết Hiệp định Sơ bộ Pháp - Việt [9] (6-3-1946). Dù còn những điều bất lợi, song ký kết Hiệp định, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đạt được những mục tiêu vô cùng quan trọng: Một là, bản Hiệp định mang tính chất văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập ký với nước ngoài, chứng tỏ rằng, Việt Nam không còn là thuộc địa của Pháp, "nước Pháp đã thừa nhận nước Việt Nam là một nước tự chủ" [10]; hai là, biến thoả thuận tay đôi Hoa - Pháp thành thoả thuận tay ba Việt - Pháp – Hoa, kết thúc vai trò của lực lượng Tưởng Giới Thạch về mặt pháp lý ở Việt Nam, làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho đất nước; ba là, bảo toàn được thực lực, "dành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới" [11]. Quan trọng hơn hết thảy là hòa không phải là lùi bước, không phải là đầu hàng, không phải là thất bại, không nhụt ý chí chiến đấu, mà hòa là bước đệm để toàn dân tộc "không ngừng một phút công việc sửa soạn, sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu (...), hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy" [12]. Đây cũng là điểm cốt tử gắn kết đối ngoại với đối nội trong một thể thống nhất, tạo thành sức mạnh cần và đủ để chính quyền non trẻ trụ vững, để chế độ mới tồn tại, gánh vác tương lai của dân tộc. Đất nước đã vượt qua tình thế "ngàn cân treo sợi tóc”, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến không hề muốn, được lường định là khó tránh khỏi, là vô cùng khó khăn, lâu dài và gian khổ.
2. Nỗ lực thương lượng vãn hồi nền hòa bình mong manh
Yêu chuộng hòa bình, phấn đấu vì hòa bình là nét đặc trưng bản chất của dân tộc Việt Nam, đồng thời cũng là điểm cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Nhà nước VNDCCH. Từ rất sớm, trong Thông cáo về chính sách ngoại giao, Nhà nước VNDCCH đã cam kết cùng với các nước Đồng minh chung tay xây đắp lại nền hòa bình thế giới [13] và tuyên bố: "Mục đích của ta lúc này là tự do, độc lập. Ý chí của ta lúc này là dân chủ, hòa bình" [14].
Sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, khi nền độc lập bị đe dọa, nguy cơ bùng nổ chiến tranh bộc lộ rõ, Nhà nước Việt Nam mới đã tận dụng mọi khả năng có thể để cứu vãn hòa bình. Nỗ lực vãn hồi hòa bình thời kỳ này trải qua hai giai đoạn với những đặc trưng riêng: Giai đoạn thứ nhất từ sau khi ký Hiệp định Sơ bộ đến trước khi cuộc kháng chiến bùng nổ - đối thoại, loại trừ mầm mống chiến tranh, gắng sức tránh chiến tranh, nhất là một cuộc chiến tranh đến sớm; giai đoạn thứ hai từ sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ đến cuối năm 1947 – đối thoại, thương lượng, tìm cơ hội nhanh chóng chấm dứt chiến tranh. Chủ trương vãn hồi hòa bình được thực hiện thông qua vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là nguyên thủ quốc gia. Các hoạt động vãn hồi hòa bình của Hồ Chí Minh diễn ra với tần suất liên tục và dày đặc; phương thức vãn hồi hòa bình hết sức đa dạng: Chuyến sang Pháp tháng 5-1946; ký Tạm ước 14-9 nhân nhượng quyền lợi; gửi thông  điệp, thư, điện... . Để tăng tính hiệu quả các hoạt động vãn hồi hòa bình, Nhà nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh hướng tới hai tuyến đối ngoại chính: Nước Pháp (nhân dân Pháp, Quốc hội, Chính phủ Pháp...) và nhân dân thế giới, tổ chức quốc tế. Với nước Pháp, người Pháp, Đảng và Chính phủ Việt Nam tỏ rõ sự hiểu biết, tình thân thiện giữa hai dân tộc, đề cao các lý tưởng tiến bộ của cách mạng Pháp - lý tưởng dân chủ, tự do, bình đẳng; phân biệt rõ nhân dân Pháp yêu chuộng công lý, hoà bình với bọn thực dân xâm lược; phân biệt thực dân phản động với thực dân không phản động. Chính phủ Việt Nam kêu gọi người Pháp "thành thật cộng tác với Việt Nam một cách bình đẳng thân thiện" [15]; "Việt  – Pháp cộng tác một cách thật thà, bình đẳng" [16]; "xây đắp sự cộng tác Pháp - Việt thân thiện và lâu dài" [17]. Người Việt và người Pháp "có thể và cần phải bắt tay nhau trong một sự nghiệp cộng tác bình đẳng, thật thà, để gây dựng hạnh phúc chung cho cả hai dân tộc" [18], vì "máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người" [19]; "chúng tôi muốn hoà bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau" [20]. Sau cách lý giải giản đơn, giàu nhân ái, đầy sức thuyết phục ấy là một chân lý: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do" [21]. Với nhân dân thế giới, Việt Nam tuyên bố: "Việt Nam chỉ muốn hoà bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới" [22]. Khi những xung đột diễn ra ở Đông Dương ngày càng găy gắt, Việt Nam thông báo tới Liên hiệp quốc, đề nghị hợp tác giải quyết, nhằm "vãn hồi hoà bình trong một phần thế giới này, để cho Hiến chương Đại Tây Dương được tôn trọng" [23].
Tuy nhiên, bất chấp mọi cố gắng của Đảng, Nhà nước VNDCCH, bất chấp khát khao hòa bình, sự thiện chí, sự thiết tha, lòng mong mỏi được sống trong một thế giới yên bình, thân thiện của dân tộc Việt Nam, các thế lực hiếu chiến Pháp vẫn không từ bỏ ý định thiết lập lại chế độ thực dân trên đất Việt Nam. Khi thực dân Pháp bội ước, gây chiến tranh, Chính phủ Việt Nam vẫn chủ trương "phải lợi dụng hết khả năng ngoại giao, làm cho cuộc đổ máu Việt – Pháp rút ngắn lại" [24]. Khẳng định một lần nữa với nhân dân Pháp, Chính phủ Pháp, với nhân dân thế giới về nguyện vọng trước sau như một của dân tộc Việt Nam về một nền hoà bình thực sự, một nền hòa bình hợp công lý, hợp ích lợi chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi "Chính phủ Pháp đình chỉ ngay cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này và tin rằng dù có nhiều sự khó khăn vẫn có thể giải quyết cơn khủng hoảng một cách hoà bình và hợp đạo công bằng" [25]. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra con đường đi tới hòa bình hết sức đơn giản: "Chính phủ và nhân dân Pháp chỉ cần có một cử chỉ công nhận độc lập và thống nhất của nước Việt Nam là chấm dứt được những tai biến này; hoà bình và trật tự sẽ trở lại ngay tức khắc. Dân tộc Việt Nam đang chờ đợi cử chỉ đó" [26]; "chiến tranh không nên kéo dài nữa. Chiến tranh không đưa đến đâu cả. Chúng tôi sẵn sàng lập lại hoà bình. Chỉ cần Quốc hội và nhân dân Pháp có một cử chỉ thân thiện" [27].
Cũng cần nói thêm rằng, song song cố gắng vãn hồi hòa bình, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định: "Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng" [28]; "chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi quyết tự vệ đến giọt máu cuối cùng. Chúng tôi quyết không chịu mất nước làm nô lệ thực dân lần nữa" [29]. Đó chính là quyết tâm "toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” [30] trong Tuyên ngôn độc lập bất hủ. Đó cũng chính là quyết tâm "thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ" vì một nền hòa bình chân chính trong độc lập và bền vững.
3. Trên nền tảng hòa bình, hợp tác hữu nghị, tích cực phá vây, tìm bạn bên ngoài
Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền non trẻ vừa mới ra đời chưa được bất kỳ một nước nào trên thế giới công nhận, đất nước bị bao vây từ bốn phía. Phá vây, mở rộng quan hệ, tranh thủ thêm bạn bè trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng hàng đầu được Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định đối với các mặt đấu tranh chính trị, ngoại giao. Kiên trì ngoại giao với các nước theo nguyên tắc "hữu nghị, bình đẳng, tôn trọng và tương trợ", trên nền tảng "làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai" [31], Đảng chủ trương mở các mũi đột phá đối ngoại, kết nối Việt Nam với các bạn bè dân chủ thế giới. Trên quan điểm ngoại giao đa phương, Chính phủ Việt Nam xác định: 1). "Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu Á. Vận mệnh Việt Nam rất mật thiết quan hệ với vận mệnh các dân tộc Á châu" [32]; 2). "Việt Nam là một bộ phận trong nền hoà bình chung toàn thế giới" [33]. Chủ trương đó thể hiện nhận thức về sự gắn bó hữu cơ, mật thiết, không tách rời của Việt Nam với khu vực, thế giới; an ninh, hòa bình của Việt Nam gắn chặt với an ninh, hòa bình của khu vực, thế giới và ngược lại. Đặt đất nước vào mối liên hệ với khu vực và thế giới, Việt Nam tuyên bố: Thứ nhất, "đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực" [34]; thứ hai, "đối với những nước Á châu là một thái độ anh em, đối với ngũ cường là một thái độ bạn bè" [35]; thứ ba, "thân thiện với tất cả các láng giềng Trung Hoa, Ấn Độ, Xiêm La, Cao Mên, Ai Lao, v.v., mà không thù gì với nước nào" [36]. Những phương hướng đối ngoại lớn được thực hiện trên cơ sở tuân thủ những nguyên tắc cụ thể với từng nhóm đối tác: 1). Với các nước Đồng minh, "hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng và tương ái" [37]; 2). Đối với Pháp, "xây dựng quan hệ hữu nghị dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng quyền lợi lẫn nhau" [38]; 3). Với các nước tiểu dân tộc trên toàn cầu, "sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong sự xây đắp và giữ vững nền độc lập" [39]; 4). Với các nước láng giềng Trung Quốc, "thành thực hợp tác trên tinh thần bình đẳng (...), tương trợ mà cùng tiến hóa", còn với nhân dân Khơme, Lào, "lấy dân tộc tự quyết làm nền tảng (....),  giúp đỡ lẫn nhau và sánh vai ngang hàng mà tiến hóa" [40]. Như vậy, quan hệ của Việt Nam với bất kỳ nước nào trên thế giới, không phân biệt lớn nhỏ, sang hèn, đều phải được xây dựng trên một trục cơ bản: Bình đẳng. Nói cách khác: Mọi dân tộc sinh ra trên thế giới, dù sớm muộn, lớn nhỏ khác nhau, song đều có chung những quyền cơ bản, đều có quyền được sống, quyền tự do, quyền bình đẳng mưu cầu hạnh phúc.
Trong suốt những năm 1945-1947, thực hiện chủ trương đối ngoại phá vây, Chính phủ VNDCCH đã tiến hành các hoạt động ngoại giao trên hai hướng chính: Thứ nhất, đề nghị các nước lớn (Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc (Quốc Dân Đảng)...) công nhận nền độc lập và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam; thứ hai, phá thế bao vây, cô lập, thiết lập trên phạm vi rộng nhất có thể các mối liên hệ với các nước. Rất nhiều lần, Việt Nam đề nghị các nước lớn và "yêu cầu Hợp chủng quốc với tư cách là những người bảo vệ và những người bênh vực Công lý thế giới, thực hiện một bước quyết định ủng hộ nền độc lập của chúng tôi" [41]. Việt Nam khẩn thiết mong muốn Liên hợp quốc giúp đỡ "để khôi phục lại những quyền cơ bản của Việt Nam là được thừa nhận độc lập dân tộc và thống nhất lãnh thổ" [42]; đồng thời, yêu cầu "nền độc lập hoàn toàn của Việt Nam phải được Liên hiệp quốc công nhận" [43]. Tiếc rằng, các nước lớn đã có lập trường tiêu cực trước nguyện vọng chính đáng và những đề nghị hợp tình, hợp lý của Việt Nam. Thái độ cự tuyệt đó của các nước lớn càng thúc đẩy Chính phủ Việt Nam nỗ lực hơn để mở cánh cửa ra với thế giới. Trong một khoảng thời gian ngắn ngủi (từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947), Việt Nam đã lập được cơ quan đại diện ở một số nước Châu Á (Thái Lan, Mi-an-ma); có quan hệ chính thức với Thái Lan, Mi-an-ma, Ấn Độ, In-đô-nê-xi-a...; lập được 11 cơ quan thông tin ở nhiều nước khác nhau trên thế giới. Việt Nam cũng cử nhiều đặc phái viên đến hơn 10 nước và khu vực khác nhau ở Châu Á, Châu Âu, tới các Hội nghị quốc tế... Những con số ấn tượng đó đã cho thấy một hiện thực: Trong sự cô lập của kẻ thù, trong sự kiềm tỏa của những nước lớn, nước Việt Nam nhỏ bé vẫn vượt vòng vây đến với thế giới bằng yếu tố chính nghĩa của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do.
*                  *
*
Trong khuôn khổ của trật tự thế giới hai cực Yan-ta dần hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong điều kiện Cách mạng tháng Tám vừa thành công, nạn giặc ngoại xâm và "nội xâm" cùng hoành hành, có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, đe dọa an nguy của chế độ mới, cân nhắc cẩn trọng các điều kiện chủ quan, khách quan, lợi dụng triệt để mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, Đảng chủ trương nhân nhượng, thoả hiệp có nguyên tắc để phá thế bế tắc, vượt qua khó khăn, tranh thủ thời gian, bảo toàn thực lực, biến thời gian thành lực lượng vật chất, tiếp tục xây dựng thực lực, biểu dương thực lực, bảo vệ vững chắc chế độ mới. Chủ động, độc lập tự chủ trong đường lối và kiên quyết hành động, Nhà nước VNDCCH – Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam Á đã không đứng yên chờ đợi, chịu sự chi phối, định đoạt số phận từ các nước lớn, mà vận dụng ngoại giao đa phương để bảo vệ lợi ích của mình, góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa đời sống quốc tế, tranh thủ mọi cơ hội, ứng phó linh hoạt, vươn ra với thế giới, làm cho mình nhiều bạn và ít kẻ thù hơn bao giờ hết. Nắm vững quy luật cách mạng, nắm vững thời và thế, dựa trên sức mạnh đoàn kết và ý chí dân tộc, đề cao chính nghĩa, đạo lý và nhân nghĩa, Đảng chủ trương tránh đối đầu, xung đột vũ trang, nỗ lực vãn hồi hòa bình, lấy tính nhân văn của tinh thần Việt Nam, truyền thống, văn hóa Việt Nam ứng phó, đương đầu với ngoại giao trên thế mạnh của các nước lớn. Đề cao các giá trị nhân văn của dân tộc và nhân loại - độc lập, tự do, dân chủ, hòa bình, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam sau giành độc lập đã góp phần chèo lái đất nước vượt qua, sóng gió, vượt qua thời khắc cam go nhất của lịch sử dân tộc.
Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 12.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Nxb.  Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 6.
[3]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Báo Cứu quốc, ngày 3-10-1945, tr.1.
[4] Bộ Ngoại giao, Những văn bản chính của Hội nghị Genava, Sdđ, tr. 25.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sdđ, tr. 27.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 27 .
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 42 .
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 44.
[9]Theo Hiệp định, nước Pháp công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có Chính phủ, Quốc hội, quân đội và tài chính riêng, nằm trong Liên bang Đông Dương thuộc Khối Liên hiệp Pháp và cam đoan thừa nhận kết quả cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề thống nhất ba kỳ; nước Việt Nam đồng ý để 15.000 quân Pháp vào Bắc Việt Nam thay thế quân đội Trung Hoa và sẽ rút hết sau 5 năm; hai bên đình chiến để mở cuộc đàm phán chính thức, trong khi đàm phán, quân đội hai bên giữ nguyên vị trí..
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 305.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.45.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr. 46.
[13]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.437.
[15] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 458.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sdđ, tr. 136.
[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 466.
[18] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 458.
[19] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 457.
[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 19.
[21] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 1.
[22] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 22.
[23] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 71.
[24] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 8, Sđd, tr.186.
[25] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 33.
[26] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 12.
[27] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 84.
[28] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 23.
[29] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 118.
[30] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 1.
[31] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 534.
[32] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 22.
[33] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 22.
[34] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 470.
[35] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 136.
[36] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 5, Sđd, tr. 169.
[37]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[38]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[39]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[40]Thông cáo về chính sách ngoại giao của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Sđd, tr.1.
[41] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 177.
[42] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 471.
[43] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Sđd, tr. 71.
 

3 nhận xét:

  1. cô ơi e tìm bài này cho thi hk2 lớp 9 mà cô đăng như này thì làm sao e tiếp thu nổi

    Trả lờiXóa
  2. cô ơi e tìm bài này cho thi hk2 lớp 9 mà cô đăng như này thì làm sao e tiếp thu nổi

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em ơi, đây là bài nghiên cứu, nên nó hơi rắc rối. Em ôn thi học kỳ thì tham khảo những bài viết mang tính phổ thông hơn em nhé!

      Xóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!