Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

TRUNG QUỐC VỚI CÁCH MẠNG VIỆT NAM NHỮNG NĂM 1954-1960



Nguyễn Thị Mai Hoa[1]
Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam là một trong những sự kiện tiêu biểu, để lại dấu ấn trong lịch sử thế kỷ XX. Với tầm vóc, ý nghĩa to lớn, cuộc kháng chiến luôn là tâm điểm chú ý của các chuyên gia, các nhà sử học trong và ngoài nước. Dù vậy, bất chấp sự nỗ lực của giới nghiên cứu, rất nhiều nội dung của sự kiện này vẫn đang còn là ẩn số, cần độ lùi thời gian để tiếp tục khám phán, nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan, khoa học. Tiếp tục khai lộ những chiều cạnh khác nhau của cuộc chiến tranh cách mạng bảo vệ và giải phóng Tổ quốc (1954-1975) không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là đòi hỏi, là yêu cầu bức thiết của khoa học và thực tiễn. Trên tinh thần đó, những vấn đề quốc tế của cuộc kháng chiến, trong đó có quan hệ, ảnh hưởng của quốc gia láng giềng Trung Quốc với Việt Nam ngày càng được soi tỏ. Bài viết nhằm góp thêm một cái nhìn về quan điểm, thái độ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

1. Người bạn lớn đầu tiên của Việt Nam những năm tháng gian khó
Năm 1945, cách mạng Việt Nam thành công. Nhân dân Việt Nam trở thành người chủ thực sự của đất nước. Bên cạnh niềm vui độc lập, tự do, Chính quyền cách mạng non trẻ phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Lúc này, nhu cầu cấp thiết của Nhà nước VNDCCH là nhận được sự công nhận quốc tế, phá vỡ sự cô lập về chính trị - ngoại giao. Niềm hy vọng đặt vào người bạn lớn Liên Xô, do những lý do khách quan, chủ quan đã không thành hiện thực.
Ngày 1-10-1949, cách mạng Trung Quốc thành công. Là hai nước láng giềng, gần gũi về địa lý, văn hóa và cùng chung ý thức hệ, việc cách mạng Trung Quốc sớm có quan hệ với cách mạng Việt Nam dường như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Ngày 18-1-1950, Trung Quốc ra tuyên bố công nhận VNDCCH – điều mà Việt Nam chờ đợi rất lâu từ Liên Xô, song nó đã không đến, thì Trung Quốc nhanh chóng đáp ứng. Đây thực sự là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, đối với quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Sự kiện này được đánh giá là sự kiện mang tính mở đường trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, bởi nó khởi đầu cho một thời kỳ công nhận về mặt nhà nước đối với VNDCCH từ phía Liên Xô và hàng loạt các nước DCND khác (các nước DCND ở Đông Âu, Mông Cổ, Triều Tiên…). VNDCCH trở thành một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới, đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc. Việt Nam chính thức bước ra trường quốc tế, tham gia vào đời sống chính trị thế giới với tư cách là một thực thể chính trị độc lập, được thừa nhận. Chắc chắn rằng, “cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”[2] – như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Không dừng lại ở đó, trong những bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc đã giành cho nhân dân Việt Nam sự giúp đỡ to lớn về mặt tinh thần và vật chất, đảm nhiệm vai trò chính là nước chủ yếu viện trợ, giúp đỡ Việt Nam. Trung Quốc giúp đỡ, viện trợ cho Việt Nam vũ khí, phương tiện chiến tranh, trang bị quân sự. Sự có mặt của 79 cán bộ quân sự (do Vi Quốc Thanh phụ trách) làm nhiệm vụ cố vấn cho lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam, giúp đỡ một phần bộ đội chủ lực của Quân đội Việt Nam tiến hành chỉnh huấn, thay đổi trang bị cho thấy Trung Quốc thậm chí không tiếc cả nguồn lực con người ủng hộ Việt Nam chống Pháp. Trong điều kiện cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vô vàn khó khăn, thì viện trợ và giúp đỡ của Trung Quốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Sau chiến thắng Biên giới năm 1950, CHND Trung Hoa trở thành hậu phương lớn của Việt Nam. Trung Quốc vận chuyển hàng viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam, đồng ý để các vùng liền kề Việt Nam trở thành nơi tiếp nhận hàng viện trợ và nơi đặt các trường (cả quân sự, dân sự) để đào tạo đội ngũ cán bộ cho cuộc kháng chiến. Trung Quốc trở thành cầu nối giữa Việt Nam với các nước XHCN và các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam có thêm một sự hậu thuẫn đắc lực, một hậu phương lớn với 700 triệu dân.
Bằng việc công nhận Việt Nam và ủng hộ trên cả hai phương diện vật chất, tinh thần vào những thời điểm quan trọng của cuộc kháng chiến, Trung Quốc trở thành người bạn lớn đầu tiên của Việt Nam trong những năm tháng chống Pháp gian nan. Truyền thống ấy được tiếp tục kế thừa trong kháng chiến chống Mỹ, trên điều kiện mới, bối cảnh mới, cơ sở mới, dù khó khăn hơn, song không kém phần gắn kết.
2. Lợi ích quốc gia - quốc tế và quan hệ Việt – Trung
Trước Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mỹ xác định nguồn gốc chủ yếu đe doạ vị trí của Mỹ ở Châu Á là Liên Xô. Tháng 6-1949, Hội đồng an ninh Mỹ khẳng định mục tiêu chủ yếu của Mỹ là ngăn chặn và làm suy giảm quyền lực của Liên Xô ở Châu Á. Song sự kiện Chiến tranh Triều Tiên với sự dính lứu, can thiệp sâu của cả Mỹ và Trung Quốc, đã  khiến cho Mỹ bắt đầu thay đổi nhận thức về tương quan lực lượng ở châu Á, về vai trò của Trung Quốc. Ba vấn đề Triều Tiên, Đài Loan, Việt Nam được Mỹ đặt trong một trục quan hệ đồng đẳng – một trục quan hệ liên quan trực tiếp và chi phối, tác động đến an ninh của Mỹ ở vùng Đông Á - Thái Bình Dương. Cũng bắt đầu từ Chiến tranh Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Trung đã trượt dài vào sự thù địch, đến mức các nhà bình luận cho rằng, nó không bao giờ có thể trở lại điểm xuất phát ban đầu được nữa. Mỹ đặt Trung Quốc vào hàng ngũ những địch thủ nguy hiểm nhất, một nguy cơ thực sự làm lan tỏa chủ nghĩa cộng sản xuống Đông Nam Á.
Tháng 7- 1954, Mỹ đã không ký vào Hiệp định Geneve và 18 ngày sau đặt chân vào miền Nam Việt Nam, tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược dài ngày nhất, tàn khốc nhất trong lịch sử nước Mỹ với mục tiêu ngăn chặn "làn sóng đỏ", ngăn chặn Trung Quốc, chuyển dịch chiến tranh sát biên giới Trung Quốc, uy hiếp an ninh Trung Quốc từ phía Nam. Mỹ phong toả, bao vây cấm vận Trung Quốc, khôi phục Nhật Bản, biến nước này thành đồng minh lớn của Mỹ ở khu vực. Xuất hiện và dần lộ diện sự phân cực gay gắt trong quan hệ quốc tế ở địa vi châu Á.
 Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam liên quan trực tiếp tới nước láng giềng Trung Quốc. Ngay từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập (1949), liên minh Trung –Xô đã nảy sinh những trục trặc, chia rẽ bởi các quyền lợi quốc gia, các quan niệm về an ninh và cách thức mỗi nước có thể tồn tại trong môi trường quốc tế. Với tư cách là một bộ phận của chiến tranh Lạnh, cũng là một bộ phận của cuộc đối đầu giữa hai khối XHCN -TBCN, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam mang tính xung kích và tiên phong của phong trào chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ quyền dân tộc thiêng liêng. Và cũng vì thế, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trở thành chỉ dấu đo đạc quan hệ giữa các quốc gia liên quan, giữa lợi ích quốc gia – quốc gia; quốc gia – quốc tế.
Dù cùng chung ý thức hệ, nhưng như bất kỳ quan hệ giữa các quốc gia khác trên thế giới, quan hệ Việt – Trung cũng không nằm ngoài sự chế định của lợi ích quốc gia, dân tộc.
Sau giải pháp Geneve năm 1954, với khu đệm an toàn tạo dựng ở phía Nam, Trung Quốc yên tâm thúc đẩy hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957). Trên tiền đề đó, từ năm 1958, Trung Quốc bước vào “đại nhảy vọt” với đường lối "cổ vũ lòng hăng hái, vươn lên hàng đầu, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhiều, nhanh, tốt, rẻ”; đồng thời, ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân, với mục đích trong một thời gian ngắn đuổi kịp và vượt một số quốc gia lớn trên thế giới về kinh tế, trở thành cường quốc hạt nhân. Về đối ngoại, một mặt, Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, nhất là ở Đông Nam châu Á và Nam Á; mặt khác, hướng tới sự hoà hoãn với các nước phương Tây. Cả chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc đều nhằm tới mục tiêu củng cố thực lực quốc gia, tăng cường vị thế, tầm ảnh hưởng quốc tế, xác lập vị trí nước lớn ở Châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Trong quá trình ấy, tất yếu Trung Quốc kiếm tìm và sử dụng mọi điều kiện, mọi nhân tố cần thiết cho việc thực hiện mục đích.
Đứng trên tuyến đầu chống đế quốc Mỹ xâm lược, Việt Nam trở thành nơi thử thách sức mạnh của dân tộc và thời đại. Là tiêu điểm của cuộc đụng đầu lịch sử, đối đầu với một thế lực hùng mạnh nhất nhất thế giới về quân sự, kinh tế, Việt Nam cần sự giúp đỡ của mọi lực lượng hòa bình, tiến bộ trên thế giới. Ủng hộ Việt Nam chống Mỹ cũng là trách nhiệm, là lương tri, là nghĩa vụ của tất cả những người đấu tranh cho công lý và tiến bộ.
Ngay từ ngày đầu cách mạng Trung Quốc thành công, Việt Nam đã là đồng minh thân thiết của Trung Quốc. Trung Quốc giúp Việt Nam vừa vì nghĩa vụ đối với đồng minh, vừa vì lợi ích chiến lược kiềm chế, ngăn chặn Mỹ, làm  Mỹ suy yếu, bảo đảm vành đai an ninh cho Trung Quốc. Trung Quốc tính toán rằng, với vị trí và sức mạnh của mình, đến một thời điểm nhất định, Trung Quốc hoàn toàn có thể phát huy vai trò nước lớn thông qua một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh; đồng thời, vấn đề Đài Loan trong quan hệ tay đôi Mỹ - Trung sẽ có cơ hội đặt lên bàn nghị sự, trong sự "thương thảo" nhất định. Giúp Việt Nam chống Mỹ, Trung Quốc cũng tính đến mục tiêu khẳng định vị thế, bước tới ghế lãnh tụ của phong trào cách mạng thế giới song song với kế hoạch phá ý đồ của Liên Xô độc quyền nắm ngọn cờ giúp Việt Nam, lan tỏa ảnh hưởng ở châu Á. Củng cố quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc còn hướng tới việc đặt Việt Nam vào quỹ đạo của mình.
Với lợi ích quốc gia - dân tộc và lợi ích quốc tế tương đồng, dù còn những khác biệt về quan điểm trong nhiều vấn đề, song quan hệ Trung Quốc - Việt Nam về cơ bản là đoàn kết, tương trợ, cùng phối kết hợp cho lợi ích chung, trong đó có lợi ích của từng bên. Đó là nền tảng, đó là mẫu số chung cho quan hệ Việt - Trung những năm chống Mỹ, cứu nước nói chung, những năm đầu chống Mỹ, cứu nước nói riêng.
3. Trung Quốc với đường lối cách mạng Việt Nam
Sau khi miền Bắc giải phóng, cách mạng Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới – thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng, củng cố miền Bắc XHCN, đấu tranh thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, chống sự can thiệp của Mỹ và thực hiện sự nghiệp thống nhất đất nước.
Trong tình hình mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam thường xuyên trao đổi, bàn bạc ý kiến với các nước XHCN, trong đó chú ý tranh thủ hai nước lớn Trung Quốc, Liên Xô về các vấn đề quan trọng: Củng cố hoà bình, xây dựng quân đội, cải cách ruộng đất, đấu tranh ngoại giao, tiếp quản các thành phố, khôi phục kinh tế quốc dân…., đặc biệt là về việc xác định và thực hiện đường lối cách mạng ở hai miền Nam, Bắc, về xác định phương châm đấu tranh ở miền Nam, nhằm đạt sự đồng thuận của hệ thống XHCN, từ đó, có được sự ủng hộ cao nhất. Các chuyến thăm ngoại giao vào tháng 7-1955, tháng 6-1957 của Đảng và Chính phủ Việt Nam tới Trung Quốc, Liên Xô và các nước XHCN, chuyến thăm Trung Quốc của Đoàn đại biểu quân sự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu cuối năm 1955…  là nhằm thực hiện chủ trương đó.
Về phía Trung Quốc, với mục tiêu đảm bảo an ninh phía Nam, Trung Quốc không muốn Việt Nam đẩy mạnh cuộc đấu tranh ở miền Nam. Suốt trong những năm 1954-1956, Trung Quốc khuyên Việt Nam "trường kỳ mai phục", không nên đấu tranh vũ trang, chỉ đấu tranh chính trị, càng không nên đưa lực lượng quân sự miền Bắc vào miền Nam, vì "dùng lực lượng vũ trang để thống nhất nước nhà sẽ có hai khả năng: Một là thắng và khả năng nữa là mất cả miền Bắc"[3]; "việc chia cắt Việt Nam không thể giải quyết trong thời gian ngắn, mà cần phải trường kỳ... Nếu 10 năm chưa được thì 100 năm"[4]“phải giữ biên giới hiện có. Phải giữ vĩ tuyến 17. Thời gian có lẽ dài đấy”[5]. Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-1956, Thủ tướng Chu Ân Lai đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm chỉ đồng tình với công cuộc xây dựng CNXH trên miền Bắc và không ủng hộ tiến hành đấu tranh vũ trang ở miền Nam: “Trung Quốc sẽ hết sức ủng hộ công cuộc kiến thiết kinh tế của nhân dân Việt Nam và cuộc đấu tranh giành thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hoà bình”[6].
Mùa hè năm 1958, Đảng LĐVN đã chuyển tới Đảng Cộng sản Trung Quốc hai văn kiện: “Một số ý kiến về nhiệm vụ cơ bản của Việt Nam trong giai đoạn mới” và “Một số ý kiến về đường lối đấu tranh thống nhất và đường lối cách mạng miền Nam”, để trưng cầu ý kiến. Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục chỉ đồng ý với nhiệm vụ “tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc”, còn về việc “thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam”, Trung Quốc cho rằng, nếu như “trước mắt chưa có khả năng làm biến đổi cách mạng thì chỉ có thể áp dụng phương châm trường kỳ mai phục, tích trữ lực lượng, liên hiệp quần chúng, chờ đợi thời cơ”[7]. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nổi lên hai vấn đề cơ bản: 1- Quan điểm của Trung Quốc cũng đã có những chuyển biến nhất định về vấn đề miền Nam so với thời điểm những năm 1954-1956: “Tình hình sẽ có biến đổi, thời kỳ có lợi cho thống nhất Việt Nam nhất định sẽ đến, vào lúc đó, miền Nam có thể dùng hình thức này hoặc hình thức khác giành thắng lợi giải phóng và nhất định thực hiện được mục tiêu thống nhất đất nước[8]; 2-Trung Quốc tôn trọng quyền tự chủ của Việt Nam, lưu ý “đây là ý kiến chưa thật chín, chỉ để tham khảo”[9].
Tháng 1-1959, khi Nghị quyết 15 về phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam được Đảng LĐVN thông qua, Trung Quốc tiếp tục bảo vệ quan điểm: “Miền Bắc có thể ủng hộ chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đề ra các chính sách, nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em miền Nam… có thể cung cấp một số vũ trang cho miền Nam mà không ai biết. Nhưng nói chung là không giúp”[10]. Quan điểm này cũng được Nguyên soái Lâm Bưu, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh với Phái đoàn quân sự Việt Nam vào tháng 8-1959: “Đông Dương là một trong những nơi nhạy cảm trong quan hệ hai phe. Cho nên Việt Nam không nên vượt quá vĩ truyến 17, cũng không nên vượt quá biên giới Việt – Lào, nếu ta vượt thì địch cũng vượt...”; “việc xây dựng quốc phòng ở miền Bắc Việt Nam cũng không không nên quá lớn, mà chỉ nên đủ sức đánh lại kẻ địch khi chúng đánh sang. Vấn đề xây dựng quốc phòng cũng không nên đề ra quá gấp”[11]. Năm 1960, phong trào “Đồng khởi” ở miền Nam bùng lên mạnh mẽ, lan rộng, dùng bạo lực cách mạng giáng trả bạo lực của đối phương, làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp ở xã, ấp, thôn, bản, mở ra thời kỳ mới – thời kỳ tiến công và giữ vững thế chiến lược tiến công. Trước hiện thực đó, Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm: “Cuộc đấu tranh của miền Nam phải trường kỳ, phải chuẩn bị tinh thần 10 năm, 20 năm, 30 năm”[12], “khoảng 10, 15 năm thậm chí đến 20 năm, dự kiến tình hình có lẽ sẽ không có thay đổi lớn”[13]; khuyên Việt Nam “ra sức tranh thủ một thế quân bình như vậy để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[14], e ngại “không có lực thay đổi cục diện thế quân bình hiện tại...”[15]. Phát biểu về quan hệ giữa cách mạng hai miền Nam – Bắc Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai cho rằng, “miền Bắc có thể ủng hộ về chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đề ra các chính sách, còn về quân sự thì khi ăn chắc có thể giúp đỡ, nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em (…), nghĩa là khi hoàn toàn chắc chắn không xảy ra chuyện gì, có thể cấp cho anh em một số vũ trang, không cho ai biết. Nhưng nói chung là không giúp”[16].
Từ năm 1960, cách mạng miền Nam Việt Nam có sự chuyển biến đột phá – điều đó cho thấy chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang đấu tranh vũ trang của Đảng Lao động Việt Nam là phù hợp, song  phát biểu với Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh vẫn khẳng định “phải đấu tranh lâu dài, không thể giải quyết nhanh được (…) không thể đưa lực lượng cách mạng bộc lộ quá sớm, quá nhiều trên tiền tuyến cách mạng vào lúc thời cơ chưa chín muồi”[17]. Trung Quốc gợi ý Việt Nam nên áp dụng chính sách “tổ mối”[18] trong đấu tranh ở miền Nam. Bình luận về chính sách “tổ mối” mà Trung Quốc khuyên Việt Nam thực hiện, Qiang Zhai viết: “Rõ ràng, Bắc Kinh đã làm như không nhìn thấy tình hình ở Việt Nam đang leo thang, mang tính chất của một cuộc đối đầu quyết liệt với Hoa Kỳ”[19]. Bận tâm với việc phục hồi những thảm họa kinh tế do Đại nhảy vọt gây ra, lo ngại cho an ninh phía Nam, Trung Quốc “không khuyến khích việc đưa các nguồn lực từ miền Bắc vào hỗ trợ của một cuộc tổng tấn công ở miền Nam tại thời điểm này”[20]. Nhà nghiên cứu Xiaoming Zhang thẳng thắn hơn: “Trung Quốc muốn hai nước Việt Nam độc lập hơn là một nước Việt Nam thống nhất mạnh mẽ với lịch sử hàng ngàn năm ác cảm với sự bành trướng Trung Hoa. Do đó, Trung Quốc muốn dựa vào Hoa Kỳ để ngăn chặn một chiến thắng quân sự quyết định của Hà Nội”[21]. Nguyên nhân chính khiến Trung Quốc chưa thể ủng hộ Việt Nam đấu tranh vũ trang ở miền Nam là do lo ngại chiến tranh bùng nổ, lan rộng, Mỹ sẽ can thiệp bằng quân sự, Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương có thể liều lĩnh tấn công – điều này hoàn toàn bất lợi cho an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại Mỹ, đánh giá cao sức mạnh Mỹ “chổi ngắn không quét được mang nhện ở xa” là một trong những nguyên do khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ủng hộ Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang.
Như vậy, quan điểm nhất quán của Trung Quốc đối với đường lối cách mạng Việt Nam trong những năm 1954-1960 là chỉ ủng hộ thực hiện cách mạng XHCN ở miền Bắc, duy trì nguyên hiện trạng hai miền, tạm thời không tiến hành đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Qua tổng kết thực tiễn, dễ dàng nhận thấy rằng, Việt Nam đã tiếp nhận một số ý kiến của Trung Quốc về xây dựng CNXH trên miền Bắc (về cải cách ruộng đất, về chỉnh đảng, chỉnh quân, về cải tạo XHCN 1958 - 1960…), còn về cách mạng miền Nam, Việt Nam kiên định quan điểm, từng bước chuẩn bị thực lực cho cuộc đấu tranh vũ trang lâu dài và gian khổ.
Công bằng mà nói, mặc dù không muốn Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam, song Trung Quốc vẫn viện trợ, ủng hộ Việt Nam trên mọi phương diện.
Về chính trị, ngay khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc, Trung Quốc ngay lập tức kiến lập Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam (8-1954). Ngày 1-9-1954, Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc – La Quý Ba đệ trình Quốc thư lên Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam được đặt chính thức. Trung Quốc là một trong những quốc gia đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ ở Việt Nam. Các nhà lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú biểu hiện tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân Việt Nam. Ngày 19-7-1960, hơn một vạn nhân dân Thủ đô Bắc Kinh đã họp mít tinh trọng thể lên án tội ác của Mỹ - Diệm, ủng hộ Việt Nam. Tháng 12-1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ra đời và khi các nước XHCN khác (kể cả Liên Xô) còn chần chừ, thì Trung Quốc là một trong những nước đầu tiên công nhận và đồng ý cho Mặt trận mở cơ quan đại diện tại nước mình sớm nhất.
Về viện trợ vật chất, năm 1955, “để giúp đỡ nhân dân Việt Nam hàn gắn những vết thương do cuộc chiến tranh trường kỳ gây nên, khôi phục và phát triển kinh tế quốc dân, Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tặng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 800 triệu đồng nhân dân tệ không phải hoàn lại”[22]. Cũng trong năm 1955, Tổng hội cứu tế Trung Quốc đã kịp thời gửi giúp đỡ nhân dân Việt Nam 10.000 tấn gạo, 5 triệu thước vải [23]. "Một miếng khi đói bằng một gói khi no", tuy số lượng không lớn, nhưng đối với nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, sự giúp đỡ kịp thời ấy của Trung Quốc có ý nghĩa lớn lao. Tháng 11-1955, khi được tin đồng bào Hải phòng và một số vùng bị lụt bão, Trung Quốc gửi tặng Việt Nam vải và thuốc chữa bệnh trị giá 20 vạn nhân dân tệ. Nhận được tin đê Mai Lâm của Việt Nam bị vỡ, nhân dân vùng đê vỡ gặp khó khăn, tháng 8 -1957, Chính phủ Trung Quốc quyết định tặng Việt Nam số hàng lương thực, thực phẩm, vải, thuốc chữa bệnh trị giá 30 vạn nhân dân tệ. Tổng cộng, từ năm 1954 đến năm 1964, Việt Nam đã được Chính phủ Trung Quốc giúp vốn xây dựng kinh tế, với trị giá 900 triệu nhân dân tệ, tương ứng với 139.500.000.000 đồng ngân hàng Việt Nam.
Về viện trợ quân sự, tuy không nhất trí với việc Việt Nam phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam, nhưng trong cuộc gặp tháng 3-1960 tại Bắc Kinh khi Việt Nam yêu cầu viện trợ, Phó Thủ tướng Trần Nghị khẳng định sẵn sàng đáp ứng: “Về nguyên tắc không có vấn đề gì, của chúng tôi cũng như của các đồng chí, của các đồng chí cũng như của chúng tôi”[24]. Tháng 9-1963, tại cuộc hội đàm Tùng Hóa, Thủ tướng Chu Ân Lai hứa với Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam: “Các đồng chí cần gì, chúng tôi sẽ hết lòng giúp đỡ”[25]. Những năm 1954-1960, viện trợ quân sự không hoàn lại của Trung Quốc cho Việt Nam có khối lượng và trị giá như sau: Từ tháng 6 đến hết năm 1954 là 16.734 tấn; năm 1955 là 6.546 tấn, trị giá 23.316.000 nhân dân tệ; năm 1956 là 1.380 tấn, trị giá 14.423.000 nhân dân tệ; năm 1957 là 4.019 tấn, trị giá 22.682.000 nhân dân tệ; năm 1958 là 4.410 tấn, trị giá 39.336.000 nhân dân tệ; năm 1959 là 1.672 tấn, trị giá 25.608.000 nhân dân tệ; năm 1960 là 1.562 tấn, trị giá 18.898.000 nhân dân tệ[26]. Số vũ khí, đạn dược này vẫn là nguồn bổ sung, trang bị quý báu cho Quân đội nhân dân Việt Nam.
Giúp đỡ Việt Nam về nguồn lực con người và đào tạo nguồn lực con người, Trung Quốc cũng rất tích cực. Trung Quốc tổ chức nhiều đoàn chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau sang giúp Việt Nam tiến hành công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, giáo dục, văn hoá - xã hội... Báo cáo về công tác chuyên gia của Việt Nam nêu rõ: Tổng số chuyên gia Trung Quốc đã sang giúp Việt Nam từ năm 1955 đến 1961 là 566 chuyên gia[27]. Các chuyên gia Trung Quốc đã đồng cam, cộng khổ với nhân dân Việt Nam, cống hiến cho cách mạng Việt Nam như cho chính sự nghiệp cách mạng Trung Quốc. Bên cạnh đó, từ tháng 9-1956, Trung Quốc bắt đầu bồi dưỡng huấn luyện cho bộ đội Không quân Việt Nam, tổ chức xây dựng Trung đoàn máy bay tiêm kích Việt Nam đầu tiên ở trên đất Trung Quốc. Theo thống kê của Trung Quốc, Trung Quốc bồi dưỡng huấn luyện được 1.112 nhân viên không quân các loại, trong đó có hơn 200 là phi công và thợ máy[28]. Để sử dụng, sửa chữa thành thạo các loại vũ khí mới do Trung Quốc viện trợ, Việt Nam cử các đoàn quân sự sang Trung Quốc trực tiếp học hỏi (học sửa chữa súng, pháo, ra đa, sửa chữa đạn dược, hoá nghiệm, thuốc nổ… Trung Quốc còn nhận đào tạo ngắn hạn và dài hạn hàng nghìn học sinh Việt Nam tại các cơ sở đào tạo của mình.
Sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ là vô cùng quý báu. Đánh giá kết quả viện trợ, Báo cáo về quan hệ giữa nước ta và các nước anh em ghi nhận: "Cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô, sự giúp đỡ của Trung Quốc đã có tác dụng rất quan trọng đối với việc cải tiến và tăng cường trang bị của quân đội ta, làm cho quân đội ta tiến thêm một bước trên con đường hiện đại hoá"[29].
4. Lời kết
Trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn đặt nhiệm vụ trọng yếu giữ vững và thực hiện nhất quán đường lối đoàn kết quốc tế, với trọng tâm đoàn kết các nước XHCN, trong đó có Trung Quốc, tranh thủ tối đa mọi lực lượng vật chất, tinh thần cho cuộc kháng chiến. Với định hướng đó, trong những lúc thuận lợi cũng như khó khăn, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tranh thủ được sự giúp đỡ tích cực, to lớn và hiệu quả của Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, tăng cường tiềm lực quốc phòng, tiến hành đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Mặc dù quan hệ hai nước còn có lúc, có chỗ khúc mắc, không hoàn toàn bằng phẳng – điều hết sức bình thường, dễ hiểu trong quan hệ giữa các quốc gia, nhưng xuyên suốt toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tình hữu nghị vẫn là dòng chủ lưu trong quan hệ Việt – Trung. Trung Quốc đã ủng hộ và giúp đỡ toàn diện cho nhân dân Việt Nam chống Mỹ; đặc biệt, Việt Nam luôn có được sự ủng hộ của người láng giềng Trung Quốc vào những thời điểm bước ngoặt và quan trọng. Đây là một trong những nhân tố làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Với chính sách cân bằng quan hệ, với đường lối quốc tế độc lập, tự chủ, dựa chắc trên nền tảng kết hợp hài hòa lợi ích quốc gia - quốc tế, nắm bắt kịp thời những chuyển động quan trọng trong đời sống chính trị thế giới và bằng chính sách, biện pháp ngoại giao mềm dẻo, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chèo chống giữa những khó khăn, phức tạp, giữa sóng gió của các mối quan hệ quốc tế, đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Cân bằng quan hệ với các nước lớn và độc lập, tự chủ trong đường lối là kinh nghiệm trong bang giao quốc tế của thời kỳ lịch sử đã qua đến hôm nay càng tỏ rõ giá trị, cần được kế thừa, và nâng lên ở tầm nghệ thuật.

Download bài viết tại: Trang Web NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ








[1] Trung tâm Đào tạo, Bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, Đại học Quốc gia Hà Nội.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 81-82.
[3] Bộ Ngoại giao, Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm, Sách trắng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1979, tr.39.
[4] Bộ Ngoại giao, Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm, sđd, tr. 39.
[5] Bộ Ngoại giao, Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm, sđd, tr. 40.
[6]Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc những sự kiện 1961 - 1970, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 261.
[7]Quách Minh (chủ biên), Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua, Bản dịch, Lưu tại Vụ Trung Quốc, Bộ Ngoại giao, Hà Nội, 1990, tr. 21.
[8] Quách Minh (chủ biên), Diễn biến quan hệ Việt - Trung trong 40 năm qua, sđd, tr. 21.
[9] Quách Minh (chủ biên), Diễn biến quan hệ Việt - Trung trong 40 năm qua, sđd, tr. 22.
[10] Bộ Ngoại giao, Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm, sđd, tr. 40.
[11] Quách Minh (chủ biên), Diễn biến quan hệ Việt - Trung trong 40 năm qua, sđd, tr. 23.
[12] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 55.
[13] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 48.
[14] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 48.
[15] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 48.
[16] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 54-55.
[17] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 69.
[18]Chính sách “tổ mối” là chính sách tích trữ lực lượng, coi trọng đấu tranh chính trị của quần chúng, chờ thời cơ thuận lợi mới tung lực lượng ra và mới đẩy mạnh đấu tranh vũ trang.
[19]Qiang Zhai: Beijing and the Vietnam Conflict, 1964-1965: New Chinese Evidenc, Ibid, p. 4.
[20] Qiang Zhai: Beijing and the Vietnam Conflict, 1964-1965: New Chinese Evidenc, Ibid, p. 4.
[21] Xiaoming Zhang: “The Vietnam War,  1964-1969:  A Chinese Perspective”, Ibid, p.733.
[22]Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc những sự kiện 1945 - 1960, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2003, tr.524.
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 16, tr. 5.
[24] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 49.
[25] Biên bản cuộc họp bàn về vấn đề miền Nam Việt Nam giữa hai đoàn đại biểu Đảng Lao động  Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tlđd, tr. 9.
[26] Bộ Tổng Tham mưu, Tổng hợp giá trị, trọng lượng, chủng loại trang bị quân sự và vật tư hậu cần của Trung Quốc viện trợ quân sự không hoàn lại cho Việt Nam từ 1950 đến năm 1975, tờ số 1-2.
[27] Bộ Quốc  phòng, Báo cáo về vấn đề chuyên gia, tờ số 01.
[28] Quách Minh (chủ biên): Diễn biến quan hệ Việt - Trung trong 40 năm qua, sđd, tr. 69.
[29] Bộ Quốc  phòng, Báo cáo về quan hệ giữa nước ta và các nước anh em, tờ 2-8.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!