Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

HAI CHUYẾN ĐI BÍ MẬT CỦA HỒ CHÍ MINH ĐẾN LIÊN XÔ (1950-1952)


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Đối với Hồ Chí Minh, nước Nga Xô viết gắn liền với những chặng đường hoạt động cách mạng đầu tiên. Đây cũng là mảnh đất mà Hồ Chí Minh nhiều lần đặt chân đến và mỗi lần đến với một cương vị, sứ mệnh khác nhau. Trong hai năm 1950 và 1952, Hồ Chí Minh có hai chuyến đi bí mật đến Liên Xô. Những diễn biến xung quanh hai chuyến đi phản ánh nhận thức, quan điểm của Đảng Cộng sản Liên Xô về cách mạng Việt Nam và một phần diện mạo quan hệ Việt - Xô thời gian này.
1. Chuyến đi bí mật năm 1950
Năm 1950, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam có những thay đổi căn bản, thế và lực dần vững mạnh hơn. Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, nhất là trong những ngày vấn đề công nhận và thiết lập quan hệ song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết đang được đặt ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định sang thăm Liên Xô và đề nghị Lưu Thiếu Kỳ[1] truyền đạt cho I.V. Stalin ý định nói trên.
 Ngày 1-2-1950, thông qua Đại sứ Liên Xô tại Bắc Kinh A.I. Sibaep (A.I. Shibaev) và Lưu Thiếu Kỳ, I.V. Stalin gửi điện trả lời. Nội dung bức điện như sau: “Gửi đồng chí Hồ Chí Minh. Vài ngày trước, đồng chí Mao Trạch Đông đã chuyển tới tôi đề nghị của đồng chí muốn được đến Mátxcơva theo con đường bí mật. Khi đó tôi trả lời rằng không phản đối. Nay Liên Xô đã công nhận Việt Nam, nếu đồng chí không thay đổi ý định, tôi sẽ rất vui mừng được đón tiếp đồng chí tại Mátxcơva”[2].
Ngày 7-2-1950, Hồ Chí Minh gửi điện phúc đáp, giải thích về  ý định bí mật đến Liên Xô: "Thứ nhất, ở Việt Nam, chỉ có một vài Ủy viên Trung ương Đảng và hai thành viên Chính phủ biết về chuyến đi của tôi. Thứ hai, tôi nghĩ rằng, nếu người Pháp biết về việc tôi rời khỏi Việt Nam, họ có thể có những hành động chính trị - quân sự bất lợi”[3]. Hồ Chí Minh viết tiếp: “Nếu đồng chí Stalin tìm thấy lý do để chuyến thăm của tôi đến Mátxcơva mang tính chính thức, tôi tin rằng, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng sẽ nhất trí với đồng chí”[4].
Khoảng chừng giữa tháng 2-1950, Hồ Chí Minh tới Mátxcơva. Cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Chính phủ Liên Xô không diễn ra tại Điện Cremlin như thông lệ đón tiếp các chính khách đứng đầu Nhà nước. Khảo sát kỹ toàn bộ danh sách các vị khách I.V. Stalin đã gặp gỡ, tiếp đón tại Điện Cremlin năm 1950, đặc biệt trong ba tháng 1, tháng 2, tháng 3 (Nhật ký các cuộc gặp gỡ, tiếp đón của I.V. Stalin tại Điện Creminl từ năm 1924 đến năm 1953, dự án “Tư liệu lịch sử”[5]), song không tìm thấy bất kỳ một ghi chép nào về cuộc đón tiếp vị khách có tên là Hồ Chí Minh hoặc Din[6]. Theo hồi ký “Bên cạnh Stalin” của vệ sĩ A.T. Rubin (A.T. Rybil), nhiều khả năng cuộc gặp diễn ra tại khu biệt thự ngoại ô có tên Kunsevơ (Kulsevo)[7]. Tham dự cuộc gặp, phía Liên Xô có I.V. Stalin, V.M. Môlôtốp (V.M. Molotov) và một số lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô viết. Về nội dung cuộc gặp gỡ, đến nay tài liệu lưu trữ của phía Việt Nam, cũng như Liên Xô chưa được giải mật và công bố đầy đủ; do vậy, việc phục dựng hết sức khó khăn. Các hình dung có được chủ yếu qua con đường gián tiếp và nguồn tư liệu thứ cấp.
Theo nhà nghiên cứu I.V.Gaiđúc (I.V.Gaiduk) – người có điều kiện tiếp xúc với một số tài liệu lưu trữ chưa được công bố của Lưu trữ Tổng thống Liên bang Nga, hội đàm với Hồ Chí Minh, I.V. Stalin nhận ra rằng, cần quan tâm hơn nữa đến cách mạng Đông Dương; tuy nhiên, liên quan đến việc giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (1945), vấn đề cải cách ruộng đất, I.V. Stalin khuyến cáo Hồ Chí Minh không nên có những hành động quá cấp tiến[8]. Phân tích tư liệu lưu trữ tại Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga (phông Stalin) có liên quan gián tiếp đến cuộc gặp gỡ, nhà sử học I.A. Kônôrêva (I.A. Konoreva) khẳng định trong hội đàm, tình hình Đông Dương, khả năng viện trợ quân sự của Liên Xô qua lãnh thổ Trung Quốc, đặc điểm công tác tư tưởng và công tác vận động quần chúng nhân dân ở một nước nông nghiệp lạc hậu.... là những vấn đề được Hồ Chí Minh và lãnh đạo Liên Xô đề cập, trao đổi, thảo luận[9]. Trong hồi ký "Đường đến Điện Biên Phủ" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một số thông tin về cuộc hội đàm giữa Hồ Chí Minh và lãnh đạo Liên Xô. Theo Đại tướng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo cho Liên Xô tình hình Việt Nam, đường lối chính trị, sách lược của Đảng Cộng sản Đông Dương, yêu cầu Liên Xô viện trợ vật chất, đặc biệt vũ khí, đạn dược. Về yêu cầu viện trợ của Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Trung Quốc Lý Kiện cho biết: I.V. Stalin dùng dằng chưa trả lời ngay, muốn sau khi thương lượng với Mao Trạch Đông sẽ quyết định[10]. Tại cuộc gặp, I.V. Stalin hứa với Hồ Chí Minh sẽ viết một cuốn sách cho Việt Nam. Bức thư của Hồ Chí Minh gửi I.V. Stalin ngày 14-10-1950 đã nói lên điều đó: “Tôi hy vọng sẽ nhận được cuốn sách mà đồng chí đã hứa là sẽ viết riêng cho chúng tôi. Tôi sẽ thân chinh dịch cuốn sách đó. Đây sẽ là món quà hết sức quý báu mà đồng chí tặng cho chính Đảng còn non trẻ của chúng tôi[11].
Khoảng cuối tháng 2-1950, Hồ Chí Minh rời Mátxcơva về Bắc Kinh. Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô cử N. Timôphêep (N.Timofeev) – một lãnh đạo cấp cao của Ban Chấp hành Trung ương Cộng sản Liên Xô cùng đi với Hồ Chí Minh. Ngày 2-4-1950, N. Timôphêep gửi thư cho I. Môsetốp (I.Mosetov)[12] báo cáo về tình hình chuyến tháp tùng Hồ Chí Minh, trong thư có đoạn: “Trong thời gian ở Mátxcơva, Din rất hài lòng và trở về với tâm trạng thoải mái. Trước khi rời Bắc Kinh, Din nhờ tôi chuyển tới đồng chí lòng biết ơn chân thành về tất cả sự quan tâm, chăm sóc mà các đồng chí đã dành cho Din trong thời gian ở Mátxcơva[13]. Bức thư của N. Timôphêep xác nhận thông tin và là chứng cứ thuyết phục khẳng định sự biến mất của cuốn Tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng" có thủ bút[14] của I.V. Stalin và những nhà lãnh đạo Xô viết có mặt trong cuộc hội đàm: "Din nhờ tôi viết thư hỏi và làm sáng tỏ một vấn đề luôn cánh cánh bên lòng, liên quan tới sự biến mất đầy bí ẩn của tờ tạp chí “Liên Xô trên công trường xây dựng” ở khu biệt thự – tờ tạp chí có chữ ký của đồng chí Stalin, Môlôtốp và một số đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô viết khác; đề nghị thông báo kết quả qua đồng chí Phương (Фын), đại diện Đảng Lao động Việt Nam ở Bắc Kinh”[15]. Theo như mô tả của N. Timôphêep, trên đường quay về, không chỉ một lần, Hồ Chí Minh luôn trăn trở không hiểu tại sao chuyện đó có thể xảy ra, vì “ở khu nghỉ dưỡng, nơi có điều kiện vật chất tương ứng với điều kiện của xã hội cộng sản, mọi cái đều tốt đẹp, chỉ có tờ tạp chí với bút tích là biến mất”[16]. N. Timôphêep viết thêm: “Din hồi tưởng về những người phục vụ tại nhà nghỉ và kết luận rằng, tất cả những người phục vụ đều hết sức trung thực, không một ai có thể lấy tờ tạp chí, có lẽ tờ tạp chí “vô tình” bị đồng chí Môsetốp hoặc đồng chí Cadơlốp (Kazlov) cầm lẫn với những tài liệu khác mà họ đem đến cho Din rồi sau đó mang đi”[17]. N. Timôphêep tỏ ra hết sức áy náy vì thắc mắc của Hồ Chí Minh, “không thể nói gì ngoài việc an ủi Din, thuyết phục rằng, cùng với thời gian, tờ tạp chí có thể sẽ được tìm thấy”[18] và khẩn thiết đề nghị I. Môsetốp “nếu không quá khó khăn, hãy hỏi ý kiến lãnh đạo và thông báo cho tôi biết phải trả lời câu hỏi đó thế nào[19].
N. Timôphêep cũng tường thuật rằng, trước khi chia tay, Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh tặng Hồ Chí Minh một khẩu súng săn, đạn, ống nhòm và một số vật dụng đi đường cần thiết khác. Về phần mình, Hồ Chí Minh tặng lại ảnh chụp một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương làm lưu niệm, trong đó có ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. N. Timôphêep gửi kèm theo thư cho I. Môsetốp một bộ ảnh phòng khi cần thiết[20]. Trong thư viết cho I. Môsetốp và Cadơlốp ngày 8-3-1950 (có lẽ được gửi đi từ Bắc Kinh), Hồ Chí Minh hy vọng những bức ảnh nói trên đã được gửi tặng bạn bè và các đảng anh em. Hồ Chí Minh dặn thêm: “Hãy nói với các đảng anh em rằng, những tấm ảnh đó có thể sử dụng làm tài liệu tuyên truyền, vì chúng không thuộc loại bí mật”[21]. Trong thư, Hồ Chí Minh bày tỏ sự tiếc nuối không kịp gặp và nghe những lời khuyên, lời dặn dò của M.A.Xuxlốp[22] trước khi rời Mátxcơva.
2. Chuyến đi bí mật năm 1952
Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, tăng cường sự hiểu biết giữa Đảng Lao động Việt Nam và  Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dịp Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô chuẩn bị khai mạc, Hồ Chí Minh hoạch định chuyến thăm bí mật lần thứ hai đến Liên Xô.
Ngày 30-9-1952, từ Bắc Kinh, Hồ Chí Minh gửi thư cho I.V. Stalin, trình bày: “Tôi rất mong muốn được tới Mátxcơva dự Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô (b). Tuy nhiên, tôi tính rằng, nếu đến Mátxcơva bằng con đường chính thức, một là, kẻ thù sẽ nhân cơ hội đó để tấn công Việt Nam về chính trị; hai là, có thể nảy sinh những bất tiện trong việc tiếp đón. Vì vậy, tôi có ý định đến Mátxcơva dưới một cái tên khác. Nếu như tôi không thể đến dự Đại hội, Đảng Lao động Việt Nam sẽ cử Đại sứ Nguyễn Lương Bằng ở Mátxcơva là đại biểu”[23]. Ngày 1-10-1952, I.V. Stalin, gửi điện trả lời: “Chúng tôi đã nhận được điện tín của đồng chí. Nhìn chung, chúng tôi nhất trí để đồng chí đến Mátxcơva không chính thức. Đại hội sẽ khai mạc ngày 5-10-1952. Hãy thông báo thời gian đồng chí tới”[24]. Đến Mátxcơva theo hình thức bí mật, có mặt tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô, Hồ Chí Minh không có trong khách mời phát biểu, Đoàn đại biểu chính thức của Đảng Lao động Việt Nam không có tên trong danh sách. Lời chào mừng của Đảng Lao động Việt Nam gửi đến Đại hội được giao cho Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản nước Cộng hòa Agiecbaigiăng (Azerbaijanese) M.E. Baghirốp (M. E. Bagirov) đọc thay[25].
Sau Đại hội, ngày 17-10-1952, Hồ Chí Minh viết thư gửi I.V. Stalin. Nội dung bức thư cho thấy Hồ Chí Minh chưa có cuộc gặp riêng với I.V. Stalin: "Tôi vẫn đợi ý kiến của đồng chí để có thể đến gặp, ôm hôn và chuyển tới đồng chí bản báo cáo về tình hình Việt Nam"[26]. Hồ Chí Minh đề nghị: "Trong cuộc gặp, khi tôi báo cáo, tốt hơn cả nếu có mặt đồng chí Lưu Thiếu Kỳ"[27]. Có lẽ đề nghị này của Hồ Chí Minh xuất phát từ việc năm 1950, sau khi Việt Nam – Liên Xô thiết lập quan hệ về mặt Nhà nước, Liên Xô "đồng ý để Trung Quốc đại diện cho quyền lợi của mình tại Việt Nam"[28]. Đề nghị này còn cho thấy, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc giai đoạn này tương đối gắn bó, vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với thúc đẩy quan hệ Việt - Xô là khá quan trọng.
 Ngày 15-11-1952, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô V. Grigôrrian (V. Grigoryal) chuyển đến I.V. Stalin yêu cầu của Hồ Chí Minh: "Đồng chí Hồ Chí Minh dự định trở về Việt Nam trong thời gian gần đây và trước khi về nước mong muốn được gặp đồng chí I.V. Stalin một vài phút. Đồng chí Hồ Chí Minh nói thêm rằng, nếu đồng chí I.V. Stalin không có thời gian gặp gỡ, đồng chí Hồ Chí Minh hoàn toàn hiểu và thông cảm với sự bận bịu của đồng chí I.V. Stalin, sẽ không làm tốn thời gian của đồng chí và gửi lại thư sau. Đồng chí Hồ Chí Minh sẽ về nước trên chuyến bay đặc biệt sau hai ngày nữa"[29]. Hồ Chí Minh không rời Mátxcơva ngày 17-11 như V. Grigôrrian đã thông báo với I.V. Stalin, mà bay vào ngày 19-11-1952. Trước chuyến bay đến Bắc Kinh để trở về Việt Nam, Hồ Chí Minh gửi thư chào I.V. Stalin: "Hôm nay tôi về nước. Nhiệt thành cám ơn về tất cả những gì đồng chí đã làm cho tôi. Xin hứa với đồng chí sẽ thực hiện tốt cải cách ruộng đất và tiến hành tốt cuộc chiến tranh giữ nước. Hy vọng rằng, sau hai hoặc ba năm nữa tôi có thể trở lại và báo cáo về kết quả công việc"[30].
Kiểm tra kỹ Nhật ký các cuộc gặp gỡ, tiếp đón của I.V. Stalin tại Điện Creminl từ năm 1924 đến năm 1953, đặc biệt là tháng 10, tháng 11, đọc các hồi ký đã xuất bản của  những nhân vật liên quan; đồng thời, căn cứ vào nội dung các lá thư Hồ Chí Minh gửi cho I.V. Stalin, nhất là lá thư ngày 19-11, có lẽ đến lúc rời Mátxcơva, Hồ Chí Minh vẫn chưa kịp diện kiến vị lãnh tụ người Gruzia lạnh lùng, cứng rắn, đầy hoài nghi, cũng không ngờ rằng, sau này và mãi mãi không còn dịp gặp lại.
3. Tìm câu trả lời…
Hai chuyến thăm bí mật của Hồ Chí Minh đến Liên Xô cho thấy một hiện thực: Dù cùng chung ý thức hệ, song thái độ của Liên Xô đối với Việt Nam khá thận trọng, không mấy mặn mà. Lý giải nghịch lý đó, cần ngược dòng lịch sử, bắt đầu từ những sự kiện sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công.
Ngay sau khi giành độc lập (9-1945), Việt Nam tìm mọi cách liên lạc với Liên Xô. Thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh liên tiếp gửi mật điện, công hàm thông báo về sự ra đời của Chính phủ cách mạng ở Việt Nam, đề nghị Liên Xô giúp đỡ, nhưng tất cả đều rơi vào im lặng, “Mátxcơva tiếp nhận những bức điện khẩn của lãnh đạo Việt Nam với thái độ khá dè dặt”[31]. Việt Nam, Đông Dương chưa phải là mối quan tâm thực sự của Liên Xô bởi vị trí địa lý xa xôi của nó[32]; đồng thời, tin tức về Việt Nam và về Hồ Chí Minh đến với Mátxcơva chậm chạp, không đầy đủ.
Những năm 1947-1948, Việt Nam đẩy mạnh các cuộc tiếp xúc bí mật với Liên Xô qua hai ngả Thái Lan và Pari, song hai bên chủ yếu thăm dò, tìm hiểu lẫn nhau. Đại sứ Liên Xô tại Pari A.E. Bôgômôlốp (AE. Bogomolov), người có ít nhiều hiểu biết về Đông Dương báo cáo về Mátxcơva ý tưởng giải quyết vấn đề Đông Dương thông qua “cơ chế đồng minh giám hộ” - giành cho Đông Dương quyền độc lập dưới sự bảo hộ của Uỷ ban An ninh Quốc tế (gồm Mỹ, Anh, Liên Xô, Pháp và Trung Quốc), tuy nhiên, đề xuất này không phù hợp với I.V. Stalin - người coi thế cuộc châu Âu là mối quan tâm, ưu tiên hàng đầu. I.V. Stalin không thể “đi nước cờ đòi độc lập cho Việt Nam để chuốc lấy nguy cơ phải hy sinh một số quyền lợi của Liên Xô trên đất Pháp”[33]. Do vậy, đến năm 1948, sự liên hệ của Liên Xô với Việt Nam tương đối lỏng lẻo, dù Việt Nam đã hết sức nỗ lực. Khảo sát về ảnh hưởng của Liên Xô ở Đông Nam Á, Văn phòng Nghiên cứu tình báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận: “Âm mưu đạo diễn của Cremlin được tìm thấy trong hầu hết tất cả các nước, ngoại trừ Việt Nam”[34]. Trong sự lựa chọn giữa hai nước: Việt Nam kháng chiến chống thực dân Pháp và Indonesia đấu tranh chống lại Hà Lan, Liên Xô ngày càng thiên về ủng hộ Indônêxia – sự lựa chọn khiến Liên Xô dễ dàng đảm bảo chính sách châu Âu, tránh đụng độ với Pháp.
Ít tháng trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Lưu Thiếu Kỳ có một vài chuyến đi bí mật tới Liên Xô. Tại cuộc hội đàm với Lưu Thiếu Kỳ (7-1949), I.V.Stalin nhiệt thành khuyến khích Trung Quốc có một vai trò lớn hơn trong thúc đẩy làn sóng cách mạng ở châu Á và đồng ý để Trung Quốc giữ vai trò đầu tàu đối với cách mạng Phương Đông[35]. Trong khi đó, cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam đã có quan hệ khá chặt chẽ và đầu năm 1950, Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc gồm 79 người do Vi Quốc Thanh dẫn đầu đã sang giúp Việt Nam chống Pháp. Các cố vấn Trung Quốc kiên trì quan điểm “nếu không thực hành giảm tô, giảm tức, phát động hơn nữa nhiệt tình của nông dân tham gia chiến đấu thì muốn kiên trì cuộc chiến tranh chống Pháp lâu dài đến thắng lợi cuối cùng là khó khăn”[36]. Trung Quốc bắt đầu hối thúc Việt Nam thực thi cải cách ruộng đất ngay từ đầu năm 1950, khi Lưu Thiếu Kỳ gặp Hồ Chí Minh ở Bắc Kinh, song Hồ Chí Minh không đồng ý. Lưu Thiếu Kỳ đem thái độ của Hồ Chí Minh phản ánh với I.V. Stalin, “vì chuyện này, các lãnh đạo Trung Quốc, Liên Xô đã quy cho ông Hồ là kẻ cơ hội cánh hữu lạc hậu” [37]. Cùng với sự kiện Hồ Chí Minh giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương, I.V.Stalin càng thêm thiếu tin tưởng ở cách mạng Việt Nam, nghi ngại Hồ Chí Minh không phải người cộng sản, mà là một nhà dân tộc chủ nghĩa. Đến tháng 1-1950, sau khi có thêm thông tin về Việt Nam, về Hồ Chí Minh, I.V.Stalin mới đồng ý để Hồ Chí Minh đến Mátxcơva. Bức điện I.V.Stalin gửi cho Mao Trạch Đông ngày 6-1-1950 đã nói lên điều đó: "Tôi đã đọc những tài liệu về Việt Nam và đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng, đồng chí Hồ Chí Minh là một người cộng sản kiên trung, đang thực hiện tốt trọng trách của mình và rất xứng đáng được ủng hộ"[38]. Tuy nhiên, sự "bốc hơi" của cuốn tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng" (1950), một số vấn đề về thể thức ngoại giao đối với Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô và sự im lặng của I.V. Stalin trước đề nghị gặp mặt của Hồ Chí Minh (1952) là những chứng cứ thuyết phục về việc các nhà lãnh đạo Liên Xô "cần thêm bằng chứng về lòng trung thành của cá nhân Hồ Chí Minh"[39]. Là một người luôn ảm ảnh bởi quyền lực tuyệt đối, với tính cách đầy mâu thuẫn và sự đa nghi ngày càng lớn dần vào những năm cuối đời, I.V. Stalin không mấy ưa, luôn dè chừng với những gương mặt lãnh tụ tự tin, có chủ kiến. Không cần hỗ trợ từ bên ngoài, dựa vào thực lực, Hồ Chí Minh lãnh đạo thành công cuộc cách mạng ở một nơi xa xôi – đối với I.V. Stalin, đó là điều cần phải đối phó, phán quyết, hơn là ủng hộ.
Những phân tích trên đây có thể là chưa đầy đủ, song bước đầu luận giải cho những biểu hiện “bất thường” trong thái độ của lãnh đạo Liên Xô đối với hai chuyến thăm của Hồ Chí Minh đến Liên Xô; đồng thời soi chiếu, mở ra những góc nhìn, những cách tiếp cận thực tế đối với các mối quan hệ quốc tế xưa và nay của Việt Nam.


[1] Lưu Thiếu Kỳ là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị Mao Trạch Đông (lúc này đang ở Mátxcơva thương thuyết về việc ký kết Hiệp ước liên minh tương trợ Trung – Xô) chuyển yêu cầu của Hồ Chí Minh đến I.V. Stalin.
[2]Pоссийский государственный архив социально-политической истории  (РГАСПИ), ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1. (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 1).
[3] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 1).
[4] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 1 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 1).
[5] На приеме  у Сталина. Тетради (журналы) записей лиц, принятых И. В. Сталиным (1924-1953 гг) (Проект "Исторические Материалы"), М. Новый хроног­раф, 2008 (Các buổi tiếp khách của Stalin. Nhật ký các cuộc gặp gỡ, tiếp đón của I.V. Stalin tại Điện Creminl từ năm 1924 đến năm 1953 (Dự án “Tư liệu lịch sử”), Nxb.Thời ký, Mátxcơva, 2008).
[6] Din là bí danh Hồ Chí Minh sử dụng trong thời gian thăm Mátxcơva năm 1950. Trong bức thư, bí danh này được viết bằng tiếng Nga là “Дин”, dịch ra tiếng Việt có thể là Din, Đin, Dinh, Định. Tác giả lựa chọn từ “Din” theo cách phát âm tiếng Nga.
[7] I.V. Stalin có tất cả 4 biệt thự ngoại ô - Kunsevơ, Semenốpxki (Semonovski), Lípki (Lipki), Giubalôvô (Zubalovo). Sau cái chết của vợ vào năm 1932, Stalin hầu như không đến Lípki và Giubalôvô. Nơi đó chủ yếu dành cho các nhà lãnh đạo các Đảng Cộng sản như Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai, Tito… (Nguồn: И. Бенедиктов, А. Рыбин, Рядом со Сталиным, Изд. Алгоритм, M. 2010, c.143. (I.Benedict ốp, A.Rưbin: Bên cạnh Stalin, Nxb. Thuật toán, Mátxcơva, 2010, tr.134).
[8]Dẫn theo И.А.Конорева: Тайные поездки дядюшки Хо, Жур. Родина, № 7, 2008, c.122 (I.A.Koroneva: Những chuyến đi bí mật của Bác Hồ”, Tạp chí Tổ quốc, số 7, 2008, tr.122)
[9]Конорева И.А: Тайные поездки дядюшки Хо, Указ. Соч, C. 123 (I.A.Koroneva: Những chuyến đi bí mật của Bác Hồ”, Tlđd, tr.123).
[10]Lý Kiện (biên soạn): Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr. 527.
[11] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 3-6 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 1-6).
[12] I. Môsetốp và N. Timôphêep cùng với Cadơlốp là những  lãnh đạo cấp cao của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô được phân công tiếp đón, giúp đỡ Hồ Chí Minh trong thời gian ở Mátxcơva.
[13]Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г, Жур. Bестник архивиста, №2, 2010, c. 17 (Thư của N. Timôphêep gửi từ Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, 2-4-1950, Tạp chí Tin tức lưu trữ, số 2, 2010, tr.17).
[14] Trong cuộc gặp của Chủ tịch Hồ Chí Minh với lãnh đạo Liên Xô, có một chi tiết thường được đề cập đến, song chủ yếu qua hồi ký: Cuối cuộc gặp, Hồ Chí Minh đề nghị I.V. Stalin và những nhà lãnh đạo Xô viết cùng đi cho xin cho xin chữ ký lên bìa cuốn tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng", song khi rời Liên Xô về nước, Hồ Chí Minh đã không thể tìm thấy cuốn tạp chí.
[15]Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, c.17 (Thư của N. Timôphêep gửi từ Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, 2-4-1950, Tlđd, tr.17).
[16]Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, c.17 (Thư của N. Timôphêep gửi từ Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, 2-4-1950, Tlđd, tr.17).
[17]Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, c.17 (Thư của N. Timôphêep gửi từ Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, 2-4-1950, Tlđd, tr.17).
[18]Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, c.17 (Thư của N. Timôphêep gửi từ Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, 2-4-1950, Tlđd, tr.17).
[19]Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, c.17 (Thư của N. Timôphêep gửi từ Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, 2-4-1950, Tlđd, tr.17).
[20]  “Письмо от Н. Тимофеева из советского посольства в Пекине, 2 апреля 1950 г”, Указ. Соч, c.17 (Thư của N. Timôphêep gửi từ Đại sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, 2-4-1950, Tlđd, tr.17).
[21] РГАСПИ, ф, 17, оп. 137, д. 425, л. 27 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 17, cặp số 137, hồ sơ số 425, tờ 27).
[22] Năm 1950 là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Tổng biên tập báo Pravđa.
[23] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 10-11 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 10-11).
[24] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 12 (6 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 12).
[25]Приветствия XIX съезду Коммунистической партии Советского Союза от зарубежных коммунистических и рабочих партий,  М, 1952, c. 47-48 (Lời chào mừng Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Liên Xô của các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế, Mátxcơva, 1952, tr.47-48).
[26] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 13-1 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 13-1).
[27] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 13-1 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 13-1).
[28] РГАСРИ, Ф.17, оп.3, д. 1080. л.55 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 55).
[29] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л.16 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 16).
[30] РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 17-18 (Lưu trữ xã hội – chính trị Nhà nước Liên bang Nga, phông 558, cặp số 11, hồ sơ số 295, tờ 17-18).
[31] Бухаркин И.В, Кремль и Хо Ши Мин 1945-1969”, Жур. Новая и новейшая история, № 3, 1998, c. 29 (Bukharkin.I.V: “Điện Creml và Hồ Chí Minh 1945-1969”, Tạp chí Lịch sử cận hiện đại, số 3, 1998, tr.29).
[32]И.А.Конорева: “Геополитические интересы СССР и США в Юго-Восточной Азии в контексте Первой индокитайской войны (середина 40-х – начало 50-х годов ХХ в)”, Жур. Ученые записки Курского государственного университета, №1, 2008, c. 99 (I.A.Konoreva: “Lợi ích địa - chính trị của Liên Xô và Mỹ ở Đông Nam Á trong bối cảnh cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (giữa những năm 40- đầu những năm 50 của thế kỷ XX”, Tạp chí Ghi chép của nhà khoa học, Trường Đại học Tổng hợp Kurxcơ, số 1, 2008, tr.99).
[33]Christopher E. Goscha: “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Journal of Vietnamese Studies, Berkeley 11-2006.
[34]The Pentagon Papers Gravel Edition, Volume 1, Chapter I, "Background to the Crisis, 1940-50", pp. 1-52.
[35] Chen Jian: China's Road to the Korean War: The Making of the Sino-American Confrontation, New York, Columbia University Press, 1994, pp.74-75.
[36] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb. Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch), tr.143.
[37]Yinghong Cheng: “Not only Moscow: The Impact of the Chinese in Eastern Europe and North Vietnamese post-Stalin era”, Modern China Studies, USA, 2007, p.48.
[38]АВП РФ, ф.45, оп.1, д.334, л.16 (Lưu trữ đối ngoại Liên bang , phông 45, cặp số 1, hồ sơ số 334, tờ 16).
[39] И.А.Конорева: Тайные поездки дядюшки Хо, Указ. Соч, c. 123 (I.A.Koroneva: Những chuyến đi bí mật của Bác Hồ”, Tlđd, tr.123).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!