Nguyễn Thị Mai Hoa
Quan hệ với Trung Quốc
là một trong những trục quan hệ hết sức cơ bản về đối ngoại của Việt Nam trong
mọi thời kỳ. Đây là mối quan hệ bang giao có lịch sử lâu đời, diễn biến phức
tạp, tác động nhiều chiều tới sự tồn tại và phát triển cả hai dân tộc. Đặc biệt,
20 năm qua (1991-2011), quan hệ hai nước bước vào một thời kỳ phát triển mới
với tính chất mới, đặt ra những vấn đề đòi hỏi sự nhìn nhận, đánh giá khách
quan và khoa học.
1. Tháng 11-1991, Việt Nam và Trung Quốc chính thức
bình thường hóa quan hệ sau hơn một thập kỷ căng thẳng, đối đầu. Chính sách đối
ngoại của Việt Nam đối với Trung Quốc sau khi bình thường hóa được xác định là
kiên trì củng cố và mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, coi đó là một yêu cầu
chiến lược; trên cơ sở đó, 20 năm sau bình thường hóa (1991-2011), quan hệ Việt
– Trung đã diễn ra nhanh chóng trên mọi lĩnh vực:
Về chính trị, trên tinh thần “khép lại quá khứ, mở ra tương lai", các
chuyến thăm hữu nghị, các cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nước đã diễn ra liên
tục. Trong những lần thăm chính thức, hai bên đã ra 6 Thông cáo chung; 4 Tuyên
bố và ký kết nhiều hiệp định trên mọi lĩnh vực, trở thành cơ sở lý quan trọng
thúc đẩy quá trình hợp tác toàn diện.
Những dấu mốc quan trọng trong quan hệ chính trị
hai nước thể hiện qua các sự kiện: Định ra khuôn khổ quan hệ hai nước trong thế
kỷ mới với phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu
dài, hướng tới tương lai” và ký Hiệp định biên giới trên đất liền (1999); ký Hiệp
định phân định Vịnh Bắc Bộ (2000); ký Nghị định thư hợp tác
nghề cá Vịnh Bắc Bộ (2004); thoả thuận đưa quan hệ hai nước trở thành
“láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (2005); thành
lập Uỷ ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc
(2006); nâng quan hệ hai nước lên tầm “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”
và hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền (2008).
Quan hệ chính trị Việt Nam – Trung Quốc có những
đặc điểm nổi bật: 1- Hàng năm hai nước đều tiến hành các cuộc gặp gỡ cấp cao, hình thành nên cơ chế viếng thăm cấp cao
thường niên – đây là điểm khác biệt của quan hệ Việt – Trung trong so sánh quan
hệ với các nước láng giềng khác; 2- Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì đều đặn
các cuộc gặp gỡ bên lề các diễn đàn của các tổ chức khu vực hoặc quốc tế
để trao đổi quan điểm; 3- Các cuộc gặp gỡ giữa các
ban, ngành, các bộ, các tổ chức xã hội, kinh tế, chính trị, an ninh, quốc
phòng... trao đổi những khả năng hợp tác và giao lưu kết nghĩa có ý nghĩa hỗ
trợ, củng cố cho quan hệ
ngoại giao chính thức; 4- Trên cơ sở chính sách đối ngoại cởi
mở, đa dạng hóa, đa phương hóa mà hai nước theo đuổi và xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, quan hệ đa phương của mỗi nước
tạo thêm điều kiện thuận lợi cho quan hệ song phương giữa hai nước; 5- Không gian hợp tác giữa hai nước được mở rộng
qua kênh đa phương, thông qua các tổ chức quốc tế và khu vực; 6- Quan hệ chính trị giữa hai nước không phải
là quan hệ đồng minh hay liên minh, mà dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc
và an ninh, hòa bình, ổn định cho khu vực.
Về kinh tế - thương mại, cho đến năm 2011, hai nước đã ký hơn 50 Hiệp định hợp tác về kinh tế hoặc có liên
quan đến kinh tế và khá
nhiều thỏa thuận cấp Nhà nước, tạo
nền tảng pháp lý cho việc hợp tác. Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa
phương... cũng đã ký kết
những văn
bản hợp tác kinh tế - mậu dịch song phương. Hai bên cũng đã khai thông và
mở thêm các tuyến đường sắt, đường bộ, đường biển, đường hàng không... tạo điều
kiện cho giao lưu văn hóa, kinh tế giữa hai nước. Từ năm 2001, hợp tác
kinh tế - thương mại được cụ thể hóa bằng những kế hoạch phát triển gắn kết hai
nền kinh tế như “hai hành lang, một vành đai”, “một trục hai cánh”, “hợp tác
Vịnh Bắc Bộ mở rộng”; hướng đến cân bằng trong cán cân thương mại; tăng đầu tư
của Trung Quốc tại Việt Nam.
Về thương mại song phương,
Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Kim ngạch mậu dịch giữa hai nước ngày càng có
sự tăng lên đáng kể: Nếu như năm 1991 chỉ đạt hơn 37 triệu USD, đến năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi cuộc
khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới suy giảm, nhưng kim ngạch
thương mại hai nước vẫn đạt 21,35 tỷ USD[1], còn hết năm 2010, kim ngạch
mậu dịch hai nước đã đạt trên 30 tỉ USD[2]. Dấu ấn nổi bật trong quan hệ
thương mại giữa hai nước những năm qua thể hiện ở sự gia tăng nhanh kim ngạch
xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc với xu hướng khá bền vững
(kim ngạch xuất khẩu năm 2000-2009 tăng gấp 3,19 lần, bình quân mỗi năm tăng
13,75%, và nếu so với năm 2005, con số tương ứng là 52% và 11%[3]). Quan hệ hợp tác đầu tư cũng
tăng đáng kể: Nếu như đến tháng 8-2001, Việt Nam đã cấp giấy phép cho
110 dự án đầu tư của Trung Quốc với tổng số vốn trên 221 triệu USD[4], đạt mức trung bình của các nước và khu vực có vốn đầu tư trực
tiếp tại Việt Nam, thì đến tháng 12-2009, Trung Quốc đã có 657 dự án với tổng
số vốn đăng ký là 2.673.941.942 USD[5], đưa Trung Quốc lên vị trí 11
trong số 43 nước và vùng lãnh thổ đang đầu tư trực tiếp tại Việt Nam hiện nay.
Về tổng thể, quan hệ kinh tế - thương mại Việt –
Trung có những đặc điểm chủ yếu: 1- Quan hệ kinh tế giữa hai nước ngày càng gia
tăng cùng với sự gia
tăng của quan hệ chính trị, ngược lại, sự phát triển của quan hệ
kinh tế trực tiếp thúc đẩy cho sự phát triển của quan hệ chính trị; 2- Quan hệ kinh tế giữa hai nước có tính chất bổ sung cho nhau của kinh tế địa dư; 3- Phạm vi hợp tác kinh tế giữa hai nước khá rộng rãi, phương
thức hợp tác phong phú, đa dạng, phù hợp
với điều kiện, hoàn cảnh của hai nước và tuân theo các luật lệ buôn bán quốc tế; 4- Quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển theo đà
của công cuộc đổi mới, cải cách, có sự thay đổi lớn cả về
lượng lẫn về chất so với thời kỳ hai
cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Về văn hóa - giáo dục,
khoa học – công nghệ và du lịch, hàng năm, Việt Nam đã cử hơn 100 đoàn
đại biểu văn hóa sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, tổ chức triển lãm mỹ
thuật, nghiên cứu khảo sát các lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, mỹ thuật, báo chí,
văn học, nghệ thuật, điện ảnh, thể dục - thể thao... Trung Quốc cũng tiếp nhận
một số lượng đáng kể các học sinh, thực tập sinh Việt Nam sang nghiên cứu, học
tập, trở thành một trong những nước mà sinh viên Việt Nam sang theo học đông
nhất. Hợp tác khoa học – công nghệ giữa hai nước cũng không ngừng phát triển
thông qua hình thức trao đổi các đoàn chuyên gia, các nhà khoa học; cung cấp
thông tin khoa học – công nghệ và tiến hành các dự án nghiên cứu chung về ứng
dụng khoa học – công nghệ trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, hợp tác nghiên
cứu sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên...
Hợp tác về du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc
những năm 1991-2011 phát triển khá nhanh về lượng khách hai chiều. Trung Quốc
liên tục là nước đứng đầu về số lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và Việt
Nam luôn coi Trung Quốc là một trong những thị trường du lịch nguồn, trọng
điểm.
Nhìn chung, hợp tác văn hóa – giáo dục, khoa học
– công nghệ và du lịch Việt – Trung có những đặc điểm cơ bản: 1- Quan hệ văn
hóa – giáo dục nhanh chóng khởi sắc trên cơ sở hai nước có nhiều nét tương đồng
về văn hóa, có sự giao lưu văn hóa qua nhiều thế kỷ; 2-Hai nước tăng cường hợp
tác, trao đổi trong lĩnh vực lý luận về chủ nghĩa xã hội, về con đường đi lên
chủ nghĩa xã hội; 3- Hợp tác văn hóa - giáo dục, khoa học – công nghệ được thực
hiện trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, chú trọng hiệu quả, tính hỗ trợ,
bổ sung cho nhau, hậu thuẫn, củng cố cơ sở cho quan hệ chính trị, kinh tế phát
triển.
2. Bên cạnh những bước tiến quan trọng về mọi mặt của quan hệ Việt
– Trung 20 năm qua, không thể không nhận thấy vẫn tồn tại không ít hạn chế,
thách thức, đòi hỏi cả hai nước cùng nghiêm túc nhìn nhận và có những phương
hướng, biện pháp giải quyết.
Trong quan hệ kinh
tế - thương mại, cán cân thương mại giữa hai nước mất cân đối, tỷ lệ nhập
siêu của Việt Nam ngày càng tăng và trở thành một vấn đề nổi cộm.
Tính trung bình, "giá trị nhập khẩu của Việt Nam gấp 2,4 lần giá trị hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Trung
Quốc"[6]. Con số nhập siêu năm 1991 là
10 triệu USD[7] , năm 2000 lên tới 608 triệu USD[8], năm 2009 đã tăng lên 11,5
tỉ USD, gấp 55 lần so với năm 2001 và năm 2020 ước gần 12 tỉ USD[9]. Việc Việt Nam nhập siêu với tỷ lệ khá cao, tăng nhanh tới mức độ
chóng mặt đồng nghĩa với việc trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc hiện
nay, phía Trung Quốc được lợi nhiều hơn, gây ra những khó khăn nhất
định trong thanh toán với bạn hàng Trung Quốc. Trong hoạt động xuất khẩu, xu hướng xuất khẩu
nguyên liệu thô từ Việt Nam sang Trung Quốc ngày càng tăng, tỷ trọng xuất khẩu
hàng chế biến của Việt Nam sang Trung Quốc hầu như không được cải thiện, làm
sâu thêm sự bất bình đẳng trong quan hệ kinh tế -thương mại giữa hai nước. Khả
năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam so với hàng hóa Trung Quốc cũng ngày càng
sụt giảm, làm cho: Một mặt, xu hướng này cản trở xuất khẩu hàng hóa
của Việt Nam sang Trung Quốc; mặt khác, tạo điều kiện cho hàng hóa
Trung Quốc tràn vào và lấn át hàng hóa Việt Nam.
Tỷ trọng trong tổng kim ngạch ngoại thương mỗi nước cũng còn thấp,
tổng giá trị thương mại chính ngạch hai chiều chỉ chiếm 7% tổng kim ngạch
thương mại của Việt Nam và 0,4% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung
Quốc[10].
Về đầu tư, hầu hết các dự án đều có
quy mô nhỏ, vốn ít và tập trung vào các lĩnh vực khai
thác tài nguyên thiên nhiên và công nghiệp chế biến với công nghệ
trung bình, không phải là thế mạnh
của Trung Quốc, thậm chí nhiều dự án còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Nhiều hạng mục công trình không hoàn thành đúng tiến độ, việc giải ngân nhiều dự án khá chậm chễ. Tổng số vốn đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam trong so sánh với các
một số nước khác của khu vực Đông Nam Á còn khá khiêm tốn (ví dụ như ở
Campuchia, năm 2009, tổng đầu tư
của Trung Quốc đã vượt 6 tỷ USD, gấp gần 3 lần đầu đầu tư của Trung Quốc tại
Việt Nam gần 20 năm qua[11]).
Đầu tư của Việt Nam sang Trung Quốc những năm
gần đây tuy đã có bước tiến mới, nhưng do năng lực hạn chế , nên các hoạt
động đầu tư tại Trung Quốc có quy mô nhỏ bé, tập trung ở một vài tỉnh biên giới.
Tính đến cuối năm 2009, Việt Nam mới có 8 dự án FDI tại nước này với số vốn
đăng ký 11,2 triệu USD[12]. Như vậy, hoạt động đầu tư
giữa hai nước chủ yếu là đầu tư một chiều của Trung Quốc vào Việt Nam.
Việc tổ chức biên mậu giữa hai nước vẫn còn
nhiều bất cập. Hoạt động buôn lậu hàng hóa qua biên giới (cả trên biên giới đất
liền và trong vịnh Bắc Bộ) diễn ra theo hai chiều, phức tạp, nhanh chóng lan ra địa bàn
cả nước, là "vấn đề nhức nhối nhất trong mậu dịch Việt - Trung không ngừng
gia tăng suốt 10 năm và với Việt Nam đã đến mức trở thành quốc nạn"[13]. Bên cạnh đó, trốn thuế, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng chất lượng kém… gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường
kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng. Tỷ lệ trao đổi mậu dịch chính ngạch giữa hai
nước cũng là vấn đề cần được quan tâm tháo gỡ, khi thương mại tiểu ngạch giữa hai nước khá phát
triển, tác động mạnh đến thương
mại chính ngạch,
đặc biệt là khi Trung Quốc luôn muốn đẩy mạnh và phát triển
mậu dịch tiểu ngạch, đã dành cho mậu dịch tiểu ngạch nhiều ưu tiên, ưu đãi, nên nguyện vọng của Việt Nam nâng xuất nhập
khẩu chính ngạch lên cao hơn con số 70% còn gặp nhiều khó khăn.
Sau 20 năm bình thường hóa quan
hệ (1991-2011), với sự cố gắng từ hai phía, về cơ bản, hai nước đã giải quyết được hai
trong ba vấn đề biên giới, lãnh thổ, tuy nhiên, hiện nay giữa hai nước vẫn còn những bất đồng, khúc
mắc về chủ quyền biển đảo. Tranh chấp chủ quyền biển đảo không
chỉ liên quan tới Việt Nam, Trung Quốc, mà còn mà còn liên quan tới các
nước và vùng lãnh thổ khác trong khu vực như Brunei, Malaysia, Philippines, Đài
Loan, Indonesia; do vậy, đây là vấn đề
khá phức tạp, là một chuỗi những mối quan hệ chồng chéo, bao gồm những vấn đề lịch sử để lại, lợi ích chiến lược, vị
trí địa - chính trị, địa - kinh tế… không phải một sớm, một chiều có thể giải quyết ngay được, nhưng vì lợi ích của mỗi nước, vì ổn định và hợp tác
trong khu vực, cần nỗ lực tìm ra phương hướng giải quyết từ các bên có
liên quan.
3. Chặng đường 20 năm (1991-2011) củng cố, xây dựng và phát triển
quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phản ánh một quy luật trong nội tại quan hệ giữa
hai nước nói riêng và giữa các quốc gia nói chung: Hai mặt “hợp tác” và “đấu
tranh” luôn song hành tồn tại. Là hai nước láng giềng
"núi liền núi, sông liền sông", Việt Nam và Trung Quốc có cùng chung
rất nhiều lợi ích, song cũng do vị trí địa lý
kề cận mà giữa hai nước không thể tránh khỏi những va chạm về kinh tế, chủ quyền, đất đai,
sông biển... Do vậy, hai mặt hợp tác và đấu tranh trong quan hệ với Trung Quốc
là điều có thể hiểu được và cần
nhìn nhận vấn đề này một cách hết sức biện chứng.
Tuy giữa Việt Nam - Trung Quốc còn có nhiều thách
thức trong quan hệ kinh tế, nhưng cần phải nhận thức rằng, phạm vi hợp tác giữa
hai nước trong lĩnh vực này là hết sức rộng rãi. Hơn nữa, xu thế phát triển
kinh tế trong khu vực và trên thế giới, cũng như tính bổ trợ cho nhau trong
kinh tế địa dư đòi hỏi phải coi phát triển quan hệ kinh tế với Trung Quốc
là một yêu cầu cần thiết. Ngay cả khi Việt Nam không ngừng phát triển quan hệ
kinh tế với các nước phương Tây, thì cũng không thay đổi ưu thế và tiềm năng ưu
đãi lẫn nhau cùng có lợi giữa hai nước Việt - Trung. Do vậy, cần tiếp tục
ưu tiên phát triển kinh tế - thương mại với Trung Quốc thông qua việc cố gắng
khắc phục thách thức với hướng đi đúng đắn là nâng cao sức cạnh tranh của nền
kinh tế Việt Nam. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, đây là con
đường hiện thực. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp tục đổi mới cơ chế, mở
rộng, nâng cao chất lượng nền kinh tế hơn nữa, tạo sức bật nhanh tiến tới đủ
sức cạnh tranh, và như thế, hoàn toàn có thể phát triển quan hệ hợp tác kinh tế
- thương mại với Trung Quốc theo hướng bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.
Đối với các khúc mắc, tranh chấp về chủ quyền
biển đảo, nguyên tắc, phương châm để giải quyết là “khai thác những điểm đồng,
hạn chế bất đồng, tích cực đối thoại, thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng,
bình đẳng, hợp lý và trên cơ sở Luật pháp quốc tế”. Trên tinh thần "dễ trước, khó sau",
Trung Quốc và Việt Nam cần tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng cùng triển khai
hợp tác thích hợp; không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình
hoặc mở rộng tranh chấp; không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Hai bên phải kịp thời bàn bạc, giải quyết thỏa đáng những bất đồng nảy sinh với thái
độ bình tĩnh, xây dựng, để tìm ra giải pháp mà cơ bản hai bên có thể chấp nhận
được. Ngoài những biện pháp mang tính tình thế, hai bên cần có kế hoạch, đề ra
và thực hiện những biện pháp mang tính lâu dài, căn bản để giải quyết tốt vấn
đề này. Phương thức tối ưu để
hạn chế bất đồng, giải quyết vướng mắc là hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp
tác thực chất, đa phương vị, nhiều tầng nấc, nhiều hình thức và điều chủ yếu là
gắn bó bằng sợi dây lợi ích chính trị, kinh tế chung, ổn định cùng phát triển,
lấy đó làm cơ sở duy trì lâu dài quan hệ song phương, đi vào quỹ đạo ổn định,
tránh vết xe cũ, lúc nóng, lúc lạnh, khi thăng, khi trầm với tinh thần “bán anh em xa, mua láng
giềng gần", chung sống hòa hiếu, hữu nghị, cùng phát triển.
[2] Củng
cố tình hữu nghị Việt – Trung, Báo Người Lao động điện tử, ngày
3-9-2011.
[3] Nguyễn
Sinh, Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, www.tapchicongsan.org.vn
[4]Đỗ Tiến Sâm - Furutamotoo (Chủ biên), Chính
sách đối ngoại rộng mở của Việt Nam và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Nxb
Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 140.
[5]Nguyễn
Phương Hoa,“Đầu tư trực tiếp Trung Quốc tại Việt Nam”, Website Viện Nghiên cứu
Trung Quốc, http://vnics.org.vn/Default.aspx?ctl=Article&aID=186.
[6] Bùi Thanh Sơn, "50 Năm quan hệ
Việt - Trung", Tạp chí Nghiên cứu quốc tế, số 32/2000,
tr. 19.
[7]Dẫn
theo http://ru.china-embassy.org/rus/
[8] Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc nhìn lại 10 năm
và triển vọng, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002, tr. 152.
[9] Nguyễn
Sinh, Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, Sđd.
[10]PGS,TS.
Phạm Đức Thành, Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông
Nam Á, Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai, http://laocai.gov.vn
[11]Nguyễn
Phương Hoa,“Đầu tư trực tiếp Trung Quốc tại Việt Nam”, Sđd.
[12] Nguyễn
Sinh, Quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc, Sđd.
[13]Quan hệ kinh tế - văn hóa Việt Nam - Trung Quốc, hiện trạng và triển vọng, Trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Nxb Khoa
học xã hội, Hà Nội, 2001, tr. 47.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!