Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA HÀ NỘI TRONG CHẶNG ĐƯỜNG ĐẦU ĐỔI MỚI (1986-1996)

Nguyễn Thị Mai Hoa
ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN
Trong chiều dài hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước, Hà Nội-Thăng Long văn hiến không chỉ luôn vững vàng mà còn đi đầu trong mọi đổi thay của đất nước, giữ sắc thái rất riêng của mình. Là trái tim của cả nước, với vai trò “đầu tàu”, Hà Nội hội tụ đầy đủ những ưu thế, điều kiện thuận lợi để xây dựng cũng như phát triển quan hệ đối ngoại, thực hiện giao lưu quốc tế với các Thủ đô, các trung tâm chính trị, kinh tế- văn hóa thế giới. Với thế mạnh nói trên, khi Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương điều chỉnh chính sách đối ngoại nhằm phá vỡ thế bao vây, cấm vận về kinh tế, cô lập về chính trị, mở rộng quan hệ quốc tế, Hà Nội đã nhanh chóng nắm bắt vận hội, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại, coi đó là đòn bẩy quan trọng đối với sự phát triển mọi mặt của thành phố, nhất là kinh tế.

1- Gắn hoạt động chính trị - đối ngoại với phát triển kinh tế
Tháng 10-1986, Đảng bộ thành phố tổ chức Đại hội lần thứ X, nêu phương châm hành động: “Thực sự đổi mới nhận thức, đổi mới phong cách làm việc”[1]. Với phương châm đó và nhận rõ vai trò thúc đẩy của kinh tế đối ngoại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, Đảng bộ, chính quyền Hà Nội xác định khâu mấu chốt của kinh tế đối ngoại là xuất khẩu. Để tạo thêm nguồn vốn, nhập nguyên vật liệu và một số thiết bị kỹ thuật cho sản xuất, Hà Nội chủ trương đẩy mạnh hợp tác kinh tế với nước ngoài, mở rộng xuất nhập khẩu, kinh doanh dịch vụ thu ngoại tệ, xuất khẩu lao động, xuất khẩu tại chỗ, sử dụng tín dụng; đồng thời, tranh thủ viện trợ của các nước[2].
Nhằm nhanh chóng hiện thực hóa các chủ trương nêu trên, Hội nghị Ban Thường vụ Thành uỷ (10-2-1988) thông qua Nghị quyết về phương hướng và nhiệm vụ công tác đối ngoại của Hà Nội từ năm 1988 đến năm 1990; theo đó, hai nhiệm vụ song trùng, gắn bó hữu cơ gồm: 1- Mở rộng công tác đối ngoại, tăng cường quan hệ hữu nghị với Thủ đô các nước; 2- Tìm kiếm mọi nguồn lực, mọi khả năng hợp tác kinh tế với nước ngoài[3]. Điều đáng chú ý là định hướng đối ngoại của Hà Nội đã từng bước thoát khỏi sự chế định của tư duy, nhận thức thời kỳ chiến tranh Lạnh, không còn bó hẹp quan hệ với Thủ đô các nước cùng phe phái, ý thế hệ, mà đã chú trọng thiết lập quan hệ với Thủ đô một số nước tư bản, các tổ chức quốc tế, tổ chức nhân đạo, các tập đoàn tư nhân và Việt Kiều ở nước ngoài[4].
Một trong những trọng tâm đối ngoại của Hà Nội là củng cố, phát triển quan hệ với Thủ đô các nước XHCN. Trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao, Hà Nội đẩy mạnh hợp tác với Moscow, Sophia, Beclin, Bundapest..., thực hiện các hoạt động kết nghĩa giữa các ngành, các đơn vị tương ứng của hai bên, thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu giữa các đoàn Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chuyên viên, báo cáo viên... Hà Nội và Thủ đô nhiều nước XHCN tiến hành trao đổi các đoàn và giúp đỡ đào tạo cán bộ Thành uỷ, Công đoàn, phóng viên báo chí... Nhìn chung, qua các đợt học tập, tìm hiểu, các đoàn công tác đã thảo luận về chủ trương, chính sách của hai bên, nghiên cứu kinh nghiệm đổi mới, cải tổ, cải cách.... Bên cạnh đó, Hà Nội cử hàng trăm cán bộ sang học tập nâng cao trình độ khoa học- kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý kinh tế cũng như kinh nghiệm công tác Đảng tại các trường Đại học, Học viện hàng đầu của Moscow, Beclin, Bundapest, Sophia, Bucaret, Ulanbato, La Habana...
 Hoạt động chính trị - ngoại giao trên đây là cầu nối cho các dự án hợp tác kinh tế. Hà Nội đã ký với nhà máy, tập đoàn một số Thủ đô thỏa thuận hợp tác thành lập các xí nghiệp liên doanh sản xuất các sản phẩm rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ và các mặt hàng tiêu dùng cần thiết thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ. Tiêu biểu là các công trình: Nhà máy chế biến cà phê hoà tan có công suất 2000 tấn/năm, Nhà máy chế biến dừa cô đặc tại Hà Nội (1988-1989) liên doanh với Moscow[5]; Xí nghiệp liên doanh ăn uống “Restaurant Hà Nội”[6] tại Moscow, Nhà máy liên doanh sản xuất khóa Việt-Tiệp
Hà Nội khuyến khích các xí nghiệp sản xuất kinh doanh trao đổi, mua bán hàng hóa, mở rộng khả năng sản xuất, tăng cường liên hệ kinh tế và hiệu quả kinh doanh với xí nghiệp, cơ sở thương nghiệp của Thủ đô các nước XHCN. Các xí nghiệp của Hà Nội và của Thủ đô nhiều nước XHCN tích cực hợp tác gia công sản phẩm công nghiệp theo nguyên tắc mua nguyên liệu và bán sản phẩm. Các xí nghiệp của Hà Nội gia công giầy vải đáp ứng nhu cầu thị trường Sôphia; gia công giầy, hàng may mặc, áo len, vải, tất, hàng thêu ren, quần áo dệt kim, dụng cụ cơ khí cầm tay, phụ tùng xe đạp cho Thủ đô Moscow; sản xuất các đồ điện dùng cho gia đình, lắp ráp các loại động cơ xe máy cho Thủ đô Praha; sản xuất giầy vải, quần áo thể thao, các mặt hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ và đồ hộp cho Thủ đô Vacsava... Hợp tác gia công giúp Hà Nội khắc phục khó khăn về vật tư, vật liệu sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động; đồng thời, thu một nguồn ngoại tệ đáng kể đóng góp vào ngân sách Thủ đô
Trao đổi nhân lực lao động là hướng đi quan trọng trong hợp tác kinh tế của Hà Nội với nhiều Thủ đô, cho phép khai thác thế mạnh, tiềm năng hỗ trợ, bổ sung hai bên. Hà Nội chọn hàng vạn lao động có tay nghề, thanh niên chưa có việc làm và bộ đội hoàn thành nghĩa vụ đưa đi hợp tác lao động. Trong khoảng thời gian tương đối ngắn, từ năm 1988 đến tháng 10-1989, Hà Nội đưa 3.000 công nhân có tay nghề khá sang làm việc tại các xí nghiệp may của thành phố Sôphia (trong đó có một đội thầu khoán gồm 700 người); trong năm 1987, đã đưa 1.000 lao động sang làm việc tại Moscow, những năm sau đó, số lượng này tăng dần, lên tới khoảng 4.000 – 5.000 lao động/năm[7]. Đến tháng 9-1989, Hà Nội đã đưa sang Vacsava 165 công nhân bậc cao theo chương trình thỏa thuận giữa Xí nghiệp may Sơn Tây (Hà Nội) với Công ty Top – Mapt (Vacsava)[8].
Tăng cường hợp tác kinh tế với Thủ đô các nước tư bản, Hà Nội khuyến khích họ bỏ vốn đầu tư, tìm nguồn vốn vay ưu đãi, theo phương thức tự kinh doanh phù hợp với luật pháp của Việt Nam hoặc cùng hợp tác, liên doanh sản xuất trong một số ngành công nghiệp mũi nhọn. Khởi sắc nhất trong hợp tác kinh tế của Hà Nội với Thủ đô các nước tư bản phải kể đến hợp tác Hà Nội-Tokyo. Mặc dù “vấn đề Campuchia” có phần cản trở, song Tokyo sẵn sàng viện trợ nhân đạo và hợp tác kinh tế với Hà Nội. Các hợp đồng sản xuất khăn mặt[9], nhập khẩu, lắp ráp và kinh doanh hàng điện tử gia đình[10], hợp tác về nông nghiệp[11].... đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của Hà Nội. Tháng 11-1992 (sau khi “vấn đề Campuchia” được giải quyết), Chính phủ Nhật Bản quyết định nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam mà điểm đến trọng tâm là Hà Nội. Hà Nội nhận được từ Chính phủ Nhật Bản nhiều dự án viện trợ quy mô lớn, vốn đầu tư cao[12], kết quả thực hiện tác động trực tiếp, tích cực đến hiệu quả hoạt động kinh tế và tình hình an sinh xã hội của Thủ đô.
Với Helsinki, Stockholm, Paris…, các hoạt động đối ngoại nhanh nhạy của Hà Nội đã mang lại những kết quả to lớn. Chính phủ Phần Lan viện trợ cho Hà Nội xây dựng hệ thống cấp nước giai đoạn 1985-1990với số vốn đầu tư  gần 70 triệu MF[13]giai đoạn 1991-1994 với số vốn là 152 triệu MF (khoảng 40 triệu USD)[14]. Thụy Điển giúp đỡ nâng cấp, phục hồi một số xí nghiệp nhỏ, trao đổi hàng hóa hợp tác hai bên cùng có lợi, viện trợ xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội[15]. Chính phủ Pháp tiến hành sửa chữa nâng cấp, cải tạo bệnh viện Saint Paul bao gồm toàn bộ kết cấu hạ tầng (điện, nước) với tổng số tiền là 2,4 triệu FF, tặng Hà Nội 20 chiếc xe buýt[16]. Ôxtrâylia hợp tác với Hà Nội Dự án Intelsat (tổng số vốn 87 triệu USD), góp phần đảm bảo thông suốt hệ thống thông tin liên lạc của Hà Nội, tài trợ cho Hà Nội Dự án Quản lý quy hoạch và phát triển Thủ đô Hà Nội[17]...
Từ sau khi Việt Nam-Trung Quốc bình thường hóa quan hệ (1991), Hà Nội đẩy mạnh hoạt động buôn bán, hợp tác với Trung Quốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn với thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng này. Năm 1994, Bắc Kinh và Hà Nội ký Thỏa thuận về Hợp tác kinh tế-thương mại giữa thành phố Hà Nội và thành phố Bắc Kinh”, Bản ghi nhớ về Những hạng mục trao đổi giữa hai thành phố Hà Nội và Bắc Kinh trong hai năm 1995 và 1996, tạo tiền đề pháp lý cho việc hợp tác trên một số lĩnh vực kinh tế mậu dịch, trao đổi thông tin và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ[18]. Đến năm 1996, quan hệ kinh tế của Hà Nội đã mở rộng tới Quảng Châu, Thẩm Quyến[19] và các quan hệ trao đổi hàng hóa, buôn bán của Hà Nội với Trung Quốc diễn ra sôi động, phong phú với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Hà Nội xúc tiến hàng loạt các dự án hợp tác liên doanh với Tập đoàn Birla[20]- một tập đoàn tư bản lớn, có thế lực của Ấn Độ, với Công ty B.H của Thailand[21], Công ty cổ phần hữu hạn điện cơ Thanh Hải Đài Loan, Tập đoàn P.L.Hồng của Hồng Kông..., bước đầu đặt quan hệ kinh tế với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines Hà Nội tích cực thiết lập quan hệ với các tổ chức quốc tế thuộc Liên Hợp Quốc (UNICEF, UNESCO, FAO, WHO, PAM....), IMF và các tổ chức phi Chính phủ khác. Các tổ chức quốc tế giúp Hà Nội và các cơ quan trực thuộc Thành phố tài chính, kỹ thuật, hàng hóa dưới các hình thức viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo hoặc cho vay dưới dạng ODA; nhờ đó, Hà Nội có nguồn vốn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Như vậy, chủ trương và hoạt động mở rộng quan hệ với Thủ đô các nước, với các tổ chức quốc tế của Hà Nội nhìn chung là phù hợp với điều kiện cụ thể lúc bấy giờ, khi mà những biến động tại Liên Xô, Đông Âu gây ra những bất lợi cho nền kinh tế của Việt Nam nói chung, của Hà Nội nói riêng và trong giai đoạn Hà Nội bước đầu hội nhập quốc tế. Hoạt động kinh tế đối ngoại đã mang lại hiệu quả kinh tế to lớn cho Hà Nội, thu về ngoại tệ, giải quyết việc làm cho một số lượng lớn lao động dôi dư; đồng thời, giúp các địa phương khác cùng phát triển thông qua việc cung cấp cho Hà Nội các nguyên liệu, mặt hàng xuất khẩu để Hà Nội hoàn thành hợp đồng. Bên cạnh đó, mở rộng quan hệ kinh tế với Thủ đô các nước đã đưa hoạt động xuất nhập khẩu của Hà Nội đến với những thị trường mới, rộng lớn, thu hút vốn đầu tư của các nước khác vào Hà Nội, thúc đẩy các ngành công nghiệp mũi nhọn và nông nghiệp phát triển.
2- Đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, quảng bá hình ảnh, nâng cao vị thế Thủ đô
Thực hiện nhiệm vụ “đẩy mạnh hoạt động chính trị hữu nghị nhằm đề cao vị trí quốc tế của Thủ đô, hỗ trợ quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác”[22], Hà Nội chú trọng các hoạt động đối ngoại văn hóa với Thủ đô các nước; trong đó, đặc biệt quan tâm giao lưu văn hóa với thành phố Viên Chăn, Phnômpênh, Moscow, Berlin....
Hà Nội tuyên truyền, cổ vũ cho những thành tựu mà nhân dân Liên Xô, nhân dân Moscow đạt được trong quá trình cải tổ. Những ngày lễ lớn của Liên Xô như ngày sinh Lênin, ngày chiến thắng chủ nghĩa phát xít, ngày Cách mạng tháng Mười... Hà Nội đều tổ chức kỷ niệm trọng thể. Hà Nội cử đoàn nghệ thuật sang biểu diễn phục vụ nhân dân thành phố Viên Chăn nhân dịp diễn ra Đại hội Đảng bộ thành phố (1986), cử các đoàn ca múa nhạc sang giao lưu biểu diễn tại Thủ đô Phnômpênh (1988)
Hà Nội tham gia tổ chức Tuần văn hóa Việt Nam ở Moscow, hợp tác với Moscow và Berlin tổ chức Nhà hàng Hà Nội, quảng bá hình ảnh Thủ đô, đất nước. Các hoạt động giao lưu văn hóa với Thủ đô Xôphia, Buđapet và Ulan Bato… được tổ chức thường xuyên. Có điều, Hà Nội mới chủ yếu đưa các đoàn nghệ thuật sang lưu diễn, chưa tổ chức rộng rãi ở nhiều Thủ đô các hoạt động văn hóa lớn như Tuần văn hóa.
Vào những dịp lễ lớn, những ngày kỷ niệm trọng đại, những sự kiện chính trị quan trọng, Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mitinh, trao đổi, giao lưu văn hóa...  Hà Nội tổ chức thành công kỷ niệm 10 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác Việt-Lào (18/7/1977- 18/7/1987); Tháng hữu nghị Việt Nam-Campuchia (1-1989) với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi.
Sau năm 1991, quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh cũng như với một số địa phương Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Hai Thủ đô tổ chức nhiều hoạt động hợp tác trên lĩnh vực văn hóa. Năm 1993, Đoàn ca múa Thăng Long sang biểu diễn tại Trung Quốc đã được hoan nghênh nhiệt liệt và đã biểu diễn cho hơn 20.000 lượt người xem tại 11 điểm diễn thuộc chuyên khu Bắc Hải, Ngọc Lâm (Quảng Tây), Trạm Giang (Quảng Đông). Các công ty biểu diễn tại các địa phương nơi Đoàn đến đều đánh giá cao chất lượng chương trình nghệ thuật của Đoàn. Tháng 10-1994, nhân chuyến thăm Hà Nội của Bí thư Thành ủy Bắc Kinh Trần Hy Đồng, giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã ký kết Thỏa thuận về thiết lập quan hệ hữu nghị giữa thành phố Hà Nội- Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và thành phố Bắc Kinh-Thủ đô nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Theo Thỏa thuận, hai Thủ đô sẽ tiến hành giao lưu và hợp tác hữu nghị về kinh tế, thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch.... Trên cơ sở của Thỏa thuận, hợp tác văn hóa, quảng bá hình ảnh của Việt Nam đến nhân dân Trung Quốc có thêm bệ đỡ và động lực.
Hà Nội chủ trương mang hình ảnh của Thành phố đến với nhân dân thủ đô nhiều nước thông qua đối ngoại nhân dân. Hàng năm, Hà Nội đón tiếp hàng trăm đoàn khách quốc tế đến thăm Thủ đô. Trong bối cảnh đó, mỗi người dân Hà Nội đều có thể tham gia hoạt động đối ngoại bằng phong thái của người Tràng An, bằng nét sinh hoạt văn hoá, tôn giáo phong phú, đa dạng, nhiều hình, nhiều vẻ, vừa thấm đẫm sắc thái truyền thống, vừa hàm chứa những yếu tố hiện đại. Trên phương diện ấy, những giá trị văn hóa Thăng Long-Hà Nội được Thành phố phát huy, tỏa sáng. Sống trong một không gian động và mở, biến chuyển theo biên độ của nền kinh tế, của các diễn biến chính trị và sự phát triển, giao lưu văn hóa, mỗi người dân Hà Nội lịch sự, hiếu khách đã tạo nên một hình ảnh Hà Nội thân thiện, cởi mở, giúp cho bạn bè quốc tế hiểu biết hơn về con người và văn hóa Thủ đô với nét giản dị mà sang trọng, trang nhã mà phong lưu, vừa dân dã, vừa cung đình.
3- Thực hiện nghĩa vụ quốc tế, đóng góp cho hòa bình
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, tranh thủ ngoại lực, song Hà Nội không quên làm tròn nghĩa vụ quốc tế. Hợp tác, giúp đỡ Viên Chăn, Phnômpênh luôn được xem là ưu tiên hàng đầu trong công tác đối ngoại của Thủ đô. Nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn trường tồn cùng năm tháng giữa nhân dân ba nước Đông Dương, không quản khó khăn, tạm quên đi những thiếu thốn, vất vả, Hà Nội “thắt lưng buộc bụng”, chia ngọt, xẻ bùi, san đỡ miếng cơm, manh áo cùng nhân dân Thủ đô Lào và Campuchia.
Đến năm 1987, Hà Nội đã hoàn thành và bàn giao luận chứng kinh tế, thiết kế kỹ thuật của công trình thuỷ lợi Huội Sua, Huội Son (Na Xa Thoong) và vườn hoa Noọng Bon cho thành phố Viên Chăn, giúp nguyên liệu cho nhà máy gạch ngói Viên Chăn duy trì sản xuất; đồng thời, cung cấp trang thiết bị kỹ thuật, hướng dẫn vận hành nhiều công trình khác với tổng giá trị 21.523.000 kíp[23]. Tháng 7-1987, Hà Nội thu mua, tuyển chọn và vận chuyển đến Viên Chăn 50 tấn thóc giống, bàn giao thêm cả một số thiết bị phụ tùng sản xuất nông nghiệp như máy kéo nhỏ, máy tuốt lúa, máy xay sát[24]... Cũng trong năm 1987, Hà Nội ứng trước số vốn 118.000 USD để nhập các mặt hàng như tủ lạnh, máy thu hình, đường kính, khăn mặt..., giúp thương nghiệp Viên Chăn ổn định thị trường[25]. Những năm 1987-1989, Hà Nội trang bị cơ sở vật chất-kỹ thuật cho một số trường mẫu giáo Viên Chăn, nhận giúp đỡ đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật bổ sung cho các ngành và cơ sở sản xuất Viên Chăn, đón 120 công nhân kỹ thuật, 20 cán bộ chủ chốt của Viên Chăn sang học tập, nâng cao tay nghề và trình độ quản lý kinh tế, mở lớp ngắn ngày bổ túc cho 25 công nhân kỹ thuật đúc gang, sản xuất ngói, 9 bác sĩ, 35 cán bộ phụ trách đoàn, đội thanh thiếu niên[26]. Sở y tế Hà Nội cử nhiều đoàn cán bộ y tế mang thuốc sang giúp nhân dân Viên Chăn chống dịch sốt xuất huyết.
Với Phnômpênh, mặc dù đã đi qua  đổ nát, hoang tàn, chết chóc một quãng đường đủ dài để khép lại một trang bi thương đầy máu và nước mắt, từng ngày, từng giờ thay da, đổi thịt, song mảnh đất này vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn. Dù đang còn nghèo, nhiều nhu cầu tối thiểu như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu thiếu trầm trọng, nhưng với đạo lý “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, người Hà Nội vẫn gửi đến Phnômpênh những chuyến hàng viện trợ nặng ân tình, hy vọng chia bớt những khó khăn, sẻ san những nhọc nhằn, bù trừ phần nào mất mát. Hà Nội giúp Phnômpênh một trạm truyền thanh, một trạm y tế, một trường mẫu giáo, một trung tâm dạy nghề và giúp một số dụng cụ thể dục thể thao, dụng cụ y tế, tặng cho thư viện Thành phố hơn một nghìn cuốn sách[27]. Trong các năm 1988-1990, Hà Nội giúp nghiên cứu, xây dựng một vành đai xanh trồng các loại rau quả, trồng ngô ở ngoại thành, gửi các chuyên gia tốt nhất về y tế, văn hoá, giáo dục và các lĩnh vực khác sang giúp Phnômpênh[28]. Đảng bộ và Chính quyền thành phố Hà Nội giúp Thủ đô Phnômpênh đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đã có 25 cán bộ về quản lý sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp, hai bác sĩ đến Hà Nội học tập nâng cao trình độ[29]. Đội ngũ cán bộ này sau khi trở về đã góp phần đắc lực đáp ứng nhu cầu kiến thiết của Thủ đô Phnômpênh. Nhìn chung, hầu hết các công trình và hạng mục công trình Hà Nội giúp Phnômpênh là viện trợ không hoàn lại, thiết thực đối với một Thủ đô đang hồi sinh.
Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân Thủ đô các nước, đóng góp cho hòa bình thế giới. Tháng 12-1992, Liên hiệp các tổ chức hòa bình, đoàn kết, hữu nghị với nhân dân các nước của thành phố Hà Nội ra đời. Các ngành, các đoàn thể thành phố chủ động tổ chức một số hoạt động như giải đua xe đạp vì hòa bình (1995) và một số cuộc hội thảo chuyên đề. Các hoạt động hòa bình, hữu nghị như mít tinh, kỷ niệm, gặp mặt, giao lưu với bạn bè quốc tế đang công tác tại Hà Nội nhân dịp ngày quốc khánh, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày độc lập và các ngày lễ lớn khác cùng các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao.... được tổ chức thường xuyên. Các hoạt động ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh của Hà Nội diễn ra liên tục, nổi bật là phong trào lấy chữ ký chuyển thông điệp vì hòa bình đến với nhân dân toàn thế giới. Nhân ngày quốc tế vì hòa bình hàng năm (21-9), Hà Nội đều gửi thư, điện đến Hội đồng hòa bình thế giới bày tỏ ý nguyện hòa bình của nhân dân Thủ đô, kêu gọi các quốc gia và nhân dân thế giới chung sống hòa bình, phấn đấu vì hòa bình, chung tay vun góp cho hòa bình.
*                     *
*
Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới được bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế với mục tiêu nhanh chóng đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Là cánh tay nối dài của đối nội, lúc đó, đối ngoại có trọng trách hết sức nặng nề - phá thế bao vây, cấm vận, nâng cao vị thế đất nước, mở rộng quan hệ ngoại giao và phát triển thị trường. Với điểm tựa là sự phối hợp khá nhịp nhàng giữa đối ngoại và đối nội, công cuộc đổi mới đã có những bước tiến dài vững chắc. Bộ mặt đất nước thay đổi đáng kể, các lĩnh vực đời sống đều khởi sắc, Việt Nam tránh được vết xe đổ của những nước XHCN đi trước. Trong quá trình đó, như một bức tranh thu nhỏ của Việt Nam, Thủ đô Hà Nội đã huy động nội lực, tranh thủ ngoại lực thông qua các hoạt động đối ngoại phong phú, sôi nổi và hiệu quả.
Với tư cách thành phố - Thủ đô, Hà Nội có trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng có nhiều lợi thế để đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, thúc đẩy nhanh quá trình hợp tác trong nước, quốc tế. Hà Nội tranh thủ được sự hỗ trợ của các cơ quan Trung ương, sự hợp tác của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đối với hoạt động đối ngoại. Với tư cách là thành phố – vùng lãnh thổ, Hà Nội có tính độc lập tương đối trong quan hệ với các thủ đô, các thành phố trên thế giới, với các tổ chức quốc tế. Vừa có những nét chung của cả nước, vừa có đặc thù rất riêng, Hà Nội đã tận dụng mọi điều kiện, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là tiềm năng kinh tế trong tiến hành hoạt động đối ngoại.
Lãnh trách nhiệm “đứng mũi chịu sào”, trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, chảy trong mạch nguồn dân tộc, trải qua những sàng lọc khe khắt của trường kỳ đấu tranh và xây dựng, hội tụ tinh hoa bốn phương, hòa quyện nội lực với ngoại lực, Hà Nội đã đưa hoạt động đối ngoại vượt qua kỷ nguyên đối đầu lịch sử bước vào kỷ nguyên hợp tác bình đẳng, vì lợi ích của chính mình, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước, khu vực và thế giới.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Lịch sử Đảng bộ thành phố Hà Nội (1930 – 2000), Nhà xuất bản Hà Nội, Hà Nội, 2004, tr.608.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ X, Tài liệu lưu hành nội bộ, Lưu tại Phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, 1986,  tr.76.
[3] Công văn của Ban đối ngoại Trung ương, Thành ủy, đ/c Thông về quan hệ đối ngoại giữa Hà Nội với các nước, hồ sơ số 435, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr. 31.
[4] Báo cáo, Công văn của Thành ủy, các đoàn đại biểu Hà Nội về các chuyến đi thăm các nước và báo cáo tình hình năm 1986 – 1987, hồ sơ số 437, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.5.
[5] Báo cáo, Công văn, Điện của Thành ủy, UBND và các Ban, Ngành trực thuộc UBND về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hà Nội với Liên Xô, hồ sơ số 438, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.4.
[6] Xí nghiệp có tổng vốn đầu tư 35 vạn rúp, phía Hà Nội đóng góp 30% và một số nhân viên kỹ thuật, trang bị nội thất; phía Moscow đóng góp 70% và chịu trách nhiệm bố trí về nhà cửa, điện nước.... Restaurant Hà Nội chính thức hoạt động vào cuối năm 1989.
[7] Báo cáo, Công văn, Điện về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hà Nội với Sôphia (Bungari), hồ sơ số 463, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.2.
[8] Báo cáo, Công văn của Thành ủy, các đoàn đại biểu Hà Nội về các chuyến đi thăm các nước và báo cáo tình hình năm 1986 – 1987, hồ sơ số 437, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.5-6.
[9] Tháng 1-1987, Liên hiệp công ty xuất nhập khẩu Hà Nội (Unimex Hà Nội) và Nhà máy dệt Minh Khai đã ký hợp đồng về sản xuất khăn mặt với Liên đoàn khăn mặt Nhật Bản (URSA). Nhật Bản đã tặng Nhà máy dệt Minh Khai 14 máy dệt công suất 150 chiếc/ca máy (gấp hơn ba lần so với công suất cũ). Với sự giúp đỡ về kỹ thuật của Nhật, năm 1988, Hà Nội đã sản xuất được loại khăn khổ rộng, cao cấp và xuất 1,2 triệu tá khăn ăn sang thị trường Nhật Bản.
[10] Năm 1989, công ty điện tử Ánh Sao (SEL) của Hà Nội tiến hành nhập khẩu, lắp ráp và kinh doanh có hiệu quả các mặt hàng điện tử gia đình của công ty JVC (Nhật Bản).
[11] Chính phủ Nhật Bản cũng xúc tiến các khoản viện trợ cho dự án phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh (Hà Nội) mà trọng tâm là xây dựng trạm bơm Thanh Điền.
[12] Năm 1992, Hà Nội đã nhận dự án viện trợ cho bệnh viện Hai Bà Trưng trị giá 351 triệu yên (2,8 triệu USD), thời gian hoàn lại (2 – 1994). Năm 1993, Nhật Bản đã viện trợ ODA cho ba dự án cấp nước Gia Lâm, quy hoạch tổng thể thoát nước Hà Nội và Quy hoạch xây dựng khu công nghiệp tập trung, quy hoạch giao thông Hà Nội. Chính phủ Nhật Bản giúp Hà Nội xây dựng bệnh viện 1.000 giường bệnh tại Đông Anh bằng nguồn vốn ODA.
[13] Chương trình được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn I (6 – 1985 đến 6 – 1988) và giai đoạn II (7 – 1988 đến 12 – 1990). Tính đến hết giai đoạn II, đã có 11 nhà máy nước được cải tạo và xây mới với công nghệ và trang thiết bị hiện đại, đảm bảo công suất và chất lượng nước thoát ra theo tiêu chuẩn quốc tế về nước uống. Hà Nội đã có những nỗ lực rất cao trong việc thực hiện chương trình này và tiếp tục nhận được khoản viện trợ 30 triệu MF cho giai đoạn III của chương trình.
[14] Báo cáo Ủy ban khoa học Hà Nội về việc thực hiện các dự án viện trợ, hồ sơ số 478, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.4.
[15] Báo cáo Ủy ban khoa học Hà Nội về việc thực hiện các dự án viện trợ, Tlđ d, tr.6
[16] Báo cáo Ủy ban khoa học Hà Nội về việc thực hiện các dự án viện trợ, Tlđ d, tr.7.
[17] Báo cáo Ủy ban khoa học Hà Nội về việc thực hiện các dự án viện trợ, Tlđ d, tr.9.
[18] Tài liệu về hợp tác kinh tế thương mại giữa Thành phố Hà Nội với Thành phố Bắc Kinh, hồ sơ số 212, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.2-4.
[19] Hà Nội tiến hành trao đổi hàng hóa với nhiều công ty lớn của các địa phương này như Tổng công ty vật tư tỉnh Quảng Đông, Tổng công ty dịch vụ dầu khí Nam Hải, Công ty Đại Phát, Công ty xây dựng cơ sở xuất nhập khẩu Tứ Xuyên...
[20] Công ty Cimmco – đại diện của Birla là một công ty trực tiếp tiến hành các hoạt động hợp tác tại Hà Nội như nâng cấp công trình xe sợi đay, hợp tác trồng lạc và đậu tương, nâng cao chất lượng và sản lượng sơn, lắp ráp và sản xuất một số linh kiện cơ khí điện tử, liên doanh xây dựng khách sạn du lịch, triển khai đề án “Làng trẻ em” do tập đoàn này viện trợ
[21] Công ty này đã ký với Hà Nội hàng loạt các dự án về xây dựng khách sạn mới ở Hà Tây, xây dựng nhà cho người ngoại quốc thuê, liên doanh xây dựng cửa hàng Intershoop và hợp tác về du lịch,…phần lớn các dự án này đều do họ bỏ vốn đầu tư.
[22] Báo cáo, Công văn của Thành ủy, các đoàn đại biểu Hà Nội về các chuyến đi thăm các nước và báo cáo tình hình năm 1986 – 1987, Tlđd, tr.5.
[23] Hồ sơ về đoàn đại biểu Thủ đô Viên Chăn thăm Hà Nội từ 15 đến 25/7/1987, hồ sơ số 456, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.14.
[24] Tài liệu quan hệ hợp tác giữa Hà Nội – Viên Chăn, hồ sơ số 217, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.5.
[25] Tài liệu quan hệ hợp tác giữa Hà Nội – Viên Chăn, Tlđd, tr.6.
[26] Hồ sơ về đoàn đại biểu Thủ đô Viên Chăn thăm Hà Nội từ 15 đến 25/7/1987, Tlđd, tr.25.
[27] Báo cáo, Công văn của Ban Đối ngoại Trung ương, Hội hữu nghị Việt Nam – Campuchia về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Hà Nội – Phnômpênh, hồ sơ số 458, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.7.
[28] Báo cáo, công văn của Thành ủy, các đoàn đại biểu Hà Nội về các chuyến đi thăm Phnômpênh, hồ sơ số 459, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.12.
[29] Báo cáo, công văn của Thành ủy, các đoàn đại biểu Hà Nội về các chuyến đi thăm Phnômpênh, hồ sơ số 459, Lưu tại phòng lưu trữ Thành ủy Hà Nội, tr.4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!