Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM TRÊN CHIẾN TRƯỜNG HẠ LÀO (1970-1971)

                           Nguyễn Thị Mai Hoa
Từ năm 1969, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự, đưa chiến tranh đặc biệt ở Lào lên một bước mới với sự tham gia của lực lượng không quân Mỹ, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh ở Việt Nam, hy vọng cản trở sự phối hợp chiến đấu giữa các nước Đông Dương. Sau thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của quân và dân ba nước Đông Dương mùa khô 1969-1970, tình hình chiến trường tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Trong điều kiện đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam hạ quyết tâm chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng đối phó, đánh bại mọi kế hoạch quân sự của Mỹ và đồng minh.

1- Mở rộng vùng giải phóng, bảo vệ hành lang tuyến vận tải chiến lược
Sau khi bước chân vào Nhà Trắng, Ních-xơn đề ra chiến lược toàn cầu mới gọi là ''học thuyết Ních-xơn". Ứng dụng vào Đông Dương, Mỹ tiến hành chiến lược ''Việt Nam hóa chiến tranh'' ở Việt Nam, tăng cường viện trợ quân sự cho các lực lượng thân Mỹ ở Lào, tích cực phát triển quân đội Lào, nhất là lực lượng đặc biệt của Vàng Pao, đẩy mạnh các hoạt động quân sự, thực hiện chiến lược “chiến tranh đặc biệt tăng cường”.
Trong thế trận Đông Dương, chiến trường Lào luôn có một vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Khi Mỹ thực hiện “chiến tranh bóp nghẹt”, mở rộng chiến tranh ra toàn bán đảo Đông Dương, đánh phá tuyến vận tải chiến lược, nhằm ngăn chặn tận gốc con đường chi viện của miền Bắc Việt Nam cho chiến trường miền Nam, thì vị trí chiến trường Lào, trong đó có vùng Trung – Hạ Lào, càng trở lên đặc biệt có ý nghĩa. Nhằm bảo vệ vững chắc địa bàn này, mùa khô 1968-1969, các Đoàn 565, 968 Quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp với lực lượng vũ trang Lào mở chiến dịch tiến công, giải phóng thị trấn Tha Teng, thị xã Salavan, mở rộng vùng giải phóng Nam Lào liên hoàn từ đông Đường số 9 xuống tỉnh Áttapư, tạo điều kiện uy hiếp đối phương trên các thị xã Pắk Xoòng, Salavan, Áttapư, góp phần bảo vệ, giữ vững hành lang tuyến vận tải chiến lược qua địa bàn Trung - Hạ Lào[1].
Đầu năm 1970, tại Hội nghị lần thứ 18 (khóa III), Trung ương Đảng Lao động Việt Nam phân tích: “Việt Nam hóa chiến tranh” là cố gắng lớn của Mỹ nhằm cứu vãn thất bại, song đó là một kế hoạch đầy mâu thuẫn và bấp bênh[2]. Trong kế hoạch ấy, Mỹ mở rộng chiến sự trên đất Lào, lấn chiếm vùng giải phóng Lào, uy hiếp đường hành lang và miền Bắc Việt Nam[3]; do vậy, Đảng Lao động Việt Nam xác định giai đoạn trước mắt là “giai đoạn đấu tranh hết sức gay go quyết liệt và phức tạp”, cần đánh bại địch từng bước, giành thắng lợi từng bước, đi tới giành thắng lợi quyết định”[4]. Đối với cách mạng Lào, Hội nghị nhấn mạnh cần tích cực giúp đỡ quân đội và nhân dân Lào đánh bại mọi âm mưu lấn chiếm vùng giải phóng, mở rộng chiến tranh của Mỹ[5].
Quán triệt chủ trương của Hội nghị lần thứ 18, tháng 3-1970, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo Mặt trận Tây Nguyên điều chuyển thêm lực lượng cho chiến trường Hạ Lào. Bộ Tổng Tham mưu điều một trung đoàn thiếu của Mặt trận Tây Nguyên, được tăng cường 2 đại đội đặc công, 1 đại đội 12,7 ly, 1 đại đội cối 120 ly, 1 đại đội ĐKB cùng với một số tiểu đoàn Quân tình nguyện và các tiểu đoàn, đại đội địa phương của lực lượng vũ trang Lào hoạt động ở Hạ Lào trong hai tháng, nhằm mở rộng vùng giải phóng Nam Lào cũng như phối hợp với các mặt trận khác[6].
Phối hợp chặt chẽ với mặt trận Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng, tháng 3 - 1970, Bộ Tổng tham mưu Việt Nam và Lào quyết định thành lập Mặt trận X[7] phục vụ kế hoạch giải phóng thị xã Áttapư tiến tới giải phóng Thị xã Salavan, mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào. Thuộc Mặt trận X có hai tiểu đoàn bộ binh (2 và 3), đại đội S4 đặc công của Đoàn 968, trung đoàn 24 Mặt trận Tây Nguyên và lực lượng vũ trang Lào ở Hạ Lào[8]. Cuộc tấn công giải phóng thị xã Áttapư bắt đầu 3 giờ sáng ngày  29-4-1970 và kết thúc vào 22h cùng ngày, liên quân Việt – Lào hoàn toàn làm chủ thị xã.
Tuy bị tổn thất nặng nề, song Mỹ và Quân đội Hoàng gia Lào vẫn nỗ lực bám giữ địa bàn chiến lược, liên tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng giải phóng, huy động không quân đánh phá tuyến hành lang vận tải chiến lược 559. Trước thực tế đó, tháng 4-1970, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam họp và nhận định: Cuộc chiến tranh đặc biệt ở Lào sẽ được Mỹ tiếp tục đẩy lên một bước mới, đánh phá vùng giải phóng, bình định vùng kiểm soát, cố tạo cho Quân đội Hoàng gia Lào một thế mạnh khi có thương lượng[9]. Bộ Tổng tham mưu dự báo về khả năng Mỹ mở một số cuộc hành quân với quy mô tương đối lớn, nhằm giành lại Cánh Đồng Chum – Xiêng Khoảng và phá hành lang vận chuyển, tiếp tế của miền Bắc ở Trung – Hạ Lào[10]. Bộ Tổng Tham mưu đề xuất: “Giữ vững, củng cố và mở rộng vùng giải phóng có trọng điểm (…) ra sức xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng Lào ngày càng lớn mạnh, vững chắc hơn nữa”[11]; đồng thời, đặc biệt lưu ý phải giữ vững vùng giải phóng Cánh Đồng Chum và Trung – Hạ Lào, đẩy mạnh hoạt động quân sự, trước hết tập trung vào các trọng điểm Viên Chăn, Savannakhét, Pắc Sế.
Tháng 5-1970, Thường trực Quân ủy Trung ương Việt Nam thông qua Nghị quyết về phương hướng giúp cách mạng Lào năm 1970-1971, giao cho Bộ Tư lệnh Tây Nguyên phụ trách Hạ Lào, đặt nhiệm vụ mở rộng vùng giải phóng Hạ Lào, giải phóng Salavan tiến tới làm chủ hoàn toàn cao nguyên Bôlôven[12]. Xác định chiến trường Trung - Hạ Lào là chiến trường trọng điểm, Bộ Tổng tham mưu chỉ thị cho Đoàn 565 và Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện 968 phải nhanh chóng giải phóng Thị xã Saravan, Noọng Bùa và Bản Khoọc. Để hỗ trợ, một căn cứ hậu phương chiến lược chung cho mặt trận phía nam Đông Dương bao gồm Tây Nguyên, Hạ Lào, hai tỉnh Đông Bắc Campuchia, phục vụ cho Tây Nguyên, Nam Bộ, Campuchia và Hạ Lào nhanh chóng được xây dựng[13]. Về tổ chức chiến trường, Bộ Tổng Tham mưu đề nghị kiện toàn Ban lãnh đạo Mặt trận Tây Nguyên để đảm nhận được cả chiến trường Hạ Lào và ba tỉnh Đông Bắc Campuchia; đồng thời, nghiên cứu tách Tây Nguyên khỏi Khu 5 về trực thuộc Quân ủy Trung ương[14].
Triển khai các quyết định, chỉ thị nêu trên, ngày 19-5-1970, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 thành lập Mặt trận Z[15], sử dụng các tiểu đoàn 1; 4; 6; đại đội đặc công (S4) và một số đơn vị pháo cùng tiểu đoàn 12 lực lượng vũ trang cách mạng Lào tham gia chiến dịch. Cuối tháng 5-1970, sau khi bàn bạc, thảo luận và cân nhắc, phương châm tác chiến ở khu vực Saravan được xác định như sau: “Bảo đảm diệt địch, bảo vệ kho tàng và vận chuyển thông suốt, giành và giữ dân; kết hợp tác chiến tiêu diệt, tiêu hao rộng rãi của các lực lượng địa phương với tác chiến tập trung của bộ đội chủ lực ở những khu vực quyết định; vừa tác chiến, vừa xây dựng lực lượng, căn cứ; tác chiến trong mùa mưa đồng thời chuẩn bị cho hoạt động mùa khô”[16]. Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững quyết tâm diệt địch, tổ chức tốt hệ thống thông tin liên lạc để nắm chắc bộ đội, xử trí kịp thời trong mọi tình huống[17].
Ngày 6-9-1970, liên quân Việt- Lào tổ chức tấn công, giải phóng toàn bộ thị xã Saravan, tiêu diệt trên 300 địch, thu nhiều súng đạn, quân lương[18]. Chiến thắng Saravan có ý nghĩa to lớn, nhất là về chiến thuật và một phần về chiến dịch. Thắng lợi ấy “đã góp phần vào thắng lợi chung toàn cục trên chiến trường ba nước Đông Dương, đẩy Mỹ và tay sai vào thế bị động và lúng túng''[19]. Đây là một thắng lợi cả về chính trị và quân sự, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn thuộc vùng chiến thuật 4 của Lào.
Sau chiến thắng Saravan, Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang Lào tiếp tục tiêu diệt đối phương ở cứ điểm Bản Khoọc, Noọng Bùa, đập tan các đợt phản kích, các cuộc hành quân càn quét lấn chiếm. Mỹ và Quân đội Hoàng gia Lào phải tháo chạy, không hoàn thành ý đồ đánh phá, lấn chiếm địa bàn tạo thế cho hoạt động mùa khô năm 1971.
2- Giữ vững, mở rộng những địa bàn then chốt, phối hợp với các hướng chiến trường, đảm bảo tuyến vận tải chiến lược
Cuối năm 1970, đầu năm 1971, do phản ứng dữ dội của dư luận trong nước và của chính Quốc hội Mỹ[20], trước khi rút quân Mỹ ra khỏi các cuộc hành quân ngoài biên giới miền Nam Việt Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn quyết định mở ba cuộc hành quân lớn[21] ở bên kia biên giới Việt-Lào. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đầu năm 1971 là toan tính, kỳ vọng lớn của cả  Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhằm đe doạ miền Bắc Việt Nam, uy hiếp cách mạng Lào, bịt  ''con đường sống'' của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.
Để sẵn sàng ứng phó với tình hình, tháng 8-1970, Bộ Tổng Tham Quân đội nhân dân Việt Nam chấn chỉnh tổ chức lực lượng. Ở Hạ Lào, “tổ chức ban chỉ huy và ban cán sự thống nhất chỉ huy, chỉ đạo số chuyên gia giúp bạn và lực lượng tình nguyện khoảng từ 2 – 3 tiểu đoàn”[22]. Tháng 9-1970, Cục Tác chiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu về phương hướng tác chiến bảo vệ hành lang chiến lược ở Nam Lào, dự đoán ba tình huống Mỹ đánh Trung – Hạ Lào. Về thời gian, dự đoán Mỹ có thể đánh từ tháng 10-1970 và đánh lớn từ tháng 11-1970 trở đi. Trên cơ sở các nhận định, Bộ Tổng tham mưu nêu quyết tâm: 1- Tập trung lực lượng đầy đủ và hợp lý, đánh bại cuộc hành quân của đối phương ra Trung – Hạ Lào trong mọi tình huống, tiêu diệt một bộ phận quan trọng Quân đội Sài Gòn; 2- Vừa đánh địch vừa khắc phục khó khăn bảo đảm giao thông vận chuyển, bảo vệ kho tàng trên tuyến hành lang Trung – Hạ Lào, giúp Lào mở rộng căn cứ Trung – Hạ Lào; 3- Phối hợp với chiến trường Trị - Thiên, Khu 5, Tây Nguyên tiêu diệt sinh lực đối phương[23].
Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu, ngày 20-1-1970, Đoàn 968 đã cùng với lực lượng vũ trang Lào mở đợt tiến công vào dãy điểm cao phía đông Bôlôven, các điểm cao PS38, LS165, Phu Lẳng Kẹo. Sau 4 ngày tiến công, Quân tình nguyện và Quân giải phóng nhân dân Lào đã làm chủ 3 căn cứ phía đông Bôlôven. Bên cạnh đó, Ngay từ khi cuộc hành quân Lam Sơn 719 đang rục rịch khởi động,  Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Chỉ huy Quân giải phóng nhân dân Lào đã chỉ đạo một số đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và các đơn vị vũ trang Quân khu Nam Lào thành lập Mặt trận Y (Mặt trận Saravan)[24]. Cùng lúc, công tác điều nghiên chiến trường, tổ chức các lực lượng chiến đấu, sơ tán dân, kho tàng cũng được tiến hành khẩn trương, nhằm chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng cho cuộc đọ sức quyết liệt.
Phối hợp với chiến dịch phản công Đường 9- Nam Lào[25], ngày 7-3-1971, Quân tình nguyện Việt Nam (tiểu đoàn 3) tiến công căn cứ Nậm Tiếng và bao vây In Thi, đông nam Pắc Xoong (tiểu đoàn 2). Sau thắng lợi này, Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với bộ đội Lào tiến công Nha Hớn, cao nguyên Bôlôven… Đến đầu tháng 5-1971, Bộ Tổng tham mưu lệnh cho Bộ Tư lệnh Mặt trận Y tổ chức tiến công giải phóng Pắk Xoòng và một số vị trí quan trọng ở Bôlôven. Trong 5 ngày đêm chiến đấu quyết liệt, Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang cách mạng Lào đã làm chủ Bôlôven[26].
Nhận thức Mỹ và Quân đội Hoàng gia Lào sẽ tiếp tục lấn chiếm Cánh Đồng Chum và Hạ Lào, tập trung đánh phá vùng Trung - Hạ Lào, nhằm cắt sự chi viện cho chiến trường Lào và miền Nam Việt Nam, tháng 5-1971, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương: 1- Giữ vững thế chủ động tấn công giải phóng Sảm Thông - Loong Chẹng, nhằm hoàn chỉnh khu giải phóng Cánh Đồng Chum; 2- Đánh bại cuộc hành quân quy mô của đối phương ra vùng ba biên giới Hạ Lào, giải phóng bộ phận hoặc toàn bộ Hạ Lào, giữ vững hành lang chiến lược; 3- Đẩy mạnh công tác xây dựng căn cứ địa, xây dựng căn cứ Bôlôven, phát triển tự túc lương thực, giải quyết nhân lực, phương tiện phù hợp với yêu cầu, khả năng để tiến mạnh từng bước vững chắc[27]. Đúng như lường định của Bộ Tổng Tham mưu, sau khi mất các vị trí chiến lược trên Cao nguyên Bôlôven ( Tha Teng, Lào Ngam, Pắc Xoòng), ngày 25-5-1971, dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của không quân Mỹ, Quân đội Viêng Chăn và một số tiểu đoàn đặc biệt Thái Lan tổ chức đánh chiếm các vị trí trên. Quân tình nguyện Việt Nam phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Lào tích cực chặn đánh. Cuộc chiến giằng co và diễn ra hết sức ác liệt.
Tháng 10-1971, phân tích diễn biến tình hình, Bộ Tổng Tham mưu chủ trương: “Đối với chiến trường Lào, tập trung chỉ đạo tác chiến mùa mưa, trọng điểm là Cánh Đồng Chum và Bôlôven, giữ tình hình Cánh Đồng Chum không xấu đi, đánh địch thiệt hại nặng ở Bôlôven”[28]. Thực hiện chủ trương nêu trên, cuối tháng 11-1971, Bộ Tổng tham mưu và Bộ Tư lệnh 559 điều động Trung đoàn 141 (sư đoàn 2, Quân khu 5) tăng cường cho Hạ Lào phối hợp tác chiến với Mặt trận Y; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các lực lượng quân tình nguyện thuộc Mặt trận Y phối hợp với chuyên gia quân sự, quân dân Hạ Lào thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và giữ vững hành lang vận tải chiến lược, vừa tác chiến vừa xây dựng bảo vệ vùng giải phóng, đẩy mạnh hoạt động vùng địch hậu, chặn không cho đối phương lấn chiếm Huội Coòng, Áttapư. Chỉ đạo Bộ Tư lệnh 559 đối phó với hoạt động của đối phương ở Hạ Lào, Bộ Tổng Tham mưu nhấn mạnh nhiệm vụ tổ chức bộ phận chốt, kết hợp lùng sục với xây dựng cơ sở, nhằm vô hiệu hóa hoạt động của địch ở Salavan[29]. Tháng 12-1971, liên quân Việt - Lào phối hợp tiến công chiếm lại Salavan, Tha Teng, Pắc Xoòng, dồn đối phương về phía tây Pắc Xoòng, đánh bại kế hoạch lấn chiếm của liên quân Mỹ và đồng minh.
3- Kinh nghiệm tiến hành chiến dịch của Quân tình nguyện Việt Nam trên chiến trường Hạ Lào
Hai năm 1970-1971- khoảng thời gian tuy không dài, song đó là quãng thời gian khá quan trọng, tạo đà chuẩn bị thế và lực mới cho cuộc Tiến công chiến lược năm 1972 giành thắng lợi quyết định. Trong hai năm (1970-1971),cách mạng Lào phát triển theo tình hình cách mạng miền Nam trong thế Đông Dương là một chiến trường. Với vị trí sát ngã ba biên giới, Hạ Lào trở thành vùng chiến lược mà cả hai bên đối chiến đều quyết tâm giành và giữ lấy. Lúc này, tiêu diệt sinh lực địch, củng cố, mở rộng và hoàn chỉnh vùng giải phóng, phân định rõ giới tuyến; đồng thời, tăng cường lực lượng, tích cực và liên tục tiến công, nỗ lực mở rộng căn cứ địa, tạo thế chính trị có lợi cho cách mạng Lào là nhiệm vụ hàng đầu, cấp thiết, song hết sức nặng nề, nhất là trong điều kiện cuộc chiến tranh ở Lào là một cuộc chiến tranh đặc biệt của Mỹ, diễn ra dưới hình thức một cuộc nội chiến.
Với quân số và trang bị vũ khí dồi dào, Mỹ tăng cường lực lượng bộ binh, pháo binh, cơ giới…, cố giữ những mục tiêu đã chiếm đóng, mở những cuộc phản công quyết liệt lấn chiếm vùng giải phóng, quyết tâm giành giật các địa bàn chiến lược; đồng thời, dùng không quân và bộ binh nống ra đánh phá cắt đường giao thông tiếp tế, gây phỉ, tung biệt kích quấy phá hậu phương cách mạng Lào. Bên cạnh các biện pháp quân sự, Mỹ đẩy mạnh chiến tranh tâm lý, gián điệp, tuyên truyền gây ảo tưởng hòa bình, mua chuộc chính quyền cơ sở của Lào, ra sức dồn dân, vét dân vùng giải phóng; tìm mọi cách củng cố lực lượng phái hữu và Vàng Pao, dùng quân Thái Lan bổ sung cho lực lượng này. Về đặc điểm tác chiến phòng thủ và phản kích giành giật, Mỹ và Quân đội Hoàng gia Lào thực hiện phòng ngự - trụ bám - khống chế những địa hình quan trọng, có giá trị quân sự (Nậm Lực, Nha Hớn, Huội Keng, Pắc Soòng…), xây dựng thành những căn cứ bàn đạp, thực hiện phòng thủ cao nguyên Bôlôven. Mỹ sử dụng lực lượng chính quy làm nhiệm vụ phòng thủ, lực lượng đặc biệt tham gia các hoạt động giành giật, lấn chiếm; trong tác chiến thực hiện cơ động để bảo tồn lực lượng, tránh bị tiêu hao nặng, tránh đụng độ với Quân tình nguyện Việt Nam và Quân giải phóng nhân dân Lào. Về biện pháp đối phó, Mỹ tổ chức phòng ngự có trọng điểm, sử dụng kết hợp nhiều loại lực lượng, lấy lực lượng đặc biệt làm nòng cốt. Lúc thường, tăng cường hoạt động biệt kích, phân đội nhỏ lùng sục phát hiện kết hợp với hỏa lực không quân, đánh tiêu hao ngăn chặn từ xa, khi phát hiện bị uy hiếp, mở hành quân lùng sục và có thể tăng thêm một bộ phận lực lượng dự phòng. Khi bị tấn công, lấy đối phó là chính, ít chi viện cho nhau; khi có nguy cơ bị diệt thì rút lui từng chặng về phía sau, dựa vào căn cứ hoặc bàn đạp có sẵn tiếp tục rút dần từng bước hoặc phản kích trở lại, phản kích liên tục, giành giật quyết liệt, quy mô nhỏ đến lớn. Tóm lại, Mỹ thực hiện phòng thủ có chiều sâu, nhiều tuyến, nhiều cụm, sử dụng kết hợp nhiều loại lực lượng, ra sức bám giữ; rất chú trọng tính phân tán, cơ động khi phòng ngự, cố giữ nhưng không giữ được thì rút, cốt sao giữ được lực lượng; đồng thời, tăng cường hoạt động tuần tiễu, biệt kích, phân đội nhỏ, phát hiện sớm đối phương.
Cân nhắc mọi khó khăn, thuận lợi, phân tích chiến lược, chiến thuật của Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu nhận định: “Mỹ có thể gây cho ta nhiều khó khăn nhưng đây cũng là thời cơ có lợi cho ta tiêu diệt sinh lực địch, phát triển thế tiến công chiến lược, đẩy mạnh hoạt động phía sau lưng địch”[30]. Trên chiến trường Hạ Lào, những tháng đầu năm 1970,  Bộ Tư lệnh mặt trận chủ trương tập trung lực lượng, dùng lực lượng tinh, tranh thủ yếu tố bí mật, bất ngờ, tiêu diệt một bộ phận sinh lực quan trọng của địch, giải phóng một số khu vực quan trọng, tạo thế chia cắt, buộc đối phương phải đối phó nhiều mặt, tạo thế thuận lợi cho chiến dịch phát triển. Phối hợp với Quân giải phóng nhân dân Lào, Quân tình nguyện Việt Nam tiến hành vây ép, đột phá khu phòng ngự then chốt và kết hợp tập kích, bao vây đón lõng tiêu diệt từng cụm, kết hợp tập kích hậu phương quan trọng của đối phương, giải phóng một khu vực rộng lớn.
Từ tháng 5-1970 cho đến hết năm 1970, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục tiêu diệt một bộ phận quan trọng lực lượng đặc biệt của đối phương, triển khai kế hoạch củng cố và phòng thủ khu vực chiến lược, đẩy mạnh phối hợp hoạt động với các hướng khác và vùng sau lưng địch. Ngoài tiến hành các hoạt động quân sự, Quân tình nguyện đảm nhận công tác vận chuyển hậu cần, bảo đảm chiến đấu trước mắt và dự trữ chiến đấu, tranh thủ thời gian củng cố, huấn luyện bộ đội; đồng thời, giúp cách mạng Lào củng cố vùng giải phóng, ổn định sinh hoạt cho nhân dân, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, xây dựng lực lượng vũ trang.
Trong năm 1971, đối phó với những phiêu lưu quân sự mới của Mỹ, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam chủ trương đánh máy bay, phòng không, bảo vệ người và kho tàng; tổ chức các khu vực chiến đấu có công sự vững chắc, hỏa lực mạnh, binh lực thích hợp và chốt trọng yếu trên trục giao thông, kết hợp chốt với phản kích nhỏ, vận động tập kích; đánh địch đổ bộ đường không; tiến công các cụm dã chiến địch trên điểm cao bằng tập kích, vây ép; đánh căn cứ hành quân, căn cứ pháo binh. Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh: “Trường hợp địch chiếm đóng lâu dài thì chú trọng đánh phá giao thông, triệt đường tiếp tế; riêng với yêu cầu bảo vệ kho, phương hướng tác chiến là đánh nhỏ nhưng thật mạnh và kiên quyết ở khu vực có kho tàng. Muốn đánh lớn phải kéo địch ra xa. Tác chiến bảo vệ kho phải đi đôi với phân tán, cất giấu, ngụy trang hàng hóa”[31]. Thực hiện quyết tâm trên, phương châm tác chiến được xác định là tích cực chủ động tiến công, thực hiện kế hoạch tác chiến đã đề ra, đập tan kế hoạch quân sự của đối phương càng sớm càng tốt, chuẩn bị sẵn về mọi mặt, có lực lượng bố trí trước ở một số khu vực, một số điểm quan trọng để tiêu diệt và đánh bật đối phương. Trong chiến đấu, Quân tình nguyện Việt Nam quán triệt phương châm: Nắm vững lực lượng dự bị phía sau và nhanh chóng cơ động đến những nơi quan trọng; kết hợp chặt chẽ nhiều cách đánh (đánh vào căn cứ tiếp tế, bàn đạp, phá hủy phương tiện binh khí kỹ thuật, đánh giao thông, máy bay, triệt tiếp tế, cơ động…), kết hợp với nhiều hình thức chiến thuật, kết hợp các lực lượng, thực hiện hiệp đồng binh chủng tiêu diệt từng chiến đoàn địch; đánh liên tục, đánh dài ngày, tận dụng được hỏa lực binh khí kỹ thuật có trong biên chế và được tăng cường[32]. Bộ Tư lệnh mặt trận lưu ý ba vấn đề quan trọng: 1- Các cấp chỉ huy phải chuẩn bị chiến trường, chuẩn bị bộ đội khẩn trương, chu đáo, có kế hoạch huấn luyện bổ sung cách đánh cho bộ đội và cán bộ phù hợp với tình hình, nhiệm vụ; 2- Đảm bảo hậu cần là một trong những yếu tố quyết định, vì vậy phải chỉ đạo chặt chẽ khâu vận chuyển, điều động lực lượng vào chiến trường cho sát, đồng thời thực hiện sản xuất và khai thác lương thực trong vùng địch; 3- Chuẩn bị sẵn sàng và đầy đủ lực lượng bổ sung[33].
Như vậy, trong hai năm 1970-1971, chiến đấu trên chiến trường Hạ Lào, Quân tình nguyện Việt Nam đã lấy nguyên tắc “lấy ít thắng nhiều” và “đánh tiêu diệt” làm tư tưởng chỉ đạo, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, hoàn thành các kế hoạch chiến dịch, hoàn thành nhiệm vụ mà chiến lược quân sự đặt ra. Từ thực tiễn chiến đấu, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm chủ yếu sau: Thứ nhất, đánh giá, hiểu biết đối phương, nhận thức điểm mạnh, điểm yếu, quy luật hoạt động và thủ đoạn mới của địch; từ đó, xác định phương châm, phương hướng, cách đánh chiến dịch thích hợp; thứ hai, quán triệt tư tưởng tiến công, tiến công liên tục, đánh tiêu diệt là chính; thứ ba, nâng cao hiệu suất chiến đấu của bộ đội, đồng thời, chú ý huấn luyện kỹ thuật và tổ chức trang bị hợp lý; thứ tư, coi trọng công tác hậu cần, nắm chắc công tác tổ chức và bảo đảm hậu cần, bảo đảm cho bộ đội có đủ lương thực, thực phẩm, đạn dược trong mọi tình huống; thứ năm, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang Lào, phát huy sức mạnh tổng hợp các lực lượng tham gia chiến dịch.





[1]Bộ Quốc Phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 274
[2] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, T.31, Hà Nội, 2004, tr.45.
[3] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T.31, tr.49.
[4] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T.31, tr.54.
[5] Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, T.31, tr.84.
[6] Điện lưu tại Cục Cơ yếu, Bộ Tổng tham mưu.
[7] Mật danh của chiến dịch giải phóng thị xã Átapư. Phó tư lệnh Quân khu 4 Đại tá Hoàng Kiện  làm Tư lệnh kiêm Chính ủy mặt trận. Trần Quyết Thắng - Phó chính ủy,  Nguyễn Quốc Thước (Trung đoàn 24, Mặt trận B3) - Phó tư lệnh.
[8]Bộ Quốc Phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử các đoàn 335, 766, 866 quân tình nguyện và 463, 565 chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (1954-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, tr.249.
[9]Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Quân ủy Trung ương, Hồ sơ 694.
[10] Tlđd, Hồ sơ 694.
[11] Tlđd, Hồ sơ 694.
[12] Tlđd, Hồ sơ 4164.
[13]Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng,  Phông Cục Tác chiến, Hồ sơ 3847.
[14] Tlđd,  Hồ sơ 3847.
[15] Mật danh của chiến dịch giải phóng Thị xã Saravan. Hoàng Biền Sơn - Đoàn trưởng  Đoàn 968 làm Tư lệnh. Đinh Dư - Phó chính ủy, Hoàng Đại Hải - Tham mưu trưởng.
[16] Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Cục Tác chiến, Hồ sơ 1328.
[17] Tlđd,  Hồ sơ 3930.
[18] Tlđd, Hồ sơ 3930.
[19] Lịch sử Sư đoàn bộ binh 968 (1968-2003), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 97.
[20]Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật bổ sung Cupơ Sớtsơ, hạn chế hoạt động của quân viễn chinh Mỹ tại chiến trường Đông Dương, cấm đưa lục quân Mỹ hoạt động ngoài biên giới miền Nam Việt Nam.
[21]Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đánh ra khu vực Đường số 9-Nam Lào; cuộc hành quân Toàn thắng 01/71 NB với quy mô trên 30 tiểu đoàn từ Tây Ninh và Lộc Ninh đánh lên vùng Kôngpôngchàm và Krachiê (Đông bắc Campuchia); cuộc hành quân hành quân Quang Trung 4 quy mô khoảng 1 sư đoàn đánh ra vùng ngã ba biên giới thuộc Atôpơ, Nam Lào (vùng Tà Xẻng, Pa Kha Sê Sụ).
[22] Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Cục Tác chiến, Hồ sơ 3758.
[23] Tlđd, Hồ sơ 3902
[24] Mặ trận do Hoàng Kiện - Phó Tư lệnh Đoàn 559 trực tiếp chỉ huy. Tham gia Mặt trận Y, về phía Lào có các Bí thư Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng các tỉnh Nam Lào
[25] Bắt đầu ngày 30-1 và kết thúc ngày 23-3-1971.
[26] Đã tiêu diệt 1.274 địch, bắt 214 tên, gọi hàng 621 tên, thu gần 1.000 súng các loại, bắn rơi và phá hủy 7 máy bay.
[27] Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng,  Phông Cục Tác chiến, Hồ sơ 4384.
[28] Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Bộ Tổng tham mưu, Hồ sơ 1411.
[29] Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Cục Tác chiến, Hồ sơ số 5280.
[30] Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng,  Phông Cục Tác chiến, Hồ sơ 1328.
[31] Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Bộ Tổng tham mưu, Hồ sơ 1328.
[32] Tài liệu  lưu trữ Bộ Quốc phòng,  Phông Cục Tác chiến, Hồ sơ 3902.
[33] Tlđd, Hồ sơ 3902.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!