Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

TRUNG QUỐC ỦNG HỘ, GIÚP ĐỠ VIỆT NAM KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP

Nguyễn Thị Mai Hoa
Bất chấp mọi nỗ lực vãn hồi hòa bình của Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nước Pháp quyết không từ bỏ ý đồ tái chiếm Việt Nam và Đông Dương. Tháng 12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp bắt đầu. Trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, Việt Nam đã nỗ lực "làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết"[1]; đồng thời, thực hiện đoàn kết quốc tế, tranh thủ mọi sự ủng hộ, giúp đỡ, nhất là của Trung Quốc – nước láng giềng kề cận.

1- Những giúp đỡ ban đầu (1946-1949)
Sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, vùng biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trở thành căn cứ địa – an toàn khu của Việt Nam (và của cả cách mạng Trung Quốc). Các tổ chức cơ sở đảng, lực lượng vũ trang của Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp khó khăn trước sự tấn công của Quốc Dân Đảng đã di chuyển về đây và lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Trung Quốc tại vùng ven biên giới[2]. Trong thời gian hoạt động tại khu vực này, tổ chức đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc mở các lớp huấn luyện, bồi dưỡng cán bộ cách mạng và quần chúng Việt Nam. Theo nhà nghiên cứu Ang Cheng Guan, “năm 1946, một trung đoàn quân cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã vào Việt Nam để tránh các cuộc tấn công Quốc Dân Đảng và ở lại đó đến hết tháng 8-1949. Theo yêu cầu của ông Hồ, trung đoàn này giúp đào tạo quân đội Việt Minh, đặc biệt đào tạo cán bộ Việt Minh và thiết lập một hệ thống tình báo”[3]. Tiếp nối thông tin của Ang Cheng Guan, Qiang Zhai khẳng định: Nhờ được trung đoàn nói trên đào tạo, “đến tháng 7-1947, 830 cán bộ Việt Minh đã được học tập, bồi dưỡng”[4]. Qiang Zhai còn cho biết: “Trong thời gian này, một lực lượng quân sự trên 1.000 người Trung Quốc cũng được huấn luyện và sau đó được nhập vào quân đội Việt Minh[5]. Tuy nhiên, thông tin này có chỗ chưa chính xác – những năm 1947-1949, ở Thất Khê và một số nơi khác trên đất Việt Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc có tổ chức 6 khóa học với gần 1.000 người tham gia (Đảng, Nhà nước Việt Nam và nhân dân địa phương đã giúp đỡ ăn ở, vật dụng hàng ngày, kinh phí cho các lớp học trên), nhưng không hoàn toàn chỉ huấn luyện quân sự, mà còn bồi dưỡng thanh niên, đào tạo cán bộ nông hội. Sau đó, lực lượng này đã trở về Trung Quốc công tác, chiến đấu, chứ không gia nhập Việt Minh như Qiang Zhai khẳng định.
Những năm 1946-1947, chính quyền Thái Lan thực hiện chính sách chống cộng, gây khó khăn cho việc vận chuyển vũ khí mua từ phương Tây qua Thái Lan về Việt Bắc, Đảng Cộng sản Đông Dương đã nhờ Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ “mua khoảng 12 triệu đồng trang bị thiết bị quân sự và chở về Việt Bắc trước khi Pháp mở cuộc tấn công mùa Thu”[6]. Theo nhận định của Laura M. Calkins, nguồn gốc hợp tác giữa Trung Quốc và Việt Nam những năm 1947-1949 chịu sự tác động trực tiếp bởi các diễn biến nội tại của Trung Quốc, khi mà một trong những mối quan tâm chiến lược quan trọng tại thời điểm này của Đảng Cộng sản Trung Quốc là “giành chiến thắng trong cuộc nội chiến bằng cách đánh bại các lực lượng Quốc Dân Đảng ở khu vực phía Tây Nam giáp biên giới Đông Dương”[7].
Phân tích những mối liên hệ và sự giúp đỡ của cách mạng Trung Quốc đối với Việt Nam những năm 1947-1948, nhà sử học King C. Chen  lưu ý rằng, “khu căn cứ địa của Việt Minh tại khu vực biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Tây và Vân Nam) và sự hợp tác giữa hai Đảng Cộng sản là những nhân tố quan trọng trong việc tăng cường khả năng của Việt Minh để tồn tại trước các cuộc tấn công của Pháp giai đoạn này”[8]. Trên thực tế, hai Đảng Cộng sản có sự giúp đỡ lẫn nhau, nhưng trước khi cách mạng Trung Quốc thành công (10-1949) và trước khi chiến dịch Biên giới (1950) thắng lợi, Trung Quốc chưa có điều kiện hỗ trợ Việt Nam mạnh mẽ. Ngược lại, khi cách mạng Trung Quốc khó khăn, đề nghị được giúp đỡ, dù còn bận kháng chiến chống Pháp, song Việt Nam đã lập tức đáp ứng nhiệt tình: Đầu năm 1948, Việt Nam giúp quân cách mạng Trung Quốc gạo, muối, vũ khí và tài chính[9]; tháng 3-1949, giúp đỡ xây dựng, củng cố Biên khu Điền Quế, Việt Quế[10].
2-Ủng hộ, giúp đỡ toàn diện (1950-1954)
Ngày 01-10-1949, cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời. Trong khi việc khai thông quan hệ với Liên Xô còn đang gặp những trắc trở, thì ngày 18-1-1950, Trung Quốc ra tuyên bố công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Bằng cách đi đầu trong việc thừa nhận Việt Nam Dân chủ cộng hòa và hối thúc những quốc gia xã hội chủ nghĩa khác làm theo, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã có một lựa chọn rõ ràng đối với cuộc cách mạng đang nổi lên tại Đông Dương, đặt tình đoàn kết với đảng anh em lên trên khả năng tạo dựng quan hệ ngoại giao với Pháp”[11].
 Sau khi Trung Quốc thiết lập quan hệ chính thức về mặt Nhà nước với Việt Nam, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng lần lượt thiết lập quan hệ -“một sân bóng mới đã bắt đầu”, sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam cũng được đẩy mạnh từ thời điểm này. Nhằm “phá vỡ sự phong tỏa của thực dân Pháp, khai thông tuyến giao thông Trung - Việt, có lợi cho viện trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam và loại bỏ mối đe doạ đối với căn cứ địa Việt Bắc”[12], Trung Quốc hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị quân sự, vũ khí, khí tài, giúp đỡ Việt Nam mở chiến dịch Biên giới. Theo Chen Jian, cuối tháng 3-1950, “Lã Quý Ba yêu cầu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc viện trợ thiết bị quân sự, đạn dược, thiết bị truyền thông cho 16.000 bộ đội Việt Nam trong các hoạt động quân sự tại Cao Bằng và Lào Cai”[13]. Phục vụ cho chiến dịch Biên giới, từ tháng 4 đến tháng 9-1950, Trung Quốc đã chuyển cho Việt Nam “14.000 súng trường và súng lục, 1.700 súng máy và tiểu liên, 150 súng cối, 60 khẩu pháo, 300 bazooka, 2.800 tấn ngũ cốc và một số lượng lớn thuốc men, đạn dược, quân phục và thiết bị thông tin liên lạc”[14]. Edwin E. Moïse bình luận: “Lần đầu tiên, Việt Minh đã có thể có được số lượng đáng kể vũ khí nhiều hơn những gì họ có thể sản xuất trong rừng rậm hoặc thu được của Pháp trên chiến trường”[15]. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thiết lập trên biên giới Trung - Việt hai bệnh viện dã chiến để thu nhận và chữa trị cho thương binh Việt Nam[16]. Tháng 10-1950, chiến dịch Biên giới thắng lợi, giải phóng một vùng rộng lớn 4.500 km2 với 350.000 dân, phá tung phong toả, mở rộng vùng tự do, làm thay đổi so sánh tương quan theo hướng cân bằng lực lượng trên chiến trường Đông Dương. “Có lãnh thổ Trung Quốc rộng lớn làm hậu phương, Hồ Chí Minh và Việt Nam đã có một vị trí cạnh tranh nhất”[17]. Với tư cách là “hậu phương rộng lớn”, đến hết năm 1950, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 3.983 tấn hàng, trong đó có 1.020 tấn súng đạn, 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, 30 xe vận tải Môlôtôva, 2.634 tấn gạo[18]. Đáp ứng đề nghị của Hồ Chí Minh, Trung Quốc cử một đoàn 79 cố vấn quân sự do Vi Quốc Thanh làm Trưởng đoàn cùng La Quý Ba, Trần Canh sang giúp Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Theo Qiang Zhai, phía Việt Nam “đề nghị Trung Quốc gửi chuyên viên quân sự đến Việt Nam với tư cách cố vấn ở đại bản doanh Việt Minh, ở cấp độ sư đoàn, với tư cách chỉ huy ở cấp độ trung đoàn và tiểu đoàn. Trung Quốc trả lời rằng họ sẽ gửi cố vấn, nhưng không gửi chỉ huy”[19]. Trung Quốc giúp Việt Nam huấn luyện, trang bị cho Đại đoàn 308 (không đầy đủ), Trung đoàn 174, Trung đoàn pháo binh hạng nặng 45, Trung đoàn pháo cao xạ 367, hai tiểu đoàn công binh... của Việt Nam[20]. Sự giúp đỡ đó đã tạo điều kiện nâng cao khả năng chiến đấu và cơ động của bộ đội Việt Nam, “cho phép Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành một lực lượng vũ trang được huấn luyện và đào tạo, có khả năng đánh bại quân đội Pháp trong những chiến dịch tấn công quy mô lớn”[21].
Trong năm 1950, Việt Nam cử một số cán bộ trẻ đi học ngoại ngữ và nghiệp vụ ngoại giao ở Trung Quốc. Đây là lớp cán bộ đầu tiên được gửi đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài, sau này trở thành những cán bộ cốt cán của Bộ Ngoại giao. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo ngay một số lượng lớn cán bộ đang rất cần cho phát triển kinh tế và giảm bớt chi phí cho việc đào tạo ở những nước quá xa, năm 1951, Chính phủ Trung Quốc quyết định mở khu học xá ở Nam Ninh và trường thiếu sinh quân ở Lư Sơn trên đất Trung Quốc đào tạo cán bộ cho Việt Nam. Ngoài cán bộ dân sự, Trung Quốc còn giúp Việt Nam đào tạo, huấn luyện cán bộ quân sự. Tính đến tháng 6-1950, có 3.100 cán bộ Việt Nam sang Trung Quốc học tập, bổ túc trung và sơ cấp, chỉ huy bộ binh sơ cấp, pháo binh, công binh[22].
Những năm 1951-1953, Việt Nam và Trung Quốc ký kết hàng loạt hiệp định kinh tế - thương mại: Hiệp định thương mại (4-1951); Hiệp định về mậu dịch, Hiệp định về tiền tệ, Hợp đồng xuất khẩu (5-1951); công bố “Bị vong lục mậu dịch” (4-1952); Hiệp định trao đổi hàng hóa (5-1952)… Những ký kết nêu trên từng bước đặt cơ sở pháp lý cho việc trao đổi thương mại song phương giữa hai nước. Đầu tháng 2-1953, hai nước chính thức mở cửa khẩu Lào Cai- Hồ Kiều. Tháng 12-1953, Việt Nam tiếp tục mở các cửa khẩu Bát Xát, Thanh Thủy, Hoành Mô. Trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, Việt Nam là nước nhập siêu: Năm 1950 là 95,6 triệu đồng Việt Nam; năm 1952 là 137,2 triệu đồng; năm 1953 là 202,2 triệu đồng; năm 1954 là 307,3 triệu đồng[23]. Nhờ mở cửa với thị trường Trung Quốc, Việt Nam có thêm một nguồn cung cấp hàng hóa, giảm bớt áp lực của việc nhập khẩu những mặt hàng từ khu vực Quân đội Pháp kiểm soát, nhất là những mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu, bắt đầu xuất được một số mặt hàng mà vùng Pháp chiếm đóng không tiêu thụ. Với tinh thần giúp đỡ Việt Nam, Trung Quốc đã mua hầu hết những mặt hàng Việt Nam có thể xuất và đáp ứng đầy đủ những mặt hàng Việt Nam cần, giúp Việt Nam vượt qua khó khăn bao vây kinh tế của thực dân Pháp, ổn định đời sống nhân dân.
Cuối năm 1953, nhằm tạo ra bước ngoặt và thay đổi quan trọng trong cục diện cuộc kháng chiến chống Pháp, Đảng Lao động Việt Nam quyết định tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Ủng hộ Việt Nam trong quyết định này, “Trung Quốc đẩy mạnh viện trợ quân sự và các hỗ trợ khác cho Việt Minh”[24] trên tinh thần “dốc toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu, đều cố gắng cung cấp”[25], nhanh chóng gửi đến Việt Nam “200 ô tô, hơn 10.000 thùng dầu, hơn 3000 khẩu súng các loại, 2.400.000 viên đạn, hơn 100 khẩu pháo các loại, hơn 60.000 viên đạn pháo và đạn hỏa tiễn, 1.700 tấn lương thực”[26]. Trong những ngày cuối chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc giúp trang bị cho một tiểu đoàn ĐKZ 75mm và 12 dàn hỏa tiễn (cachiusa) 6 nòng[27]. Tính chung từ năm 1951 đến năm 1954, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam tổng số 32.435 tấn hàng quân sự, trong đó 8.804 tấn gạo[28]. Chỉ riêng khối lượng lương thực, thực phẩm đã là những con số đáng kinh ngạc: 120 tấn (năm 1950), 776 tấn (năm 1951), 610 tấn (năm 1952), 1.516  tấn (1953), 1.772 tấn (năm 1954)[29].
Mặc dù chiến dịch Điện Biên Phủ chưa kết thúc, nhưng tin tưởng chắc chắn ở chiến thắng, ngày 3-4-1954, Mao Trạch Đông chỉ thị cho Bành Đức Hoài “cấp tốc xây dựng bổ sung cho Việt Nam 4 trung đoàn pháo binh, hai trung đoàn công binh và hoàn tất việc đào tạo họ trong vòng 6 tháng”[30], chuẩn bị cho việc tiến về giải phóng Hà Nội, Hải Phòng. Mao Trạch Đông nhấn mạnh: “Nếu không đủ đạn dược, vũ khí dự trữ trang bị cho những đơn vị này, có thể lấy từ trang bị của các đơn Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc. Cần gửi sang Việt Nam những cố vấn và giáo viên hướng dẫn tốt nhất đã từng chiến đấu ở Triều Tiên”[31].
3- Một vài điều luận bàn
Cách mạng tháng Tám thành công, Việt Nam trở thành Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Sự ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân, chính phủ và quân đội hai nước Việt Nam, Trung Quốc những năm tháng này là to lớn, quan trọng đối với cả hai quốc gia.
Chiến đấu trong vòng vây, trong điều kiện thiếu thốn mọi bề, sự ủng hộ, giúp đỡ của Trung Quốc đối với Việt Nam là hết sức quý báu. Về viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam, Bob Seals đánh giá như sau: “Hỗ trợ của Trung Quốc tuy không đóng vai trò hoàn toàn như là một yếu tố quyết định chiến thắng của Việt Nam trong năm 1954, nhưng đáng ghi nhận trong kết quả cụ thể của từng trận chiến”[32]. Phải khẳng định rằng, tuy không phải là “yếu tố quyết định”, song viện trợ, giúp đỡ mọi mặt của Trung Quốc đã làm gia tăng đáng kể sức mạnh nội lực cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam. Giữa năm 1953, khi tìm lời giải cho bài toán Đông Dương, nhằm kéo Quân đội Pháp thoát khỏi thế bị động, giành thế chủ động, chuyển bại thành thắng, Tướng H. Navarre đã xây dựng và tin tưởng ở tính khả thi kế hoạch của mình, nếu nguồn cung cấp viện trợ cho Việt Nam từ Trung Quốc tăng không đáng kể. Ngày 23-7-1953, H.Navarre ghi chú dưới bản kế hoạch: “Mọi chi tiết của chương trình vẫn còn hợp lệ, miễn là Trung Quốc viện trợ cho Việt Minh không vượt quá mức hiện nay”[33] và “với sự gia tăng viện trợ của Trung Quốc, toàn bộ tình hình sẽ phải được xem xét lại"[34]. Trái với mong đợi của H.Navarre, khối lượng viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam tăng nhanh đến “chóng mặt”, năm 1954 tăng gấp 150 đến 200 lần so với năm 1951[35]. Cuối cùng, để đối trọng với sự gia tăng viện trợ từ Trung Quốc cho Việt Nam, Mỹ đã phải tăng cường chi phí cho quân đội Pháp, chiếm tới 80% chi phí quân sự của Pháp ở Đông Dương. Dù đã chi gần 3.000 tỉ frăng, tương đương 7 tỷ đô la (trung bình 1 tỷ frăng/ngày), Chính phủ Pháp thay đổi 20 lần (trung bình mỗi chính phủ chỉ tồn tại 7 tháng, có chính phủ chỉ tồn tại trong 7 ngày), 7 lần Cao ủy Pháp bị triệu hồi, thay thế 8 Tổng chỉ huy quân đội Pháp kế tiếp nhau[36], cuối cùng, chỉ không đầy một ngày trước khi Hội nghị Geneve về Đông Dương khai mạc, “con nhím thép” Điện Biên Phủ thất thủ.
Kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh cuộc Chiến tranh Lạnh đang nóng lên từng ngày. Thời điểm Việt Nam - Trung Quốc kiến lập quan hệ ngoại giao cũng là lúc Chiến tranh Lạnh phát triển toàn diện rồi lên đến đỉnh điểm. Trong không khí Chiến tranh lạnh và đối đầu phe phái, ý thức hệ bao trùm, các nước đế quốc đang tìm mọi cách chống phá các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa mới thành lập, thì việc Trung Quốc ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam kháng chiến cũng chính là nhằm củng cố vị thế, sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa và của chính Trung Quốc. Việt Nam độc lập có nghĩa là Trung Quốc không bị uy hiếp bởi chủ nghĩa đế quốc từ phía Nam; và ngược lại, Trung Quốc được giải phóng có nghĩa là Việt Nam tránh được sự đe dọa của chủ nghĩa đế quốc từ phía Bắc. Trong buổi họp tại điện Cần Chánh (đầu năm 1950, Trung Nam Hải) bàn về viện trợ cho Việt Nam, Mao Trạch Đông tuyên bố: “Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, nếu cuộc chiến tranh chống Pháp của Việt Nam thắng lợi sẽ làm cho an ninh ở phía Nam Trung Quốc được bảo đảm thêm một bước, về cơ bản mà nói, đây cũng là nghĩa vụ quốc tế vô sản”[37]. Yếu tố ý thức hệ trở thành chất xúc tác, chất gắn kết, thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt – Trung.
Bên cạnh đó, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam thắng lợi góp phần nâng cao vị trí và uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không phải là quan hệ giúp đỡ một chiều. Mao Trạch Đông nhiều lần phát biểu: “Thực dân Pháp xâm lược là kẻ thù của nhân dân Việt Nam, cũng là kẻ thù của nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc giúp Việt Nam đánh bại thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Việt Nam, đó là Trung Quốc giúp Việt Nam. Còn Việt Nam đánh bại thực dân Pháp, đuổi chúng ra khỏi Việt Nam, biên cương phía Nam của Trung Quốc cũng giải tỏa khỏi mối đe dọa thực dân Pháp, đó là Việt Nam giúp Trung Quốc”[38]; hay có lúc nói rõ hơn: “Không thể chỉ nói Trung Quốc giúp Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Quốc, là sự giúp đỡ lẫn nhau”[39]. Như vậy, sự gặp gỡ giữa ý thức hệ và lợi ích quốc gia, trong đó, lợi ích quốc gia đóng vai trò chủ yếu đã thúc đẩy Trung Quốc viện trợ Việt Nam kháng Pháp ngày càng mạnh mẽ hơn. Công bằng mà nói, sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Nam lớn hơn, chủ yếu hơn; sự giúp đỡ của Việt Nam đối với Trung Quốc tuy còn ít ỏi, nhưng chí nghĩa, chí tình, trong điều kiện hết sức khó khăn, Việt Nam đã “nhường cơm, xẻ áo”, ủng hộ Trung Quốc trong khả năng có thể.
Cần nói thêm rằng, sự ủng hộ, giúp đỡ ngày càng toàn diện hơn của Trung Quốc tuy đã để lại những ảnh hưởng nhất định trên nhiều phương diện[40], song trên lĩnh vực quân sự, dù đã học hỏi nhiều hoặc từ các cố vấn Trung Quốc, hoặc từ hệ thống nhà trường đào tạo cán bộ quân sự của Trung Quốc cho Việt Nam, song về cơ bản, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn chiến tranh Việt Nam. Ở chiến dịch Biên giới năm 1950, Việt Nam học tập cách chọn điểm đột phá mở màn chiến dịch, cách đánh điểm diệt viện, cách thức tổ chức, chỉ huy và thực hành chiến dịch… song chú trọng việc lấy tiêu diệt binh lực địch là chính, sử dụng nhuần nhuyễn phương thức chiến tranh “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh” (khác với chiến lược “biển người” của Trung Quốc). Sau chiến dịch Biên giới 1950, trong các chiến dịch lớn được tổ chức tại chiến trường chính Bắc Bộ, Quân đội nhân dân Việt Nam phối kết hợp linh hoạt các hoạt động tác chiến trên nhiều chiến trường khác nhau, chủ động về cách đánh. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một minh chứng điển hình cho nhận định trên – Việt Nam đã kiên trì phương án “đánh chắc, tiến chắc”, chiến thuật đào hào vây lấn cũng đậm chất Việt Nam có điểm khác biệt rõ ràng so với chiến dịch Thượng Cam Lĩnh áp dụng cho thế trận phòng ngự[41].
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong chiến tranh giải phóng chủ yếu là kinh nghiệm về đánh bằng các binh đoàn lớn trên địa bàn rộng, đội hình chiến đấu dày đặc đánh ồ ạt, dựa trên cơ sở quân động, đất rộng không phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Việt Nam sáng tạo ra cách đánh và phương thức chiến tranh riêng mình - chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, trường kỳ kháng chiến, dựa vào sức mình là chính.






[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 27.
[2] Tháng 2-1946, Ủy ban công tác biên giới lâm thời Quế - Việt của Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập ở Việt Nam. Tháng 12- 1946, Ủy ban triệu tập hội nghị nghiên cứu về vấn đề đấu tranh vũ trang và quyết định đổi tên thành Ủy ban công tác Tả Giang. Tháng 3- 1947, Ủy ban công tác Tả Giang họp bàn về bạo động vũ trang; tháng 7-1947, Ủy ban công tác Tả Giang lãnh đạo khởi nghĩa vũ trang ở một số địa phương dọc biên giới Việt – Trung như Ái Điếm (Ninh Minh), Hạ Đống (Long Châu), Bình Nạnh (Na Pha)
[3] Ang Cheng Guan: Vietnam in 1948: An International History Perspective, Kajian Malaysia, 27 (1 & 2), 2009, p.76. Nhiều phần, thông tin này của Ang Cheng Guan là nói đến việcViệt Nam đã bố trí nơi ăn chốn ở cho hơn 600 người thuộc trung đoàn 1, nguyên là đội du kích kháng Nhật do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo bị Quốc Dân đảng truy kích đã vượt qua Động Trung – Phòng Thành, Quảng Tây vào Việt Nam vào đầu năm 1946 bất chấp áp lực từ phía Quốc Dân Đảng. Sau một thời gian nghỉ ngơi, chỉnh đốn, trung đoàn đã trở về trung Quốc đúng vào thời khắc quan trọng của cuộc chiến tranh giải phóng, trở thành lực lượng vũ trang quan trọng hoạt động ở biên khu Điền – Quế - Kiềm (Vân Nam – Quảng Tây – Quý Châu)
[4] Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 19501974 (Chapel Hill: The University of North Carolina Press, 2000), pp.11–12.
[5] Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 19501974, Ibid, p.41.
[6] King C. Chen, Vietnam and China 19381954 (Princeton: Princeton University Press, 1969), p. 192.
[7] Laura M. Calkins: China and the First Vietnam War, 1947-54. Routledge Studies in the Modern History of Asia Series, New York: Routledge, 2013, p.28.
[8] King C. Chen, Vietnam and China 19381954, Ibid, p. 194.
[9] Từ tháng 1-1948 đến cuối năm 1948, mỗi tháng Việt Nam gửi giúp riêng quân, dân Biên khu Điền Quế 50 tấn muối, hàng chục tấn gạo và một số lượng đáng kể đạn cối 81 ly, đạn AT... là những thứ mà Quân giải phóng Trung Quốc lúc đó rất cần. Trong những năm 1948-1949, căn cứ địa Việt Bắc trở thành nơi ém quân của Quân giải phóng Trung Quốc. Họ được cung cấp lương thực, thực phẩm và muối.  Ngành tài chính Việt Nam giúp bạn in tiền Trung Quốc mới để sử dụng trong vùng giải phóng (Nguồn: Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1999, tr.3; Lê Văn Hiển, Nhật ký của một bộ trưởng, Nxb Đà Nẵng, 1995, Tập 2, tr.32)
[10]Tháng 1-1949, trước sức tiến công như vũ bão của Quân giải phóng Trung Quốc, Tưởng Giới Thạch cố dồn lực lượng giữ lấy miền Hoa Nam; do vậy, các khu căn cứ của Đảng Cộng sản Trung Quốc sát biên giới Việt - Trung gặp khó khăn, trước đề nghị giúp đỡ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Việt Nam đưa những lực lượng quân đội sau giúp Trung Quốc hướng Biên khu Điền Quế: Tiểu đoàn 73 thuộc Trung đoàn 74, Liên khu I, Tiểu đoàn 35 thuộc Trung đoàn 308 chủ lực Bộ Tổng Tư lệnh, Đại đội 506 sơn pháo, một đại đội trợ chiến, bộ phận thông tin và quân y, 2 đại đội địa phương huyện Văn Uyên và Thoát Lãng. Trên hướng Biên khu Việt Quế là các lực lượng: Tiểu đoàn 426 thuộc Trung đoàn 59, Tiểu đoàn 1 Trung đoàn độc lập Hải Ninh, Đại đội độc lập 1448. Sau khi giải phóng vùng đất này, bộ đội Việt Nam đã chuyển giao cho Trung Quốc toàn bộ vũ khí thu được gồm hơn 500 khẩu súng các loại.
[11] Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 19501974, Ibid, p.43.
[12] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Nxb. Lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bắc Kinh, 2002 (Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch; Dương Danh Dy hiệu đính), tr.74.
[13] Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, The China Quarterly, No. 133 (Mar, 1993), p.93.
[14] Chen Jian: China and the First Indo-China War, Ibid, p.93.

[15] Edwin E. Moïse, The Vietnam Wars, Section 3  (VN Wars: First Indochina War),  www.clemson.edu,  November 4, 1998.

[16] Quách Minh (Chủ biên), Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, tủ sách Đông Nam Á, 1992, bản dịch, lưu tại Thư viện Quân đội, Hà Nội, tr.28.
[17] Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, Ibid, p.94.
[18] Hồ sơ viện trợ quốc tế, lưu trữ tại Tổng cục hậu cần, cặp số 20,21.
[19] Qiang Zhai, China and the Vietnam Wars, 19501974, Ibid, p.43.
[20] Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945 - 1954, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, Tập 1, tr.451.
[21] Bob Seals: Chinese Support for North Vietnam during the Vietnam War: The Decisive Edge, MilitaryHistoryOnline.com, 09/23/2008.
[22]Viện Lịch sử quân sự: Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954, Sđd, t.1, tr.451.
[23]Tổng cục Thống kê: Số liệu thống kê Việt Nam thế kỷ XX, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 2004, tr.140.
[24] Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, Ibid, p.101.
[25] Đại thắng Điện Biên Phủ và Đoàn Cố vấn Trung Quốc tại Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, 1-5-2009.
[26] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Tlđd, tr.136.
[27] Tổng cục Hậu cần: Công tác đảm bảo hậu cần trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 309.
[28] Trị giá hàng viện trợ và hàng nhận mậu dịch Trung Quốc từ năm 1951-1954, Ủy ban kế hoạch nhà nước, Cục lưu trữ Trung ương III, Hồ sơ số. 1743.
[29] Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr. 638.
[30] Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, Ibid, p.102.
[31] Chen Jian: China and the First Indo-China War, 1950-54, Ibid, p.102.
[32] Bob Seals: Chinese Support for North Vietnam during the Vietnam War: The Decisive Edge, MilitaryHistoryOnline.com, 09/23/2008.
[33] Jules Roy, La bataille de Diên Biên Phu (Paris: René Julliard, 1963), p.77.
[34] Dẫn theo Pierre Asselin: New Perspectives on Dien Bien Phu, Journal of the Southeast Asian Studies Student Association, Vol 1, No. 2, p.
[35] Micheal Clodfelter, Vietnam in Military Statistics, A History of the Indochina Wars, 1772-1991, (Jefferson, NC: McFarland & Co, Inc., 1995), p.12.
[36] Kháng chiến chống Pháp (1945-1954), http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn
[37] Lý Kiện (Chủ biên): Trung – Xô – Mỹ cuộc đối đầu lịch sử, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2008, tr. 527-528.
[38] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Tlđd, tr.7.
[39] Ghi chép thực về Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc viện trợ Việt Nam chống Pháp, Tlđd, tr.7.
[40] Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định từ Trung Quốc thể hiện qua các chiến dịch chỉnh huấn, chỉnh quân, cải cách rộng đất theo mô hình “thổ cải”, hợp tác hóa nông nghiệp tràn lan…
[41] Các loại đường hào này đều có chiều sâu 1,7m và  không quá rộng để bảo đảm an toàn trước bom đạn, giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển, vượt qua các bãi đất trống, tiếp cận các mục tiêu tấn công sao cho an toàn nhất, đáy của đường hào bộ binh rộng 0,5m, đáy hào trục rộng 1,2m, dọc đường hào, bộ binh có hố phòng pháo, hầm trú ẩn, chiến hào và ụ súng để đối phó với những cuộc tiến công. Còn ở Thượng Cam Lĩnh, liên quân Trung Quốc – Bắc Triều Tiên đào những đường hào lớn, chứa được xe cơ giới chuyển quân lên các cứ điểm phòng ngự.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!