Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

“CƠN ĐỊA CHẤN UKRAINE”- GÓC NHÌN ĐỐI SÁNH

Nguyễn Thị Mai Hoa
Những ngày đầu năm 2014, cả thế giới quan tâm tới sự kiện nóng bỏng Ukraine. Diễn biến ở Ukraine đang ngày càng trở nên phức tạp hơn, không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân Ukraine, mà còn tác động trực tiếp đến tình hình và bức tranh địa - chính trị khu vực với những hệ lụy khôn lường. “Họa phúc phải đâu là một chốc…”, ngược dòng lịch sử Ukraine; đồng thời, phân tích những diễn biến hiện tại, sẽ nhận thấy không ít những vấn đề đáng suy ngẫm dưới góc nhìn đối sánh.

1- Bức tranh toàn cảnh Ukraine hậu Xô-viết
Ukraine là một quốc gia thuộc Đông Âu, có vị trí địa - chính trị tương đối đặc biệt - là vùng đất tiếp giáp cả Đông và Tây[1]. Ukraine có một lịch sử thăng trầm và không ít đau đớn: Độc lập, bị thôn tính, bị xâu xé, tái thiết lập[2]… Với nước Ukraine thời kỳ hiện đại, dấu mốc đáng ghi nhớ là năm 1991- sau khi Liên Xô sụp đổ và ngày 24-8-1991, Nghị viện Ukraine bỏ phiếu tán thành Luật Độc lập, tuyên bố Ukraine là nhà nước dân chủ độc lập. Năm 1996, Ukraine thông qua Hiến pháp, thừa nhận cơ chế vận hành chính trị nước Cộng hoà tổng thống[3]. Từ năm 1991 đến năm 2014, Ukraine đã trải qua 4 đời Tổng thống[4] với những tuyên bố đầy hứa hẹn; tuy nhiên, hơn hai thập kỷ trôi qua từ ngày độc lập, trái với ước mong, chờ đợi và hy vọng của người dân Ukraine được “sống ở một quốc gia châu Âu với mức sống châu Âu”, sau những tranh đấu, nỗ lực và thăng trầm, bức tranh xã hội của Ukraine nhiều gam màu tối hơn người ta vẫn tưởng tượng.
Theo thống kê chính thức mới nhất gần đây, tại Ukraine, mức sinh hoạt phí tối thiểu của người dân là 911 grivna/tháng (113 USD/tháng, tương đương 3,7 USD/ngày); 13% dân số của Ukraine (6 triệu người) sống dưới mức nghèo khổ; 26,6% dân số Ukraine (hơn 12 triệu người) ở mức cận nghèo[5] - như vậy, người nghèo và cận nghèo ở Ukraine chiếm tới 40% dân số (tức hơn 18 triệu người/46 triệu dân). Nghèo đói là một trong những nguyên nhân làm dân số Ukraine giảm mạnh: Nếu năm 1991, dân số Ukraine là 52 triệu người (chiếm 1% dân số trên thế giới), thì đến năm 2013, chỉ còn lại 46 triệu người. Tỷ lệ tử vong ở Ukraine cao gấp hai lần tỷ lệ sinh; có tới 15.000 ngôi làng trong một năm không hề có bất kỳ một đứa trẻ nào được sinh hạ[6]. Liên Hợp Quốc đưa ra một dự báo không mấy sáng sủa: Đến năm 2050, dân số Ukraine sẽ giảm thêm 15 triệu người[7].
Ukraine sở hữu 25% trữ lượng đất đen (hắc thổ) thế giới – điều đó có nghĩa là thông qua việc sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, Ukraine có tiềm năng nuôi sống 250 triệu người. Thế nhưng, ngày 17-10-1998, nhân “Ngày Thế giới xóa đói, giảm nghèo”, Liên Hợp Quốc tuyên bố Ukraine được liệt vào quốc gia có “nạn đói tiềm ẩn”[8]. Thất nghiệp ở Ukraine cũng đang là một vấn đề gây sự chú ý. Ủy ban Thống kê Nhà nước Ukraine cho biết: Năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị là 8,1%; ở nông thôn - 8,3%. Tuy tỷ lệ thất nghiệp nêu trên là không cao so với một số quốc gia, song điều đáng nói là ở chỗ: 1- Tỷ lệ này tăng tương đối nhanh (tháng 3-2013, tỷ lệ thất nghiệp tăng 4,4 % so với tháng 2-2013); 2- Nam giới ở độ tuổi 25-29 (chiếm 10,6%) là đối tượng lao động dễ bị tổn thương[9]. Cuộc khủng hoảng chính trị hiện thời có thể làm cho tình trạng này trở nên bi đát hơn - đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên tới 20% trong năm 2014[10].
Nền kinh tế Ukraine tương đối ốm yếu: Tổng sản phẩm xã hội năm 2002 giảm 3 lần so với năm 1990; các  vùng công nghiệp phía Đông Nam có mức giảm nhanh, ví dụ như ở khu vực Kharkiv - sản lượng sản xuất giảm đến 10 lần[11]. Chính phủ Ukraine đã không thực hiện những cải cách sâu rộng, nhằm hiện đại hóa sản xuất công nghiệp, nền công nghiệp Ukraine sau cổ phần hóa vẫn tiếp tục dựa trên nguồn khí đốt giá rẻ từ Nga và hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô ra thế giới – một khi giá khí đốt tăng, sản xuất công nghiệp không tránh khỏi lao đao. Đối với sản xuất nông nghiệp - sản lượng nông nghiệp ở Ukraine giảm 2,1 lần, vốn cố định giảm 1,7 lần; vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp đang trở thành một “điểm nghẽn” khi nhu cầu về máy kéo, máy liên hợp và những máy móc khác chỉ được đáp ứng khoảng 45-50%, nhưng có đến 90% số máy móc đó cần phải được thay thế[12]. Trong một nỗ lực cứu vãn nền nông nghiệp, năm 1999, Chính phủ thực hiện cuộc cải cách với hai mục tiêu: Một là, bảo vệ lợi ích và củng cố tình trạng kinh tế của người sản xuất nông nghiệp; hai là, hình thành thị trường đất đai. Sau gần 15 năm tiến hành, cuộc cải cách phá sản, không đạt được bất kỳ mục tiêu nào; 15 năm liên tục, năng suất cây trồng, vật nuôi tụt giảm; cải cách chế độ sở hữu ruộng đất đã hầu như phá hủy cơ sở hạ tầng xã hội của nông thôn Ukraine. Thực trạng nền nông nghiệp cho thấy chính sách của Chính phủ Ukraine là không hiệu quả, thậm chí là sai lầm, để lại hậu quả nặng nề, hủy hoại năng lực sản xuất của một đất nước vốn có tiềm năng nông nghiệp to lớn từ những ưu đãi của tự nhiên.
Phân hóa giầu nghèo ở Ukraine đang lên tới mức đáng lo ngại. Tuy Nhà nước Ukraine không công bố chính thức số liệu về vấn đề này, nhưng những nghiên cứu độc lập của các nhà khoa học cho thấy mức độ bất bình đẳng ở Ukraine đang gia tăng mạnh mẽ: Chênh lệch thu nhập giữa 10% người giàu nhất và 10% người nghèo nhất là từ 40 đến 50 lần[13]; 50 gia tộc quản lý và sở hữu 85% của cải của Ukraine[14]. Theo ước tính của tạp chí Gold Star, tài sản của 100 người giàu nhất Ukraine vào khoảng 83 tỷ USD, tương đương 61 % GDP (ở Liên bang Nga, tỷ lệ này là 30%)[15].
Ukraine mắc “căn bệnh xã hội” nan y - tham nhũng. Chính trị gia Ukraine Vitali Klitschko nhận xét: “Ukraine nổi tiếng là nước tham nhũng nhất ở châu Âu và chính trị ở Ukraine là làm ăn…”[16]. Tham nhũng ở Ukraine được hình thành theo chiều dọc với đặc trưng đưa hối lộ và nhận hối lộ ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội: Trong lĩnh vực y tế, 60,3% người sử dụng dịch vụ y tế phải trả tiền hối lộ; trong lĩnh vực hải quan - 42,1%; trong ngành giáo dục - 53%[17]… Nơi tham nhũng hoành hành tệ hại nhất là hệ thống tư pháp – một hệ thống có mối liên kết chặt chẽ với chính quyền: 12% người Ukraine buộc phải hối lộ khi tiến hành các thủ tục tố tụng tư pháp[18]; năm 2011, 1.330 công tố viên bị truy tố vì tội nhận hối lộ (trong số đó có  624 công tố viên địa phương)[19]. Riêng năm 2011, Bộ Nội vụ đã tiến hành điều tra 17.000 vụ việc có hành vi hối lộ - nhiều hơn 25% so với năm 2010[20]. Theo đánh giá của tạp chí Transparency International, Ukraine đứng thứ 144/175 về mức độ tham nhũng[21].
Vấn nạn tham nhũng trở nên đặc biệt trầm trọng dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Yanukovich - một tổng thống khá “bạo tay” trong việc sử dụng quyền lực chính trị để trục lợi cho bản thân và gia tộc, đẩy tham nhũng đến mức phi lý, là yếu tố gắn chặt với hệ thống công quyền. Tham nhũng trở thành một thứ “độc quyền” - đặc lợi, xoay quanh “trục Yanukovich”. Trước đó, “nếu cảnh cửa này đóng lại, người ta có thể đến gõ cánh cửa thứ hai, thứ ba, nhưng từ khi Yanukovich đứng vào vị trí Tổng thống, chỉ còn một cánh cửa duy nhất – cánh cửa Yanukovich”[22]. Theo điều tra của nhà kinh tế người Mỹ Andrers Aslund, mỗi năm, khoảng 3-5 tỷ USD bị đánh cắp từ cơ quan hải quan và thuế quan Ukraine; ít nhất 2 tỷ USD rò rỉ từ việc đấu thầu các dự án xây dựng lớn; một lượng tiền lớn dôi ra từ việc Tập đoàn Naftogaz[23] đầu cơ và độc quyền giá khí đốt - từ ba nguồn đó, hàng năm “gia tộc Yanukovich” có thể dễ dàng bỏ túi từ 8-10 tỷ USD[24]. Bản thân Yanukovich nhờ tham nhũng mà có cuộc sống xa hoa ngoài sức tưởng tượng. Trong khi 18 triệu dân nghèo và cận nghèo Ukraine tồn tại qua ngày với gần 2 USD chi phí (theo chuẩn nghèo của thế giới), thì Yanukovich sở hữu khối tài sản khổng lồ trị giá trên 200 triệu Euro (dù trong tuyên bố chính thức, Yanukovich chỉ thừa nhận có tài sản giá trị 3 triệu USD)[25] với khu săn bắn Suholuche tráng lệ rộng 35.000 ha, khu nhà nghỉ Mezhigorie, cung điện Mis-Aiya lộng lẫy và những chiếc máy bay riêng hiện đại, những chiếc du thuyền sang trọng... Một phần gia sản của Yanukovich được gửi ở Liechtenstein và Thụy Sĩ; người ta cũng ngờ rằng, một phần tài sản không nhỏ khác của Yanukovich có thể đã được đầu tư sang Austria - nơi Yanukovich từng thực hiện những “phi vụ” và hợp đồng làm ăn mờ ám. Yanukovich không chỉ vơ vét cho riêng mình, con trai Yanukovich (đang học ngành nha sĩ) bỗng “đột nhiên” trở thành một trong những người giàu nhất thế giới với tổng tài sản là 500 triệu Euro, thậm chí được đứng vào danh sách xếp hạng của tạp chí Forbes[26].
Hoạt động và sự chi phối toàn bộ diễn tiến kinh tế, chính trị - xã hội Ukraine nhiều năm qua của nhóm lợi ích (Interest Group) là đặc điểm nổi bật trong bức tranh tham nhũng tại Ukraine. Xung quanh Tổng thống Viktor Yanukovich là các tập đoàn tài chính - công nghiệp chủ yếu sau: 1-Tập đoàn Donetsk (với những tên tuổi nổi tiếng như Rinat Akhmetov, Boris Kolesnikov, gia đình Kluev; Yuri Ivanyushchenko…); 2-"Gia tộc" Tổng thống Ukraine V. Yanukovich (bao gồm họ hàng, những người thân cận, trung thành và những người tài trợ cuộc tranh cử của Yanukovich vào vị trí hiện tại); 3-Tập đoàn Privat (Igor Kolomoisky, Gennady Bogolyubov); 4-Nhóm vận động hành lang "Rosukrenergo" Firtash (tỷ phú D. Firtash, người đứng đầu chính quyền Tổng thống Sergei Liovochkin, Bộ trưởng Yuriy Boiko, Phó Thủ tướng Valery Khoroshkovsky)[27]. Giữa các nhóm lợi ích kể trên, nổi bật nhất là cuộc cạnh tranh/đấu đá kinh tế giữa Tập đoàn System Capital Management (do Rinat Akhmetov[28] đứng đầu) và Tập đoàn Privat (do Igor Kolomoisky đứng đầu), nhằm giành quyền kiểm soát ngành công nghiệp năng lượng. Cả hai tập đoàn đều hy vọng thông qua việc nắm quyền kiểm soát sản xuất, phân phối khí đốt, có thể loại bỏ đối thủ cạnh tranh và thực hiện phân phối lại nguồn lực một cách có lợi nhất. Điểm đặc thù ngành công nghiệp năng lượng của Ukraine là ở chỗ Naftogaz Ukraine và tập đoàn con phân phối khí đốt UkrGas - Energo có độc quyền trong việc sản xuất, cung cấp (hoặc ngừng cung cấp) khí đốt cho các xí nghiệp sản xuất gas thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Vì vậy, cuộc cạnh tranh kinh tế để kiểm soát lĩnh vực năng lượng tất yếu trở thành một cuộc đấu tranh quyền lực chính trị. Xung đột giữa hai nhóm lợi ích Akhmetov và Kolomoisky bắt đầu khi cuộc “cách mạng Cam” (2004) đưa thế lực thân cận với nhóm Privat đứng vào những vị trí quyền lực trung tâm, song lực lượng này lại không thể chiếm đa số trong Hội đồng Nhà nước tối cao. Tình hình nói trên kéo dài hơn hai năm; tuy nhiên, sau cuộc bầu cử năm 2006 và sửa đổi Hiến pháp, quyền lực của Thủ tướng đã được tăng cường đáng kể so với Tổng thống; đồng thời, việc Yanukovich trở thành Tổng thống (2010) đã khiến tình hình chính trị Ukraine thay đổi nhanh chóng. Tập đoàn System Capital Management - một tập đoàn có trong tay những đòn bẩy quan trọng của toàn bộ nền kinh tế và quyền lực/sức mạnh năng lượng bắt đầu cuộc chiến “thanh trừng” đối thủ.
Ukraine, những tập đoàn tài chính - công nghiệp giàu có sở hữu những quyền lực vô hình và không giới hạn - có thể can thiệp vào nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội: Chỉ đạo các chiến dịch bầu cử, đứng đằng sau việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, phân bổ ngân sách quốc gia, hoạch định chính sách kinh tế, phân chia tài nguyên quốc gia, quyết định vấn đề vay vốn nước ngoài…
10 năm trở lại đây (2004-2014), tại Ukraine diễn ra cuộc khủng hoảng tín nhiệm xã hội[29] ngày càng sâu sắc. Một cuộc điều tra xã hội trên quy mô lớn của Viện Xã hội học Ukraine cho những thông số không mấy lạc quan: 86% số người được hỏi cho rằng, tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Ukraine đang diễn ra trầm trọng; 96% khẳng định lương hưu không thể đảm bảo cuộc sống; 78% thừa nhận tham nhũng là hiện tượng phổ biến của xã hội; chỉ có 18% cho rằng chính phủ đang hoạt động vì lợi ích của nhân dân[30]. Tham nhũng, tha hóa xã hội, hoạt động kinh tế kém hiệu quả khiến người dân ngày càng bức xúc, bất mãn với hiện trạng xã hội  - người dân Ukraine quay lưng lại với chính quyền.
2- Ukraine trong đấu trường địa - chính trị khu vực
Nền chính trị của Ukraine và chính sách đối ngoại của quốc gia này chủ yếu xoay quanh hai đối tác quan trọng là EU và Nga. Trong mọi bước đi, mọi bước hoạch định chính sách của nước Ukraine kẹt giữa Đông – Tây, những tính toán trong mối quan hệ với hai thể chế chính trị này không chỉ luôn hiện diện, mà còn luôn đứng ở vị trí trung tâm và mang tính chi phối. Đối với khu vực, Ukraine thực hiện chính sách đối ngoại lưỡng cực – một chính sách có thể được khái quát vắn tắt như sau: Khẳng định tính độc lập, đẩy mạnh quan hệ với châu Âu và không bỏ rơi quan hệ truyền thống với Liên bang Nga. Người ta đã không thể tìm thấy bất kỳ một cam kết chính thống về bất cứ một định hướng ưu tiên đối với cực nào trong các chương trình tranh cử, chương trình hành động của các chính trị gia hoặc tuyên bố chính thức của Chính phủ Ukraine, song qua hoạt động đối ngoại thực tiễn, nổi lên ba vấn đề: Thứ nhất, định hướng xích lại gần với Liên minh châu Âu (thân phương Tây) là tương đối rõ ràng; thứ hai, dưới tác động của những yếu tố khách quan, chủ quan (nội tình đất nước, tính toán của EU, chính sách và khả năng chi phối của nước Nga….), chính sách đối ngoại lưỡng cực của Ukraine có tính bất ổn định và dễ lung lay; thứ ba, tồn tại mâu thuẫn giữa mong muốn khẳng định bản sắc Ukraina trên trường quốc tế với nhận thức về bản sắc dân tộc từ phương diện nội bộ[31].
Trong không gian địa – chính trị hậu chiến tranh Lạnh, Ukraine trở thành “trái táo bất hòa”, đấu trường cạnh tranh giữa phương Tây, NATO (muốn mở rộng sang phía Đông, thu hẹp ảnh hưởng của Nga) và nước Nga (đang nỗ lực phục hưng đất nước, giữ vững các quốc gia vệ tinh, ngăn chặn quá trình Đông tiến của NATO).
Ukraine và Liên bang Nga vốn là một khối liên kết hữu cơ mang tính lịch sử, chính trị, văn hóa, xã hội, có nhiều nét chung về tâm lý, tôn giáo, ngôn ngữ, có mối quan hệ kinh tế mang tính địa dư với ưu thế và tiềm năng ưu đãi lẫn nhau cùng có lợi. Đặc điểm nêu trên có tính hai mặt: Một mặt, tạo điều kiện củng cố phát triển quan hệ toàn diện Ukraine - Nga; mặt khác, khiến Ukraine khó khăn hơn trong việc thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và giữ định hướng thân phương Tây.
Để chạm tới bản chất chính sách của Liên bang Nga đối với Ukraine, trước tiên cần hiểu rõ về tổng thể định hướng, quan điểm phát triển đất nước của nước Nga dưới thời V.Putin. Trong bài phát biểu nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, V.Putin tuyên bố nước Nga cần dựa trên nền tảng lịch sử và giá trị truyền thống để xác định con đường phát triển hậu Xô-viết, không bắt chước mô hình chính trị phương Tây[32]. Quan niệm “sự tan rã của Liên Xô là thảm họa địa chính trị lớn nhất của thế kỷ XX”, hiểu rằng, “không thể phục hồi Liên Xô”[33], song trong quá trình xác định con đường phát triển hậu Xô-viết, V. Putin luôn nuôi mong muốn đặt dấu ấn nước Nga trong thế giới hậu chiến tranh Lạnh của thế kỷ XXI thông qua con đường “tích lũy sức mạnh cứng trong hệ thống của chủ nghĩa dân tộc không kiềm chế và chủ quyền quốc gia cứng nhắc”[34]. Tổng thống Nga V.Putin đang tìm cách xác lập vị thế cường quốc của nước Nga “bằng cách nắm chặt Crimea, Abkhazia, Nam Ossetia và những khu vực khác của đế chế cũ”[35].
Đối với Ukraine, trên quan điểm “Liên bang Nga không có ranh giới, nó chỉ có các ngoại vi” và không gian hậu Xô-viết luôn được coi là khu vực ảnh hưởng truyền thống, nhất là trong điều kiện NATO, EU ngày càng mở rộng địa vi, V.Putin không thể để mất Ukraine. Hơn nữa, khi một trong những ưu tiên cho nhiệm kỳ Tổng thống thứ ba của V.Putin là tăng cường hợp tác trong không gian Á - Âu, tăng cường vai trò toàn cầu của nước Nga thông qua thúc đẩy hội nhập giữa các quốc gia Liên Xô cũ, nước Nga càng không thể để Ukraine - “con át chủ bài” thoát ra khỏi vòng kiềm tỏa. Nhiều khả năng kế hoạch thành lập Liên minh Á-Âu với tư cách là một cực của thế giới đương đại sẽ bị phá sản nếu không có Ukraine. Do đó, V.Putin tận dụng mọi điều kiện và khả năng (Ukraine nợ nước Nga, nhập dầu và hơi đốt từ Nga, một bộ phận nhân dân nói tiếng Nga muốn gắn bó với nước Nga….), để giữ Ukraine trong vùng ảnh hưởng, chi phối. Trước Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, trước khả năng Ukraine nghiêng hẳn về phía EU, Nga đã áp dụng hàng loạt biện pháp gây áp lực: 1- Ngăn cản việc xuất khẩu miễn thuế đường ống từ Ukraine và các chuyến hàng xuất khẩu hãng sản xuất kẹo Roschen của Ukraine; 2- Ban hành các quy định mới về việc quá cảnh hàng hóa của Ukraine sang Nga, gây ách tắc và đình trệ xuất khẩu; 3- Đình chỉ nhập khẩu thịt và toa xe lửa từ Ukraine; 4- Đòi Ukraine trả nợ tiền mua khí đốt (1,8 tỷ USD)… Cũng lưu ý thêm rằng, đây là những biện pháp gây sức ép quen thuộc mà nước Nga dưới thời V.Putin thường hay sử dụng đối với những nước láng giềng muốn “lội ngược dòng ảnh hưởng”[36].
Với Liên minh châu Âu, Ukraine tìm mọi cách đẩy mạnh quan hệ, không ngừng bày tỏ mong muốn gia nhập EU. Về phía EU, vào những thập niên cuối thế kỷ XX, với ảnh hưởng sâu rộng ở châu Âu và vùng Balkans, EU có đầy đủ điều kiện để thực hiện chính sách hướng Đông. Những năm đầu thế kỷ XXI, EU tích cực kéo các nước Đông Âu xích lại gần. Tuy nhiên, trong khi tập trung toàn bộ sự chú ý cho quá trình cải cách thể chế, đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nội khối, nhiều nước thành viên chủ chốt của EU có những chần chừ nhất định khi xem xét hợp tác với một nước kinh tế yếu kém và chính trị bất ổn như Ukraine. Với lý do Ukraine chưa đáp ứng các yêu cầu của EU về chính trị, kinh tế[37] đối với các nước ứng viên (tiêu chuẩn Copenhagen) nên “bất chấp những lời khẩn cầu từ Kiev, EU từ chối xem xét kế hoạch gia nhập EU của nước này”[38]. Những “ngập ngừng” chính sách của EU đối với Ukraine là “món quà tặng giá trị” cho V.Putin đang nóng lòng lôi kéo Ukraine tham gia Liên hiệp thuế quan Âu-Á.
Trong bối cảnh EU đòi hỏi Ukraine cam kết cải cách mạnh mẽ hơn nữa[39] mới có thể mở ra một cánh cửa, V.Putin kịp thời khai thác cơ hội, điều hành cuộc chiến thương mại và tổ chức một chiến dịch tuyên truyền “vô tiền khoáng hậu”, “vẽ ra một kịch bản thảm họa cho Ukraine nếu họ ký hiệp định với Liên minh châu Âu”[40]. Thông qua cố vấn kinh tế Sergei Glazyev[41] - một người có quan điểm dân tộc cực đoan, V.Putin đã thành công trong thuyết phục Ukraine về khả năng đồng tiền Ukraine sẽ sụt giá mạnh sau khi sử dụng 130 tỷ Euro để tuân thủ luật lệ của Liên minh châu Âu, hứa hẹn sẽ mua lại 15 tỷ USD trái phiếu ngân khố Ukraine, hạ giá khí đốt bán cho Ukraine mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào.
Trước nguy cơ thể chế lung lay bởi sự khánh tận của đất nước, dù hiểu “không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào” mà Nga tuyên bố chỉ là hình thức, Tổng thống Yanukovich quyết định nghiêng về phía Nga, tìm kiếm sự ủng hộ tài chính nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế[42]. Trong thế lưỡng nan, nhiều phần quyết định này của Yanukovich mang tính chiến thuật hơn là chiến lược, nhưng đột ngột quay lưng lại với EU trước thềm Hội nghị Vilnius, Tổng thống Yanukovich đã hy sinh quyền lợi của đất nước cho những toan tính bảo vệ sự nghiệp chính trị cá nhân, phản bội lợi ích quốc gia để củng cố quyền lực, duy trì tham nhũng và đặc quyền cho những nhóm lợi ích thân tín, bất minh. Thất bại trong xây dựng chính sách đối ngoại dựa trên các nhân tố nội lực, thất bại trong nghệ thuật thiết lập ưu tiên đối ngoại, Chính phủ Yanukovich đã không thể làm cho Ukraine trở thành chiếc cầu nối Đông - Tây.
3- “Cơn địa chấn Ukraine” - trông người lại ngẫm đến ta…
 Sau 22 năm tách khỏi Liên bang Xô-viết, trên con đường khẳng định bản ngã, đất nước Ukraine luôn phải chứng kiến và hứng chịu những bất ổn, người dân vẫn chưa được hưởng những điều kiện dân sinh, dân quyền tương xứng với tiêu chí một “Nhà nước trung lập, dân chủ với quyền tối thượng của pháp luật và được xây dựng vì lợi ích tối cao của người dân”[43] - như được ghi trong Điều I Hiến pháp Ukraine năm 1996.
Ukraine chiếm 1% diện tích đất đai thế giới, nhưng ở đó tập trung 5,2% trữ lượng tài nguyên thiên nhiên thế giới - điều này cho phép Ukraine phát triển nền kinh tế, gia tăng tài sản quốc gia và tăng trưởng GDP ngang hàng với những đất nước phát triển trong top 20 quốc gia hàng đầu thế giới. Với ưu thế địa kinh tế, địa – chính trị, người dân Ukraine có đầy đủ khả năng và điều kiện để sống một cuộc sống tốt hơn 5 lần so với người dân các nước trung bình trên thế giới. Nhưng trên thực tế, bức tranh kinh tế, chính trị - xã hội Ukraine lại hết sức ảm đạm: Thâm hụt đáng kể ngân sách nhà nước (vào khoảng 6% GDP, tương đương 11 tỷ USD), thiếu tiền chi trả phúc lợi xã hội, tham nhũng trong mua sắm công, tổng số nợ nước ngoài của Ukraine là 140 tỷ USD (tương đương khoảng 80% GDP, trong đó, nợ ngắn hạn là 65 tỷ USD, gấp 4 lần dự trữ vàng của Ukraine)[44] Dưới sự thao túng, lũng đoạn và đầu cơ chính trị của những tập đoàn tài chính - công nghiệp, Ukraine “vinh hạnh” trở thành “một trong năm quốc gia có nền kinh tế tồi tệ nhất (theo xếp hạng của tạp chí Forbes)”[45], đứng ở vị trí thứ 78/187 quốc gia và vùng lãnh thổ về chỉ số phát triển con người (HDI)[46]; quy mô kinh tế Ukraine chỉ được xếp hạng 137 trên toàn thế giới, sau cả những quốc gia như El Salvador, Namibia hay Guyana[47]. Về trình độ phát triển, Ukraine được Liên Hợp Quốc xếp vào vị trí 139/160 quốc gia và vùng lãnh thổ khảo sát[48] (trong khi năm 1989, Ukraine đứng ở vị trí thứ 8); các thiết chế kinh tế và chính trị (đặc biệt là hệ thống pháp lý) còn nhiều hạn chế, có khoảng cách tương đối xa với tiêu chuẩn châu Âu; chưa có tự do truyền thông và tồn tại không ít các rào cản đối với xã hội dân sự. Ukraine vẫn là một chính thể mong manh, chia rẽ giữa người nói tiếng Nga và người nói tiếng Ukraine.
Cuộc khủng hoảng Ukraine bùng phát và đi đến bước ngoặt mang tính cao trào là kết quả tác động phức hợp của một loạt nhân tố bên trong và bên ngoài. Tổng thống Belarus A Lukashenko nhận định: “Nguyên nhân chính cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở Ukraine bắt đầu từ sự sụp đổ của nền kinh tế và tham nhũng khủng khiếp – đó là hai lý do chính phá hủy Nhà nước"[49]. Trên một góc nhìn khác, cựu Tổng thống Gruzia Mikheil Saakashvili[50] gọi cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine là "cuộc cách mạng địa chính trị đầu tiên của thế kỷ XXI",  một sự kiện có “quy mô siêu quốc gia”, mà bản chất của nó phản ánh “cuộc đấu tranh giữa hai ý thức hệ, hai thế giới và hai lối sống - nền dân chủ độc lập của phương Tây và thế giới Nga của Putin[51]. Theo một cuộc thăm dò dư luận, chỉ có 5% người biểu tình trên quảng trường Độc lập có mặt vì các lãnh tụ đối lập kêu gọi họ tham gia, phần lớn người có mặt trên quảng trường này với lý do riêng của mình[52].
22 năm đã qua từ thời khắc tuyên bố độc lập (1991), Ukraine vẫn chưa tìm thấy chính mình, vẫn chưa tìm được hướng đi thực sự của mình. Các nhân vật tiêu biểu cho các xu hướng chính trị khác nhau thay nhau nắm quyền đã thất bại trong việc đối mặt với những thách thức biến mình thành một đất nước hoàn toàn châu Âu được đo bằng sự ổn định và thịnh vượng, đã không thể vực dậy và phát triển một đất nước giàu tiềm năng[53], đã bỏ lỡ không ít cơ hội xác định con đường phát triển bền vững cho đất nước trên trục Đông - Tây. Người dân Ukraine vẫn chờ đợi, đòi hỏi những thay đổi căn bản. Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine từ cuối năm 2013 vắt sang đầu năm 2014 là bản tuyên cáo về những bức xúc, thất vọng và phản kháng của người dân Ukraine đối với bất ổn xã hội mang tính nội tạibất ổn vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Đó là cuộc đấu tranh vì công bằng xã hội, phẩm giá con người, vì những điều kiện sống mang tính người. Nói cách khác, Ukraine không thể mãi cam chịu đói nghèo, không thể sống chung với tham nhũng, không thể sống thiếu nhân quyền, không thể trở thành con rối trong tay người khác, không thể để lân bang quyết định số phận. Khi lòng dân đã quyết, khi nhân dân nổi giận, khi phẫn nộ xã hội trào dâng, khi lương tri lên tiếng, sóng ngầm trở thành thác lũ, gió trở thành bão dông, cuốn phăng, nhấn chìm những trở lực phát triển. Phân tích “cơn địa chấn” Ukraine
Tuy nhiên, điều quan trọng là ở chỗ, không phải khởi đầu sự việc thế nào, mà là kết thúc nó ra sao - trên định đề đó, Ukraine phải tự nắm lấy vận mình của mình – phải trở thành dân tộc với đúng nghĩa của nó, phải mạnh lên, độc lập và tự chủ. “Chỉ có một cách để thay đổi tình hình là tiến vào chính trị và thay đổi mọi thứ từ bên trong”[54]. Để làm được như vậy, Ukraine có nhiều công việc cần bắt đầu, song dù khó khăn đến mấy cũng phải bắt đầu và bắt đầu từ chính mình. Một nước Ukraine đồng thuận, biết mình, hiểu người, có điểm tựa từ chính dân tộc là con đường tin cậy dẫn đến tương lai.
  “Mọi sự so sánh đều là khập khiễng” - đó là chân lý, song từ cuộc “khủng hoảng Ukraine” cũng như từ sự sụp đổ, tan rã của những hệ thống, thể chế chính trị, kinh tế - xã hội khác nhau trên thế giới, mỗi quốc gia đều có thể thâu nhận những điều bổ ích. Trên cơ sở lý thuyết đó, từ “khủng hoảng Ukraine”, có thể lựa chọn hai phương diện soi chiếu đối với Việt Nam: Vấn đề bất ổn xã hộiquan hệ lân bang.
Bất ổn xã hội ở Việt Nam (hay khủng hoảng xã hội), nhìn một cách thẳng thắn đang lộ rõ trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội…
Việt Nam bắt đầu công cuộc đổi mới từ năm 1986, khoảng 20 năm liên tiếp là một trong số ít nước có tăng trưởng kinh tế khá cao và ổn định xã hội tại khu vực. Đổi mới đã cứu Việt Nam khỏi sự sụp đổ, song sau một thời gian ổn định ngắn hạn, hiện kinh tế - xã hội Việt Nam lại đang đứng trước một khúc quanh mới, nguy hiểm hơn nhiều phần so với trước Đổi mới: Khối nợ xấu khổng lồ có thể lên đến trên 500.000 tỷ đồng; nợ công quốc gia có thể lên đến 95-106% GDP (theo tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc); 100.000 doanh nghiệp phải giải thể, phá sản, chiếm khoảng 18-20% tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động[55]. Toàn bộ nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng kiệt quệ, “với vòng quay vốn chỉ còn 0,8 lần (năm 2013) so với hơn 2 lần vào những năm 2007-2008. Sức mua của xã hội giảm sút đột ngột và đẩy nhanh nguồn cầu vào tình thế bán phá giá”[56]. Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống với trên 70% dân số làm nông nghiệp, chiếm hơn 72% lực lượng lao động, tổng giá trị nông nghiệp chiếm 20% GDP, song người nông dân Việt Nam lại là nhóm dân cư dễ bị tổn thương nhất. Mức đầu tư của Nhà nước cho nông thôn chỉ mới chiếm 14% tổng đầu tư; đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này không đáng kể (3% tổng đầu tư FDI cả nước) và chỉ chiếm  17% tổng dư nợ cho vay của hệ thống tín dụng[57]. Việt Nam cũng chưa chú trọng đầu tư cho khoa học – công nghệ trong nông nghiệp (mức đầu tư chỉ là 0,13% GDP, trong khi các nước khác tỷ lệ này là 4%[58]), nên đến nay, 90% sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vẫn còn được bán ra ở dạng thô và 60% sản phẩm có chất lượng thua kém nhiều nước trong khu vực, bị bán ép giá (giá thấp) trên thị trường thế giới. Thuế nông nghiệp đang là một trong những bất cập chính sách - tính tất cả các khoản thuế, phí và nghĩa vụ, người nông dân phải đóng lên đến hơn 40 loại khác nhau[59]. Hiện nay, một trong những nổi cộm của nông thôn Việt Nam là vấn đề đất đai: Mất đất, chiếm đất núp dưới vỏ bọc chuyển đổi mục đích sử dụng đang đẩy tỷ lệ khiếu kiện và dân oan lên mức báo động. Mỗi năm, Việt Nam có gần 200.000 ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi mục đích sử dụng, tương ứng mỗi hộ có khoảng 1,5 lao động mất việc làm. Bên cạnh đó, trung bình mỗi hécta đất nông nghiệp bị thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp; từ năm 2000 đến 2006, do thực hiện thu hồi đất đã có khoảng 2,5 triệu nông dân trên cả nước bị ảnh hưởng[60]. Hiện Việt Nam chỉ có 7 triệu ha diện tích đất canh tác, tương đương nhu cầu tối đa là 19 triệu lao động - so với 25,6 triệu lao động đang sống trong khu vực nông nghiệp, còn dư 6,6 triệu (hàng năm, Nhà nước chỉ có thể tạo việc làm cho khoảng 800 nghìn lao động)[61].
Bên cạnh các vấn đề kinh tế, ở Việt Nam, khủng hoảng đang diễn ra trên một loạt chiều cạnh xã hội. Bộ máy công quyền đáng ra phải hoạt động vì dân, đại diện cho nhân dân, song đại bộ phận cán bộ của bộ máy đang hàng ngày, hàng giờ biến quyền lực do nhân dân ủy quyền/giao quyền thành công cụ, phương tiện phục vụ mục đích cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thừa nhận: 1- Tình trạng “quan liêu, tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp”[62], “tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên”[63]; 2- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước “chưa tập trung, kiên quyết, dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương không nghiêm (...)  tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu”[64]. Tuy nhiên, sự thừa nhận đó còn “khiêm tốn”, bao biện, thiếu thẳng thắn. Trong thực tiễn chính trị - xã hội Việt Nam, quan liêu, tham nhũng, lộng quyền đã trở thành "ung nhọt", là thứ vi trùng nguy hiểm, độc hại len lỏi vào bộ máy nhà nước, từng ngày, từng giờ giết chết năng lực quản lý, biến quyền lực nhân dân giao phó thành vũ khí chống nhân dân. Cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đặc biệt tình trạng pháp quyền (lập pháp, hành pháp, tư pháp) vẫn tồn tại không ít “kẽ hở”, “lỗ hổng”, chưa đóng vai trò thực sự điều chỉnh hành vi, nhận thức của xã hội, cá nhân và tổ chức, chưa làm tròn vai trò phản tỉnh đối với xã hội. Bên cạnh đó, tính thượng tôn của pháp luật không được đảm bảo đầy đủ. Thượng tôn pháp luật không đơn thuần là tôn trọng, đề cao pháp luật, mà còn là yêu cầu về một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh với quyền lực của pháp luật là tối thượng, bất phân thân sơ, bất phân địa vị, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật… đang là một thách thức của hệ thống chính trị Việt Nam.
Một trong những hiện tượng xã hội nhức nhối là vấn nạn tham nhũng - tham nhũng ở Việt Nam hết sức đa dạng về loại hình, mang nhiều sắc thái, mức độ, xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, trong đó đặc biệt phải kể đến sự yếu kém của thể chế, sự thiếu cương quyết/thiếu quyết tâm, tính nửa vời trong phòng chống tham nhũng của chính quyền – nhà nước. Hình thức, mức độ cũng như hệ quả khủng khiếp và ghê gớm nhất chính là tham nhũng theo nhóm – nhóm lợi ích. Các nhóm lợi ích đặc quyền, đặc lợi (còn được gọi là “nhóm thân hữu”) đã hình thành có tổ chức, bành trướng thế lực, thao túng và độc quyền trong một số lĩnh vực, đặc biệt là chính trị và kinh tế, thương mại hóa quyền lực chính trị. Một hình thức phổ biến của nhóm lợi ích kiểu này là những công ty "sân sau" của các công ty Nhà nước hoặc cổ phần Nhà nước, hoặc những tập đoàn độc quyền. Những nhóm lợi ích câu kết với các cấp ra chính sách, tác động đến quá trình hoạch định chính sách, lũng đoạn những lĩnh vực kinh tế trọng yếu (bất động sản, tài nguyên, ngân hàng, tài chính…) đang phân chia của cải, lợi nhuận, làm nghèo đất nước, ảnh hưởng trực tiếp đến phân phối lợi ích công bằng cho các thành phần trong xã hội, nhất là đối với các nhóm xã hội yếu thế, làm nảy sinh và trầm trọng thêm bất công, bất bình đẳng, làm méo mó quan hệ xã hội, làm tăng khoảng cách giàu nghèo và gây bất ổn xã hội. Sự thao túng kinh tế - xã hội ngày càng trắng trợn của các nhóm thân hữu không chỉ gây tổn hại lợi ích của số đông, lợi ích quốc gia, để lại những thiệt hại vật chất cho xã hội, mà còn làm xói mòn lòng tin mỏng manh của nhân dân, đẩy nhân dân đứng đối lập với Nhà nước.
Việt Nam đã ra khỏi cuộc chiến tranh Mỹ - Việt gần 40 năm, do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc hòa hợp, hòa giải dân tộc một cách thực sự vẫn chưa đi được quãng đường bao xa. Vẫn còn đó những lằn ranh giữa người bên này và bên kia chiến tuyến, vẫn còn đó vết sẹo tinh thần và đạo đức từ một quá khứ chưa hoàn toàn khép lại. Chia rẽ, oán hận, hố sâu tư tưởng, phân hóa và những trói buộc tâm thức thời hậu chiến đang làm yếu dân tộc, cản trở tiến trình hòa hợp một Việt Nam đương đại.
Việt Nam hiện thời đang đứng trước cuộc khủng hoảng giá trị, tha hóa xã hội, khi bệnh hình thức, thành tích và giả dối tràn lan trong các báo cáo, trên báo chí, trên các diễn đàn các cấp (nhất là cấp cao), len lách trong mọi ngóc ngách xã hội… Chủ nghĩa vật chất đã tạo ra những lỗ hổng tinh thần, xã hội bất lực trong việc giữ gìn, truyền bá các hệ thống giá trị về sự khoan dung, về đức hy sinh, về lòng nhân ái, về tình người... để tạo ra gắn bó xã hội, ngăn chặn chia rẽ, bạo lực. Nên nhớ rằng, mô hình Xô-viết không chỉ bị đánh bại trên bình diện kinh tế - xã hội, nó bị đánh bại ngay trên bình diện văn hóa – đạo đức, nhân dân Liên Xô “đã bác bỏ mô hình ấy trên bình diện văn hóa vì nó không tôn trọng con người, nó đàn áp con người về mặt ý thức lẫn chính trị”[65], họ muốn thoát khỏi những ươn hèn, sợ hãi, thoát khỏi “bãi sình lầy tinh thần”, thoát khỏi các tiến trình phi luân/phi nhân đang giết dần phẩm giá và nô dịch tư tưởng con người “để trở thành công dân tự hào của một đất nước tự hào”[66].
Về tổng thể, những thách thức từ tái cân bằng kinh tế, thu hẹp khoảng cách thành thị – nông thôn, đối phó với biển đổi khí hậu, thất nghiệp, tham nhũng, thích ứng với sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu, nâng cao đạo đức xã hội, xây dựng đời sống tinh thần… là những “căn bệnh nan y” của xã hội Việt Nam hiện tại, link tới một cuộc khủng hoảng tín nhiệm xã hội ngày càng phát triển phức tạp, nếu không có những cải cách thích hợp, đột phá,  Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam sẽ mất dần quyền kiểm soát, cũng như sự tín nhiệm ít ỏi sót lại,  còn xã hội thì tiếp tục tích tụ những mâu thuẫn gay gắt chờ ngày bùng phát.
Về phương diện địa - chính trị, Việt Nam có người láng giềng Trung Quốc với quan hệ bang giao cực kỳ phức tạp, không ít khúc mắc, bất hoà, vừa có thảm kịch tan nát liên minh, vừa có nỗ lực tái lập bang giao.... Nhìn chung, các thể chế Nhà nước của Việt Nam từ xưa đến nay đều đặt vấn đề ứng xử với Trung Quốc là một trong những mối quan tâm hàng đầu. Thực tế lịch sử cũng cho thấy, thời kỳ nào Việt Nam có nhận thức và xử lý quan hệ với Trung Quốc một cách hợp lý, xử lý tốt quan hệ với Trung Quốc trong mối liên hệ với các quan hệ song phương và đa phương khác, thì Việt Nam tạo lập được môi trường quốc tế thuận lợi, đảm bảo an ninh, hoà bình cho sự phát triển của đất nước.
Đối với chiến lược phát triển xuống phía Nam của Trung Quốc, Việt Nam được xác định là một mắt xích trọng yếu. Việt Nam có vị trí địa - chính trị thuận lợi trên con đường Trung Quốc dịch chuyển, mở rộng ảnh hưởng tới khu vực Đông Nam Á - địa bàn ảnh hưởng cổ truyền của Trung Quốc với sự hiện diện của 23 triệu kiều dân Trung Hoa. Với Trung Quốc, một khu vực Đông Nam Á lỏng lẻo, một Đông Dương chia rẽ và một Việt Nam không lớn mạnh là những điều kiện thuận lợi, đảm bảo cho Trung Quốc thực hiện chiến lược hướng Nam. Trung Quốc chủ trương sử dụng thuyết "biên giới mềm", biến Việt Nam thành thị trường tiêu thụ hàng hóa Trung Quốc; đồng thời, tăng cường ảnh hưởng kinh tế, văn hóa lên xã hội Việt Nam; tác động vào giới lãnh đạo Việt Nam, vào bộ máy hoạch định chính sách, giữ Việt Nam trong tầm ảnh hưởng và lái Việt Nam thuận theo Trung Quốc. Quan hệ Việt - Trung là mối quan hệ luôn tiềm ẩn những nguy cơ  khi Trung Quốc “dựa vào cơ sở lịch sử mơ hồ của đế chế đã chết từ lâu, đang đặt cược việc tuyên bố chủ quyền ở biển Đông trong khi vi phạm toàn bộ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển”[67]. Đây quả là một áp lực lớn đối với Việt Nam, khi buộc phải đối diện với một láng giềng tham vọng, luôn coi biển Đông là “ao sau nhà mình”, là không gian và cương vực sinh tồn cần cưỡng đoạt, cưỡng chiếm. Tồn tại bình yên bên cạnh một quốc gia như vậy là một thách thức to lớn, thách thức ấy sẽ càng trở nên to lớn hơn, khi Nhà nước hoặc chậm chễ, hoặc không đồng hành cùng nhân dân để hình thành một trận tuyến chung bảo vệ độc lập và chủ quyền quốc gia dân tộc.
Nhận chân hiện trạng Việt Nam trên những điểm, diện và góc độ khác nhau một cách đầy đủ không phải để kêu ca, thụ động hoặc rơi vào bế tắc. Nhận chân hiện thực là để nỗ lực hành động, hành động đúng đắn, tỉnh táo, quyết liệt với lương tri và trách nhiệm. Cuộc khủng hoảng Ukraine đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo đa nghĩa và đa chiều; trong đó, hàng đầu nổi lên vấn đề nhân dân –một khi nhân dân thức tỉnh, một khi nhân dân nổi giận, một khi nhân dân đồng thuận, một khi ý thức dân tộc thôi thúc, một khi khao khát khẳng định bản sắc/bản ngã dâng trào, sẽ chẳng có một sức mạnh nào có thể ngăn trở hay khuất phục họ trên con đường đi tìm lại mình. 


[1] Ukraine giáp với Liên bang Nga về phía Đông, giáp với Belarus (Bạch Nga) về phía Bắc, giáp với Ba Lan, SlovakiaHungary về phía Tây, giáp với Romania, Moldova về phía Tây Nam và giáp với Biển ĐenBiển Azovvề phía Nam. Thành phố Kiev là Thủ đô của Ukraine.
[2] Từ thế kỷ thứ IX sau công nguyên đến thế kỷ thứ XII, Nhà nước Rus Kiev - trung tâm của nền văn minh Đông Slavo tồn tại hùng mạnh và phát triển rực rỡ. Sau đó, Rus Kiev bị đế quốc Mông Cổ (thời kỳ Thành Cát Tư Hãn) xâm chiếm và chịu cảnh nô lệ suốt nhiều thế kỷ. Khi Mông cổ suy yếu, lãnh thổ của Ukraine bị xâu xé bởi nhiều thế lực châu Âu mạnh hơn (Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga). Đến thế kỷ IX, nước Nga Sa hoàng trỗi dậy, đánh bại hai “kỳ phùng địch thủ” Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ - lúc này, hầu hết lãnh thổ của Ukraine thuộc về Đế chế Nga. Năm 1922, Ukraine trở thành một trong 15 nước cộng hòa theo thể chế xã hội chủ nghĩa thuộc Liên bang Xô-viết, là nước lớn sau nước Nga trong Liên bang
[3] Tổng thống do dân bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Một người không được làm Tổng thống quá 2 nhiệm kỳ liên tục. Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất, được bầu trực tiếp với nhiệm kỳ 5 năm. Chính phủ là cơ quan hành pháp được Tổng thống lập ra với sự thông qua của Quốc hội. Hiến pháp sửa đổi năm 2011 trao thêm quyền cho Tổng thống, trong đó có quyền giải tán Quốc hội trước thời hạn. Năm 1996, đồng tiên riêng của Ukraine - đồng Griva được đưa vào lưu thông.
[4] Sau cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử tổng thống tháng 12-1991, Leonid Kravchuk trở thành Tổng thống đầu tiên của quốc gia độc lập Ukraine hậu Xô viết. Năm 1996, cuộc bầu cử tổng thống đưa Leonid Kuchma đứng vào vị trí quyền lực cao nhất của nước Ukraine. Năm 2004, Viktor Yanukovich đắc cử Tổng thống sau một cuộc bầu cử bị cáo buộc là gian lận và cuộc “cách mạng Cam” diễn ra, Viktor Yushchenko (khi đó đang là Thủ tướng) trở thành Tổng thống thứ ba của Ukraine, Yulia Tymoshenko được chọn vào vị trí Thủ tướng. Năm 2010, Viktor Yanukovich tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2010-2015.
[5] Бедность на Украине, Жур. Вопросник, 26-12-2014.

[6]Глубина трагедии, ХайВей, 2 июля 2010.

[7] Александр Огородников: Геноцид народа Украины 1991- 2009 гг, Proza.ru, 2-10-2009.

[8] Я.Н. Карачевцев: Дело по геноциду 1991-2009 гг,  ХайВей,  02-04-2012. “Nạn đói tiềm ẩn” dùng để chỉ nạn đói không mang tính định lượng, nhưng là tình trạng thiếu đói mang tính định tính, khi con người không nhận đủ các protein, các khoáng chất, vitamin cần thiết, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ thể.

[9]Официальный уровень безработицы в Украине в прошлом году составил 8,1%, Жур. Единна Украина, 29 марта 2013.

[10] Политический кризис может спровоцировать рост уровня безработицы в Украине до 20% - эксперт,  Жур. Единна Украина, 4 февраля 2014.

[12] Виктор Сидорченко:  Аграрно-промышленный комплекс в Украине просто разгромил, Еженедельник 2000, 14-3-2008.
[13]Анастасия Зануда: Имущественное неравенство в Украине: хуже, чем на "Диком Западе", ВВС Украина, 14 февраля, 2012.

[14] Владимир Мавеев: Кто и как грабит Украину, Курсом правда и Единнения, 1-2014.

[15]Анастасия Зануда: Имущественное неравенство в Украине: хуже, чем на "Диком Западе", Указ. Соч.

[16] Putin sợ những gì đang diễn ra ở Ukraine, VnEconomy, 4-3-2014.

[17] Юлия Рябчун: O взятках несчастье, Газета "Коммерсантъ Украина", №64 (1554), 18.04.2012.
[18] Юлия Рябчун: O взятках несчастье, Указ. Соч.
[19] Юлия Рябчун: O взятках несчастье, Указ. Соч.
[20] Юлия Рябчун: O взятках несчастье, Указ. Соч.

[21] Украина в лидерах по уровню коррупции, Личный свет, 3 Декаaбрь 2013.

[22] Ицхак Адизес: Нигде не встречал такой вопиющей коррупции, как на Украине, BFM.RU, 27-2-2014.

[23] Tập đoàn Naftogaz của Ukraine là gánh nặng cho ngân sách, một cơ cấu cồng kềnh không minh bạch. Tập đoàn đang kiểm soát một dòng tiền rất lớn. Trên thực tế Naftogaz gần như một bộ tài chính. Ba hoạt động chính của Naftogaz - sản xuất, vận chuyển và bán khí đốt trên thị trường trong nước được phân chia cho một số nhóm lợi ích. 

[24] Как "Семья Януковича" обокрала украинский бюджет, newsfiber.com, 17-12-2013.

[25] Виталий Кличкo: Как Янукович грабит Украину, Bild.de, 15-2-2014.
[26] Виталий Кличкo: Как Янукович грабит Украину, Указ. Соч.
[27] Золото партий, Корреспондент, №32, 17 августа 2012.
[28] Theo tạp chí Forbes, Rinat Akhmetov là một trong số những người giàu nhất Ukraine với trị giá tài sản là 25,6 tỷ USD. Cũng theo tạp chí Forbes, trong thứ hạng những người giàu nhất hành tinh, Rinat Akhmetov xếp thứ 39 (Nguồn: Владимир Мавеев: Кто и как грабит Украину, Курсом правда и Единнения, 1-2014).
[29] “Khủng hoảng tín nhiệm xã hội” có nghĩa là chính quyền không nhận được sự tín nhiệm của người dân, một bộ phận quần chúng nhân dân cho rằng chính quyền không thể hiện được ý chí của họ. Một cuộc khủng hoảng tín nhiệm xã hội sẽ gây ra sự nhiễu loạn về tư tưởng, gây mất niềm tin của dân chúng , có thể dẫn đến khủng hoảng chính trị.

[30] Государство поддерживает социальное неравенство в Украине, NEWSru.ua, 14-3-2009.

[31] Wolczuk R: Ukrainian Foreign and Security Policy: Theoretical and Comparative Perspectives, Europe-Asia Studiesk, Vol 56, No2 (Mar., 2004), p.322.

[32]Walter Laqueur:  After the Fall: Russia in Search of a New Ideology, World Affais, March-April 2014.

[33] V. Putin nhiều lần phát biểu: “Ai không hối tiếc sự ra đi của Liên Xô là không có con tim; ai muốn đưa Liên Xô trở lại là không có khối óc” (Nguồn: The long life of Homo sovieticus, The Economist, 10-12-2011). Hiện nay, Putin chỉ đạo viết lại một bộ sách giáo khoa lịch sử dùng để giảng dạy trong hệ thống giáo dục nước Nga trên tinh thần mạnh mẽ tuyên truyền, cổ vũ lòng yêu nước và đánh giá tích cực về thời kỳ Liên Xô cũ. Quan điểm chính thức của Chính phủ Nga là: Thắng lợi chủ yếu của nước Nga trong thế kỷ XX chính là thắng lợi trong Đại chiến thế giới thứ hai. Lịch sử thực sự của nước Nga không phải là đại thanh trừng hay trại cải tạo. Việc khôi phục lại sự nhìn nhận công lao của Stalin chính là sự nhấn mạnh chiến thắng của Nga trong Đại chiến thế giới hai – đó là con đường theo Putin quan niệm, thông qua lịch sử để phục hưng dân tộc Nga.
[34] Jamie Metzl: Back to the Future in Ukraine and Asia, Project-syndicate, Mar 10, 2014.
[35] Jamie Metzl: Back to the Future in Ukraine and Asia, Ibid.
[36] Năm 2006, Moscow cấm nhập khẩu rượu vang và nước khoáng của Georgia khi Tổng thống Georgia Mikhail Saakashvili yêu cầu Nga rút quân. Nga đã đóng một đường ống dẫn dầu sang Lithuania có ý nghĩa quan trọng về chiến lược, chỉ vì chính quyền ở Vilnius dự định bán một nhà máy lọc dầu lớn cho Warsaw (Ba Lan) thay vì cho Moscow. Khi Cộng hòa Moldova dự định ký các hiệp định liên kết với Liên hiệp Châu Âu, Moscow đột ngột thông báo với Moldova rằng Moldova không còn được xuất khẩu rượu vang sang Nga. Moscow cũng nhắc nhở chính phủ Moldova rằng hàng trăm ngàn người Moldova đang kiếm sống ở Russia và gần 200.000 người trong số đó không có giấy phép cư trú hợp lệ nên có thể bị trục xuất. Trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius, thủ đô Lithuania, nơi ít nhất có Ukraine, Georgia và Moldova dự định ký các hiệp định liên kết với Liên hiệp Châu Âu, Moscow đã tẩy chay các sản phẩm sữa của Lithuania (Nguồn: Christian Neef & Matthias Schepp: Maintaining Russian Power – How Putin Outfoxed the West, Der Spiegel, 16-12-2013).
[37] Về chính trị, và một phần do sản phẩm xuất khẩu chính của Ukraine là những thứ mà các nước EU đang dư thừa (nông sản, thép),
[38] Nancy Popson: Where does Europe end? The Wilson Quarterly, Vol 26, No 3 (Summer 2002), p. 13.
[39] EU đặt điều kiện ký kết các hiệp định thương mại tự do và hỗ trợ tài chính để đổi lại các cải cách trong hệ thống luật pháp, luật bầu cử, truyền thông, thực hiện các cải cách kinh tế, cải cách tiền lương và phúc lợi xã hội. Vào giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán, thay vì ngỏ ý tài trợ nhiều hơn và hứa hẹn triển vọng rõ ràng hơn về việc Ukraine gia nhập Liên hiệp châu Âu, EU lại yêu cầu Ukraine thả cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đang bị cầm tù.
[40] Christian Neef & Matthias Schepp: Maintaining Russian Power – How Putin Outfoxed the West, Der Spiegel, 16-12-2013.
[41] V.Putin cử cố vấn kinh tế của mình Sergei Glazyev sang Ukraine làm thuyết khách trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Vilnius.
[42] Giữa tháng 12-2013, tại Moscow, lãnh đạo Ukraine và Liên bang Nga ký kết thỏa thuận, theo đó, Nga đồng ý chi 15 tỷ USD để mua trái phiếu của Ukraine và giảm giá gas tới 1/3.
[43] Конституция Украины, Ведомости Верховной Рады Украины (ВВР Украины), 1996, № 30, с. 141.
[44] Внешний долг Украины достиг 140 млрд долларов, VES(ТОЧКА)LV, 28-02-2014.

[45] Владимир Мавеев: Кто и как грабит Украину, Указ. Соч.

[46] Исследования бедности в Украине, Пропаганда, 23-10- 2013.
[47] The Decay of Corruption and Economic Failure Sparked Revolt in Ukraine, Peace and Freedom, 15-3-2014.

[49] Лукашенко: причиной политического кризиса в Украине стала коррупция, Новая гзета, 11.03.2014.

[50] Mikheil Saakashvili từng là Tổng thống Gruzia nhiệm kỳ 2004 – 2013. Khi đương quyền, Mikheil Saakashvili được biết vì dám đối đầu quân sự với Liên bang Nga, dẫn tới sự kiện Chiến tranh Nam Ossetia (2008).

[51] В Киеве началась первая геополитическая революция XXI века, День Kiev.ua, 14-3-2014.

[52]  Christian Neef and Matthias Schepp, Maintaining Russian Power – How Putin Outfoxed the West, Der Spiegel, 16-12-2013
[53] Ukraine có 48 triệu dân sống trên đất nước 600,000 km2 (gấp hai lần Việt Nam, là nước có diện tích lớn nhất khu vực châu Âu). Ukraine có đất đai phì nhiêu từng được coi là vựa lúa mì châu Âu đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu bột mì. Vào thời điểm tuyên bố độc lập, Ukraine có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sản phẩm công nghiệp, nông nghiệp tính theo đầu người cao nhất trong số các nước thuộc Liên Xô cũ, chiếm khoảng 5% sản phẩm công nghiệp của thế giới. Ukraine đứng thứ nhất thế giới về tài nguyên khoáng sản (45% sản lượng tài nguyên thế giới). Ukraine đứng vị trí thứ 6 thế giới về sản lượng sắt thép và công nghiệp mỏ, khai khoáng. 40% sản lượng quặng măng gan của thế giới nằm ở Ukraine. Ukraine có dân trí cao, có lực lượng vũ trang và công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, không có xung đột chủng tộc, dân tộc, tôn giáo.

[54] Putin sợ những gì đang diễn ra ở Ukraine, VnEconomy, 4-3-2014.

[55] Phạm Chí Dũng: Liệu sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Việt Nam? Tạp chí Thời đại mới, số 28/tháng 8-2013.
[56] Phạm Chí Dũng: Liệu sẽ xảy ra khủng hoảng kinh tế dẫn đến khủng hoảng chính trị ở Việt Nam? Tlđd.
[57]Trịnh Ngọc Lan: Nông nghiệp thiếu vốn để phát triển, Vietnamnet, ngày 5-8-2008.
[58]Nguyễn Minh Phong: Để thúc đẩy thị trường tín dụng nông thôn, Cổng thông tin điện tử chính phủ VGP, Mgov.vn, 22-10-2010.
[59] Một hạt thóc cõng 49 loại phí, Sài Gòn giải phóng online, 13-7-2007.
[60] Lan Hương: Người nông dân bị thu hồi đất: Cần được chia sẻ giá cơ hội?, Saifgon online, ngày 27-09-2008.
[61] Đinh Quang Hà: Vai trò của di dân nông thôn- đô thị đối với phát triển kinh tế hộ gia đình ở nông thôn, Tổng cục Thống kê- kế hoạch hóa gia đình, http://www.gopfp.gov.vn.
[62] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 172.
[63] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 173.
[64] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr. 179.

[65]Leon Aron: Everything You Think You Know About the Collapse of the Soviet Union Is Wrong, Foreign Policy,  July/August 2011.

[66]Leon Aron: Everything You Think You Know About the Collapse of the Soviet Union Is Wrong, Ibid.

[67] Jamie Metzl: Back to the Future in Ukraine and Asia, Ibid.                                          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!