Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

LIÊN XÔ VỚI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM (1946-1954)

Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, hưởng niềm vui độc lập chưa trọn, Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã phải đối diện với cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương của Pháp. Tháng 12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với phương châm "ngoại giao là làm cho nước mình ít kẻ thù và nhiều bạn đồng minh hơn hết"[1], Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nỗ lực mở cánh cửa ra thế giới, tìm kiếm sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ, dân chủ, đặc biệt là của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, đó là một quá trình không hề đơn giản, dễ dàng.

1- Những ủng hộ đầu tiên
Xác định ủng hộ của Liên Xô đối với sự tồn vong của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là hết sức quan trọng, chỉ một thời gian ngắn sau khi giành độc lập, Đảng Cộng sản Đông Dương đã tìm cách liên lạc với Liên Xô, song không thành công[2]. Từ năm 1946 trở đi, Moscow thiết lập những  kênh liên lạc riêng để tiếp nhận tin tức về Việt Nam. Tháng 10-1946, một Phái bộ Xô-viết đã đến Sài Gòn, đứng đầu là Đại tá Dubrovin[3]. Về chính thống, nhiệm vụ của Phái bộ là tổ chức hồi hương các tù binh và những người xuất thân từ Liên Xô đang hiện diện ở Đông Dương tại thời điểm đó, nhưng một thành viên của phái đoàn đã bí mật đến dự cuộc họp của những người cộng sản Việt Nam tại Chợ Lớn. Phát biểu tại cuộc họp, phái viên này nói rằng mục đích thực sự của phái đoàn là nắm bắt tình hình và tâm trạng của các tầng lớp cư dân xứ Đông Dương, chuẩn bị cho việc trong tương lai gần sẽ mở tại Việt Nam một cơ quan đại diện ngoại giao của Liên Xô. Song trên thực tế, phái đoàn Xô-viết đã không bắt liên lạc với Chính phủ Hồ Chí Minh[4].
Từ năm 1947 đến năm 1948, bắt đầu những tiếp xúc bí mật của Liên Xô với đại diện chính thức của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Thailand và Paris. Một trong những cuộc gặp quan trọng của phía Việt Nam với Liên Xô là giữa Phạm Ngọc Thạch và Đại sứ Liên Kolazenkov tại Thụy Sĩ (9-1947). Theo Christopher E. Goscha, trong lúc trao đổi, Phạm Ngọc Thạch đã khôn khéo giải thích với Kolazenkov hai vấn đề vốn gây những nghi ngại, hiểu lầm cho lãnh đạo Liên Xô về tình hình Việt Nam: Việc giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương (11-1945) và sự tiếp xúc của lãnh đạo Việt Nam với người Mỹ qua tổ chức OSS[5]. Nhìn chung, trong các cuộc gặp gỡ, hai bên chủ yếu thăm dò, tìm hiểu lẫn nhau. Moscow tìm cách xác minh xem ai là người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương và ban lãnh đạo Việt Nam Dân chủ cộng hòa gắn bó với hệ tư tưởng cộng sản sâu sắc đến đâu, còn Việt Nam cố gắng tranh thủ viện trợ quân sự và tài chính từ Liên Xô. Đại diện Liên Xô thường xuyên nhắn nhủ để Việt Nam hiểu rằng, chỉ sau chuyến thăm tới Moscow của một trong những nhà lãnh đạo Việt Nam Dân chủ cộng hòa, hoặc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, mới có thể tổ chức những cuộc đàm phán thực chất.
 Dù chưa lập quan hệ ngoại giao chính thức, Liên Xô vẫn trợ giúp tài chính cho phái đoàn Việt Nam ở Bangkok và lên tiếng ủng hộ Việt Nam. Liên Xô tuyên truyền cho hoạt động ngoại giao của Chính phủ Hồ Chí Minh và cho Hiến pháp của Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Liên Xô in ấn nhiều ấn phẩm về Đông Dương và Việt Nam, giúp nhân dân Xô-viết hiểu thêm về lịch sử, đất nước, con người và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam. Khi nước Pháp tiến hành cuộc chiến tranh tái chiếm Đông Dương, xâm lược Việt Nam lần thứ hai, Chính phủ Liên Xô lên tiếng phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, kêu gọi đi đến giải pháp cho cuộc xung đột, nêu rõ cần có một hành động cấp tốc giải quyết vấn đề thuộc địa, tổ chức chế độ kiểm soát quốc tế... Những hoạt động không chính thức kể trên có tác dụng nhất định trong tiến trình các sự kiện ở Đông Dương.
Tháng 12-1947, Phạm Ngọc Thạch gửi đến Đảng Cộng sản Liên Xô Báo cáo “Về tình hình Đảng Cộng sản Đông Dương”, trong đó có đoạn viết: “Chúng tôi đề nghị các đồng chí Xô-viết quan tâm hơn đến Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam hoàn toàn đơn độc trong cuộc kháng chiến. Báo cáo của đồng chí Jdanov[6] có đề cập đến Việt Nam cho phép chúng tôi hy vọng các đồng chí Liên Xô đã hiểu được tầm quan trọng của cuộc kháng chiến chống đế quốc trên đất nước chúng tôi, đồng thời cũng là cửa ngõ của Đông Nam Á. Thắng lợi của cuộc kháng chiến ở Việt Nam và Indonesia sẽ thể hiện sức mạnh của thành trì chống đế quốc ở châu Á. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á có Đảng cộng sản nắm thực quyền”[7]. Đáp lại, Liên Xô không có phản hồi tích cực, nhất là trong so sánh đối với Chính phủ Cộng hoà Indonesia non trẻ. Mặc dù cũng giống như đối với Việt Nam, Liên Xô khá thận trọng trước những bức điện của Chủ tịch Soekarno (Indonesia), song những năm 1945-1948, chính sách ngoại giao của Liên Xô ngày càng thiên về ủng hộ cuộc kháng chiến của Indonesia chống lại Hà Lan hơn cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam. Đầu năm 1948, Liên Xô công nhận thực tế (de facto) và thiết lập ngoại giao cấp lãnh sự với Cộng hoà Indonesia (trong khi Việt Nam còn đang chật vật tranh thủ sự thừa nhận của Liên Xô). Đến năm 1948, sự liên hệ của Việt Nam với Liên Xô, ảnh hưởng của Liên Xô đối với Việt Nam khá mờ nhạt. Báo cáo của Văn phòng Nghiên cứu tình báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp thêm một căn cứ cho nhận định trên: “Người Mỹ vẫn không chắc chắn rằng Hồ Chí Minh và Việt Minh đã liên minh với Điện Kremlin (....) Bộ Ngoại giao không có bằng chứng nào về sự liên hệ trực tiếp giữa Hồ Chí Minh và Moscow (...) cũng không thể đánh giá mức độ ảnh hưởng hay vai trò chỉ đạo mà Moscow đang áp đặt lên Hồ Chí Minh”[8]. Sau một cuộc khảo sát về ảnh hưởng của cộng sản ở Đông Nam Á, Văn phòng Nghiên cứu tình báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận rằng, “âm mưu đạo diễn của Kremlin đã được tìm thấy trong hầu như tất cả các nước ngoại trừ Việt Nam[9].
Cuối năm 1948 đánh dấu một bước tiến mới trong sự ủng hộ của Chính phủ Xô-viết đối với Việt Nam: Liên Xô đề nghị Hội đồng kinh tế Châu Á-Viễn Đông đáp ứng nguyện vọng của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kết nạp Việt Nam làm hội viên (nhưng đề nghị của Liên Xô bị một số nước bác bỏ). Từ năm 1948 cho đến khi hai nước đặt quan hệ ngoại giao chính thức (1950), nhờ có sự hỗ trợ của Liên Xô, các phái đoàn của Việt Nam mở rộng khả năng ra nước ngoài tham dự các hội nghị quốc tế và nhận được sự ủng hộ của một số nước dân chủ nhân dân khác. Buộc phải chiến đấu trong vòng vây, sự ủng hộ về mặt tinh thần của các lực lượng dân chủ thế giới đứng đầu là Liên Xô trở thành nguồn động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam. Song cũng cần nhận thấy rằng, đến trước năm 1950, sự ủng hộ hoặc các mối liên hệ của Liên Xô với Việt Nam là không đáng kể, “Liên Xô đã e ngại rằng cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Minh sẽ ảnh hưởng đến triển vọng chính trị của Đảng Cộng sản Pháp (FCP) tại Pháp”[10]. William Duiker cho rằng, nguyên nhân còn ở chỗ “Stalin đã không tin rằng Việt Minh có thể giành chiến thắng cuộc chiến chống lại nước Pháp và nghi ngờ Hồ Chí Minh không phải là một người cộng sản chân chính”[11].
2- Từng bước giúp đỡ Việt Nam kháng chiến
Năm 1950, cục diện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam có những thay đổi căn bản theo chiều hướng tích cực, góp phần tạo nên những điều kiện khách quan, chủ quan cần thiết cho việc đề nghị các nước công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Sau khi thiết lập quan hệ với Trung Quốc (18-1-1950), ngày 23-1-1950, Bộ trưởng Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm cho Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi Đại sứ.
Về phía Liên Xô, sự đối đầu giữa hai cực Xô - Mỹ càng quyết liệt, yêu cầu mở rộng ảnh hưởng của Liên Xô ở các khu vực khác nhau trên thế giới trong đó có châu Á, Đông Nam Á càng cấp bách. Tại thời điểm đó, Việt Nam là nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở khu vực, sự chuyển biến về chất của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp... là những nhân tố mới, vừa tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại của Liên Xô, vừa tạo điều kiện cho chính sách đối ngoại của Liên Xô triển khai thuận lợi ở khu vực này. Vì vậy, vấn đề công nhận, thiết lập quan hệ với Việt Nam được đưa ra và phê duyệt ngày 10-12-1949 trong cuộc họp Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô[12]. Ngày 30-1-1950, Liên Xô đáp lại công hàm của Chính phủ Việt Nam, nói rõ: "Chính phủ Liên Xô nhận thấy Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chính phủ đại diện hợp pháp cho đại đa số nhân dân Việt Nam, quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Liên bang Xô viết với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa"[13] (tuy nhiên Liên Xô đề nghị trao đổi Công sứ[14]). Nhà nghiên cứu A.Voronin lý giải sự kiện Liên Xô công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam muộn hơn so với Trung Quốc như sau: Trong các cuộc hội đàm từ tháng 12-1949 đến tháng 1-1950, giữa Liên Xô và Trung Quốc có sự thỏa thuận về việc để Trung Quốc tuyên bố công nhận Việt Nam trước, nhẳm giảm thiểu đụng độ của Liên Xô với nước Pháp[15].
Trước việc Liên Xô công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Anh, Pháp phản ứng rất quyết liệt. Ngày 31-1-1950, Bộ Ngoại giao Pháp gửi kháng nghị phê phán Liên Xô; tuy nhiên, Liên Xô đã bác bỏ và không tiếp nhận kháng nghị của Pháp.
Sau khi công nhận, đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, từ năm 1950, Liên Xô viện trợ cho Việt Nam một số mặt hàng có ý nghĩa chiến lược về quân sự, kinh tế. Viện trợ của Liên Xô dành cho Việt Nam là viện trợ không hoàn lại và thường giúp thêm ngoài mức Việt Nam đề nghị. Số lượng hàng đầu tiên gồm “pháo cao xạ 37 ly, một số xe vận tải môtôrôla và thuốc quân y”[16] quá cảnh qua Trung Quốc đã đến Việt Nam. Bên cạnh đó, Liên Xô triển khai một số hoạt động hỗ trợ cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Tháng 2-1951, tại phiên họp của Uỷ ban kỹ nghệ và thương mại, Hội đồng kinh tế châu Á-Viễn Đông, một lần nữa Liên Xô đấu tranh để Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tham gia Uỷ ban, đề nghị trục xuất đại diện của Chính phủ Bảo Đại ra khỏi tổ chức kinh tế quốc tế này. Tháng 2-1952, Liên Xô phủ định đề nghị của Chính phủ Bảo Đại xin gia nhập tổ chức nói trên. Tháng 9-1952, tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng Bảo an, đại diện Chính phủ Liên Xô kiến nghị xét đơn và kết nạp Việt Nam vào Liên Hiệp Quốc. Khi Anh, Pháp, Mỹ phản đối vì Việt Nam không phải là một quốc gia, Liên Xô khẳng định: Ở Việt Nam hiện nay chỉ có Chính phủ Hồ Chí Minh là chính phủ hợp pháp, Chính phủ đó là do Quốc hội - kết quả của tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín ngày 6-1-1946 lập nên, được Chính phủ Pháp công nhận theo Hiệp định sơ bộ mùng 6-3-1946, khác Chính phủ Bảo Đại là do Pháp, Mỹ dựng lên.
Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô, tăng cường sự hiểu biết giữa Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Liên Xô, nhân dịp Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô được tổ chức (1952), Hồ Chí Minh có chuyến thăm bí mật[17] đến Liên Xô trên cương vị lãnh đạo Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chuyến thăm này, Hồ Chí Minh đề nghị I.V. Stalin cấp cho Việt Nam “10 tấn thuốc ký ninh (thuốc sốt rét) cho quân đội và dân thường, có nghĩa rằng 5 tấn trong nửa năm”[18], lập tức “I.V.Stalin đích thân ra lệnh cấp tốc gửi sang Việt Nam 5 tạ thuốc[19]. Cũng trong năm 1952, Hồ Chí Minh đề nghị được cử sang Liên Xô 50-100 du học sinh và yêu cầu các loại vũ khí với số lượng cụ thể như sau: “(a). Pháo cao xạ 37 ly cho 4 trung đoàn, tất cả là 144 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu pháo; (b) Pháo trận địa 76,2 ly cho 2 trung đoàn, tất cả là 72 khẩu và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu; (c) 200 khẩu súng phòng không 12,7 ly và 10 cơ số đạn cho mỗi khẩu”[20]. Nhìn chung, các yêu cầu của Việt Nam, Liên Xô đều đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Trong tình hình khó khăn lúc đó, số viện trợ này có ý nghĩa rất quan trọng.
Theo số liệu thống kê của Việt Nam, từ tháng 5-1950 đến tháng 6-1954, Việt Nam đã nhận được 21.517 tấn hàng viện trợ quốc tế với tổng trị giá 54 triệu rúp từ Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác; trong đó, toàn bộ pháo cao xạ 37 ly- 76 khẩu, toàn bộ hỏa tiễn (cachiusa), toàn bộ số tiểu liên K50, phần lớn số ôtô vận tải 685 chiếc trên tổng số 745 chiếc[21] là của Liên Xô. 12 dàn đại pháo nhiều nòng cachiusa do Liên Xô viện trợ cho Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn trong thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử[22]. Nhìn chung, viện trợ về quân sự của Liên Xô tạo khả năng tiến công mạnh, cơ động nhanh cho bộ đội Việt Nam, có vai trò quan trọng trong một số chiến dịch lớn.
3- Một vài nhận xét
Như vậy, cho đến năm 1954, thái độ của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam khá thận trọng, quan hệ Việt Nam – Liên Xô “thân không gần, xa không lạnh”. Lý giải về sự xa cách trong quan hệ Việt – Xô giai đoạn này, nhà sử học I.A. Koroneva cho rằng, “Việt Nam và Đông Dương chưa phải là mối quan tâm thực sự của Liên Xô bởi vị trí địa lý xa xôi của nó”[23]; đồng thời, tin tức về Việt Nam và Hồ Chí Minh đến với Moscow chậm chạp, không được đầy đủ. Cho đến tháng 1-1950, sau khi có thêm thông tin về Việt Nam, về Hồ Chí Minh, I.V.Stalin mới đồng ý gặp Hồ Chí Minh[24]. Bức điện I.V.Stalin gửi cho Mao Trạch Đông ngày 6-1-1950 đã nói lên điều đó: "Tôi đã đọc những tài liệu về Việt Nam và đồng chí Hồ Chí Minh. Tôi tin rằng, đồng chí Hồ Chí Minh là một người cộng sản kiên trung, đang thực hiện tốt trọng trách của mình và rất xứng đáng được ủng hộ"[25]. Tuy nhiên, thái độ ứng xử của  I.V.Stalin trong cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh đầu năm 1950 qua sự biến mất "đầy bí ẩn" của cuốn tạp chí "Liên Xô trên công trường xây dựng" có bút tích của một số nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước Xô viết[26] cho thấy một hiện thực khác: I.V.Stalin chưa thực sự tin ở cách mạng Việt Nam, sự nghi ngại Hồ Chí Minh không phải người cộng sản, mà là một nhà dân tộc chủ nghĩa vẫn chưa được gạt bỏ hoàn toàn[27]. Đề nghị của Hồ Chí Minh về việc đến Moscow tham dự Đại hội XIX Đảng Cộng sản Liên Xô và một số diễn biến thuộc về thể thức ngoại giao đối với Đảng Lao động Việt Nam tại Đại hội[28]tiếp tục là một minh chứng cho nhận định trên. Có lẽ, các nhà lãnh đạo Liên Xô cần thêm bằng chứng về lòng trung thành của cá nhân Hồ Chí Minh - điều mà những nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó vốn đã hoài nghi ngay từ những năm Hồ Chí Minh còn hoạt động tại Moscow (1934-1938)[29]. Sự không tin tưởng đó ngoài những yếu tố ngoại cảnh tác động, còn có nguyên nhân từ tính cách đầy mâu thuẫn và luôn hoài nghi của người đứng đầu Nhà nước Xô viết - I.V.Stalin, một tính cách chi phối, ảnh hưởng mạnh mẽ tới các quyết định chính trị, khiến những quyết định đó nhiều khi mang tính chủ quan.
Ngoài những nguyên nhân đã liệt kê, nhà nghiên cứu I.A. Koroneva nhấn mạnh nguyên nhân chính, chủ yếu nhất là ở chỗ Liên Xô “không muốn đụng chạm đến quyền lợi của Pháp ở Đông Dương (...), chưa hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam”[30]. Thật vậy, Liên Xô chưa hiểu và thiếu tin tưởng ở cách mạng Việt Nam bởi ba lý do: 1- Đảng Cộng sản Đông Dương tự giải tán[31]; 2- Chậm làm cách mạng ruộng đất; 3 -Việt Nam tranh thủ Mỹ[32]. Việc Hồ Chí Minh quyết định giải tán Đảng Cộng sản Đông Dương và tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ trở thành vấn đề đặc biệt “nhạy cảm” khi câu chuyện Nam Tư[33] còn đang nóng hổi, trở thành nỗi ám ảnh của I.V.Stalin. Ngoài ra, việc Liên Xô - Trung Quốc thỏa thuận về việc phân vùng ảnh hưởng trong phong trào cách mạng thế giới cũng khiến Liên Xô chưa thực tích cực giúp đỡ Việt Nam kháng chiến[34]. Dù phải tập trung củng cố vành đai an ninh tại vùng biên giới phía Tây, duy trì hòa hoãn với các nước lớn để giải quyết các vấn đề do chiến tranh để lại, ưu tiên củng cố khu vực ảnh hưởng truyền thống – vòng cung Đông Âu, tranh thủ nước Pháp để Pháp không tham gia tổ chức quân sự do Mỹ lập ra ở châu Âu, song khi Mỹ coi Đông Dương là một bộ phận đối đầu giữa Đông và Tây, Liên Xô buộc phải cân nhắc lại chính sách đối với Đông Dương, dần quan tâm đến việc ủng hộ phong trào cách mạng ở châu Á. Tuy quan hệ chưa thật gần gũi, song trong điều kiện có thể, Liên Xô đã ủng hộ Việt Nam, giúp đỡ, viện trợ vật chất cho nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Pháp. Có điều, sự ủng hộ của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam không thật đậm đặc như mong đợi của Việt Nam, nhất là trong so sánh với sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Việt Nam[35].



[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.8, tr. 27.
[2] Từ tháng 9 đến tháng 10-1945, những bức điện khẩn của Hồ Chí Minh liên tục được chuyển tới Moscow qua ngả Paris, song Moscow tiếp nhận những bức điện khẩn của lãnh đạo Việt Nam với thái độ khá dè dặt.
[3]L.A. Patti cung cấp một thông tin tương tự, nhưng tên người đứng đầu Phái bộ là Stephanne Solosief: “Không giống người Pháp bị tổn thương đang đi tìm kiếm sự đền bù, hoặc người Nhật bại trận với sự kìm chế những suy nghĩ thầm kín của họ đằng sau những bộ mặt nghiêm nghị, hay người Việt Nam đang ra sức tranh thủ đ được thừa nhận; Solosieff đến như một người chiến thắng, một đồng minh, một người bạn. Ông ta tự giới thiệu là người liên lạc của Xô Viết với các cơ quan chính trị của Nhật Hà Nội, Huế, Sài Gòn; có trách nhiệm chăm lo đến các quyền lợi của các công dân Xô Viết Đông Dương mà theo ông thì có tới 5 hay 6 ngàn người” (Nguồn: L.A.Patti: Tại sao Việt Nam? Nxb. Đà Nẵng, 1995, tr. 188-189).

[4]Ai là tác giả của bức thư Việt Nam gửi Stalin? vietnamese.ruvr.ru

[5] Christopher E. Goscha: “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Journal of Vietnamese Studies, Vol I, N0 1-2, (February, August), 2006, p.60.
[6] Tháng 9-1947, theo sáng kiến của Đảng cộng sản Liên Xô, tại Vacxava, Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản Liên Xô, Bungari, Hunggari, Ba Lan, Rumani, Tiệp Khắc, Nam Tư, Pháp và Italia được tổ chức. Tại Hội nghị, Trưởng đoàn đại biểu Liên Xô A. Jdanov trình bày bản báo cáo nhan đề “Thế giới sau chiến tranh”, phân tích tình hình thế giới, đánh giá so sánh lực lượng trên thế giới và xác định những nhiệm vụ cơ bản của các Đảng cộng sản.
[7]Dẫn theo Christopher E. Goscha: “De T. Chouklin à Pouklov: Compte-rendu sur la situation du Parti au Vietnam,” dated December 15, 1947, no. 619, document 4, fonds no. 5, opus 10, dossier 404, Centre russe de conservation et d’études des documents de l’Histoire moderne.

[8]The Pentagon Papers Gravel Edition, Volume 1, Chapter I, "Background to the Crisis, 1940-50", p.15.

[9]The Pentagon Papers Gravel Edition, Volume 1, Chapter I, Ibid, p.15.
[10] Ang Cheng Guan: Vietnam in 1948: An International History Perspective, Kajian Malaysia, 27 (1 & 2), 2009, p.75.
[11] W illiam J. Duiker, Ho Chi Minh: A Life (New York: Hyperion, 2000), pp.418–423; 648–649.
[12] Это незабываемое слово "Льен Со", М, 2006. С. 367
[13] Газета Правда, 30 января 1950.
[14]Công ước Viên 1961 về quan hệ ngoại giao chia những người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao thành ba cấp (Đại sứ, Công sứ, Đại biện), nhưng chế độ ưu đãi, miễn trừ ngoại giao giữa Đại sứvà Công sứ áp dụng như nhau. Cũng theo theo Công ước Viên 1961, cơ quan đại diện ngoại giao gồm: Đại sứ quán, Công sứ quán, Đại biện quán. Đứng đầu Đại sứ quán là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, đứng đầu Công sứ quán là Công sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm bên cạnh Nguyên thủ quốc gia, còn đứng đầu Đại biện quán là Đại biện được bổ nhiệm bên cạnh Bộ trưởng Ngoại giao.
[15] А. Воронин, Е. Кобелев: Яркая история дружбы и партнерства К 60-летию установления отношений между СССР/Россией и Вьетнамом, Проблемы Дальнего Востока,  №1, 2010, C.17.
[16]Võ Nguyên Giáp: Chiến đấu trong vòng vây, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.12.
[17] Hồ Chí Minh gửi thư cho Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Liên Xô (30-9-1952) đề nghị đến dự dự Đại hội XIX Đảng cộng sản Liên Xô (b) theo con đường bí mật, vì “nếu đến Moscow theo con đường chính thức, thì: Một là, kẻ thù sẽ nhân cơ hội đó để tiến hành các cuộc tấn công chính trị; hai là, có thể nảy sinh những bất tiện trong việc tiếp đón” (Nguồn: РГАСПИ, ф. 558, оп. 11, д. 295, л. 10-11).
[18]Письмо Хо Ши Мина И.В.Сталину 1952 г, Архив Президента РФ.
[19]Những chi tiết đáng chú ý trong chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam đến Matxcơva năm 1950, vietnamese.ruvr.ru.
[20] Письмо Хо Ши Мина И.В.Сталину 1952 г, Указ. Соч.
[21]Tập tài liệu về nhu cầu giao nhận và phân phối hàng viện trợ năm 1952, 1953, 1954, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 1, Phông Phủ thủ tướng, đơn vị bảo quản 2167.

[22]Những chi tiết đáng chú ý trong chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam đến Matxcơva năm 1950, Tlđd.

[23]И.А.Конорева: “Геополитические интересы СССР и США в Юго-Восточной Азии в контексте Первой индокитайской войны (середина 40-х – начало 50-х годов ХХ в)”, Жур. Ученые записки Курского государственного университета, №1, 2008, C. 99.
[24] Nhằm tranh thủ sự ủng hộ của Liên Xô đối với cách mạng Việt Nam, nhất là trong những ngày vấn đề công nhận và thiết lập quan hệ song phương giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết đang được đặt ra, từ Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã đến Moscow theo con đường bí mật. Khoảng chừng giữa tháng 2-1950, Hồ Chí Minh tới Moscow. Cuộc gặp giữa Hồ Chí Minh và lãnh đạo Đảng, Chính phủ Liên Xô không diễn ra tại Điện Cremlin như thông lệ đón tiếp các chính khách đứng đầu Nhà nước, mà diễn ra tại khu biệt thự ngoại ô của I.V. Stalin có tên là Kulsevo.
[25]АВП РФ, ф.45, оп.1, д.334, л.16.
[26] Khi vị khách Việt Nam nói muốn có cuốn tạp chí này với thủ bút của nhà lãnh đạo Xô viết, Stalin đã cầm bút ký tên lên bìa tạp chí, sau đó chuyển tiếp để các cộng sự gần gũi như Molotov, Malenkov, Bulganin, Beria ký vào đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh mang cuốn tạp chí về phòng mình, nhưng chỉ đến ngày hôm sau, cuốn tạp chí mang những chữ ký ấy đã biến mất (Nguồn: Селиванов И.Н, “Хо Ши Мин и Сталин: несколько эпизодов из советско-Вьетнамскик отношений”, Жур. Вестник архивиста, № 2, 2010, C.20).
[27]Năm 1949,Trần Ngọc Danh (em Trần Phú) đơn phương giải tán Đoàn Ngoại giao Việt Nam ở Pháp, sau đó liên lạc với Đảng cộng sản Liên Xô “để thông báo với các đồng chí lãnh đạo Xô-Viết về sự lạc hướng tư tưởng của Đảng mình và của cá nhân Hồ Chí Minh” (Nguồn: Christopher E. Goscha: “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Ibid, p.15). Tháng 10-1949, Trần Ngọc Danh viết thư gửi Đảng cộng sản Liên Xô, trong đó có đoạn viết về Hồ Chí Minh như sau: “Việc tự giải tán Đảng trái với ý nguyện đã được bày tỏ nhiều lần của nhiều đồng chí là ra do sự can thiệp tích cực của đồng chí Hồ Chí Minh (…). Và chính sách thụ động hiện đang được áp dụng rõ ràng có ảnh hưởng từ lý thuyết đồng chí ấy đã khởi xướng từ năm 1931 trong Đại hội Tours” (Nguồn: Письмо Чан Нгок Danh, 10.11.1949, РГАСРИ, ф.100, оп.3, д.207). Nhìn chung, Trần Ngọc Danh nhìn nhận Hồ Chí Minh như một nhà quốc tế chủ nghĩa không chân chính, một người theo chủ nghĩa dân tộc tư sản.
[28] Tại Đại hội XIX Đảng cộng sản Liên Xô, Hồ Chí Minh không có trong danh sách phát biểu, Đoàn đại biểu chính thức của Đảng Lao động Việt Nam cũng không có mặt và Lời chào mừng của Đảng Lao động Việt Nam gửi đến Đại hội được giao cho Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Azerbaijan M. E. Bagirov đọc thay (Nguồn: Приветствия XIX съезду Коммунистической партии Советского Союза от зарубежных коммунистических и рабочих партий,  М, 1952, С. 47-48). Trong thời gian ở Moscow, dù đã nhiều lần đề nghị về một cuộc gặp riêng với I.V.Stalin, song cuối cùng, rời khỏi nước Nga Xô viết (19-11-1952) Hồ Chí Minh vẫn chưa được diện kiến vị lãnh tụ người Gruzia cứng rắn và lạnh lùng.
[29] Ngày 20-4-1935, Ban lãnh đạo Hải ngoại Đảng cộng sản Đông Dương viết thư gửi Quốc tế cộng sản cung cấp những thông tin nghi vấn về Nguyễn Ái Quốc: Nguyễn Ái Quốc phải chịu trách nhiệm chính về việc hơn 100 Đảng viên của Đảng Cách mạng Thanh niên bị bắt do việc Nguyễn Ái Quốc biết Lâm Đức Thụ trước đây là kẻ phản bội mà vẫn tiếp tục sử dụng; trước năm 1930 Nguyễn Ái Quốc chưa phải là Đảng viên Đảng cộng sản, phê phán gay gắt đường lối chính trị của Đảng cộng sản do Nguyễn Ái Quốc chỉ đạo, về sai lầm của Nguyễn Ái Quốc khi hợp nhất các tổ chức cộng sản vào năm 1930…Sau khi nhận được bức thư nói trên, Quốc tế cộng sản cử Vaxiliepna trực tiếp gặp Nguyễn Ái Quốc trao đổi. Tháng 2-1936, Ban thẩm tra được thành lập và có kết luận hủy bỏ hồ sơ vụ việc về Nguyễn Ái Quốc vì không có chứng cứ (Nguồn: Bá Ngọc, Ban thẩm tra vụ việc Nguyễn Ái Quốc ở Quốc tế cộng sản, Tạp chí Xưa & Nay, số 438, tháng 10.2013). Tuy nhiên, những lời buộc tội đó đã gây nên những ấn tượng tiêu cực nhất định về Nguyễn Ái Quốc trong một số lãnh đạo Quốc tế cộng sản.
[30]И.А. Конорева: “Геополитические интересы СССР и США в Юго-Восточной Азии в контексте Первой индокитайской войны (середина 40-х – начало 50-х годов ХХ в)”, Указ. Соч, №1, C. 100.
[31] Christopher E. Goscha bình luận rằng, việc giải tán Đảng “làm nảy sinh những sự nghi ngờ trong Đảng cộng sản Pháp, Trung Quốc và Liên Xô về thực chất màu cờ ý thức hệ của những người cộng sản Việt Nam và cá nhân ông Hồ” (Nguồn: Christopher E. Goscha: “Courting Diplomatic Disaster? The Difficult Integration of Vietnam into the Internationalist Communist Movement (1945–1950)”, Ibid, p.8).
[32] Khi chiến tranh thế giới thứ hai gần kết thúc, Tổng thống Roosevelt thường nhắc đến chế độ quản trị quốc tế đối với Đông Dương sau chiến tranh và chống lại việc Pháp dùng vũ lực tái chiếm Đông Dương, lập lại chế độ thực dân. Những quan điểm của người đứng đầu nước Mỹ lúc bấy giờ, về khách quan có lợi cho cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Phân tích, nắm bắt tình hình, Hồ Chí Minh quyết định phải chủ động tranh thủ sự đồng tình của Mỹ, thêm bạn đồng minh cho cách mạng, tìm kiếm và hình thành quan hệ nhất định với Mỹ, để cách mạng Việt Nam có một vị trí trong phe Đồng minh chống phát xít, tạo ra thế hợp pháp về mặt quốc tế cho Chính quyền Việt Minh sau khi cách mạng thành công.
[33] Từ tháng 8-1947, Nam Tư đã lên kế hoạch thành lập một nhà nước liên bang ở bán đảo Bancăng dưới sự lãnh đạo của mình. Ngày 17-1-1948, khi mối quan hệ giữa Nam Tư và Liên Xô ngày càng căng thẳng thì tuyên bố của Gheorghi Dimitrov (Bungari) về khả năng thành lập một liên bang của các nước Đông Âu, trong đó sẽ bao gộp cả Hy Lạp đã gây ra một cú sốc cho Liên Xô. Trước sức ép của Liên Xô, Tito buộc phải chấp nhận thỏa hiệp, từ bỏ ý tưởng thành lập một liên bang với Bungari. Chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó, Nam Tư đã thi hành nhiều biện pháp nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Liên Xô. Cuộc khủng hoảng trong quan hệ Nam Tư - Liên Xô ngày càng bộc lộ rõ. Tháng 6-1948, các thành viên Cominform thông qua "Nghị quyết của Informbiro", quyết định khai trừ Nam Tư, với lý do "các yếu tố dân tộc chủ nghĩa" đã chế ngự hướng đi của Đảng cộng sản Nam Tư.
[34] Ít tháng trước khi cách mạng Trung Quốc thành công, Lưu Thiếu Kỳ đã có một vài chuyến đi bí mật tới Liên Xô. Tại cuộc hội đàm với Lưu Thiếu Kỳ (7-1949), I.V.Stalin nhiệt thành khuyến khích Trung Quốc có một vai trò lớn hơn đối với việc thúc đẩy làn sóng cách mạng ở Đông Nam Á (Nguồn: Chen Jian:"The Sino-Soviet alliance and China's entry into the Korean War", Washington, D.C.: The Cold War International History Prọịect of the Woodrow Wilson International Center for Scholars, December 1991, p. 12). Trong cuộc hội đàm tháng 8-1949, khi thảo luận về sự cần thiết phải tiến hành "cách mạng thế giới", nhất trí cao về vị trí trung tâm cách mạng của Liên Xô, Lưu Thiếu Kỳ và I.V.Stalin đã thỏa thuận vai trò đầu tàu đối với cách mạng phương Đông của Trung Quốc (Nguồn: Chen Jian: China's Road to the Korean War: The Making of the Sino-American Confrontation, New York, Columbia University Press, 1994, pp.74-75). Nhà nghiên cứu M.M.Ilinski cho biết thêm: Trong cuộc gặp gỡ với Mao Trạch Đông vào tháng 12-1949, nhân bàn đến vấn đề Việt Nam, I.V.Stalin tuyên bố: "Các đồng chí hãy tự quyết định lấy mọi việc! Về phía chúng tôi, nếu cần, chúng tôi sẽ ủng hộ và giúp đỡ. Có điều, hãy thông báo tình hình thường xuyên!" (Nguồn: М.М. Илинский: Вьетнамский синдром, война разведок, М.ЗКСМО, 2005, C. 117). Biên bản Hội nghị Bộ Chính trị Đảng cộng sản Liên Xô ngày 17-3-1950 minh chứng thêm cho thông tin của M.M.Ilinski: Liên Xô đồng ý để "Trung Quốc đại diện cho quyền lợi của mình tại Việt Nam" (Nguồn: РГАСРИ, ф.17, оп.3, д.1080, л.55).
[35] Ngay từ năm 1950, Trung Quốc đã tích cực viện trợ cho Việt Nam. Theo thống kê của Việt Nam, cho đến hết năm 1950, Việt Nam đã tiếp nhận của Trung Quốc 3.983 tấn hàng viện trợ, trong đó có 1.020 tấn súng đạn (kể cả số súng đạn các đơn vị bộ đội Việt Nam sang Trung Quốc huấn luyện rồi đem về nước), 161 tấn quân trang, 20 tấn thuốc và dụng cụ quân y, 71 tấn hàng quân giới, 30 xe vận tải Môlôtôva, 2.634 tấn gạo (Nguồn: Hồ sơ viện trợ quốc tế, lưu trữ tại Tổng cục hậu cần, cặp số 20,21). Ngoài ra, khối lượng viện trợ tăng đều qua các năm: “Nếu như năm 1951, mỗi tháng Việt Nam nhận được từ Trung Quốc khoảng 10-20 tấn hàng/tháng, thì năm 1952, số lượng viện trợ tăng lên 250 tấn/tháng, tiếp tục tăng lên 600 tấn/tháng vào năm 1953 và 1.500 đến 4.000 tấn/tháng trong năm cuối của cuộc chiến (năm 1954)” (Nguồn: Micheal Clodfelter, Vietnam in Military Statistics, A History of the Indochina Wars, 1772-1991, Jefferson, NC: McFarland & Co, Inc., 1995, p.12). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực huấn luyện nhân lực quân sự và cử cố vấn quân sự giúp đỡ Việt Nam tác chiến.

1 nhận xét:

  1. Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!