Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

VẤN ĐỀ NGƯỜI VIỆT GỐC HOA TRONG QUAN HỆ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC NHỮNG NĂM 1975-1985



Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
 Sau chiến thắng Mùa Xuân 1975, Đảng, Nhà nước Việt Nam quyết định chuyển đất nước sang một giai đoạn mới: Quá độ lên CNXH trên phạm vi cả nước. Đi lên CNXH sau năm 1975 là bước phát triển kế tiếp của cách mạng mà Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn sau ngày thống nhất. Trong điều kiện đó, việc tạo dựng và tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi cho mục tiêu phát triển đất nước là hết sức quan trọng, song quan hệ giữa Việt Nam với người láng giềng lớn, kề cận lại liên tục có những khúc mắc, đổ vỡ.
1- Sự rạn nứt trong quan hệ với Trung Quốc trở nên sâu sắc và chuyển dần sang trạng thái căng thẳng, xung đột thể hiện qua hàng loạt sự kiện rắc rối, trước tiên là vấn đề người Việt gốc Hoa.

So với các khu vực khác trên thế giới, Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là nơi có số lượng tương đối lớn Hoa kiều[1] làm ăn, sinh sống, "lên tới hơn 20 triệu người (năm 1978)"[2]. Ở Việt Nam có khoảng 1,2 đến 2 triệu người Hoa đến lập nghiệp từ lâu đời, là một trong những thế lực kinh tế mạnh mẽ, nhất là ở miền Nam Việt Nam. Người Hoa là một bộ phận cùng hợp thành cộng đồng dân tộc Việt Nam với 54 dân tộc thống nhất trong đa dạng.
Năm 1955, ở miền Bắc, theo thỏa thuận của ĐCSVN và ĐCSTQ, "người Hoa cư trú ở miền Bắc Việt Nam phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam"[3], sau dần dần chuyển thành công dân Việt Nam, được hưởng những quyền lợi chung với người Việt Nam và tự nguyện nhận quốc tịch Việt Nam. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 -1975), giữa Việt Nam - Trung Quốc không có bất cứ một bất đồng nào trong vấn đề người Hoa ở Việt Nam. Còn ở miền Nam Việt Nam, từ năm 1956, dưới Chính quyền Ngô Đình Diệm, Hoa kiều đã gia nhập quốc tịch Việt Nam để có điều kiện dễ dàng làm ăn, sinh sống.
Tháng 4-1978, Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Nam. Vấn đề người Hoa được Trung Quốc nêu lên. Trung Quốc coi việc Việt Nam tiến hành cải tạo công thương nghiệp, đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH như một sự công khai thách đố chính sách bảo vệ Hoa kiều hải ngoại mà Trung Quốc vừa công bố[4]. Một phong trào đòi lấy quốc tịch Trung Quốc trong người Hoa ở Việt Nam được dấy lên. Trung Quốc đưa ra chính sách "đoàn kết với giai cấp tư sản Hoa kiều", kêu gọi chống lại chính sách "bài Hoa" của Việt Nam; đồng thời, loan truyền trong cộng đồng người Việt, gốc Hoa những luận điệu kích động[5] về một cuộc chiến tranh không thể tránh khỏi giữa Việt Nam - Trung Quốc, gây tâm lý hốt hoảng trong quần chúng người Hoa. Do sự khuyến khích đó của Trung Quốc và với sự im lặng đồng tình ngầm của Việt Nam muốn tống xuất hiểm họa của "đội quân thứ năm", trong năm 1978, các dòng người Hoa ở Việt Nam ồ ạt kéo về Trung Quốc[6]. Ngày 30- 4-1978, Chủ nhiệm Văn phòng Hoa kiều vụ đã phát biểu bày tỏ "sự quan tâm đối với hiện tượng Hoa kiều ở Việt Nam về nước hàng loạt", hứa hẹn "sẽ sắp xếp thích đáng cho những Hoa kiều đã trở về một cách vội vàng". Để thu hút sự chú ý của dư luận thế giới về tình trạng "nạn kiều", Trung Quốc lập ra các trạm đón tiếp dọc theo biên giới hai nước, tuyên bố sẽ gửi hai tầu chuyên chở sang Việt Nam để đón "nạn kiều" về nước. Tháng 5-1978, Trung Quốc đơn phương đưa tàu sang đón người Hoa về Trung Quốc[7].
Vấn đề người Hoa ở Việt Nam và phong trào đòi trở lại quốc tịch Trung Quốc đã làm mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc trở nên phức tạp. Đây là một trong những nguyên nhân làm căng thẳng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sau năm 1975.
2- Đối với vấn đề người Việt gốc Hoa, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã chú trọng tập trung giải quyết, nhằm nhanh chóng ổn định tình hình.
Giai đoạn này, do Chính quyền Polpot thực hiện chính sách “diệt chủng” trong nước và gây ra chiến tranh biên giới, hàng vạn dân thường Campuchia và Hoa kiều từ Campuchia chạy sang Việt Nam, ở rải rác khắp các tỉnh sát biên giới Campuchia, một số khác chạy sâu vào nội địa Việt Nam, nhất là thành phố Hồ Chí Minh. Đối với người Hoa chạy từ Campuchia sang Việt Nam tránh nạn diệt chủng, ngày 12-4-1978, BBT ra Chỉ thị số 42 xác định: Đối với số Hoa kiều từ Campuchia chạy sang Việt Nam sau ngày 1-4-1975, thì vận động đưa hết về Trung Quốc hoặc sang nước khác cư trú. Những Hoa kiều muốn xin về Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Việt Nam sẽ làm việc với Chính phủ Trung Quốc cho họ hồi hương. Nếu Trung Quốc không nhận, phía Việt Nam nói rõ sẽ nhờ HCR vận động các nước khác nhận rồi tổ chức cho họ đi[8]. Đối với người Hoa đã làm ăn, sinh sống lâu đời ở Việt Nam, Việt Nam chủ trương tôn trọng sự lựa chọn của họ: Người Hoa nào muốn ở lại Việt Nam làm ăn sinh sống thì đối đãi tử tế. Người Hoa nào muốn đi Trung Quốc sẽ tạo điều kiện dễ dàng. Và người Hoa cố trốn đi Trung Quốc theo đường biên giới đất liền thì phía Việt Nam cũng không cản trở, vẫn để cho họ đi[9]..
Ngày 27-5-1978, Trung Quốc yêu cầu Việt Nam cho hai tầu Trung Quốc đến Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh chở người Hoa về nước, nhưng phía Trung Quốc lại tuyên bố rằng, tàu Trung Quốc sang Việt Nam không phải để đón người Hoa, người Việt gốc Hoa, hay Hoa kiều muốn đi Trung Quốc", mà đón "nạn kiều"[10]. Đáp lại, một mặt, ngày 27-5-1978, Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Công hàm cho phía Trung Quốc nói rõ sự thật về việc người Hoa ở Việt Nam bỏ đi Trung Quốc, đề nghị Trung Quốc không dựng lên việc "Việt Nam khủng bố, bài xích, xua đuổi người Hoa"; mặt khác, tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người Hoa, để cộng đồng người Hoa tại Việt Nam nhận thức đúng vấn đề. Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án những việc làm có tính toán của Trung Quốc, "nhằm gây khó khăn cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam... gây chia rẽ giữa người Việt Nam và người Hoa, phá hoại tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc"[11]. Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rõ: "... đối với người Hoa ở Việt Nam vốn là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, không có lý do gì Việt Nam lại “bài xích, khủng bố, xua đuổi họ"[12]. Và "không có lý do gì để Việt Nam gây ra những phức tạp trong quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc xã hội chủ nghĩa đã từng đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp cách mạng của mỗi nước"[13]. Để duy trì quan hệ hữu nghị vốn có giữa hai nước, Việt Nam đề nghị Chính phủ hai nước "sớm gặp nhau để giải quyết bất đồng về vấn đề người Hoa trên tinh thần hữu nghị và vì lợi ích nhân dân hai nước"[14].
Bác bỏ những đề nghị mang tính xây dựng của Việt Nam, Trung Quốc vẫn đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền trên quy mô lớn, kích động tâm lý chống Việt Nam trong nhân dân Trung Quốc.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết vấn đề người Hoa, ngày 2-6-1978, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố 4 điểm với những nội dung chính: 1). Khuyến khích những người Hoa từng chung sống chan hòa với người Việt trong dân tộc Việt Nam hãy yên tâm ở lại Việt Nam làm ăn bình thường; 2). Những người Hoa muốn rời khỏi Việt Nam sẽ được các nhà chức trách Việt Nam cho phép sau khi đã làm thủ tục xuất cảnh và được mang theo tài sản riêng theo đúng luật lệ hiện hành của Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam; 3). Hoa kiều ở miền Nam Việt Nam muốn rời khỏi Việt Nam thì phải làm các thủ tục xin xuất cảnh theo đúng luật lệ của Chính phủ Việt Nam, còn nếu muốn tiếp tục ở lại Việt Nam thì sẽ được đối đãi như kiều dân nước ngoài khác; 4). Cho phép các tàu[15] của Trung Quốc sau khi đã làm thủ tục theo luật lệ hiện hành của Việt Nam, được vào những cảng do phía Việt Nam quy định để đón người Hoa muốn rời Việt Nam đi Trung Quốc[16].
Chính phủ Việt Nam cũng "đồng ý cho Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội được phái tổ công tác đến cảng Chùa Vẽ và cảng Vũng Tàu để cùng hợp lực và chứng kiến việc đưa người Hoa xuống tàu"[17].
Liên quan đến vấn đề người Hoa và việc Chính phủ Trung Quốc cắt viện trợ cho Việt Nam, phía Việt Nam cũng chỉ ra rằng, những lý do mà Trung Quốc nêu ra để cắt giảm viện trợ là không đúng sự thật. Phía Trung Quốc đã dựng lên cái gọi là Việt Nam "bài xích, khủng bố, xua đuổi" người Hoa để cắt giảm viện trợ[18]. Việt Nam đề nghị đại diện Đảng và Chính phủ hai nước sớm gặp nhau để giải quyết vấn đề người Hoa, nhưng phía Trung Quốc đã khước từ; đồng thời, không ngừng ủng hộ về mọi mặt cho nhà cầm quyền Campuchia gây chiến tranh xâm lược biên giới phía Tây Nam của Việt Nam, tiếp tục tuyên truyền kích động gây hận thù giữa hai dân tộc Việt – Hoa trong nội bộ nhân dân Trung Quốc. Những sự thật hiển nhiên đó “chứng tỏ phía Trung Quốc đang thi hành chính sách chống Việt Nam, gây khó khăn, trở ngại cho công cuộc xây dựng hòa bình của Việt Nam, phá hoại truyền thống đoàn kết giữa nhân dân hai nước...”[19]. Đối với việc Trung Quốc yêu cầu được lập Tổng lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh (thực chất là để chỉ đạo Hoa kiều ở miền Nam), Chính phủ Việt Nam hứa là đến quý 4 năm 1978, sẽ thu xếp để Trung Quốc có thể thực hiện được yêu cầu.
Trong việc đón Hoa kiều trở về nước, phía Trung Quốc đưa ra ý kiến: Chỉ đón những người Hoa bị nạn do nhà đương cục Việt Nam bài xích, khủng bố, chứ quyết không phải đón người Việt gốc Hoa, người Hoa công dân Việt Nam và Hoa kiều nói chung. Trung Quốc còn đòi có quyền lập danh sách xét duyệt cấp thị thực xuất cảnh. Đây là những đòi hỏi trái với thông lệ quốc tế và luật pháp của Việt Nam, không tuân theo những thỏa thuận năm 1961[20] giữa hai nước về thẩm quyền xét duyệt và cấp thị thực xuất nhập cảnh; do vậy, Chính phủ Việt Nam phản đối, vì làm như vậy, "không những phía Trung Quốc đã đặt ngược lại quy định đã được thỏa thuận về việc người Hoa ở miền Bắc Việt Nam đi Trung Quốc, mà còn làm trái với luật pháp quốc tế thông thường về việc xét duyệt xuất nhập cảnh cho người Việt gốc Hoa ở miền Bắc Việt Nam"[21].
Về việc cho phép tàu của Trung Quốc vào Việt Nam đón Hoa kiều hồi hương, Việt Nam đồng ý cho tàu Trung Quốc được đến cảng Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh và chỉ được neo đậu từ 3 đến 5 ngày, không chấp thuận yêu cầu neo đậu vô thời hạn. Đối với yêu cầu từ phía Trung Quốc về việc đặt tên cho tổ công tác của Đại sứ quán Trung Quốc đến cảng Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh là "Tổ công tác đón nạn kiều về nước", đòi cho nó những quyền hạn rộng rãi, vượt quá nhiệm vụ cần thiết…, Chính phủ Việt Nam coi đó là những đòi hỏi không thể chấp nhận. Sau 20 phiên họp giữa đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam và đại diện Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội diễn ra không có kết quả do hai nước không tìm được tiếng nói chung, Trung Quốc đã rút hai tầu nói là đi đón "nạn kiều" về nước[22]. Ngày 12-7-1978, Trung Quốc ra quy định về việc quản lý biên giới, chặn các cửa khẩu không cho người Hoa từ Việt Nam về Trung Quốc, gây nên cảnh hàng ngàn người Hoa bị dồn đọng ở các cửa khẩu[23]. Sau hai tháng khước từ mọi đề nghị đàm phán của Việt Nam, Trung Quốc đồng ý mở cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng, giải quyết những bất đồng về người Hoa ở Việt Nam.
Mở đầu phiên họp thứ nhất (8-8-1978), Trưởng đoàn Trung Quốc tuy nhắc đến mối quan hệ thân thiện, lâu đời giữa hai nước, nhưng vẫn cáo buộc Việt Nam ngược đãi và trục xuất cư dân người Hoa, cho là Việt Nam không tuân theo thỏa thuận năm 1955 giữa hai Đảng; Chính quyền Việt Nam không thực hiện lời hứa về việc để cho cư dân người Hoa ở miền Nam Việt Nam được tự do lựa chọn quốc tịch. Ngày 15-8-1978, Trưởng đoàn Việt Nam Hoàng Bích Sơn khẳng định lại một lần nữa quan điểm của Việt Nam: Tất cả người Hoa ở Việt Nam đều là người Việt Nam, không còn là Hoa kiều - đó là một thực tế không thể thay đổi. Việt Nam cũng chỉ trích Trung Quốc sử dụng mạng lưới tình báo, kích động người Việt gốc Hoa trở lại quốc tịch Hoa, dụ dỗ và ép buộc hàng trăm nghìn người Hoa rời bỏ Việt Nam về Trung Quốc.
Ngày 19-8, sau khi bác bỏ những lời cáo buộc của Việt Nam và nhấn mạnh một lần nữa Việt Nam không tuân thủ thỏa thuận năm 1955, phía Trung Quốc đưa ra đề nghị 4 điểm giải quyết toàn bộ vấn đề cho "phù hợp với nguyên tắc và tinh thần thỏa thuận 1955": 1). Việt Nam ngừng ngay sự tẩy chay, ngược đãi và trục xuất cư dân người Hoa; 2). Việt Nam không được thúc ép cư dân người Hoa nhập Việt tịch; 3). Phía Việt Nam phải thuyết phục những "Hoa kiều" bị kẹt ở vùng biên giới trở về nơi ở cũ ở Việt Nam; 4). Phía Việt Nam có bổn phận đem những người tỵ nạn trở về Việt Nam và có những biện pháp thích hợp để ổn định cuộc sống cho họ.
Đáp lại, trong phiên họp thứ 5, ngày 7-9-1978, phía Việt Nam đưa ra tuyên bố 4 điểm với những nội dung chủ yếu: Thứ nhất, kêu gọi người Hoa ở lại Việt Nam, yên tâm sống và lao động. Trung Quốc không được dùng người Hoa để xen vào công việc nội bộ của Việt Nam; thứ hai, những người Hoa muốn rời Việt Nam sẽ được phép ra đi và Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc về những sự việc cụ thể liên quan đến người Hoa muốn ra đi đó; thứ ba, người Hoa ở miền Nam muốn về Trung Quốc, sẽ được cung cấp mọi điều kiện thuận lợi để rời Việt Nam; thứ tư, người Hoa đã rời Việt Nam về Trung Quốc không được phép quay trở ại Việt Nam, Trung Quốc không được bảo trợ sự tái nhập cư bất hợp pháp của họ và Chính phủ Việt Nam chỉ xem xét những trường hợp có lý do chính đáng để trở lại[24]. Đặc biệt, tại những phiên họp cuối cùng ở cấp Thứ trưởng, Việt Nam đã đề cập đến vấn đề Trung Quốc ủng hộ Campuchia Dân chủ, còn Trung Quốc luôn tố cáo Việt Nam quan hệ chặt chẽ với Liên Xô, buộc tội Việt Nam tìm cách xây dựng một Liên bang Đông Dương. Ngày 26-9-1978, cuộc đàm phán cấp Thứ trưởng ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc bị phía Trung Quốc đề nghị hoãn lại và cho đến cuối những năm 80 (XX) vẫn không bao giờ được mở trở lại.
Nhìn chung, tại 8 phiên đàm phán, Trung Quốc đã không đưa ra ý kiến gì ngoài các cáo buộc đối với Việt Nam. Sự thất bại của các vòng đàm phán trên đây có nguyên nhân chủ yếu là sự khác biệt về quan điểm, lập trường của hai bên. Trong khi đó, một số người Hoa quá khích gây rối ở Hà Nội và các cửa khẩu, nơi người Hoa đi Trung Quốc bị dồn đọng, làm tình hình thêm căng thẳng. Nổi bật là vụ hành hung ở cầu Bắc Luân (8-8-1978)[25] làm bị thương 20 người Việt Nam. Vụ hành hung ở Hữu nghị quan (28-8-1978) khi 2.000 người Hoa bị kẹt, khiến hai chiến sĩ an ninh của Việt Nam hy sinh, 25 người khác bị thương.
Vào thời kỳ này còn diễn ra sự kiện người Hoa tị nạn từ Campuchia đến Việt Nam. Họ rời khỏi Campuchia để tránh sự đàn áp của Chính quyền Khơme Đỏ được dựng lên sau năm 1975[26], nhưng Trung Quốc đã không có bất kỳ một kháng nghị nào đối với Chính phủ Khơme Đỏ. Nhìn chung, phản ứng của Trung Quốc đối với vấn đề người Hoa ở nước ngoài gắn liền với thái độ của Trung Quốc trong quan hệ với nước sở tại.
Về phía Việt Nam, để ứng phó kịp thời, ngăn chặn Trung Quốc sử dụng "vấn đề người Hoa" gây khó khăn Việt Nam từ nhiều hướng, Đảng đã chỉ thị cho các cấp chính quyền cần phải nâng cao cảnh giác, thực hiện tốt các công tác: 1). Nắm chắc quần chúng người Hoa, vận động họ thực hiện tốt nhiệm vụ của người Hoa trong cộng đồng dân tộc Việt Nam; 2). Kiên quyết trấn áp các loại phản động trong cộng đồng người Hoa. Đảng, Nhà nước lưu ý các cấp chính quyền cần: Một mặt,  tuyên truyền, phân tích để người Hoa nhận thức rõ chính sách gây bất ổn của phía Trung Quốc đối với Việt Nam, đối với người Hoa ở Việt Nam; mặt khác, giải thích về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người Hoa với tư cách là một bộ phận của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Đảng cũng chỉ đạo các cấp chính quyền kiên quyết ngăn chặn việc Trung quốc đưa hàng loạt những người Hoa đã về Trung Quốc trở lại Việt Nam; phát hiện kịp thời và kiên quyết không nhận trở lại số người Hoa này[27].
Khi bàn bạc, đưa ra chủ trương đối với người Hoa, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã nhìn nhận vai trò, sự đóng góp của người Hoa trong sự nghiệp chống Pháp, chống Mỹ. Đảng yêu cầu cần nhận thức và có thái độ xử sự đúng đắn đối với người Hoa; phải có chính sách đúng đắn và giúp họ tổ chức cuộc sống thích hợp với hoàn cảnh Việt Nam, trên tinh thần “chúng ta muốn sống hữu nghị với nhân dân Trung Quốc, muốn người Hoa ở Việt Nam hòa hợp xây dựng cuộc sống yên vui”[28]. Bên cạnh đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng nhận thức rằng, một bộ phận người Hoa, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, còn mang nặng tư tưởng nước lớn, ý thức huyết thống Trung Quốc, thậm chí, một số người Hoa do bị lôi kéo, kích động còn chống phá Việt Nam về kinh tế, về an ninh trật tự[29]. Do vậy, Nhà nước Việt Nam đưa ra chính sách "nhanh chóng chuyển những người Hoa ở vùng biên giới Việt - Trung, các hải đảo đến các vùng an toàn ở phía sau, bảo đảm yêu cầu của tình hình bấy giờ"[30], nhằm ngăn chặn những bất ổn do người Hoa bị lợi dụng gây ra.
3- Nhìn chung, những năm 1978-1979, trong vấn đề người Hoa, Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương giải quyết trên nguyên tắc đảm bảo chủ quyền dân tộc và không tổn hại đến tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước Việt – Trung, tuy nhiên trong thực hiện, không phải ở mọi lúc, mọi nơi, nguyên tắc này được tuân thủ hoàn toàn. Tháng 2-1976, việc Nhà nước Việt Nam yêu cầu Hoa kiều đăng ký quốc tịch[31] đã gây ra những hiểu lầm và bất đồng. Nhiều tờ báo tiếng Trung, nhiều trường học của người Hoa bị tùy tiện đóng cửa. Việc quốc hữu hóa hơn 30.000 doanh nghiệp lớn nhỏ của Hoa kiều[32] tuy nằm trong kế hoạch cải tạo XHCN ở miền Nam, song được thực hiện vào thời điểm nhiều vấn đề nóng bỏng trong quan hệ Việt – Trung đang được khơi lên, giống như đổ thêm dầu vào lửa. Ngoài ra, tiến hành cải tạo XHCN ở miền Nam sau năm 1975, Việt Nam đã “đụng chạm” tới cộng đồng người Hoa ở Sài Gòn- Chợ Lớn – một cộng đồng Hoa kiều khá đông đúc, làm ăn phát đạt, có khối tài sản lớn, mà không chú ý đến một đặc điểm chung của người Hoa là tính cộng đồng cao, sự liên kết cộng động chặt chẽ, họ không phân chia thành tư sản Hoa kiều, hay người Hoa lao động, mà là cộng đồng ngưòi Hoa thống nhất, chia sẻ, giúp đỡ lần nhau. Do vậy, nếu tiến hành cải tạo XHCN đối với tư sản ở Trung Quốc sẽ không gây vấn đề lớn, nhưng động chạm tới tư sản Hoa kiều ở nước ngoài rất dễ dẫn đến tình huống có vấn đề. Đảng, Nhà nước Việt Nam đã không trù tính hết những đặc thù đó, nên cải tạo XHCN ở miền Nam tuy là đối với tư sản nói chung, song lại gây phản ứng bất lợi, Trung Quốc nhân cơ hội ấy, nêu lên vấn đề “nạn kiều”.
Việc di dời Hoa kiều khỏi vùng biên giới tuy là một biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra nếu Hoa kiều bị kích động gây ra, song, vô hình trung, quyết định này đã ảnh hưởng trực tiếp tới tinh thần, tâm lý của những người Hoa đã coi nơi này là quê hương thứ hai. Ở một số nơi, các cấp chính quyền khi thực hiện chỉ thị “kịp thời phát huy và kiên quyết trấn áp các loại phản động trong người Hoa”[33] và “khắc phục mọi hiện tượng mất cảnh giác, hữu khuynh trong việc giữ gìn trật tự, trị an, trấn áp phản động”[34] đã “tả khuynh”, cực đoan, đẩy sự việc đi hơn mức cần thiết.
Việc phân loại người Hoa tốt - xấu/phản động cũng bị đẩy lên mức độ cao hơn thực tế, nhiều chỗ, nhiều nơi đã đánh đồng người Hoa chống đối với người Hoa tích cực, không có chính sách tranh thủ người Hoa, khiến người Hoa có những phản ứng tiêu cực. Hiện tượng một số người Việt gốc Hoa không còn được tin tưởng, bị đối xử không công bằng trong một số cơ quan Nhà nước, quân đội, công an… cũng không phải là không hiếm gặp và gây nên những phản ứng, bất bình nhất định từ phía người Hoa. Cán bộ chính quyền ở một số địa phương chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người Hoa ở lại yên tâm sản xuất, công tác, thậm chí không ít cán bộ có tư tưởng “tống xuất” càng nhanh càng tốt “đội quân thứ năm” để tránh hiểm họa. Tựu chung lại, Việt Nam có những chủ trương kịp thời, phù hợp trong vấn đề người Việt gốc Hoa, nhằm hạn chế bớt những tác hại do hoạt động của Trung Quốc dùng vấn đề người Hoa gây ra trên các mặt xã hội, kinh tế, chính trị.... song trong quá trình chỉ đạo thực hiện vẫn còn nhiều sai lệch, chủ quan, duy ý chí, nên ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình giải quyết vấn đề, tạo cớ cho Trung Quốc tuyên truyền, khoét sâu mâu thuẫn, gây nên làn sóng “nạn kiều”.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC



[1]Hoa kiều được gọi là "đội quân thứ năm" trong chính sách tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
[2] Bộ Ngoại giao (1979), Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Sách trắng, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.19.
[3] Ramses Amer (1991), Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Kuals Lumpur, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.8.
[4] Từ cuối năm 1976 sang đầu năm 1977, ở Trung Quốc có sự thay đổi chính sách đối với vấn đề gọi là "người Hoa ở hải ngoại". Nếu trong thời kỳ "cách mạng văn hoá" người Hoa ở nước ngoài bị phân biệt đối xử và nghi ngờ, thì từ đầu năm 1977, Trung Quốc lại mong nhận được sự giúp đỡ của người Hoa ở nước ngoài để phát triển kinh tế đất nước. Chính sách đối với Hoa kiều ở hải ngoại lần đầu tiên được công bố qua một bài viết của Liêu Thừa Chí, Chủ tịch Uỷ ban Hoa kiều Hải ngoại vụ (đăng trên Nhân dân Nhật báo ngày 4-1-1978), trong đó tuyên bố: Trung Quốc sẽ giành quyền bảo vệ tất cả Hoa kiều hải ngoại còn mang quốc tịch Trung Quốc.
[5] Trung Quốc lan truyền tin rằng, "Chính phủ Trung Quốc kêu gọi người Hoa về nước xây dựng Tổ quốc"; "ai không về là phản bội Tổ quốc".
[6] Tuy nhiên, bên cạnh dòng người Hoa đổ về Trung Quốc, với nhiều người Việt gốc Hoa thực dụng hơn đã coi đây là cơ may để đến được thế giới Tây phương - điều mà những người Hoa ở Đông Nam Á hẻo lánh không mơ tới được (BBCVetnamese.com, 10-2-2009).
[7] Chỉ trong vòng vài tháng, 17 vạn người Hoa đã rời Việt Nam đi Trung Quốc (Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979, tr. 86). Sau khi Trung Quốc đóng cửa biên giới (12-7-1978), nhiều người Hoa vẫn cố vượt biên. Theo tính toán của Ramses Amer “thì con số người Hoa ra đi cụ thể từ tháng 4-1978 đến cuối tháng 12-1979 là khoảng trên dưới 25 vạn người” (Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Kuals Lumpur, 1991, tr. 46).
[8] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Lưu tại Cục lưu trữ, Văn phòng Trung ương Đảng, tr.45.
[9] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.46.
[10] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.2.
[11] Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc (1978), Báo Nhân dân, ngày 29-4, tr.1
[12] Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc (1978), Tlđd, tr.1.
[13] Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc (1978), Tlđd, tr.1.
[14] Công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc (1978), Tlđd, tr.1.
[15] Chuyến tàu đầu tiên của Trung Quốc được phép đến cảng Việt Nam từ 20-6-1978.
[16] "Tuyên bố của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vấn đề người Hoa ở Việt Nam" (1978), Báo Nhân dân, ngày 6-6, tr. 4.
[17] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.2.
[18] Trung Quốc viện lý do lấy số tiền và vật tư đó dùng vào việc sắp xếp đời sống và sản xuất cho những "nạn kiều bị Việt Nam xua đuổi" về nước.
[19] "Luôn luôn cảnh giác, giữ vững trật tự, an ninh" (1978), Báo Nhân dân, ngày 17-8, tr. 1.
[20]Hai nước thỏa thuận là đối với những người Hoa ở Việt Nam xin đi Trung Quốc, thì cơ quan hữu quan của Việt Nam sẽ căn cứ đơn xin xuất cảnh của họ mà xét duyệt và gửi danh sách cho Đại sứ quán Trung Quốc cấp thị thực nhập cảnh.
[21] "Bác bỏ "kháng nghị" của Đảng Cộng sản Trung Quốc về hai bài của Báo Nhân dân "(1978), Báo Nhân dân, ngày 26-6, tr. 1.
[22] Sau sáu tuần bỏ neo, chờ đợi ngoài ngoài khơi biển Việt Nam, không được vào bờ, hai chiếc tàu phải trở về không. Việt Nam cảnh báo những nước Đông Nam Á là vì vấn đề Hoa kiều, Trung Quốc sẽ có thể xen vào công việc nội bộ nước họ.
[23] Trung Quốc tuyên bố: “Từ ngày 12-7-1978, những Hoa kiều cư trú tại Việt Nam về nước phải có giấy chứng minh về nước của Đại sứ quán nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam với sự thị thực xuất cảnh của nhà đương cục Việt Nam qua các cửa khẩu công khai. Những người không làm thủ tục thì không được nhập cảnh” (Báo Nhân dân, ngày 14-7-1978). Trung Quốc đóng cửa biên giới, khiến người Hoa đang chờ đợi được về nước giẫm đạp lên nhau cố gắng vào Trung Quốc, khiến nhiều người Hoa bị thương.
[24] Ramses Amer (1991), Người Hoa ở Việt Nam và quan hệ Trung - Việt, Kuals Lumpur, Bản dịch, Lưu tại Thư viện Ban Biên giới Chính phủ, tr.33-35.
[25] Sự kiện xảy ra trùng hợp với ngày đàm phán đầu tiên giữa hai nước về vấn đề Hoa kiều.
[26] Hầu như tất cả Hoa kiều, bất kể có nhập quốc tịch Campuchia hay không và bất kể tư sản hay vô sản đều bị Chính phủ Polpot bức hại nghiêm trọng, buộc họ phải chạy sang các nước khác trong đó có Việt Nam. Từ năm 1975 đến cuối năm 1979, có khoảng 350.000 Hoa người tị nạn từ Campuchia vào Việt Nam; trong  đó có “1.507 Hoa kiều hạy nạn Pôn Pốt – Iêng Xa-ry từ Cam-pu-chia sang Việt Nam nay muốn xin về Tổ quốc” (Báo Nhân dân, ngày 14-7-1978).
[27] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.15.
[28] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.30.
[29] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.30.
[30] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.20.
[31]Quyết định này được ban hành khi có cuộc điều tra dân số miền Nam và chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội.
[32] Ngày 11-9-1975, Việt Nam tiến hành cải tạo XHCN ở miền Nam. Trong đợt cải tạo XHCN, có 670 chủ hộ tại khu vực Sài Gòn-Chợ lớn và 17 tỉnh thành bị cho là tư sản mại bản và tài sản của họ bị tịch thu70% trong số này là người Việt gốc Hoa. Sau đó công cuộc cải tạo XHCN ở miền Nam có những điều chỉnh lại, con số 670 được điều chỉnh xuống còn 159 người, trong đó 117 người là người Hoa. Tuy nhiên, lúc này vấn đề đã được đẩy đi quá xa, Trung Quốc tố Việt Nam là kỳ thị người Hoa, gây thêm căng thẳng giữa hai nước.
[33] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.15.
[34] Tập tài liệu tổng kết công tác của Đảng (1975-1985), Tlđd, tr.15.

1 nhận xét:

  1. Thưa cô dài quá e không thể thâu tóm hết. được nhưng tóm lại trong vấn đề này thì T Q thực sự là bên có vấn đề trước đúng không ạ . E nghe có ý kiến cho rằng TQ lúc ấy là cố tình kiếm cớ làm thế vs mục đích là lamf sụt giảm kinh tế Việt Nam! Trong khi đó Việt Nam! Và tTQ hai bên đang đều trong kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế và cần đầu tư từ nước ngoài , kinh tế Việt Nam! Bị suy yếu do chiến tranh sẽ là nguyên nhân khiến cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ không. Hướng đến Việt Nam! Nữa và khi đó có lợi cho TQ . Đó có phải là mục tiêu to lớn của TQ ko ạ ? Em cảm ơn cô trc

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!