Thứ Ba, 17 tháng 12, 2013

HÀN QUỐC VỚI CHIẾN TRANH VIỆT NAM





Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc chiến có quy mô rộng lớn, tính chất và cường độ ác liệt nhất thế kỷ XX. Nhân dân Việt Nam từng phải đương đầu với một đối phương có bộ máy chiến tranh khổng lồ, có tiềm lực, sức mạnh kinh tế, quân sự vượt trội. Tiến hành cuộc chiến dài ngày, hao người, tốn của và gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ, nhằm quốc tế hóa cuộc chiến theo mô thức chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), người Mỹ đã huy động một lực lượng quân đồng minh hùng hậu tham dự trực tiếp (Australia, Neu Zealand, Thái Lan, Philippines); trong đó, lực lượng quân sự Hàn Quốc được Mỹ đánh giá cao về tính tích cực, khả năng và hiệu quả tác chiến.

1- Liên minh chống Cộng và tính toán gửi quân đội sang miền Nam Việt Nam
 Ngày 26-10-1955, Chính quyền Sài Gòn công bố kết quả cuộc trưng cầu dân ý[1]. Vài ngày sau đó, Mỹ cùng với các nước đồng minh nhanh chóng công nhận chính phủ Ngô Đình Diệm, còn Hàn Quốc, ngay lập tức, vào ngày 27-10, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Cộng hòa. Trên lập trường chống Cộng triệt để, quan hệ Việt Nam Cộng hòa và Hàn Quốc ngày càng được củng cố[2]. Tháng 9-1957, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Ngô Đình Diệm, Lý Thừa Văn chính thức gợi ý về việc thành lập một liên minh quân sự chống Cộng ở châu Á bao gồm Hàn Quốc, Trung Hoa Dân quốc và Việt Nam Cộng hòa, nhằm “nêu tấm gương đoàn kết thông qua một tổ chức khu vực dựa trên cơ sở tự do và dân chủ”[3], song Ngô Đình Diệm đã từ chối[4]. Kết thúc chuyến viếng thăm “có khởi đầu tốt đẹp”, Hàn Quốc và Việt Nam Cộng hòa ra Tuyên bố chung, cam kết phát triển quan hệ và khẳng định quyết tâm chống Cộng. Tinh thần hợp tác chống Cộng một lần nữa được Lý Thừa Văn nhấn mạnh lại trong chuyến thăm Việt Nam Cộng hòa vào tháng 11-1958: “Cần phải khẩn thiết thành lập một đạo thập tự quân chiến đấu cho tự do”[5].
Tháng 2-1960, nhân chuyến thăm Việt Nam, trong cuộc hội đàm với Ngô Đình Diệm, nguyên Thứ trưởng Ngoại vụ Kim Dong Jo, Trưởng Phái đoàn thiện chí[6] của Hàn Quốc, nhấn mạnh yêu cầu xây dựng một liên minh châu Á – một tổ chức an ninh tập thể “chỉ riêng các quốc gia đã đặt Đảng Cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”[7]. Từ tháng 2-1962, Chính phủ Hàn Quốc tích cực xúc tiến thành lập Trung tâm chống Cộng châu Á mà Việt Nam Cộng hòa là một thành viên. Như vậy, vào thập niên 50, 60 (XX), Chính phủ Hàn Quốc có quan điểm, mục tiêu chống Cộng cứng rắn và mạnh mẽ - đó là một trong những cơ sở quan trọng hình thành ý đồ, toan tính gửi quân sang tham chiến tại miền Nam Việt Nam của Hàn Quốc suốt thời gian này cũng như về sau.
Ý định gửi quân đội sang Việt Nam tham chiến của Chính phủ Hàn Quốc có từ rất sớm. Đầu năm 1954, khi chiến cuộc Đông Xuân đang diễn ra quyết liệt, Tổng thống Lý Thừa Văn đã đề nghị gửi “Quân đội Hàn Quốc đến Việt Nam để hỗ trợ cuộc chiến đấu chống Cộng sản”[8]. Những năm 1957-1958, Chính quyền Lý Thừa Văn liên tục thảo luận nội bộ, bàn về khả năng gửi quân đội tham chiến, bàn về những lợi hại, được mất từ quyết định này. Không chỉ có vậy, Hàn Quốc còn tổ chức các đoàn khảo sát tình hình chiến trường miền Nam Việt Nam, thăm dò, nghiên cứu địa hình, khí hậu, ngôn ngữ… chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện nếu đề nghị gửi quân được chấp thuận. Tháng 11-1961, trong chuyến thăm Washington, Chủ tịch Hội đồng tối cao tái kiến thiết Quốc gia Park Chung Hee bày tỏ mong muốn Mỹ đồng ý để quân đội Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam; tuy nhiên, do Mỹ chưa đưa quân vào miền Nam, nên đề nghị của Park đã không được chuẩn y.
Đầu năm 1962, diễn biến chiến trường tiếp tục có những bất lợi đối với quân đội Sài Gòn và tình hình đó càng thúc đẩy quyết tâm gửi quân đội sang Việt Nam của Chính phủ Hàn Quốc. Cuối cùng, mong muốn đó đã trở thành hiện thực sau sự kiện L.Johnson nhậm chức Tổng thống và bước chân vào Nhà trắng. Đối với chiến tranh Việt Nam, dù thừa nhận sự vô vọng của cuộc chiến, song “không thể bỏ rơi miền Nam Việt Nam, bởi điều đó đồng nghĩa với tự sát chính trị”[9], L.Johnson quyết định dấn sâu hơn. Nhằm tranh thủ dư luận quốc tế và giảm bớt gánh nặng quân sự, ngày 9-5-1964, Mỹ chính thức gửi công hàm cho 25 nước đồng minh, yêu cầu cùng chia sẻ trách nhiệm với Mỹ ở Việt Nam. Tháng 6-1964, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Khánh đề nghị 34 nước chi viện, song những nước này phản ứng khá dè dặt. Trước tình hình đó, Mỹ cử đặc phái viên sang thuyết phục các nước châu Á – Thái Bình Dương, nhưng vấp phải thái độ lạnh nhạt, trừ Hàn Quốc nhiệt tình hưởng ứng và lập tức có hành động cụ thể.
2- Lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam
Tích cực chuẩn bị cho việc gửi quân sang Việt Nam, ngày 20-7-1964, Dự án chi viện cho miền Nam Việt Nam được đệ trình lên Quốc hội Hàn Quốc và nhanh chóng được tất cả các thành viên Quốc hội ủng hộ. Ngày 31-7-1964, Quốc hội Hàn Quốc (khóa 44) thông qua Dự án với 100% phiếu nhất trí. Ngày 24-8-1964, Đoàn chi viện quân sự lên đường sang Việt Nam (Đơn vị phẫu thuật quân y lưu động và Đoàn huấn luyện viên Taekwondo). Trong lời úy lạo tiễn đưa, Thủ tướng Jung II Kwon nhắn nhủ binh lính Hàn Quốc phải “thể hiện và chứng tỏ quyền uy của dân tộc, của quốc gia”[10].
Tháng 12-1964, trong điều kiện tình hình chiến tranh Việt Nam đang nóng dần, ngày càng trở nên phức tạp, L.Johnson yêu cầu Hàn Quốc gửi sang Việt Nam lực lượng công binh hỗ trợ quân đội Việt Nam Cộng hòa xây dựng lại những khu vực bị chiến tranh tàn phá, thúc đẩy nỗ lực bình định. Từ tháng 2 đến tháng 6-1965, Hàn Quốc đã gửi đến Việt Nam một lực lượng quân đội tổng cộng là 2.416 binh lính[11] (thường được biết đến với tên gọi Dove Unit- Đạo quân Bồ câu). Trong tháng 10 và tháng 11-1965, Chính phủ Hàn Quốc quyết định gửi thêm hơn 18.000 quân, gồm 1 lữ đoàn lính thủy đánh bộ (4.480 người); 1 sư đoàn lục quân và Bộ Tư lệnh chi viện quân nhu (13.830 người)[12]. Cuối năm 1966, Hàn Quốc tiếp tục gửi thêm lực lượng quân sự tới Việt Nam (điều động đơn vị Eun San Jin và Sư đoàn 9 - Bạch Mã), nâng tổng số quân tại Việt Nam lên đến 45.660 người[13], chiếm hơn 50% lực lượng quân đội nước ngoài tại miền Nam Việt Nam và 25% tổng lực lượng chiến đấu của Mỹ trên chiến trường Quân khu 5. Năm 1968 là năm Hàn Quốc có lực lượng quân sự cao nhất, lên tới 50.003 người[14].
 Để trấn an dư luận, Chính phủ Hàn Quốc luôn khẳng định rằng việc gửi quân sang Việt Nam sẽ không ảnh hưởng đến khả năng quốc phòng của đất nước, cũng như không tác động tiêu cực đến mức độ hỗ trợ của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc; đồng thời, thuyết phục để Mỹ đồng ý không cắt giảm lực lượng tại Hàn Quốc nếu như không có sự trao đổi và thỏa thuận trước[15].
Dưới sự chỉ huy của người Mỹ, sư đoàn Mãnh Hổ (Tiger Force), Bạch Mã  (White Horse) và Lữ đoàn lính thủy đánh bộ Rồng Xanh (Blue Dragon) được triển khai trên địa bàn các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Ngoài ra, các đơn vị khác cũng nhanh chóng chiếm lĩnh các vị trí quan trọng như Tư lệnh 100 tiếp vận (8.800 quân) đóng tại Nha Trang; Đoàn phẫu thuật quân y lưu động (130 quân) đóng tại Vũng Tàu; Đoàn Công binh (2.200 quân) đóng tại Dĩ An (Biên Hòa); Đoàn Hải vận (580 quân), Đoàn Không vận (60 quân) đóng tại Sài Gòn và một số đơn vị khác (khoảng 2.000 quân)[16].
Việc Mỹ bố trí sư đoàn Mãnh Hổ, Bạch Mã, Rồng Xanh chốt giữ ở chiến trường Quân khu 5- một địa bàn chiến lược trọng yếu[17], cho thấy Mỹ tin tưởng và đánh giá cao khả năng chiến đấu của quân đội Hàn Quốc. Quả thực, tham chiến tại Việt Nam, quân đội Hàn Quốc trở thành lực lượng "xương sống" trong các cuộc hành quân bình định và tìm diệt, chia sẻ tới gần 40% nhân lực và sinh mạng chiến tranh cho nước Mỹ[18]. Từ khi đưa quân vào Việt Nam đến năm 1969, quân đội Hàn Quốc thực hiện 474 cuộc hành quân cấp tiểu đoàn trở lên và 264.355 cuộc hành quân thông thường[19]. Theo con số thống kê chính thức của Chính phủ Hàn Quốc, từ tháng 10-1965 đến tháng 3-1973, quân đội Hàn Quốc tiến hành và tham gia tiến hành 1.170 cuộc hành quân quy mô cấp đại đội trở lên, hơn 556.000 cuộc hành quân quy mô cấp trung đội trở xuống[20], gây ra hàng loạt những vụ thảm sát đẫm máu và tàn khốc. Trong cuốn hồi ký về chiến tranh Việt Nam, Đại úy Kim Jin Sun (Đại đội trưởng Đại đội 11, sư đoàn Mãnh Hổ) mô tả lại: “Tôi đã từng đi săn nhưng không có khoái cảm nào tuyệt vời bằng khoái cảm giết người trên chiến trường. Khi nhìn thấy đối phương bị giết, chúng tôi có một cảm giác hân hoan khó tả. Vì thế, chúng tôi có thể đặt chân lên xác người mà chụp ảnh, có thể ngồi lên cái xác đó vừa nói chuyện vui vẻ. Không thể có một chút gì gọi là nhân tính con người” [21]. Đó là một đội quân chỉ có giết và giết, các giá trị đạo đức “bị tan vỡ chẳng khác nào những mảnh đạn pháo (…). Sự điên dại trên chiến trường là điều không thể tưởng tượng được bằng lý trí lúc bình thường”[22].
Điểm mạnh nhất và cũng đặc trưng nhất của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam là tính kỷ luật - “điều đó cho thấy rõ rằng binh lính Hàn Quốc đã được đào tạo, huấn luyện tốt và hết sức chuyên nghiệp”[23]. Về chiến thuật, quân đội Hàn Quốc có phương thức tác chiến phù hợp học thuyết quân sự Mỹ, với đặc trưng kết hợp chặt chẽ giữa việc sử dụng tối đa sức mạnh hỏa lực và phương tiện cơ động nhanh; đồng thời, hết sức linh hoạt, nhuần nhuyễn trong chiến thuật đánh du kích và phục kích. Nhận xét về tổ chức và hoạt động của lực lượng quân sự Hàn Quốc tại Việt Nam, Tướng Westmoreland đánh giá đó là “quân đội có tinh thần chiến đấu và năng lực chuyên môn cao, có quyết định táo bạo”[24]. Các báo cáo gửi về từ chiến trường luôn khẳng định “sự can đảm và hiệu quả tác chiến của tất cả các lực lượng Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam"[25]. Bàn về hiệu suất chiến đấu của lực lượng quân sự Hàn Quốc, Tướng Creigton Williams Abrams cùng chung quan điểm với người tiền nhiệm Westmoreland, khi thừa nhận rằng, “xét về tính chuyên nghiệp, quân nhân Hàn Quốc có ưu thế vượt trội so với tất cả các lực lượng đồng minh của chúng tôi ở miền Nam Việt Nam”[26].
Không chỉ đảm nhiệm các hoạt động quân sự, lực lượng Nam Hàn còn tích cực tiến hành công tác dân sự/dân vận - tâm lý chiến. Nếu như trong giai đoạn đầu tham chiến, tỷ lệ các hoạt động quân sự chiếm 70%, công tác dân sự - tâm lý chiến chỉ chiếm 30%, thì từ nửa cuối năm 1967, tỷ lệ này được nâng lên ngang bằng (50/50). Lính Nam Hàn tổ chức rải truyền đơn, dùng trực thăng gọi loa chiêu hồi, đặt trọng tâm hoạt động tâm lý chiến vào việc: 1- Phô trương sức mạnh quân sự Hàn Quốc và Hoa Kỳ; 2- Ly gián người dân khỏi ảnh hưởng Cộng sản; 3-Tuyên truyền cho quan hệ Việt - Hàn, cho liên minh Mỹ- Hàn; 4- Cổ xúy cho chính sách của chính phủ Việt Nam Cộng hòa… Để “quảng bá hình ảnh Đại Hàn”, binh lính Hàn Quốc tổ chức các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, thi đấu thể thao, thăm viếng người cao tuổi[27]…; tiến hành cứu trợ[28], hoạt động y tế[29], hoạt động xây dựng… Có điều trớ trêu là những hoạt động dân sự này luôn được tiến hành song song với những trận càn quét, bắn giết man rợ.
3- Tham chiến ở Việt Nam - lợi ích và hệ lụy
Đưa quân tham chiến tại Việt Nam, Chính phủ Hàn Quốc kỳ vọng và đã đạt những lợi ích thiết thực từ Mỹ. Trước tiên, về chính trị, thắt chặt một bước quan hệ Mỹ - Hàn, đưa Hàn Quốc từ vị trí lệ thuộc sang vị trí đồng minh thân cận, bởi chiến đấu tại Việt Nam, Hàn Quốc “không chỉ củng cố an ninh quốc gia của mình, mà còn góp phần vào việc bảo vệ thế giới tự do”[30] – như Tổng thống Park Chung Hee từng tuyên bố.
Phục vụ mục tiêu kinh tế, Hàn Quốc đề nghị Mỹ ký một số văn bản thỏa thuận, điển hình là Bản ghi nhớ Brown (Brown Memorandum, ngày 25-2-1966); theo đó, đổi lấy việc Hàn Quốc đưa quân chiến đấu tại miền Nam Việt Nam, Mỹ cam kết cung cấp một số lượng lớn trang thiết bị cho việc hiện đại hóa quân đội Hàn Quốc; mở rộng các công binh xưởng sản xuất đạn dược; cung cấp những trang thiết bị thông tin để Hàn Quốc sử dụng độc quyền tại miền Nam Việt Nam; mua của Hàn Quốc các trang thiết bị quân nhu, các loại hàng hóa cần thiết khác để cung cấp cho quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam; tăng cường viện trợ kỹ thuật cho Hàn Quốc trên tất cả các lĩnh vực nhằm đẩy mạnh xuất khẩu của Hàn Quốc; tăng thêm các khoản cho vay của Cơ quan phát triển quốc tế (AID)[31]…. Trên thực tế, dù Mỹ đã không hoàn toàn thực hiện đúng mọi cam kết, thì Hàn Quốc vẫn thu được những khoản lợi to lớn từ xương máu những người lính Hàn. Hàn Quốc đã không chỉ không mất bất kỳ một phí tổn nào cho lực lượng quân đội ở Việt Nam[32], mà từ năm 1965 đến năm 1970, còn nhận được từ Mỹ 1 tỷ USD viện trợ; 150 triệu USD vốn vay phát triển[33]. Cũng nhờ việc đưa quân sang Việt Nam tham chiến, hàng hóa Hàn Quốc có chỗ đứng trên thị trường miền Nam Việt Nam, Hàn Quốc đã dành được những hợp đồng thầu xây dựng béo bở, những hợp đồng xuất khẩu lao động có lợi nhuận cao… Trong số các nước xuất khẩu lao động sang Việt Nam, Hàn Quốc luôn chiếm vị trí hàng đầu, thậm chí đứng trước cả Mỹ và vào lúc cao điểm (năm 1968) lên đến 15.571 người[34]. Tính chung từ năm 1963 đến tháng 6-1970, tổng số lao động Hàn Quốc tại Việt Nam vào khoảng 24.294 người, chiếm 70% tổng số lao động Hàn Quốc tại nước ngoài[35]. Số ngoại tệ mà Hàn Quốc thu được từ miền Nam Việt Nam tăng đều qua các năm, bình quân chiếm 38% tổng xuất khẩu sản phẩm và 47% tổng số tiền Hàn Quốc vay từ nước ngoài[36]. Đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển ngoạn mục của kinh tế Hàn Quốc thập niên 60, 70 (XX): Từ năm 1965 đến năm 1975, xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 29 lần và tổng sản phẩm quốc nội (GNP) tăng 14 lần[37]; năm 1971, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc đã đạt 285 USD/năm, cao hơn gấp 3 lần so với năm 1961[38].
Về quân sự, trong thời gian Hàn Quốc gửi quân sang Việt Nam, viện trợ quân sự của Mỹ cho Hàn Quốc tăng hơn gấp 2 lần, bình quân mỗi năm vào khoảng 370 triệu USD. Nhờ có các khoản viện trợ đó, Hàn Quốc đã từng bước hiện đại hoá quân đội, phát triển mạnh mẽ công nghiệp quốc phòng.
Bên cạnh một số lợi ích, Hàn Quốc đã phải trả giá đắt cho việc đưa quân vào miền Nam Việt Nam: 5.000 binh lính thiệt mạng; 11.000 người mang thương tật vĩnh viễn; 100.000 nhiễm chất độc da cam[39]. Chiến tranh Việt Nam đã qua đi gần 40 năm, song "hội chứng chiến tranh Việt Nam" ở Hàn Quốc dai dẳng, nhức nhối không kém gì ở nước Mỹ và vẫn đang giày vò tinh thần hàng ngàn cựu chiến binh.
 Tiếp cận từ góc độ quan hệ Việt – Hàn, sự kiện Hàn Quốc đưa quân tham chiến tại Việt Nam, dù muốn hay không, ít nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ hai nước. Năm 2001, Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-Jung chính thức có lời xin lỗi Việt Nam vì những mất mát, đau thương do quân đội Hàn Quốc gây ra. Hai nước đã cùng nhau khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, song trên quan điểm thiếu hiểu biết về lịch sử, rất có thể sẽ lặp lại những sai lầm lịch sử một lần nữa, ngày hôm nay, người dân hai nước Việt, Hàn nhìn lại quá khứ không phải để đào những hố sâu ngăn cách, mà để trách những vết xe đổ, bắc nhịp cầu hòa hợp, tỉnh táo hành động ở hiện tại cho một tương lai không còn khói lửa chiến tranh.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC



[1] Cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức vào ngày 23-10-1955, bị tố cáo là gian lận, với số phiếu bầu cho Ngô Đình Diệm là 5.721.735 (chiếm 98,2%)
[2] Ngày 26-5-1956, Hàn Quốc thiết lập Tòa Công sứ tại Sài Gòn (Tướng Choi Duc Shin là Công sứ đầu tiên). Tháng 6-1956, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đặt Công sứ ở Seoul (Tướng Dương Văn Đức đứng đầu).
[3] Choi Sang Su: Relations Vietnam - South Korea, Seoul, 1966, p.180.
[4] Ngô Đình Diệm từ chối không phải vì không thiết tha với liên minh quân sự do Hàn Quốc đề nghị, mà bởi: 1- Tổ chức SEATO đã cam kết đặt Việt Nam Cộng hòa dưới ô bảo trợ; 2- Hiệp định Geneve (điều 19) đã cấm miền Nam Việt Nam tham gia mọi liên minh quân sự. Ngô Đình Diệm e ngại vi phạm điều 19 sẽ bị dư luận trong nước và quốc tế phản đối.
[5] Hồ sơ v/v ngoại giao, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Fond Đệ nhất Cộng hòa, 1958, Bộ Thông tin và Thanh niên, ngày 6-1-1958, số 5187, cặp số 909, hồ sơ số 8824.
[6] Đây là phái đoàn đặc trách của Tổng thống Lý Thừa Văn sang thăm các nước Đông Nam Á nhằm tổ chức một cuộc hội đàm thượng đỉnh bàn về việc thành lập một tổ chức an ninh tập thể của các quốc gia chống Cộng ở châu Á.
[7] Hồ sơ v/v ngoại giao, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Fond Đệ nhất Cộng hòa, 1969, “Những hoạt động của quân lực Đại Hàn tại Việt Nam Cộng hòa trong 4 năm qua”, cặp số 57, hồ sơ số 532.
[8] Allied Participation in Vietnam, Department of Army Washington D.C. 1985, Library of Congress Catalog Card Number 74-28217, p.120.
[9] Добрынин Анатолий:  Сугубо доверительно, Изд. “Автор”, Москва, 1996, c. 151 (Dobrunin Anatoli: Đặc biệt tin cậy, Matxcova, 1996, tr.151).
[10] Choi Sang Su: Relations Vietnam - South Korea, Ibid, p.286.
[11] Allied Participation in Vietnam,  Ibid, p.122.
[12] Ku Su Jeong: Mối quan hệ Việt – Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955-2005), Luận án Tiến sĩ lịch sử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr. 121.
[13] Allied Participation in Vietnam,  Ibid, p.23.
[14] Allied Participation in Vietnam,  Ibid, p23.
[15] Allied Participation in Vietnam,  Ibid, pp. 128-129.
[16] Hồ sơ v/v ngoại giao, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Fond Đệ nhất Cộng hòa, 1969, Tlđd.
[17] Quân khu 5 là địa bàn chiến lược, là hành lang nối liền hai miền Bắc - Nam; là dải đất tiếp giáp với Tây Nguyên, với phía nam nước Lào, với phía tây Campuchia, hết sức lý tưởng cho việc chia cắt Việt Nam và không chế toàn bộ chiến trường Đông Dương. Đây còn là tiền tuyến, là đầu cầu chiến lược để Mỹ tiếp nhận lực lượng, vật chất phục vụ chiến tranh; đồng thời, là bàn đạp quan trọng để Mỹ triển khai lực lượng đi các hướng chiến trường quan trọng khác.
[18] Allied Participation in Vietnam,  Ibid, p.148.
[19] Hồ sơ v/v ngoại giao, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Fond Đệ nhất Cộng hòa, 1969, Tlđd.
[20] Ku Su Jeong: The secret tragedy of Vietnam, 273th edition of "The Hankyoreh21"/ 2. Sep, 1999.
[21] Hồi ký Kim Jin Sun, http://www.lichsuvietnam.info
[22] Hồi ký Kim Jin Sun, Tlđd.
[23] Allied Participation in Vietnam, Ibid, 1985, p.145.
[24] Allied Participation in Vietnam, Ibid, 1985, p.147.
[25] Allied Participation in Vietnam, Ibid, 1985, p.147.
[26] Allied Participation in Vietnam, Ibid, 1985, p.153.
[27] Tính đến ngày 31-8-1969, quân đội Hàn Quốc đã tổ chức 167.274 cuộc thi đấu thể thao; 72.775 cuộc thăm hỏi bô lão; 21.397 lần liên hoan, giao lưu; 317.302 buổi biểu diễn văn nghệ, kết nghĩa quân dân (Hồ sơ v/v ngoại giao, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Fond Đệ nhất Cộng hòa, 1969, Tlđd).
[28] Tính đến ngày 31-8-1969, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành cứu trợ 1016 tấn gạo, 165.206 gallon dầu ăn, 117, 169 kg sữa; 31.562 chiếc khăn; 224.782 bộ quần áo, 12.233 tấn vật dụng… (Hồ sơ v/v ngoại giao, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Fond Đệ nhất Cộng hòa, 1969, Tlđd).
[29] Tính đến ngày 31-8-1969, Đoàn phẫu thuật quân y lưu động Hàn Quốc đã chữa bệnh cho 431.246 người (Hồ sơ v/v ngoại giao, Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, Fond Đệ nhất Cộng hòa, 1969, Tlđd).

[30] Elite Korean Units during the Vietnam war, http://www.militaryphotos.net

[31] Allied Participation in Vietnam, Ibid, 1985, p.124-125.
[32] Mỹ phải chi trả cho việc bảo đảm hoạt động của lực lượng Hàn Quốc ở Việt Nam gần 2,000,000 USD/năm; năm đầu tiên, số tiền này là 43 triệu USD (Allied Participation in Vietnam, Ibid, 1985, p.127).
[33] Elite Korean Units during the Vietnam war, Ibid.
[34] Ku Su Jeong: Mối quan hệ Việt – Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955-2005), Tlđd, tr.143.
[35] Ku Su Jeong: Mối quan hệ Việt – Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955-2005), Tlđd, tr.143-144.
[36] Ku Su Jeong: Mối quan hệ Việt – Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955-2005), Tlđd, tr.145.
[37] Vietnam War: Korea's Involvement, HighBeam Research, 2013.
[38] Trường Đại học KHXH & NV, Đại học Quốc gia Hà Nội: Tương đồng văn hoá Việt Nam-Hàn Quốc, Nxb Văn hoá thông tin, Hà Nội, 1996, tr.391.
[39] Vietnam War: Korea's Involvement, Ibid.

2 nhận xét:

  1. Về hồi ký của ông Kim Jin Sun, tác giả bài viết có bản Tiếng Anh không ạ?

    Trả lờiXóa
  2. Tác giả bài viết không có bản tiếng Anh. Nhưng nếu bạn muốn tham khảo, có thể vào đường link sau - ở đó có bản song ngữ:
    http://sachhiem.net/THOISU_CT/ChuK/KimJinSun1.php

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!