Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

QUAN ĐIỂM CỦA TRUNG QUỐC VỀ VIỆC PHÁT ĐỘNG ĐẤU TRANH VŨ TRANG Ở MIỀN NAM VIỆT NAM (1954-1964)


Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Về cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của Việt Nam, Việt Nam và Trung Quốc có một số bất đồng trên các vấn đề như phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam, tính chất trường kỳ của cuộc kháng chiến, quan hệ giữa cách mạng miền Bắc với cách mạng miền Nam… E ngại chiến tranh ở Đông Dương có thể mở rộng, dẫn đến sự can thiệp sâu rộng của Hoa Kỳ vào Đông Dương, quan điểm của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam là ủng hộ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, kinh qua đấu tranh trường kỳ ảnh hưởng và tranh thủ miền Nam.

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11-1956, Thủ tướng Chu Ân Lai bày tỏ quan điểm của Trung Quốc chỉ ủng hộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, không đồng tình với quan điểm tiến hành đấu tranh vũ trang ở miền Nam: “Trung Quốc sẽ hết sức ủng hộ công cuộc kiến thiết kinh tế của nhân dân Việt Nam và cuộc đấu tranh giành thống nhất Việt Nam bằng phương pháp hoà bình”[1]. Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở Bắc Kinh tháng 4-1957, Mao Trạch Đông một lần nữa nhắc nhở Việt Nam “phải thấy đó là vấn đề trường kỳ không nên hấp tấp”, “thời gian có lẽ dài đấy. Tôi mong thời gian dài thì sẽ tốt vì dài sẽ không có chiến tranh thứ ba...”[2]. Vì không muốn Việt Nam phát động đấu tranh vũ trang, về xây dựng quốc phòng, Mao Trạch Đông khuyên Việt Nam giảm bớt lực lượng quân đội, dù Việt Nam đang có chiến tranh: “Cần phải giảm bớt biên chế, giảm bớt bộ đội đi nếu không thì có nhiều vấn đề không giải quyết được”[3]. Cuối năm 1959, trong cuộc hội đàm với Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chu Ân Lai một lần nữa nhấn mạnh: "…chỉ cần nắm chắc bộ phận chính trị ở trong tay, nắm chặt tính chất chủ động của cuộc đấu tranh, đặc biệt là xây dựng miền Bắc cho tốt, áp đảo tập đoàn Ngô Đình Diệm về mọi mặt (…). Chỉ có củng cố miền Bắc mới có thể tranh thủ miền Nam, thực hiện thống nhất Việt Nam một cách hòa bình”[4]; Trung Quốc “kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam để thi hành Hiệp định Giơnevơ, thống nhất Tổ quốc, nhưng cần phải chuẩn bị làm cuộc đấu tranh trường kỳ...”[5]. Về quan điểm của Chính phủ Trung Quốc, nhà nghiên cứu Qiang Zhai lý giải: Là một nhân vật có ảnh hưởng lớn trong chính sách của Trung Quốc đối với Việt Nam, Mao Trạch Đông tin rằng, cuộc chiến tranh Đông Dương sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn bộ khu vực (bao gồm cả Miến Điện, Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia, và Philippines), thậm trí là đến cả Pakistan, Ấn Độ…; vì thế, nếu không cẩn thận, “sẽ ảnh hưởng đến 600 triệu người trong mười quốc gia (…) nên làm những nhượng bộ cần thiết (…). Bằng cách này, chúng ta có thể cô lập dân tộc thiểu số (Hoa Kỳ), chiến thắng và đạt được một thỏa thuận cuối cùng”[6].
Tháng 1-1959, khi Nghị quyết 15[7] về phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam được Đảng Lao động Việt Nam thông qua, Trung Quốc tiếp tục bảo vệ quan điểm: “Miền Bắc có thể ủng hộ chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đề ra các chính sách, nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em miền Nam… có thể cung cấp một số vũ trang cho miền Nam mà không ai biết. Nhưng nói chung là không giúp”[8]. Quan điểm này được Nguyên soái Lâm Bưu, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh với Phái đoàn quân sự Việt Nam (sang thăm Trung Quốc vào tháng 8-1959): “Đông Dương là một trong những nơi nhạy cảm trong quan hệ hai phe. Cho nên Việt Nam không nên vượt quá vĩ truyến 17, cũng không nên vượt quá biên giới Việt – Lào, nếu ta vượt thì địch cũng vượt...”; “việc xây dựng quốc phòng ở miền Bắc Việt Nam cũng không không nên quá lớn, mà chỉ nên đủ sức đánh lại kẻ địch khi chúng đánh sang. Vấn đề xây dựng quốc phòng cũng không nên đề ra quá gấp”[9].
Từ năm 1960, cách mạng miền Nam Việt Nam có sự chuyển biến đột phá – điều đó cho thấy chủ trương chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang đấu tranh vũ trang của Đảng Lao động Việt Nam là phù hợp, song Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm: “Cuộc đấu tranh của miền Nam phải trường kỳ, phải chuẩn bị tinh thần 10 năm, 20 năm, 30 năm”[10], “khoảng 10, 15 năm thậm chí đến 20 năm, dự kiến tình hình có lẽ sẽ không có thay đổi lớn”[11]; khuyên Việt Nam “ra sức tranh thủ một thế quân bình như vậy để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội”[12], e ngại “không có lực thay đổi cục diện thế quân bình hiện tại...”[13]. Phát biểu về quan hệ giữa cách mạng hai miền Nam – Bắc Việt Nam, Thủ tướng Chu Ân Lai cho rằng, “miền Bắc có thể ủng hộ về chính trị cho miền Nam, giúp miền Nam đề ra các chính sách, còn về quân sự thì khi ăn chắc có thể giúp đỡ, nhưng chủ yếu là bồi dưỡng tinh thần tự lực cánh sinh cho anh em (…), nghĩa là khi hoàn toàn chắc chắn không xảy ra chuyện gì, có thể cấp cho anh em một số vũ trang, không cho ai biết. Nhưng nói chung là không giúp”[14]. Trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14-11-1961 tại Bắc Kinh, bàn về khả năng phát triển của chiến tranh Đông Dương, Chu Ân Lai đưa ra ba phương án: 1-Chiến tranh du kích (chiến tranh phạm vi hẹp); 2- Chiến tranh với quân đội Sài Gòn và quân đội Viêng chăn (chiến tranh phạm vi trung bình); 3- Chiến tranh với quân đội Mỹ (Chiến tranh phạm vi lớn)[15]. Trong ba phương án đó, Chu Ân Lai cho rằng phương án thứ hai là thích hợp hơn cả trong điều kiện lúc đó.
Năm 1960, phong trào “Đồng khởi” ở miền Nam bùng lên mạnh mẽ, lan rộng, dùng bạo lực cách mạng giáng trả bạo lực của đối phương, làm tan rã hàng loạt bộ máy kìm kẹp ở xã, ấp, thôn, bản, mở ra thời kỳ mới – thời kỳ tiến công và giữ vững thế chiến lược tiến công. Trước hiện thực đó, phát biểu với Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh vẫn khẳng định “phải đấu tranh lâu dài, không thể giải quyết nhanh được (…) không thể đưa lực lượng cách mạng bộc lộ quá sớm, quá nhiều trên tiền tuyến cách mạng vào lúc thời cơ chưa chín muồi”[16]. Trung Quốc gợi ý Việt Nam nên áp dụng chính sách “tổ mối”[17] trong đấu tranh ở miền Nam.

Phát biểu của Nguyên soái Diệp Kiếm Anh về vấn đề đấu tranh cách mạng ở miền Nam Việt Nam
Xét tình hình miền Nam phong trào đấu tranh của quần chúng lên hết sức cao, không nên và không thể dội vào đó một gáo nước lạnh.
Phải coi trọng, không thể làm tổn thương tinh thần đấu tranh để thống nhất Tổ quốc của nhân dân miền Nam. Nhưng xét tình hình cụ thể, không thể đưa lực lượng cách mạng bộc lộ quá sớm, quá nhiều trên tiền tuyến cách mạng vào lúc thời cơ chưa chín muồi.
Ở miền Bắc, trong quân đội có 4 - 5 vạn cán bộ và bộ đội người miền Nam, họ rất quan tâm đến giải phóng miền Nam. Việc nắm hình thức đấu tranh, việc tập hợp tích cực lực lượng đợi thời cơ có lợi, về biện pháp cụ thể rất khó khăn, cho nên ở Bắc Kinh hai trung ương Đảng đã nêu: Về hình thức đấu tranh phải áp dụng chính sách “tổ mối” để biện pháp cụ thể nói chung coi trọng đấu tranh ở miền Nam, nhưng không đơn thuần quân sự, coi trọng đấu tranh chính trị của quần chúng, hợp pháp, bất hợp pháp, theo chính sách “tổ mối” chờ thời cơ thuận lợi sẽ tung lực lượng ra.
Nguồn: Hội đàm ngày 28-12-1961 tại Hà Nội giữa lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Quân ủy Trung ương, Quân đội nhân dân Việt Nam, Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Ngày 15-9-1963, trong cuộc hội đàm về vấn đề miền Nam Việt Nam giữa hai Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Tùng Hóa (Quảng Đông, Trung Quốc), Đại tướng Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Trung Quốc La Thụy Khanh phát biểu: “Hiện nay, về quân sự, chúng ta đánh những trận nhỏ, một mặt phát triển lực lượng của chúng ta; mặt khác, cần che dấu lực lượng (…) cần có miếng mà không có tiếng”[18]. La Thụy Khanh giải thích thêm: “Lực lượng vũ trang của ta tuy có phát triển, nhưng bây giờ chưa phải là lúc đánh những đòn mạnh. Muốn có tình hình ấy, phải chuẩn bị một thời gian. Đó là điểm xuất phát của việc đánh lâu dài”[19]. Tháng 10-1964, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Bắc Kinh, Mao Trạch Đông luôn tỏ ra e ngại nếu Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang ở miền Nam, chiến tranh sẽ lan rộng ra miền Bắc: “Nếu người Mỹ dám chấp nhận rủi ro để đưa chiến tranh vào miền Bắc, cuộc xâm lược này cần được xử lý như thế nào?”[20]. Bình luận về chính sách “tổ mối” mà Trung Quốc khuyên Việt Nam thực hiện, Qiang Zhai viết: “Rõ ràng, Bắc Kinh đã làm như không nhìn thấy tình hình ở Việt Nam đang leo thang, mang tính chất của một cuộc đối đầu quyết liệt với Hoa Kỳ”[21]. Bận tâm với việc phục hồi những thảm họa kinh tế do Đại nhảy vọt gây ra, lo ngại cho an ninh phía Nam, Trung Quốc “không khuyến khích việc đưa các nguồn lực từ miền Bắc vào hỗ trợ của một cuộc tổng tấn công ở miền Nam tại thời điểm này”[22]. Nhà nghiên cứu Xiaoming Zhang thẳng thắn hơn: “Trung Quốc muốn hai nước Việt Nam độc lập hơn là một nước Việt Nam thống nhất mạnh mẽ với lịch sử hàng ngàn năm ác cảm với sự bành trướng Trung Hoa. Do đó, Trung Quốc muốn dựa vào Hoa Kỳ để ngăn chặn một chiến thắng quân sự quyết định của Hà Nội”[23]. Bên cạnh đó, tâm lý e ngại Mỹ, đánh giá cao sức mạnh Mỹ “chổi ngắn không quét được mang nhện ở xa” là một trong những nguyên do khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc không ủng hộ Việt Nam đẩy mạnh đấu tranh vũ trang. Phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Nghị trong cuộc hội đàm với Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam (13-3-1960) về vấn đề quân Mỹ ở Nam Triều Tiên, Nam Việt Nam phản ánh rõ điều đó.
Phát biểu của Phó Thủ tướng Trần Nghị với Đoàn đại Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam
Ta đề ra khẩu hiệu đòi đế quốc Mỹ phải rút khỏi Nam Triều Tiên nhưng thực tế thì chúng tôi cũng không mong chúng rút, vả lại chúng cũng không chịu rút. Nếu Mỹ rút thì lực lượng miền Bắc Triều Tiên có thể đánh bại được miền Nam, nhưng nếu xảy ra chiến tranh thì đế quốc Mỹ sẽ quay đầu trở lại. Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương, trên một trình độ nào mà nói, cũng có tác dụng cai quản bọn Tưởng, không để chúng làm liều. Bọn Mỹ ở miền Nam Việt Nam cũng vậy. Không có đế quốc Mỹ thì lực lượng miền Bắc Việt Nam có thể tiêu diệt tập đoàn Ngô Đình Diệm, đó là điều không thể nghi ngờ gì nữa, nhưng vấn đề là đế quốc Mỹ sẽ nhảy vào can thiệp. Tương lai tình hình ở Lào cũng thế. Cho nên nhìn chung tình thế ở Viễn Đông, ở Triều Tiên, Đài Loan, cũng như Việt Nam và Lào trong một thời gian nhất định, khoảng 10, 15 năm thậm chí đến 20 năm, dự kiến tình hình có lẽ sẽ không có thay đổi lớn. Chúng tôi mong các đồng chí Việt Nam, Triều Tiên cũng như Trung Quốc đều ra sức tranh thủ một thế quân bình như vậy để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho chúng ta. Tình hình ở Đức trong thời gian gần đây có lẽ cũng không có thay đổi gì căn bản. Tóm lại là cả hai bên đều không muốn và cũng không có lực mà thay đổi cho cục diện thế quân bình hiện tại...
Nguồn: Hội đàm ngày 13-3-1960 tại Bắc Kinh giữa lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam, Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), lưu tại Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

 Như vậy, có thể nhận thấy quan điểm nhất quán của Trung Quốc đối với đường lối cách mạng Việt Nam trong những năm 1954-1960 là chỉ ủng hộ thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, duy trì nguyên hiện trạng hai miền, tạm thời không tiến hành đấu tranh vũ trang ở miền Nam. Một trong những nguyên nhân chính khiến Trung Quốc chưa thể ủng hộ Việt Nam đấu tranh vũ trang ở miền Nam là do lo ngại chiến tranh bùng nổ, lan rộng, Mỹ sẽ can thiệp bằng quân sự, Hạm đội 7 của Mỹ ở Thái Bình Dương có thể liều lĩnh tấn công – điều này hoàn toàn bất lợi cho an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Do muốn Việt Nam đấu tranh lâu dài, nên Trung Quốc không nhiệt tình ủng hộ Việt Nam xây dựng công nghiệp quốc phòng. Tháng 3-1960, Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương Việt Nam sang Bắc Kinh tranh thủ ý kiến của Trung Quốc về phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm xây dựng lực lượng vũ trang, củng cố quốc phòng (1961-1965), Trung Quốc đã thể hiện rõ quan điểm trên. Trong cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quân ủy, Bộ Trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Nghị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày dự kiến kế hoạch xây dựng xây dựng sân bay cấp 1 ở gần Hà Nội, xây dựng kho bãi và một số công trình quốc phòng lớn, Phó Thủ tướng Trần Nghị nói khéo: “Các đồng chí không nên đơn độc xây dựng công nghiệp quốc phòng, có thể xây dựng một số công xưởng sửa chữa”[24]. Phó Thủ tướng Trần Nghị thuyết phục Đoàn đại biểu Việt Nam: “Trong lúc nghiên cứu xây dựng công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, chúng tôi tính cả phần nhu cầu của Việt Nam, làm sao bảo đảm cho trình độ trang bị của Quân đội nhân dân Việt Nam cũng ngang như của Quân giải phóng Trung Quốc”[25].
Một cách tổng quát, bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong bối cảnh trong nước, quốc tế vừa có những thuận lợi cơ bản, vừa có những thách thức, khó khăn, Đảng Lao động Việt Nam, Nhà nước Việt Nam xác định không ngừng tăng cường đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của các lực lượng dân chủ và hòa bình thế giới, nhanh chóng nâng cao thực lực kháng chiến. Đó cũng là những nội dung cơ bản của đường lối vận động quốc tế của Đảng Lao động Việt Nam, được hình thành từ yêu cầu bức thiết của thực tiễn và trên cơ sở phân tích những yếu tố khách quan, chủ quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực thi đường lối đoàn kết quốc tế của Đảng Lao động Việt Nam, mọi việc không phải bao giờ cũng “xuôi chèo mát mái”.Quan điểm, thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề phát động đấu tranh vũ trang ở miền Nam Việt Nam có nhiều điểm không thuận và điều đó trong những chừng mực nhất định không thể không ảnh hưởng đến những quyết định của phía Việt Nam.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC



[1]Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn, Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc những sự kiện 1961 - 1970, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006, tr. 261.
[2] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Bản lưu tại Viện Hồ Chí Minh, HVCT-HCQGHCM, tr. 38.
[3] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 38.
[4] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 45.
[5] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 46.
[6] Qiang Zhai: China and Vietnam Wars, 1950-1975, The University of North Carolina Press, 2000, p.18-19.
[7] Nghị quyết 15 chỉ rõ con đường phát triển của cách mạng miền Nam Việt Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang, để đánh đổ sự thống trị của đế quốc Mỹ và phong kiến, lập nên chính quyền cách mạng của nhân dân.
[8] Bộ Ngoại giao: Sự thật quan hệ Việt Nam – Trung Quốc trong 30 năm qua, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1979,, tr. 40.
[9] Quách Minh (chủ biên): Diễn biến quan hệ Trung - Việt trong 40 năm qua, Nxb. Nhân dân Quảng Tây, tủ sách Đông Nam Á, 1992, bản dịch, lưu tại Thư viện Quân đội, Hà Nội, tr. 23.
[10] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 55.
[11] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 48.
[12] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 48.
[13] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 48.
[14] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 54-55.
[15] Yang Kuisong: Changes in Mao Zedong's Attitude toward the Indochina War, 1949-1973, Ibid, p.14.
[16] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 69.
[17]Chính sách “tổ mối” là chính sách tích trữ lực lượng, coi trọng đấu tranh chính trị của quần chúng, chờ thời cơ thuận lợi mới tung lực lượng ra và mới đẩy mạnh đấu tranh vũ trang.
[18] Biên bản cuộc họp bàn về vấn đề miền Nam Việt Nam giữa hai đoàn đại biểu Đảng Lao động  Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, lưu tại Cục lưu trữ, Bộ Quốc phòng, hồ sơ số 315, tr.5.
[19] Biên bản cuộc họp bàn về vấn đề miền Nam Việt Nam giữa hai đoàn đại biểu Đảng Lao động  Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc, Tlđd, tr.5.
[20] Mao Zedong And Phạm Van Dong, Hoang Van Hoan, Beijing, 5 October 1964, “77 conversations between Chinese and foreign leaders on the wars in Indochina, 1964-1977”, History and Public Policy Program Digital Archive, CWIHP Working Paper 22.
[21]Qiang Zhai: Beijing and the Vietnam Conflict, 1964-1965: New Chinese Evidenc, Ibid, p. 4.
[22] Qiang Zhai: Beijing and the Vietnam Conflict, 1964-1965: New Chinese Evidenc, Ibid, p. 4.
[23] Xiaoming Zhang: “The Vietnam War,  1964-1969:  A Chinese Perspective”, Ibid, p.733.
[24] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 49.
[25] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 49.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!