Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Việt
Nam có một vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, là điểm
giao hội của các đường giao thông quốc tế trên biển Thái Bình Dương, có tài
nguyên phong phú, được Mỹ đánh giá là một trong những vị trí sống còn trong tuyến
ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản. Mỹ rất coi trọng vị trí chiến lược của Việt Nam
trong chiến lược chung của Mỹ, mà trọng điểm lúc đó là tập trung chống lại
phong trào giải phóng dân tộc đang sục sôi khắp các lục địa. Hiệp định Giơnevơ
năm 1954 lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết, song Mỹ không ký vào Hiệp định
để 18 ngày sau chính thức đặt chân vào Việt Nam, thực hiện chính sách toàn cầu
đặt trong mối quan hệ với Đông Dương và Đông Nam Á[1].
1- Đối với Việt Nam, sau khi Hiệp định Giơnevơ
được ký kết (7-1954), hòa bình đã lập lại ở miền Bắc nhưng mục tiêu thống nhất
đất nước chưa được thực hiện. Nhân dân Việt Nam tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ
chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng ở miền
Nam, thống nhất đất nước. Ở miền Bắc, nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là hàn gắn vết
thương chiến tranh, phục hồi kinh tế quốc dân, giảm bớt khó khăn, nâng dần mức
sống của nhân dân, chuẩn bị điều kiện cho việc cải tạo và phát triển kinh tế có
kế hoạch, xây dựng miền Bắc thành “nền”, thành “gốc” cho cuộc đấu tranh thống
nhất nước nhà. Tuy nhiên, miền Bắc phải đối diện với rất nhiều khó khăn[2]. Ở
miền Nam, Mỹ bắt đầu các hoạt động chuẩn bị cho sự can thiệp sâu rộng hơn[3],
nhằm tiến hành chiến tranh xâm lược - cuộc chiến tranh dài ngày nhất, tàn khốc
nhất, “một cuộc chiến tranh làm mất lòng người và gây chia rẽ nhất trong một thế
kỷ của lịch sử Mỹ”[4].
Trong
cuộc đụng đầu lịch sử với Mỹ, để chiến thắng một đối phương có tiềm lực
kinh tế, quân sự to lớn, trong lịch sử gần 200 năm lập quốc chưa hề nếm mùi chiến
bại, Việt Nam hết sức cần thiết sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng tiến bộ,
hòa bình trên thế giới, của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là của Liên Xô,
Trung Quốc.
Trước
tình hình và yêu cầu nêu trên, tháng 7-1954, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao
động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 6, đánh giá sự chuyển biến các điều kiện
khách quan, chủ quan, đề ra nhiệm vụ mới, quyết định chủ trương, phương châm,
sách lược đấu tranh của cách mạng Việt Nam. Tại Hội nghị, Hồ Chí Minh
trình bày Báo cáo, phân tích mọi mặt
những diễn biến quốc tế và tình hình trong nước làm cơ sở để hoạch định nhiệm vụ
đối nội và đối ngoại. Báo cáo chỉ rõ:
“Đế quốc Mỹ là một trở lực chính ngăn cản việc lập lại hoà bình ở Đông Dương.
Chúng đang ráo riết xúc tiến việc thành lập khối xâm lược
Đông Nam Á, dùng Đông Dương làm bàn đạp để mở rộng
chiến tranh xâm lược”[5].
Phân tích và nhận diện âm mưu của những thế lực quốc tế đe dọa độc lập, tự do của
nhân dân Việt Nam, Hội nghị xác định nhiệm vụ: “Chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế
quốc Mỹ và hiếu chiến Pháp, dựa trên cơ sở những thắng lợi đã đạt được mà phấn
đấu để thực hiện hoà bình ở Đông Dương, phá tan âm mưu của đế quốc Mỹ kéo dài
và mở rộng chiến tranh Đông Dương, củng cố hoà bình và thực hiện thống nhất,
hoà bình độc lập và dân chủ trong toàn quốc"[6].
Ngày 6-9-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Tình hình mới và nhiệm vụ công tác mới của miền Nam, bổ sung và cụ
thể hoá Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6. Trên quan điểm đường lối đối ngoại là một
bộ phận của đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ Chính trị xác định mục
tiêu đối ngoại: “Xây dựng và phát triển quan hệ ngoại giao với bất cứ nước nào
dựa theo nguyên tắc bình đẳng, hai bên đều có lợi và tôn trọng lãnh thổ, chủ
quyền của nhau”[7], nhấn mạnh phải dựa vào
phe xã hội chủ nghĩa - chỗ dựa vững chắc, tin cậy, nơi nhân dân Việt Nam có thể
nhận được sự ủng hộ cả về vật chất, lẫn tinh thần: “Tiếp tục phát triển và củng
cố tình hữu nghị với Liên Xô, Trung Quốc và tất cả các nước
dân chủ nhân dân khác”[8].
Như vậy,
trong những năm đầu miền Bắc mới giải phóng, còn bộn bề khó khăn, trước những
yêu cầu mới của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt
Nam chủ trương mở rộng quan hệ với các nước dân chủ nhân dân và đặt trọng tâm
quan hệ vào các nước xã hội chủ nghĩa; đồng thời, tạm thời duy trì thế giữ gìn
lực lượng, đấu tranh đòi Mỹ và Chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện những điều
khoản cơ bản của Hiệp định Giơnevơ, từng bước hiệp thương thống nhất đất nước bằng
phương pháp hoà bình. Chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam phù hợp với quan
điểm “ba hòa” của Liên Xô - tiến hành đấu tranh chính trị - pháp lý, từng bước
giải quyết vấn đề miền Nam.
2- Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đối ngoại,
trong điều kiện miền Bắc vừa có hòa
bình, độc lập, thực hiện kế hoạch ba năm khôi phục kinh tế - văn hóa, nhằm “củng
cố thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân Liên Xô và Trung
Quốc (…) phát triển mối quan hệ kinh tế và văn hoá với các nước bạn”[9],
tháng 7-1955, Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh dẫn đầu đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa, trong đó có Liên Xô.
Đây là chuyến thăm Liên Xô chính thức đầu tiên của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt
Nam từ sau khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Về sự giúp đỡ của Liên Xô
đối với Việt Nam, Hồ Chí Minh phát biểu: “Sự giúp đỡ, ủng hộ của Liên
Xô, kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô có ý nghĩa vô cùng to lớn đối
với Việt Nam. Vào những thời điểm khó khăn, Liên Xô đã kịp thời giúp đỡ Việt
Nam, chi viện cho Việt Nam vốn, nguồn lực vật chất để giải quyết những vấn đề cấp
bách”[10]. Hồ Chí Minh bày tỏ sự ủng hộ của Chính phủ Việt
Nam đối với Tuyên bố chung Liên Xô - Ấn Độ do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
Liên Xô và Thủ tướng Ấn Độ ký tại New Delhi. Ngày 18-7-1955, nhân chuyến thăm,
Việt Nam – Liên Xô ký Tuyên bố chung.
Chuyến
thăm, đặc biệt là sự cởi mở, mến khách của những người Nga dung dị để lại ấn tượng
sâu đậm trong lòng Hồ Chí Minh. Phát biểu cảm tưởng về chuyến thăm, Hồ
Chí Minh nói: “Nhân dân và Chính phủ hai nước bạn đối với ta tình hữu nghị thật
là thân mật, thắm thiết; sự đồng tình và ủng hộ thật là nhiệt liệt, tích cực.
Chúng tôi đi đến đâu cũng có hàng ngàn hàng vạn người chào mừng vỗ tay, hoan
hô”[11].
Trước khi lên máy bay về nước, Hồ Chí Minh nói lời giã từ bằng tiếng Nga:
"Chúng tôi trở về Tổ quốc đem theo tình thân yêu và tình hữu nghị anh em của
nhân dân Liên Xô. Tuy Việt Nam và Liên Xô cách xa nhau hàng ngàn dặm, nhưng
trái tim chúng ta luôn luôn ở bên nhau và đập chung một nhịp"[12].
Hồ Chí Minh tin tưởng chắc chắn rằng, “từ nay, quan hệ hợp tác giữa
nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô sẽ mở rộng hơn nữa, tình hữu nghị không
gì lay chuyển giữa nhân dân hai nước sẽ ngày càng bền chặt”[13].
Đánh giá về ý nghĩa của chuyến thăm, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam coi đó
là “một bước phát triển quan trọng của tình hữu nghị Việt
- Xô - Trung. Nó sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến việc củng cố không ngừng
tình hữu nghị vĩ đại ấy về sau này, ảnh hưởng sâu rộng
đến việc củng cố miền Bắc của ta và đến việc củng cố các lực lượng đang bảo vệ
hoà bình ở châu Á và trên toàn thế giới”[14].
Năm
1957, Hồ Chí Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam tới
Liên Xô dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Phát biểu tại khóa họp Xô viết tối
cao kỷ niệm Cách mạng tháng Mười năm 1957, thay mặt Đảng và Nhà nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã “cám ơn Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô
anh em đã giúp đỡ chúng tôi một cách vô tư”[15],
khẳng định: “Sự giúp đỡ vô tư của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác
có một ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”[16].
Trong
chuyến thăm năm 1959, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng Lao động Việt Nam đọc Lời chào mừng Đại hội XXI Đảng Cộng sản
Liên Xô, Hồ Chí Minh đánh giá cao những thành công to lớn mà nhân dân
Liên Xô đã đạt được và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự giúp đỡ của Liên Xô đối
với Việt Nam trong việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ khôi phục kinh tế, hàn gắn
những viết thương chiến tranh. Kết thúc Lời
chào mừng, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng Đại
hội lần này của Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ mở ra những bước tiến mới của Liên Xô
trên con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, đồng thời những nghị quyết của Đại
hội sẽ là một nguồn cổ vũ to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc
lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trên thế giới tiến lên mạnh mẽ hơn nữa”[17].
Phát biểu về chuyến thăm, Hồ Chí Minh nêu hai cảm tưởng nổi bật: “1-Ở đâu tôi
cũng được đón tiếp như người anh em, bà con. 2- Ở đâu tôi cũng nhận thấy rằng,
nhân dân Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô, đang hăng hái làm
việc để xây dựng chủ nghĩa cộng sản”[18].
3-Trong các chuyến thăm cấp cao, một nội dung quan trọng,
thường nhật, được lãnh đạo cả hai nước hết sức quan tâm: Thông báo tình hình
mỗi nước, trao đổi quan điểm về tình hình quốc tế, về tình hình Đông Dương,
tình hình Đông Nam Á, tình hình thế giới, về những vấn đề hai bên cùng quan tâm
(về phương pháp giữ gìn hoà bình, về công tác khôi phục và phát triển kinh tế, văn
hoá của Việt Nam; về đường lối cách mạng trong thời kỳ thực hiện đồng thời hai
nhiệm vụ chiến lược - thời kỳ chưa có tiền lệ trong lịch sử Việt Nam, tổng kết
kết quả hợp tác giữa hai nước…). Một trong những nội dung mà hai bên cùng quan
tâm bàn bạc và có sự nhất trí cao là vấn đề thực hiện Hiệp định Giơnevơ và hiệp
thương tổng tuyển cử. Những nội dung được đưa ra thảo luận giữa hai Chính phủ
trong các cuộc hội đàm có ý nghĩa thiết thực cho việc tăng cường phối hợp hành
động giữa hai nước. Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô A.A.Gromuko nhớ lại cuộc gặp
gỡ, tổng kết hai năm hợp tác Việt Nam – Liên Xô với Hồ Chí Minh năm
1959: “Hồ Chí Minh đã nói với chúng tôi rằng, phía Việt Nam hoàn toàn hài lòng
về kết quả cuộc gặp gỡ”[19].
Những năm 1957-1960,
mâu thuẫn Xô – Trung bộc lộ ngày càng rõ rệt và công khai. Trong các chuyến thăm Liên Xô, liên quan đến vấn đề này, Hồ Chí
Minh có thái độ ứng xử tế nhị. Năm 1957, đến Liên Xô, Đoàn đại biểu Việt
Nam đồng thời tham dự Hội nghị các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế. Phát
biểu tại Hội nghị, sau khi ca ngợi Cách mạng tháng Mười, nhấn mạnh ảnh hưởng
của Cách mạng tháng Mười đối với Việt Nam: “Kinh
nghiệm của Cách mạng Tháng Mười, những thành tích của Liên Xô là ngôi sao chỉ
đường cho chúng tôi trong sự nghiệp xây dựng một cuộc đời hạnh phúc cho nhân
dân Việt Nam”[20],
Hồ Chí Minh khéo léo đề cập đến vấn đề đoàn kết, đến sức mạnh to lớn
của đoàn kết: “Trong
hoàn cảnh quốc tế hiện nay, khi bọn đế quốc đang âm mưu phá hoại sự nhất trí
của các nước xã hội chủ nghĩa, âm mưu gây một cuộc chiến tranh mới, thì sự nhất
trí của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu có một ý nghĩa
đặc biệt to lớn”[21].
Hồ Chí Minh khẳng định: “…đoàn kết
chặt chẽ giữa các nước xã hội chủ nghĩa là thành trì vững chắc của hoà bình, là
đảm bảo cho sự thắng lợi tất nhiên của sự nghiệp cộng sản chủ nghĩa”[22].
Trước sự rạn nứt trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh tích
cực vận động các đảng anh em, nhất là hai Đảng Cộng sản Liên Xô và Trung Quốc
dàn xếp, bỏ qua bất đồng, xích lại gần nhau.
Tham dự
Đại hội lần thứ XXI Đảng Cộng sản Liên Xô, ngày 5-2-1959, trả lời câu hỏi của
phóng viên Đài phát thanh Mátxcơva về tác động của Đại
hội lần thứ XXI đối với việc củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong phong trào cộng
sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh bày tỏ sự tin tưởng: “Đại hội lần
thứ XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô có tác dụng rất lớn đối với việc củng cố sự
đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Đại hội đã
nêu rõ con đường tiến lên chủ nghĩa cộng sản, tăng cường hơn nữa quan hệ anh em
và tình đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản và công nhân. Đại hội cũng nhất
trí lên án nghiêm khắc chủ nghĩa xét lại. Chắc chắn rằng sau Đại hội lần thứ
XXI của Đảng Cộng sản Liên Xô, phong trào cộng sản và phong trào xã hội chủ
nghĩa cũng như lực lượng hòa bình sẽ củng cố và phát triển hơn bao giờ hết”[23].
Đầu năm 1960, Hồ Chí Minh sang thăm không
chính thức Liên Xô và Trung Quốc với mục đích tăng cường quan hệ đồng thời với Liên Xô và với Trung Quốc, góp
phần hàn gắn quan hệ giữa hai nước. Tại Hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản
và công nhân
họp ở Mátxcơva (11-1960), thay mặt Đảng Lao động Việt Nam, Hồ Chí Minh nêu bật
nhiệm vụ quốc tế hết sức quan trọng: “Giữ vững và tăng cường
sự đoàn kết nhất trí giữa các nước xã hội chủ nghĩa
và giữa các Đảng Cộng sản và Đảng công nhân các nước”[24];
đồng thời, nhấn mạnh: “Trong sự đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa, giữa các Đảng Mác-Lênin
trên thế giới, sự đoàn kết giữa Liên Xô và Trung Quốc, giữa
Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc
có một tầm quan trọng đặc biệt”[25].
Hồ Chí Minh kêu gọi: “Chúng ta đều
là anh em ruột thịt trong đại gia đình cộng sản quốc tế, cùng nhau chung sức phấn đấu
cho tương lai tươi sáng của cả loài người (…). Để đánh thắng kẻ thù chung,
chúng ta nhất định phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết là sức
mạnh vô địch của chúng ta”[26].
Góp phần
đoàn kết hai nước lớn anh em, Đảng, Hồ Chí Minh nêu cao nguyên tắc
“không can thiệp vào công việc nội bộ của Liên Xô, Trung Quốc", cân bằng
quan hệ với cả hai nước. Mục tiêu cân bằng quan hệ giữa hai nước lớn do Hồ Chí
Minh đề xướng khiến Trung Quốc không hài lòng. Trên quan điểm “muốn chống đế quốc
phải chống chủ nghĩa xét lại”, Chu Ân Lai phát biểu: "Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa có chính sách rõ ràng về chống chủ nghĩa đế quốc, nhưng lại
không rõ ràng trên một số vấn đề khác”[27].
Tháng 8-1960, trong cuộc gặp gỡ với Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông một lần nữa nhắc
lại: “Đảng Lao động Việt Nam có quan điểm đúng đắn chống chủ nghĩa đế quốc,
nhưng cần phải mang nhận thức đúng đắn đó vào cuộc đấu tranh chống những thế lực
phản động ở những quốc gia khác và đặc biệt phải tỉnh táo nhận biệt thế lực nào
là thế lực phản động nhất”[28].
4- Bên cạnh các chuyến thăm Liên Xô với tư
cách là người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam, Hồ Chí Minh liên tục viết báo,
viết sách về đất nước của Cách mạng Tháng Mười. Năm 1957, nhân dịp 40 năm Cách
mạng tháng Mười, Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động chào mừng, kỷ niệm sự kiện lịch
sử quan trọng này. Thể hiện tình cảm thiết tha với đất nước Liên Xô, Hồ
Chí Minh viết cuốn sách “Liên Xô vĩ đại”
(10-1957), ký tên Trần Lực. Bằng giọng văn dung dị, lời lẽ ngắn gọn, giản đơn
và dễ hiểu, Hồ Chí Minh dẫn người đọc đến với đất nước Xô viết
xa xôi qua “cuộc đi thăm tinh thần”. Kể về những thành tích vượt bậc, những điều
kỳ diệu diễn ra trên đất nước Xô viết sau 40 năm xây dựng và phát triển, Hồ Chí
Minh mong muốn nhân dân Việt Nam “hiểu rõ hơn tình hình Liên Xô. Hiểu rõ thêm để
tin tưởng thêm, để yêu quý thêm”[29].
Hồ Chí Minh giới thiệu đến nhân dân Việt Nam một đất nước “to lớn như vậy, người
nhiều như vậy, mà khắp cả nước không có một người thất nghiệp, không có một người
tư bản, không có một ai bị người bóc lột và bóc lột người”[30]. Ở
đoạn kết, Hồ Chí Minh không quên nhấn mạnh sự giúp đỡ của Liên Xô về
tiền bạc, máy móc, nguyên liệu, chuyên gia để nhân dân Việt Nam làm vốn tự lực
cánh sinh, xây dựng kinh tế và phát triển văn hóa. Sự giúp đỡ này, như Hồ Chí Minh đánh giá – “thật là không bờ bến”. Ngoài tác phẩm “Liên Xô vĩ đại”, Hồ Chí Minh tiếp
tục viết một loạt bài ca ngợi Cách mạng tháng Mười, ca ngợi những thành tựu của
nhân dân Xô viết: “Cách mạng tháng Mười
và sự nghiệp giải phóng các dân tộc phương Đông” (6-11-1957); “Tin tưởng và quyết tâm”
(7-11-1957)…Tháng 11-1959, nhân kỷ niệm 42 năm Cách mạng tháng Mười, Hồ
Chí Minh viết riêng cho báo Pravđa (Liên Xô) bài viết “Vui vẻ kỷ niệm
Cách mạng Tháng Mười vĩ đại” (đăng
lại ở báo Nhân dân): “Nhờ Cách mạng Tháng Mười thành công mà một thế giới mới
đã ra đời và ngày càng phồn vinh, ngày càng mạnh mẽ như hoa nở mùa Xuân”[31].
Trong lời kết, Hồ Chí Minh viết: “Để
chúc mừng một cách xứng đáng Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, nhân dân Việt Nam một
lần nữa tỏ lòng thắm thiết biết ơn sự giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô và
cố gắng học tập tinh thần thi đua bền bỉ của công nhân, nông dân và trí thức
Liên Xô”[32].
Như vậy, là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam, có sự hiểu
biết sâu sắc về đất nước, con người Liên Xô, Hồ Chí Minh góp phần vào
sự phát triển quan hệ hữu nghị đoàn kết giữa Việt Nam và Liên Xô; đồng thời, chủ trương giữ quan hệ cân bằng với Liên Xô, Trung Quốc trong điều kiện
mâu thuẫn Xô – Trung ngày càng trầm trọng. Với đóng góp của Hồ Chí Minh, quan hệ
Việt – Xô giai đoạn này khá “xuôi chiều, mát mái”, Liên Xô đã tích cực giúp đỡ
Việt Nam trong các kế hoạch kinh tế, trong quá trình xây dựng hậu phương miền Bắc
thành “nền”, thành “gốc” cho cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Download
toàn văn bài viết tại:Trang Web TRI THỨC
[1] Chính sách của Mỹ ở
miền Nam Việt Nam gắn với chính sách của Mỹ ở Đông Dương, Đông Nam Á và gắn với
chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và hệ thống xã hội chủ nghĩa nói chung. Nhận
xét về chính sách của Mỹ ở Việt Nam, tờ báo Anh Thế giới Phương Đông viết:
Mỹ đang cố hết sức biến miền Nam Việt Nam thành pháo đài chống cộng. Nhận xét
này của tờ báo trùng với tuyên bố của Tổng thống J. Kennơdy về Việt Nam và
chính sách của Mỹ đối với Việt Nam: “Việt Nam là hòn đá tảng của thế giới tự do
ở Đông Nam Á. Đó là con đẻ của chúng ta, chúng ta không thể từ bỏ nó”.
[2] 1/7 ruộng đất
bị bỏ hoang, 1/3 ruộng đất không có nước tưới để cấy cày, các công trình thủy lợi
đều bị phá hủy, 1/4 số trâu bò bị bắn giết... Số nhà máy đã ít ỏi lại đều bị giặc
tàn phá, máy móc bị tháo dỡ mang đi, sản xuất bị bế tắc. Đường sá, cầu cống, xe
cộ phần lớn bị phá hoại. Nạn đói đe dọa khắp nơi”[2].
Công nghiệp miền Bắc vốn nhỏ yếu lại hầu như không hoạt động, khi Chính phủ Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp quản Hà Nội, Hải Phòng, chỉ còn nhà máy điện và nhà
máy nước hoạt động. Giao thông vận tải bị phá hủy nặng, 1.153 km đường sắt bị
phá hủy hoàn toàn, chỉ có 102 km tuyến đường Hà Nội – Hải Phòng còn hoạt động;
đường ô tô bị phá hủy, hư hỏng nặng, 3.500 cây cầu lớn, nhỏ bị đánh sập (Vũ Như
Khôi (chủ biên): 75 năm Đảng Cộng sản Việt
Nam dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (3-2-1930 – 3-2-2005), Nxb.
Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 343).
[3] Ngày 23-10-1954,Tổng thống Eisenhower
gửi thư cho Ngô Đình Diệm hứa viện trợ trực tiếp cho Chính quyền Sài Gòn. Đầu
năm 1960, để đối phó với sự phát triển của cách mạng Việt Nam, Mỹ đưa thêm lực
lượng đặc biệt vào miền Nam Việt Nam, tăng cường viện trợ quân sự. Trong khoảng
thời gian từ năm 1955 đến năm 1961, Mỹ viện trợ kinh tế, quân sự trị giá 1 tỷ
USD cho Chính quyền Ngô Đình Diệm; đến tháng 6-1965, Mỹ giúp Chính quyền Việt
Nam Cộng hòa xây dựng quân đội gồm sư đoàn bộ binh và hàng chục trung đoàn độc
lập (Vũ Như Khôi (chủ biên): 75 năm Đảng
Cộng sản Việt Nam dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội (3-2-1930 –
3-2-2005), Sđd, tr.34).
[4] Peter A. Puler: Nước Mỹ và Đông Dương - Từ
Rudơven đến Níchxơn, Nxb.Thông
tin lý luận, Hà Nội, 1986, tr.13-14.
[5]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng
toàn tập, Sđd, 2001, t.15, tr.225.
[6]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng
toàn tập, Sđd, 2001, t.15, tr.225.
[7]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng
toàn tập, Sđd, 2001, t.15, tr.304
[8]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng
toàn tập, Sđd, t.15, tr.305.
[9]Hồ Chí Minh toàn tập, 2011, Sđd, t.10, tr.54
[10]А.А. Громыко: Памятное, Кн. 1.— 2-е изд., доп.—
Политиздат, М. 1990, C.504.
[11] Hồ Chí
Minh toàn tập, 2011, Sđd, t.10, tr.55.
[12] Hồ
Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, t.5. tr. 116.
[13]Grigoripôpôp- Alêchxâyxerôp: Liên Xô-Việt Nam, tình đoàn kết hữu nghị và
hợp tác, Nxb. Thông tấn xã Nôvôtxti, 1975, tr. 16.
[14]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng
toàn tập, Sđd, t.16, tr. 475-476.
[15]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, 2011, Sđd, t.10, tr.181.
[16] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, 2000, Sđd, t.10, tr.578.
[17]Hồ Chí
Minh: Toàn tập, 2011, Sđd, t.12, tr.67.
[18]Hồ Chí
Minh: Toàn tập, 2011, Sđd, t.12, tr.278.
[19]А.А. Громыко: Памятное, Указ. Соч, C.505.
[20]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Sđd, t.8, tr. 577.
[21]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, 2011, Sđd, t.11, tr. 181.
[22]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, 2011, Sđd, t.11, tr. 181.
[23]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Sđd, t.9, tr.327-328.
[24]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện
Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 1043.
[25]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện
Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 1044.
[26]Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện
Đảng toàn tập, Sđd, t.21, tr. 1045-1046.
[27]Yang Kuisong: Changes in Mao
Zedong's Attitude toward the Indochina War, 1949-1973, Cold War International History
Project, Wilson Center, p.19.
[28]Mao’s talks with Ho Chi Minh, 10 August and 2 November
1960,
CCP Central Documentary Research Department, ed., Jianguo yilai Mao Zedong wengao, vol. 10.
[29]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, 2011, Sđd, t.11, tr. 123.
[30]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, 2011, Sđd, t.11, tr. 125.
[31]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, 2000, Sđd, t.9, tr. 542.
[32]Hồ Chí Minh: Toàn
tập, 2000, Sđd, t.9, tr. 545.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!