Thứ Sáu, 31 tháng 10, 2014

UKRAINE: ĐẰNG SAU CUỘC CHIẾN DI TÍCH

         1- Theo dòng sự kiện
Ngày 28-9-2014, tại Thành phố Kharkov (Ukraine), khoảng 8.000 đã tham dự cuộc biểu tình “Vì một Ukraine thống nhất”. Với những băng rôn mang hàng chữ: “Hãy loại bỏ tư tưởng nô lệ, phụ thuộc vào Moscow trong bản thân mỗi người!”; "Tổ quốc!", "Tương lai!”…, đoàn người biểu tình tiến về khu vực trung tâm, nơi có Quảng trường Tự do[1] lớn nhất thành phố và bắt đầu hành động. Người biểu tình dùng cưa điện cưa một bên chân tượng V.I.Lenin, dùng dây kéo bức tượng. Sau 4 giờ đồng hồ, bức tượng bằng đồng cao 8,5 mét đặt trên một bệ đá hoa cương màu huyết dụ (tương tự như đá trên Lăng V.I.Lenin ở Quảng trường Đỏ) đã bị kéo đổ[2]. Được khánh thành vào ngày 5-11-1963, đây là tượng đài V.I.Lenin lớn nhất Ukraine.

 Trong khi những người biểu tình phấn khích hò reo, một đám đông khác đã xông đến ngăn cản. Họ hét to: "Đây là một tác phẩm nghệ thuật!”; "Đó là di tích lịch sử!"; "Hãy ứng xử văn minh!"… Bất chấp mọi cố gắng của những người phản đối, bức tượng đã bị đốn đổ và nhanh chóng bị đập vụn. Trên bệ tượng giờ đã trống trơn, những người biểu tình tạc lên đó dòng chữ: “Vinh danh Ukraine!”.
Chứng kiến sự kiện, nhớ lại buổi lễ tưng bừng cờ hoa khánh thành tượng đài cách đây nhiều năm, một người dân Thành phố Kharkov - ông A.Prisichenko không nén nổi tiếng thở dài nuối tiếc, tâm sự: “Ngày ấy tôi còn rất nhỏ và người đổ về Quảng trường chật ních. Lũ trẻ con chúng tôi đã phải trèo lên cây để nhìn cho rõ. Còn bây giờ…. trái tim tôi nhói buốt”[3]. Phảng phất nỗi buồn, như chưa nỡ trút bỏ quá khứ, A. Prisichenko lặng lẽ rải những bông hoa đủ mầu sắc lên bệ tượng lộ một khoảng trống hụt hẫng, nơi nửa thế kỷ dãi dầu nắng, mưa, tuyết lạnh, V.I.Lenin đã đứng đó như một chứng nhân.
Trên trang Website của thành phố, Thị trưởng Kharkov G. Kernes (người được cho là có lập trường thân Nga) tuyên bố: “Chúng tôi sẽ khôi phục lại bức tượng trên Quảng trường Tự do bằng mọi cách"[4]. Ông cho biết: “Mặc dù tượng đài là di sản văn hóa quốc gia, nhưng những nhân viên cảnh sát tại hiện trường đã không hề có bất kỳ một hành động ngăn cản nào”[5]. G.Kernes coi việc phá hủy tượng đài là “hành động trực tiếp vi phạm pháp luật (…) sẽ xét xử và quy trách nhiệm đối với những người hủy diệt di sản”[6]. Cựu Thống đốc Kharkov M.Dobkin cũng kêu gọi Thủ tướng Ukraine P. Poroshenko điều tra vụ việc.
Đêm 29-9-2014, một bức tượng V.I.Leninvùng Dergachy (Kharkov) tiếp tục bị hạ xuống. Đây cũng không phải là bức tượng duy nhất trở thành đối tượng thể hiện thái độ bài Nga ở Ukraine. Từ ngày 2-10 đến ngày 13-10-2014, tại Thành phố Krivoy Rog (Kiev), ba tượng đài V.I.Lenin nữa đã bị kéo đổ. Để cứu tượng đài V.I.Lenin tại Thành phố Zaporozhye (tượng khánh thành năm 1964, cao 20 mét), ngày 4-10-2014, nhà báo - nhà hoạt động xã hội Y.Gudymenko đã có một sáng kiến “độc nhất vô nhị”: “Ukraine hóa Lenin”. Y.Gudymenko mặc cho bức tượng một chiếc áo thêu truyền thống Ukraine và chia sẻ rằng, bằng cách đó, anh “chủng ngừa” cho tượng đài trước “bệnh” yêu nước đang dâng cao. Y.Gudymenko nói thêm: “Tôi nghĩ rằng, V.I.Lenin là một nhân vật tiêu cực. Tuy nhiên, thay vì dỡ bỏ bức tượng, hãy treo một tấm bảng kể những tội lỗi của ông ta đối với nhân dân Ukraine. Hãy để mọi người đọc, tìm kiếm thông tin trên Internet và nghiên cứu lịch sử! Chúng tôi không muốn hận thù và bất đồng thêm chỉ vì di tích này. Hãy giữ cho Zaporozhye không bị chia rẽ!"[7].
Trong năm 2014, những bức tượng V.I.Lenin lần lượt bị phá hủy ở các thị trấn, làng mạc Ukraine như tại Zhytomyr, Sumy, Dnipropetrovsk, Mykolaiv, Chernigov và Kirovograd... Từ tháng 12-2013 cho đến tháng 9-2014, hơn 100 tượng đài V.I.Lenin đã bị đập phá, rỡ bỏ trên đất nước Ukraine[8]. Người ta gọi chiến dịch đập bỏ tượng đài V.I.Lenin ở Ukraine là "cuộc chiến di tích".
Ở nhiều vùng miền Ukraine, chính quyền địa phương đã, đang quyết định “thay tên, đổi họ” cho nhiều đường phố và quảng trường. Tháng 3-2013, chính quyền thành phố Nezhin (vùng Chernihiv) quyết định đổi tên Quảng trường V.I.Lenin (quảng trường trung tâm thành phố) thành Quảng trường Ivan Franko. Chính quyền Nezhin cũng tuyên bố rằng, sẽ tiếp tục đổi tên các đường phố, quảng trường mang tên “những kẻ độc tài”. Ngày 30-9-2014, Hội đồng thành phố Kiev quyết định thay đổi tên một số phố, phường “đang mang những cái tên của quá khứ độc tài và toàn trị”; có ít nhất 52 đường phố lọt vào danh sách này[9].
2- Đa chiều quan điểm
Là kết quả của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng nay, hành động đập phá các di tích lịch sử liên quan đến quá khứ Xô-viết “thể hiện thái độ phản kháng ngày một gia tăng đối với điện Kremlin ở miền Đông Ukraine, nơi phân chia ảnh hưởng giữa Kiev và Moscow”[10]. Điều đó đồng thời cũng phản ánh một hiện thực: Tinh thần bài Nga ở nơi trước đây vốn thân Nga đang tăng dần. Những người dân miền Đông Ukraine trở nên nhạy cảm và tức giận trước việc Nga ủng hộ, hỗ trợ cho các phiến quân ly khai.
Về việc tượng đài V.I.Lenin bị kéo đổ ở KharkovDergachy, Cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine A.Gerashchenko thể hiện quan điểm trên Facebook: “Thực sự là một ngày hội! Ngày hôm nay vùng Kharkov đã chứng tỏ rằng nó là một bộ phận không tách rời của Ukraine! Mãi mãi là như vậy!”[11]. Trả lời câu hỏi: “Theo ông, thay vào vị trí bức tượng V.I.Lenin nên là tượng đài của ai?”, A.Gerashchenko tuyên bố: “Đó sẽ là tượng đài những người đấu tranh vì độc lập hàng trăm năm trước, hoặc những người đã ngã xuống trong mùa Đông ở Maidan, hoặc những người lính đang bảo vệ quê hương trong cuộc chiến với nước Nga của V. Putin ngày hôm nay”[12]. Có mặt theo dõi đám đông đập tượng V.I.Lenin, khi được hỏi về ý kiến của cơ quan an ninh trước sự việc, A. Gerashchenko trả lời ngắn gọn: “Cảnh sát bên cạnh nhân dân. Chấm hết. Hiện giờ tôi không muốn nói nhiều. Tôi đến đây với tư cách công dân và đang chứng kiến một sự kiện lịch sử”[13]. Cố vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine thông báo rằng, việc phá bỏ bức tượng có sự đồng ý chính thức của Thống đốc vùng Kharkov I.Balut, vì thế, sẽ không có bất kỳ ai bị khởi tố. Ủng hộ quyết định của Thống đốc I.Balut, A.Gerashchenko khẳng định dứt khoát: “V.I.Lenin và tự do không cùng đồng hành!”.
Bày tỏ thái độ trước sự kiện diễn ra trên Quảng trường Tự do (Thành phố Kharkov), Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine A.Avako viết: “V.I Lenin? Hãy để ông ta đổ xuống. Miễn là không ai bị thương. Miễn là thần tượng Cộng sản đẫm máu này khi ra đi không kéo thêm những nạn nhân mới. Miễn là người ta không lợi dụng cơn bão cảm xúc của người dân Kharkov, không sử dụng nó để kích động bạo loạn”[14]. Bộ trưởng A.Avako không ngần ngại trước những chất vấn vì đã không ra lệnh cho cảnh sát bảo vệ di sản văn hóa. Ông tuyên bố: "Tôi đã ra lệnh cho cảnh sát, nhưng là để bảo vệ người dân chứ không phải để bảo vệ thần tượng"[15].
Câu chuyện kéo đổ tượng đài V.I.Lenin chưa dừng lại. Sáng ngày 29-9-2014, tại Quảng trường Tự do, diễn ra cuộc mitinh của hơn 350 người phản đối phá hủy tượng đài. Những người biểu tình đặt hoa tươi dưới bệ tượng, biểu lộ thái độ phẫn nộ trước việc đập phá di tích và yêu cầu dựng lại bức tượng.
Cùng lúc, trên các trang báo, trên mạng xã hội, chính khách và người dân Ukraine đồng loạt thể hiện chính kiến.
 Bình luận về việc tượng đài V.I.Lenin bị phá bỏ, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Ukraine (CPU) P.Symonenko cho rằng sự việc đang đi quá đà và nếu để “những kẻ phá hoại" nắm quyền lực,“đất nước này sẽ không có tương lai”.
Nickname “MurloKotamom viết: “Bản thân tôi không thích V.I.Lenin, nhưng tôi không đồng tình với việc đập phá các di tích lịch sử. Lịch sử cần phải được tôn trọng, bất luận nó đã diễn ra như thế nào”[16].
Nickname “MsSpychick” bày tỏ: "Mặc dù tôi chống việc phá hủy các di tích, nhưng đập bỏ bức tượng này là hoàn toàn đúng đắn. Ông ta đã hủy diệt con người, làm hại đất nước và để lại những hậu quả khủng khiếp nhiều năm trời. Các bạn thanh niên! Các bạn rất giỏi! Tuy nhiên, đừng quên rằng, chúng ta và người Nga vẫn là anh em”[17].
Nickname  “Future Mammy” chia sẻ: “Mỗi người dân Kharkov cảm nhận, suy nghĩ về di tích này theo cách riêng của mình. Đối với người này, V.I.Lenin là biểu tượng của Liên bang Xô-viết, của chủ nghĩa cộng sản; đối với người khác, tượng đài là một phần không thể tách rời của Quảng trường Tự do; đối với người thứ ba, đơn giản chỉ là một chút hoài cổ và lãng mạn… thái độ đối với việc đập bỏ tượng đài cũng xuất phát từ đó. Còn cá nhân tôi, tôi thấy tiếc. Dường như có ai đó đã lấy đi một phần tuổi thơ tôi…và bóp vụn”[18].
NicknameCold” bình luận: "Đã hơn 70 năm kể từ khi chết, đến cả đất cũng chối bỏ và ông ta đang phải nằm trong lăng tẩm lạnh lẽo… Ông ta là kẻ thù của dân tộc Ukraine, tượng ông ta cần phải đập bỏ. Sẽ dựng tượng đài cho những người xứng đáng. Chúng tôi có rất nhiều anh hùng – đó là những người đã hi sinh trên Maidan, là những người đang chiến đấu cho toàn vẹn lãnh thổ”[19].
Nickname “Vadik_07 viết: “Tượng đài V.I.Lenin là biểu tượng của quá khứ độc tài toàn trị, biểu tượng của tình trạng trì trệ và lầm đường, biểu tượng của quyền lực bẩn thỉu, quan chức trộm cắp vô đạo đức và số đông ngu muội. Đó cũng là biểu tượng ảnh hưởng của nước Nga ở Kharkov”[20]. Nickname “Vadik_07” giải thích thêm: “Tôi không chống nước Nga, tôi chỉ chống lại nước Nga đang có như hiện tại! Vì thế, tôi ủng hộ loại bỏ biểu tượng khiến Ukraine tụt hậu. Vâng. Tôi biết hành động đó có thể bị coi là côn đồ; tuy nhiên, tương lai không cho phép chúng tôi có sự lựa chọn khác”[21].
3- Vì đâu nên nỗi…
Câu chuyện tượng V.I.Lenin bị đập bỏ ở Ukraine khiến người ta liên tưởng tới việc các tượng đài tưởng niệm lính Hồng quân, tượng đài V.I.Lenin… đã bị dỡ bỏ gần hết ở nhiều nước sau khi Liên Xô tan rã (1991).
Năm 1991, hàng trăm ngàn người đã tụ tập tại Quảng trường Dushanbe (Thủ đô Tajikistan) và kéo sập tượng V.I.Lenin. Ở Hungary, sau năm 1991, toàn bộ tượng V.I.Lenin bị tháo rỡ và tập trung tại một địa điểm dành cho những người có nhu cầu chiêm ngưỡng hoặc thăm viếng. Có 58 năm bình an đứng ở Thủ đô Ulan-Bator (Mông Cổ), cuối cùng, vào tháng 10-2012, tượng đồng V.I.Lenin đã bị hạ xuống. Trong buổi “hạ tượng”, Thị trưởng Bat-Uul Erdene nói với dân chúng rằng có khoảng 100 triệu người chết dưới bàn tay cộng sản và kẻ khởi xướng cho những vụ giết người này chính là V.I.Lenin.
Như một cách trút bỏ ám ảnh, thoát khỏi ảnh hưởng của Nga và xích lại gần phương Tây, nhiều nước thuộc khối cộng sản trước đây đã dỡ bỏ, phá hủy tượng đài, di tích liên quan đến quá khứ Xô-viết. Một số quốc gia khác có những bước đi quyết liệt hơn, nhất là các quốc gia thuộc Liên bang Xô-viết cũ. Từ năm 1993 đến năm 2013, có 8 quốc gia thông qua quy định hoặc luật cấm sử dụng các biểu tượng cộng sản và những biểu tượng liên quan đến Liên Xô, đặt nó ngang với các biểu tượng phát xít. Đó là các nước: Hungary (1993)[22], Gruzia (2001),  Latvia (1991),  Lithuania (2008),  Moldova (2012), Cộng hòa Séc, Poland (2007),  Estonia (2009). Tám quốc gia nói trên đã: 1- Nghiêm cấm sử dụng các ký hiệu, biểu tượng Xô viết, cộng sản và phát xít tại các nơi công cộng,  hoặc trong các lễ hội, hoạt động giải trí, thể thao; 2- Nghiên cứu, xem xét và quyết định sửa đổi hoặc hủy bỏ các biểu tượng, tượng đài, các kiến trúc và địa danh nếu có các yếu tố liên quan đến cộng sản và phát xít.
 Phân tích hiện tượng này, nhà báo người Ba Lan Agata Pyzik phê phán người dân các nước thân Liên Xô cũ đã trộn lẫn cái đương đại với lịch sử, quên đi rằng, “chính những người lính Hồng quân đã cứu họ khỏi bàn tay của Hítle”[23]. Bình luận về hiện tượng giật đổ tượng đài V.I Lenin, đổi tên những đường phố dính lứu đến quá khứ Xô-viết, Agata Pyzik viết: Người dân và một số cấp chính quyền Ukraine đang “lẫn lộn giữa hiện tại và quá khứ, đánh đồng lịch sử với những kẻ bảo trợ và cung cấp vũ khí cho quân Donetsk ly khai”[24]. Xét từ góc nhìn lịch sử - văn hóa, nhận xét của Agata Pyzik có những hạt nhân hợp lý nhất định. Tuy nhiên, nếu từ góc nhìn chính trị, lắng lại và đặt mình vào địa vị người dân Ukraine trước những gì đang diễn ra, phần nào có thể hiểu và đồng cảm với họ.
Ukraine và Liên bang Nga vốn là một khối liên kết hữu cơ mang tính lịch sử - chính trị, văn hóa- xã hội, có nhiều đặc điểm chung về tâm lý, tôn giáo, ngôn ngữ, có mối quan hệ kinh tế mang tính địa dư với ưu thế và tiềm năng ưu đãi lẫn nhau cùng có lợi. Quan hệ giữa Ukraine - Liên bang Nga khá chặt chẽ, gần gũi; người Ukraine và người Nga coi nhau như anh em thân thiết một nhà.
Mong muốn đặt dấu ấn nước Nga trong thế giới hậu chiến tranh Lạnh, Tổng thống V.Putin tìm cách xác lập vị thế cường quốc của nước Nga “bằng cách nắm chặt Crimea, Abkhazia, Nam Ossetia và những khu vực khác của đế chế cũ”[25]. V.Putin tự tin coi đa số những nước thuộc không gian hậu Xô-viết, trong đó có Ukraine là khu vực ảnh hưởng truyền thống của nước Nga đang trên con đường phục hưng. Trong điều kiện NATO, EU ngày càng mở rộng địa vi, V.Putin tìm mọi cách nắm chặt Ukraine - “con át chủ bài” trong kế hoạch tăng cường vai trò toàn cầu của nước Nga thông qua thúc đẩy hội nhập giữa các quốc gia Liên Xô cũ trên nền tảng thành lập Liên minh Á-Âu với tư cách là một cực của thế giới đương đại. Để ngăn cản Ukraine nghiêng hẳn về phía  EU, V.Putin thực hiện chính sách “cây gậy và củ cà rốt” với các biện pháp gây sức ép quen thuộc[26]; đồng thời, không quên đưa ra những mời chào hấp dẫn[27].
Trong khi Nga liên tục gây áp lực, còn EU thì chần chừ[28], trước thềm Hội nghị Vilnius (11-2013), Tổng thống V.Yanukovich  (2010-2013) bất ngờ tuyên bố ngừng ký kết Hiệp định liên kết với EU (Ukraine–European Union Association Agreement), quyết định nghiêng về phía Nga, tìm kiếm sự ủng hộ tài chính nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, cứu thể chế đang lung lay bởi sự khánh tận của đất nước, bởi tham nhũng trầm trọng, bởi quản lý kinh tế yếu kém cũng như những thất bại trong chính sách đối ngoại.
Hành động của V.Yanukovich khiến đông đảo người dân Ukraine hết sức thất vọng. EU đối với họ là một sự lựa chọn chính trị. Động thái quay lưng lại với EU của Chính phủ V.Yanukovich đồng nghĩa với việc người dân Ukraine tiếp tục phải đối diện với “căn bệnh xã hội” tham nhũng nan y, với sự lũng đoạn của chủ nghĩa tư bản bè phái và những nhóm lợi ích (Interest Group) đang bẻ cong nền pháp quyền, biến các tòa án phụ thuộc vào chế độ. Mệt mỏi trên hành trình dài đằng đẵng 22 năm[29] tìm kiếm con đường phát triển, không cam tâm đứng nhìn cánh cửa đóng sập trước ước mong, chờ đợi và hy vọng “được sống ở một quốc gia với chuẩn mực châu Âu”, đêm 21- 11-2014, người dân Ukraine đã xuống đường, làm nên một Maidan lịch sử – một khởi đầu mới đầy khó khăn, thách thức, song cũng không ít kỳ vọng cho đất nước Ukraine. Chính phủ mới ở Ukraine ra đời với sự lựa chọn hướng về phía Tây đã “chọc giận” con gấu Nga đầy lòng tự tôn và tham vọng. Như một động thái trả đũa, đồng thời, nhằm nắm lấy căn cứ hải quân quan trọng bậc nhất và cửa ngõ chiến lược ra biển Đen, tháng 3-2014, V. Putin sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga, buộc Crimea thực hiện “cuộc ly hôn dưới họng súng”. Tính đến ngày 20-5-2014, chỉ hơn hai tháng sau khi bán đảo bị cưỡng bách “ly hôn”, 7.000/300.000 người Tatar đã rời bỏ Crimea di cư đến Ukraine[30].
Không chỉ có vậy, nước Nga còn bị cáo buộc nhắm tới chia cắt lãnh thổ Ukraine bằng việc ủng hộ phiến quân ly khai ở miền Đông. Tình trạng bạo lực, nội chiến diễn ra khốc liệt đang làm suy yếu, hủy hoại dần đất nước Ukraine xinh xắn, hiền hòa một thời tươi đẹp. Đại đa số người Ukraine cho rằng, trong khi V. Putin một tay đặt trên trái tim, vẻ mặt ra chiều đau khổ gọi xung đột ở Ukraine là “thảm kịch to lớn khiến người Nga và người Ukraine ngày càng trở nên xa lạ”; đồng thời, kêu gọi các bên tìm kiếm con đường giải quyết, thì bàn tay kia của V. Putin đang thò vào Ukraine và tìm cách xé lẻ mảnh đất này. Nga tiếp tục bị nghi ngờ triển khai binh lính, cung cấp vũ khí quân sự cho phe ly khai, tạo điều kiện cho phiến quân đứng vững tại Donetsk, Lugansk và một loạt lãnh thổ nằm sát biên giới Nga. Được V. Putin hậu thuẫn, lực lượng ly khai kiên quyết không chấp nhận kế hoạch bầu cử của chính quyền Kiev, đòi hỏi để miền Đông tiến hành những cuộc bầu cử độc lập. Trên thực tế, họ đã không tham gia cuộc bầu cử ngày 26-10-2014, tuyên bố sẽ bầu Quốc hội riêng của mình vào ngày 2-11-2014 (không dấu diếm, Nga nhiệt liệt ủng hộ quyết định này).
Ngày 05-09-2014, Tổng thống Ukraine P.Poroshenko buộc phải ký với phe ly khai một Thỏa thuận ngừng bắn và ngày 18-10-2014,  ký Đạo luật tự trị đặc biệt cho vùng Donbass, trao quy chế tự trị cho một số vùng ly khai ở hai tỉnh Donetsk và Lugansk[31]. Nhượng bộ và chấp nhận nguy cơ phân rã để đổi lấy hòa bình, song hy vọng về chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine tiếp tục nhạt nhòa. Thủ tướng “tự phong” A.Zaharchenko của nước Cộng hòa Donetsk “tự xưng” tuyên bố không chấp thuận Đạo luật nói trên. Hòa bình xa vời và mong manh. Máu vẫn đổ. Ukraine vẫn rền tiếng súng.
Trong một nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh quốc gia trước mối đe dọa từ nước Nga, đầu tháng 9-2014, Chính phủ Ukraine quyết định bỏ ra 100 triệu gryvnia để thực hiện Dự án “The Wall" – xây dựng bức tường chia cách với Liên bang Nga, tạo hai tuyến phòng thủ ngăn chặn sự xâm nhập của "kẻ thù" vào lãnh thổ nước mình.
Cuộc xung đột đã để lại hệ lụy vô cùng nặng nề: Cho đến ngày 01- 9 -2014, tại các vùng Donetsk và Lugansk, có 217 ngôi trường, 45 cơ sở y tế, 51 khu liên hợp văn hóa – thể thao, 81 tòa nhà hành chính, 14 trung tâm thương mại, 132 khu công nghiệp bị hư hỏng hoặc bị phá hủy với tổng trị giá vào khoảng 4 tỷ 788 triệu gryvnia[32].
Ở Donetsk, đã có 4.740 khu nhà ở bị đánh sập, còn ở Lugansk, hơn 690 ngôi nhà bị phá đổ, đẩy 710.000 người vào cảnh “màn trời chiếu đất”[33]. Các chuyên gia xây dựng cho biết: Để khôi phục những tòa nhà này, cần tới 1 tỷ 750 triệu gryvnia; để khắc phục điều kiện sống xung quanh các toà nhà đổ nát, cần thêm 70 triệu gryvnia[34]. Theo tính toán của Bộ Tài chính Ukraine, đến cuối năm 2014, xung đột vũ trang tại Donetsk và Lugansk sẽ làm cho ngân khố quốc gia thất thu 18 tỷ gryvnia tiền thuế[35]. Sự bất ổn và các mối đe dọa từ xung đột vũ trang là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư Ukraine trong ngắn và trung hạn, dẫn đến những thiệt hại vô cùng to lớn cho nền kinh tế vốn đã ốm yếu. Ngoài ra, cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người Ukraine, hàng nghìn người khác bị thương và hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, tha phương.
 Những con số thiệt hại, chết chóc thật khủng khiếp, nhưng vẫn là chưa đủ và không thể truyền tải tất cả/nói lên hết mọi mất mát, mọi nỗi đau chiến tranh. Trước thực trạng đất nước bị chia rẽ, tàn phá bởi những lực lượng có sự “chống lưng” của Chính phủ Nga, người dân Ukraine nhìn thấy ở tất thảy những gì liên quan đến nước Nga Xô-viết nguồn cội của tụt hậu, áp đặt, chèn ép…Việc kéo đổ tượng đài V.I Lenin, đổi tên đường phố… không hoàn toàn là liều thuốc cho hiện tại và khó có thể thay đổi hiện tại - người dân Ukraine biết rõ điều đó hơn ai hết. Song, với họ, nó như một tuyên ngôn về quyền tự quyết, như một sự dứt bỏ quá khứ đau thương, quẳng đi gánh nặng lệ thuộc trong hành trình đi tới ổn định, thịnh vượng với tư thế một quốc gia châu Âu bình đẳng trên trục Đông – Tây và có một nền pháp quyền thực thụ, chứ không phải dưới “bóng râm” của nước Nga đang dần độc tài hóa để hưởng một thứ duy nhất - khí đốt giá rẻ.
Hiện thực lịch sử chỉ xảy ra có một lần, nhưng nó luôn phức tạp và đầy tranh cãi. Quá khứ không dễ dàng phai mờ và dần ngủ quên, quá khứ luôn sống lại trong hiện tại. Giữa hiện tại và quá khứ là cuộc đối thoại bền bỉ, bất tận trong thói quen nối kết “cái đương đại” với “cái đã qua” của loài người. Tâm thức ngày hôm nay được xây dựng, vun đắp trong không gian và thời gian lịch sử nối dài.
Lịch sử là một trong những căn cứ quan trọng xét đoán giá trị và thực thi những lựa chọn. Từ quá khứ, con người đương đại chắt gạn những chất liệu hình thành nên hệ tư tưởng, hệ giá trị, những ứng xử xã hội… Mỗi nhân vật lịch sử, mỗi dân tộc luôn phải đối diện với quá khứ của mình và quá khứ ấy được thẩm định/quyết định bởi quá trình lịch sử tiếp theo với “cái hiện tại” là thước đo công chính. Hiện tại luôn phán xét quá khứ, quyết định cách thức con người nhìn nhận và ứng xử với quá khứ.
Như thế, tượng đài uy nghi, vòi vọi chưa đủ để vinh danh thần tượng đời đời. Đền miếu nguy nga, ngày đêm võng lọng chưa chắc đã là nơi an trú vĩnh viễn của thần tượng. Thần tượng không thể thích mà dựng nên, không thể theo ý muốn chủ quan mà tồn tại.
Từ “đương đại” nhìn về “cái đã qua”, gắn “hiện tại” với “quá khứ”, phá bỏ tượng đài, người dân Ukraine không tước đi lịch sử của mình. Khu biệt “dân tộc Nga”, “văn hóa Nga” với những “lệch lạc lịch sử”, người dân Ukraine đang sòng phẳng với quá khứ để định vị hiện tại.
Trong thời điểm đứng dậy và “lột xác”, dù có phần cực đoan, người dân Ukraine muốn nhắn gửi một thông điệp: Để thần tượng không lụi tàn rồi sụp đổ, đừng bao giờ phong thánh, đừng xây đền đài và lăng tẩm! Hãy cứ để những nhân vật lịch sử là những con người với chính nó trong ý nghĩa đích thực, đầy đủ và trọn vẹn nhất.




[1] Trước đây Quảng trường mang tên Dzerzhinsky, một trong những người sáng lập Cheka - tổ chức tiền thân của KGB/Cơ quan An ninh Quốc gia.
[2]  Tượng cao 8,5 mét, bệ tượng cao 11,7 m và như vậy  tổng chiều cao là 20,2 mét.
[3] Анна Силаева: Харьков: там, где стоял Ленин, BBC.ru, 30-9-2014.[4] Власти Харькова сообщили, что восстановят самый большой памятник Ленину, fontanka.ru, 2-10-2014.
[7] В Запорожье памятник Ленину одели в украинскую рубашку – вышиванку, svoboda.org, 4-10-2014.
[10] Michael Birnbaum: Ukrainians just pulled down a massive Lenin statue. What does that signal for Russia? The Washington Post, September 29, 2014.
[11] Геращенко счастлив, что памятник Ленину в Харькове снесли, nahnews.com.ua, 29-9-2014.
[12] Ibid.
[14] Татьяна Каминская: Ленин в обмен на «Свободу», Versia.ru, 29-9-2014.
[16] Людмила Калита: Соцсети: Харьков. Ленин упал. Остались одни ботинки..., rian.com.ua, 29-9-2014.
[17] Ibid.
[18] Ibid.
[20] Людмила Калита: Соцсети: Харьков. Ленин упал. Остались одни ботинки..., Ibid.
[21] Ibid.
[32]Цена войны: экономические и социальные последствия конфликта, mediarnbo.org, 19-7-2014.
[33]Ibid.
[34]Ibid.
[35]Ibid.
[5] Ibid.
[6] Ibid.
[8] Agata Pyzik: Why Soviet monuments should be protected, The Guardian, 29 September 2014.
[9] Власти Киева планируют переименовать около 30 улиц, zn.ua/UKRAINE,29-9-2014.
[13] Анна Силаева: Харьков: там, где стоял Ленин, Ibid.
[15] Michael Birnbaum: Ukrainians just pulled down a massive Lenin statue. What does that signal for Russia? Ibid.
[19] Анна Силаева: Харьков: там, где стоял Ленин, Ibid.
[22] Năm 1993, ở Hungary chính thức cấm sử dụng biểu tượng cộng sản và phát xít; tuy nhiên, vào tháng 1-2013, điều luật này bị hủy bỏ vì cho rằng nó được diễn đạt chưa đầy đủ, chính xác và mâu thuẫn với Hiến pháp. Sau đó, vào tháng 4-2013, điều luật này được diễn đạt lại và bắt đầu có hiệu lực.
[23] Ibid.
[24] Agata Pyzik: Why Soviet monuments should be protected, Ibid.
[25] Jamie Metzl: Back to the Future in Ukraine and Asia, Project-syndicate, Mar 10, 2014.
[26] Đơn cử như các biện pháp: 1- Ngăn cản việc xuất khẩu miễn thuế đường ống từ Ukraine và các chuyến hàng xuất khẩu của hãng sản xuất kẹo Roschen (Ukraine); 2- Ban hành các quy định mới về quá cảnh hàng hóa của Ukraine sang Nga, gây ách tắc và đình trệ xuất khẩu; 3- Đình chỉ nhập khẩu thịt và toa xe lửa từ Ukraine; 4- Đòi Ukraine trả nợ tiền mua khí đốt (1,8 tỷ USD)…
[27] Nước Nga hứa hẹn sẽ mua lại 15 tỷ USD trái phiếu ngân khố Ukraine, hạ giá khí đốt bán cho Ukraine mà không có bất kỳ điều kiện ràng buộc nào.
[28] Với lý do Ukraine chưa đáp ứng các yêu cầu của EU về chính trị, kinh tế đối với các nước ứng viên (tiêu chuẩn Copenhagen), EU không mặn mà với kế hoạch gia nhập EU của nước này. Về ký kết các hiệp định thương mại tự do và hỗ trợ tài chính, EU đặt điều kiện với Ukraine phải tiến hành các cải cách hệ thống luật pháp, luật bầu cử, truyền thông, thực hiện các cải cách kinh tế, tiền lương và phúc lợi xã hội. Vào giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán, thay vì ngỏ ý tài trợ nhiều hơn và hứa hẹn rõ ràng hơn về khả năng Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu, EU  yêu cầu Ukraine thả cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko đang bị cầm tù.
[29] Tính từ năm 1991, khi ngày 24-8, Nghị viện Ukraine bỏ phiếu tán thành Luật Độc lập, tuyên bố Ukraine là nhà nước dân chủ độc lập.
[30] Стратегия возвращения Крыма: крымские татары в условиях оккупации, gazeta.zn.ua, 29-8-2014.
[31] Theo Đạo luật này, quy chế đặc biệt sẽ được duy trì ở một số vùng nhất định thuộc hai tỉnh Donetsk và Lugansk trong vòng 3 năm. Các hội đồng địa phương sẽ cai quản các thành phố, thị trấn và làng mạc theo Hiến pháp và Pháp luật của Nhà nước Ukraine. Hội đồng địa phương và các quan chức được bầu ra trong cuộc bầu cử bổ sung dự kiến do Quốc hội tổ chức sẽ duy trì chức vụ cho tới khi hết nhiệm kỳ. Các cuộc bầu cử địa phương bổ sung ở những khu vực này sẽ được tổ chức vào ngày 7/11/2014.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!