Thứ Hai, 17 tháng 11, 2014

QUÂN TÌNH NGUYỆN VIỆT NAM PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG VỚI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CAMPUCHIA (1979-1989)

Nguyễn Thị Mai Hoa
Ra khỏi chiến tranh chưa bao lâu, lịch sử lại đặt hai dân tộc Việt Nam và Campuchia trước những thử thách mới: Tập đoàn Polpot - Iengxari  thực hiện chính sách diệt chủng, đồng thời tiến hành các cuộc xâm lấn, đánh chiếm biên giới Việt Nam. “Giúp bạn là tự giúp mình”, không cam tâm ngồi nhìn nhân dân Campuchia diệt vong, một lần nữa, Quân tình nguyện Việt Nam không ngại ngần chia sẻ máu xương, bước tiếp, sát cánh cùng nhân dân Campuchia chiến đấu.

1- Giúp đỡ xây dựng lực lượng vũ trang
Trước sự áp bức tàn bạo của Khơ me đỏ, nhân dân Campuchia đã đứng lên, ngày 12 tháng 5 năm 1978,  "Lực lượng vũ trang cách mạng đoàn kết cứu nước Campuchia" được thành lập và nhanh chóng phát triển. Đến tháng 6 - 1978, từ 125 cán bộ, chiến sĩ  buổi ban đầu, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã có 6 đội vũ trang  và  đến tháng 7 - 1978, đã lên đến tiểu đoàn gồm 5 đại đội và 17 đội công tác với tổng số 600 người[1].
Ngày 2-12-1978,  Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra đời, giương cao ngọn cờ giải phóng đất nước; đồng thời, kêu gọi nhân dân Việt Nam giúp đỡ. Đáp ứng yêu cầu, ngày 12 - 12 - 1978, Thường vụ Quân uỷ Trung ương Việt Nam chính thức thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Campuchia (Đoàn 478)[2]. Đoàn 478 có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Quân uỷ Trung ương những chủ trương giúp cách mạng, nhân dân Campuchia xây dựng và chiến đấu[3].  
Được Đoàn 478 và quân khu 5,7,9 của Việt Nam giúp đỡ, đến tháng 12- 1978, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã có  22 tiểu đoàn bộ binh và 69 đội công tác[4]- trở thành hạt nhân quan trọng phối hợp chặt chẽ với Quân tình nguyện Việt Nam tiến hành các chiến dịch quân sự, đánh tan lực lượng Pôn Pốt và cứu đất nước khỏi họa diệt chủng (7-1-1979).
Không lâu sau khi Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng, ngày 18-2-1979, Hiệp định về hợp tác quân sự Việt Nam – Campuchia được ký kết; theo đó, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục giúp đỡ, “phối hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng và nhân dân Campuchia bảo vệ nền độc lập của Campuchia, bảo vệ chính quyền cách mạng Campuchia; giúp đỡ xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng Campuchia”[5]. Nhằm thống nhất lãnh đạo chỉ huy và nâng cao hiệu suất giúp đỡ lực lượng vũ trang Campuchia, ngày 6-6 -1981, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (Bộ Tư lệnh 719). Bộ tư lệnh 719 trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam, đồng thời là cơ quan đại diện của Bộ Quốc phòng Việt Nam trên hướng Tây Nam. Ngày 9-10 -1981, Bộ Quốc phòng quyết định chuyển Bộ Tư lệnh Mặt trận 479 thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Trên quan điểm “giúp bạn Campuchia xây dựng lực lượng cách mạng đi đôi với việc rút từng bước quân đội ta khỏi Campuchia”[6], Quân tình nguyện Việt Nam chủ trương giúp xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng Campuchia từ con số 0 theo ba bước lớn: Bước một: Tập hợp, bồi dưỡng cán bộ, nhanh chóng nắm bắt công việc; bước hai: Xây dựng cơ quan Bộ Quốc phòng hoạt động theo chức trách, kiện toàn về tổ chức đủ điều kiện lãnh đạo, chỉ huy từ trên xuống; bước ba: Đủ khả năng lãnh đạo lực lượng vũ trang làm chủ nội địa và phần lớn biên giới, tiến tới tự đảm đương nhiệm vụ của mình[7]. Phương pháp làm việc là chủ yếu giúp Bộ Quốc phòng Campuchia đề ra phương hướng, chủ trương kế hoạch để trình Bộ Chính trị Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia phê duyệt, sau đó cùng kiểm tra đôn đốc thực hiện.
Với sự giúp đỡ của chuyên gia quân sự Việt Nam, tổ chức và cơ cấu của Bộ Quốc phòng Campuchia ngày càng hoàn thiện. Từ chỗ chỉ có 13 cán bộ sơ cấp và một số chiến sĩ chưa có chuyên môn nghiệp vụ, đến cuối năm 1988, Bộ Quốc phòng Campuchia đã có 3 tổng cục, 32 cục, bao gồm các cơ quan chỉ huy, chỉ đạo các mặt công tác[8]. Các ngành nghiệp vụ, các quân chủng, binh chủng được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, hợp lý, phù hợp với sự phát triển của lực lượng vũ trang. Hệ thống các nhà trường, đơn vị trực thuộc, cơ sở hậu cần, kỹ thuật cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của quân đội, đảm bảo cho Bộ Quốc phòng đảm đương được nhiệm vụ chỉ huy.
Quân tình nguyện Việt Nam giúp xây dựng lực lượng vũ trang Campuchia từ cơ sở một cách cơ bản với phương hướng: 1-Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia phải có ba thứ quân, được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia; 2- Xây dựng lực lượng bộ binh làm chính đi đôi với xây dựng quân binh chủng và cơ sở đảm bảo cần thiết; 3- Bộ đội chủ lực được xây dựng theo hướng phát triển nhanh những đơn vị lớn, các binh chủng cần thiết như kỹ thuật, công binh, hải quân, không quân…; 4- Về quy mô: Lấy cấp tiểu đoàn và trung đoàn làm trụ cột, tổ chức một số sư đoàn để sau này thay thế Quân tình nguyện ở một số hướng trọng điểm; xây dựng từ thấp lên cao, theo trình độ chỉ huy và sức chiến đấu của bộ đội[9].
Từ cuối 1987 đến đầu năm 1988, đặt mục tiêu giúp quân đội Campuchia “vươn lên nắm vững ngọn cờ độc lập, tự chủ của mình (…), chuyển nhanh, chuyển mạnh, chuyển dứt khoát nhiệm vụ cho bạn”[10], Quân tình nguyện Việt Nam tích cực cùng Bộ Quốc phòng Campuchia thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng và số lượng quân đội Campuchia. Kết quả là nhiều đơn vị quân đội Campuchia đã thể hiện khả năng tác chiến, hợp đồng tác chiến; bộ đội địa phương và dân quân du kích ngày càng trưởng thành, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Đến tháng 8-1987, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia “đã có ba thứ quân, gồm 92.464 người, 169.000 dân quân tự vệ, 5 sư đoàn bộ đội chủ lực, 8 trung đoàn lữ đoàn bộ binh. Bộ đội địa phương có 33 tiểu đoàn tỉnh, 6 tiểu đoàn sông hồ, 314 đại đội hai chức năng và 19 đại đội bảo vệ giao thông”[11].
Quân tình nguyện Việt Nam còn tích cực giúp quân đội Campuchia xây dựng các tiểu đoàn huấn luyện, các trường quân sự địa phương, các trường quân chính cấp tỉnh và các trường kỹ thuật, nhằm đào tạo đội ngũ sĩ quan, hạ sĩ quan và nhân viên kỹ thuật. Hằng năm, các trường này được đầu tư, củng cố, không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo ra một hệ thống các trường hoàn chỉnh từ quân khu đến các tỉnh, đào tạo, bồi dưỡng cho hàng vạn lượt sĩ quan, hạ sĩ quan, kịp thời bổ sung cho các đơn vị, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cho lực lượng vũ trang Campuchia.
Những nỗ lực trên đây của Quân tình  nguyện Việt Nam và quân đội Campuchia đã nhanh chóng xây dựng lực lượng quân đội Campuchia đủ về số lượng và dần đi vào nề nếp, tạo điều kiện để Quân tình nguyện Việt Nam “tập trung làm nhiệm vụ cơ động hỗ trợ cho bạn, rút dần lực lượng và trang thiết bị về nước, rút toàn bộ chuyên gia”[12].
2- Sát cánh cùng lực lượng vũ trang Campuchia bảo vệ đất nước
Mặc dù thất bại, nhưng Polpot vẫn chưa từ bỏ giấc mộng quyền lực, tiếp tục cầm vũ khí tiến hành chiến tranh du kích chống lại nhân dân Campuchia. Thực hiện cam kết luôn luôn hết lòng, hết sức làm tròn nghĩa vụ quốc tế, cùng với Campuchia hợp tác chặt chẽ, giúp đỡ về mọi mặt và củng cố quốc phòng, an ninh[13], Quân tình nguyện Việt Nam hỗ trợ nhân dân Campuchia tiêu diệt tàn quân Polpot ẩn náu khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan.  Phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam mở các chiến dịch truy quét, tiến công các căn cứ, kho tàng của Polpot trong nội địa hoặc vùng biên giới, triệt phá các hành lang vận chuyển, thu và phá hủy nhiều phương tiện vũ khí, chiến tranh, tiến hành 11 chiến dịch, đánh quỵ lực lượng Polpot mùa khô 1979[14].
 Mùa khô năm 1981 – 1982, Quân tình nguyện Việt Nam cùng quân đội Campuchia đập tan cuộc phản kích lần thứ nhất, phá vỡ âm mưu tập hợp lực lượng của Polpot, nổi bật là việc tấn công căn cứ quân khu trung tâm của  Polpot ở Đông quốc lộ 7, nơi Polpot tập trung tới 5.000 quân. Năm 1983, ở Mặt trận 479 (phía Bắc Campuchia), Quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Campuchia liên tục mở các chiến dịch, giành lại một vùng đất rộng lớn, phì nhiêu. Các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam thuộc Mặt trận 479 chiến đấu ngăn chặn tàn quân Polpot xâm nhập, tăng cường phòng thủ thị xã, thị trấn, bảo vệ giao thông, kết hợp với đánh phá các căn cứ lớn, căn cứ vùng sâu và các hành lang của Khơme đỏ. Riêng năm 1985, Quân tình nguyện Việt Nam và quân đội Campuchia đã đánh khoảng 2.000 trận, loại 10.000 tên, thu nhiều súng đạn; số vụ hoạt động nội địa của tàn quân Polpot giảm 40%[15].Trên đà thắng lợi, mùa khô năm 1984 – 1985, kết hợp với quân đội Campuchia, Quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu quét sạch các căn cứ của Polpot dọc tuyến biên giới, giúp đỡ xây dựng công trình phòng thủ (K5) dài 604 km, kết hợp với các vật cản và cụm điểm tựa, chạy dọc theo biên giới Campuchia - Thái Lan, hình thành từng khu vực phòng thủ[16].
Sau thất bại nặng nề mùa khô năm 1984 -1985, Polpot thay đổi phương thức hoạt động, “phân tán lực lượng, luồn sâu vào nội địa, tiến hành chiến tranh du kích, phá hoại nhiều mặt, vừa đánh cơ sở giao thông cầu đường, vừa tập trung chủ yếu vào khu vực 5 tỉnh Biển Hồ và Phnôm Pênh”[17], nhằm “gây tiếng vang, tranh thủ viện trợ và đánh lạc hướng dư luận”[18]. Để đối phó, trong hai năm 1986-1987, Quân tình nguyện Việt Nam chủ trương cùng lực lượng vũ trang Campuchia “ra sức xây dựng lực lượng vũ trang và an ninh, tiến công địch, bảo vệ cách mạng và thành quả cách mạng, củng cố và phát triển thế làm chủ biên giới và trong nội địa”[19].
Đẩy mạnh các hoạt động quân sự và xây dựng lực lượng, Quân tình nguyện Việt Nam đã giúp lực lượng vũ trang Campuchia bố trí lại thế đứng chân, phối hợp hoạt động tốt. Tính đến tháng 11-1986, “loại khỏi vòng chiến đấu 12.000 tên địch, trong đó tiêu diệt hơn 4.300 tên, bị thương gần 2.000 tên, thu nhiều phương tiện chiến tranh. Lực lượng vũ trang bạn có bước trưởng thành rõ rệt”[20]. Cuối mùa mưa năm 1987, chiến dịch tổng hợp tấn công ở khu vực bắc Biển Hồ khiến tàn quân  Polpot phải tháo chạy từ Nam quốc lộ 6 (Xiêm Riệp) lên Báttambang.
Từ năm 1987, lực lượng vũ trang Campuchia đã đảm nhận được 50% trong thế xen kẽ với Quân tình nguyện Việt Nam[21]; do đó, bước sang năm 1988, Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia hạ quyết tâm tự đảm đương cuộc chiến đấu cho đến thắng lợi cuối cùng. Để hỗ trợ, Quân tình nguyện Việt Nam đẩy mạnh tiến công lực lượng Polpot ở cả biên giới, nội địa, đánh những đòn quyết định, làm tan rã những bộ phận quan trọng, cắt đứt đường vận chuyển, nguồn tiếp tế, làm chúng suy yếu rồi đi đến sụp đổ, đẩy nhanh quá trình chuyển giao địa bàn cho phía Campuchia. Năm 1988, công trình K5 “đã hoàn chỉnh tuyến 1 nối liền từ 3 biên đến Kôkông, tạo điều kiện cho các đơn vị của ta và bạn đứng vững, hình thành thế làm chủ kiểm soát biên giới, chia cắt địch về chiến lược, ngăn chặn xâm nhập nội địa”[22].
 Nhờ những nỗ lực của Quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang Campuchia, khi Quân tình nguyện Việt Nam rút dần, lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia được chuyển giao địa bàn, chiến trường… đã nhanh chóng đảm đương nhiệm vụ tác chiến chủ yếu, đưa thế trận cách mạng Campuchia sang thời kỳ ổn định và vững vàng.
Trước những chuyển biến tích cực của tình hình, Quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục thực hiện các kế hoạch rút quân đã ấn định từ trước. Tháng 11 -1987, quân đội Việt Nam rút 20.000 quân; đầu năm 1988, rút khỏi biên giới Campuchia – Thái Lan 03 km, nhằm mục đích xây dựng khu việc biên giới hòa bình, tránh các cuộc đụng độ. Từ tháng 2 đến tháng 6 -1988, Quân tình nguyện Việt Nam rút thêm 50.000 quân và đến tháng 9- 1989 rút hết về nước, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế với đất nước Chùa Tháp và nhân dân Campuchia anh em.
3- Một chặng đường nhìn lại
Trong suốt 10 năm (1979-1989) “đồng cam, cộng khổ”, không ngại gian khó, hy sinh, Quân tình nguyện Việt Nam đã cùng “nằm gai, nếm mật”, đồng hành với lực lượng vũ trang, với nhân dân Campuchia. Có lẽ khó có thể tả lại hết những gian truân của Quân tình nguyện Việt Nam khi làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Campuchia: Từ bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, thức ăn, khí hậu… cho đến sự đánh phá, tấn công hiểm hóc của tàn quân Polpot. Vượt qua khó khăn, Quân tình nguyện Việt Nam đóng góp sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước Campuchia từ đống tro tàn, đổ nát và hoang phế.
Gửi  Quân tình nguyện sang Campuchia, Bộ Quốc phòng Việt Nam quán triệt “các đơn vị quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam được cử sang chiến đấu và công tác tại Campuchia chấp hành nghiêm chỉnh mọi luật lệ của nước Cộng hoà nhân dân Campuchia và tôn trọng các phong tục tập quán của nhân dân Campuchia”[23]. Các cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam được nhắc nhở thường xuyên và luôn ghi nhớ “chấp hành kỷ luật chiến trường thật tốt, không được đụng đến lợi ích của nhân dân và sinh mạng của nhân dân, phải xem xét các vụ bắt bớ, phải đối xử tử tế và chăm sóc sức khoẻ, giúp đỡ quần chúng; phải canh phòng quản lý chặt chẽ biên giới, đúng quy định quốc tế...”[24]. Về chất lượng chuyên gia quân sự, Quân tình nguyện, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu: “Các đơn vị Quân đội nhân dân Việt Nam được phái sang hoạt động tại một tỉnh của Campuchia theo kế hoạch của Tiền phương Bộ Quốc phòng Việt Nam phải được lựa chọn chu đáo, đảm bảo các yêu cầu về nhiệm vụ quân sự, chính trị được giao…”[25]. Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh: Quan hệ giữa chuyên gia quân sự, Quân tình nguyện Việt Nam với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân Campuchia là quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, đoàn kết gắn bó vì nhiệm vụ chung; Quân tình nguyện phải tự tạo được sự tín nhiệm từ phía Campuchia, cả về tinh thần chiến đấu và công tác, về phẩm chất đạo đức, trách nhiệm chính trị và cả về trình độ, năng lực.
Suốt 10 năm làm nhiệm vụ trên đất Campuchia, đại đa số các chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam nhận thức rõ rằng, những lúc Campuchia gặp khó khăn, hoạn nạn, giúp đỡ là rất cần thiết, nhưng giúp đỡ không có nghĩa là làm thay, là can thiệp vào công việc nội bộ, cũng như tuyệt đối không có tư tưởng nước lớn. Trong quan hệ với chiến sĩ, nhân dân Campuchia, nếu có nảy sinh bất đồng, phải luôn chú ý giải quyết bằng thương lượng, đối thoại kiên trì, thấu hiểu, thông cảm, “chín bỏ làm mười”, nhân nhượng lẫn nhau. Nhìn chung, Quân tình nguyện Việt Nam nắm vững nguyên tắc, ứng xử phù hợp, luôn nhận được cảm tình, sự mến thương, sự đồng tình, ủng hộ của người dân Campuchia.
Thấm đẫm đạo lý “thương người như thể thương thân”, quên cái đói, cái rét, bộ đội tình nguyện Việt Nam đã dành từng hạt gạo, sợi mỳ, hạt muối, mảnh vải, viên thuốc để cứu sống người dân đang trong cảnh đói khát, ốm đau. Đất và người đã không phụ tấm lòng bộ đội Việt Nam, trong 10 năm (1979-1989), từ “cánh đồng chết”, đất nước Campuchia đã hồi sinh mạnh mẽ, từng ngày, từng giờ thay da, đổi thịt. Về sự giúp đỡ tận tâm của Việt Nam, Chủ tịch Hiêng Homrin phát biểu: “Campuchia từ chỗ không còn hình thù của một xã hội, đã mất hết quyền sống của một con người, lúc nào cũng hãi hùng trước sự giám sát của những lưỡi cuốc, dao quắm, vồ nhọn và họng súng, ngày nay đã trở thành một xã hội có kỷ cương. Khắp nơi lại mọc lên những trường học, nhà trẻ, bệnh viện, chợ búa, chùa chiền”[26].
Thực tiễn những năm tháng Quân tình nguyện Việt Nam chung tay, chung sức cùng nhân dân Campuchia đi qua những “đắng cay, ngọt bùi” một lần nữa khẳng định sự gắn bó keo sơn tự nhiên, khách quan giữa hai dân tộc. Sự gắn bó ấy được thử thách, tôi rèn trong trường kỳ đấu tranh vì độc lập, tự do. Đó cũng là quan hệ hợp tác, giúp đỡ hai chiều, “cháy nhà hàng xóm, không thể bình chân như vại”, cũng như bằng thắng lợi của mình, nhân dân Campuchia “góp phần thủ tiêu họa xâm lăng từ đất Campuchia; thiết thực góp phần giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc”[27].
Như một dòng chảy liên tục, lịch sử cần mẫn nối quá khứ với hiện tại; lịch sử hiền hòa, nhưng cũng hết sức nghiệt ngã. Thăng trầm lịch sử sẽ giữ lại, tôn vinh, cũng như xóa nhòa rất nhiều sự kiện. Soi chiếu từ quy luật ấy, sự kiện Quân tình nguyện Việt Nam có mặt bên cạnh nhân dân Campuchia trong những thời khắc cam go, tuyệt vọng sẽ tiếp tục được nhìn nhận, luận bàn từ nhiều góc độ khác nhau và chân lý lịch sử luôn có sức mạnh sự thật để vững vàng trước sự sàng lọc của thời gian.




[1] Bộ Quốc phòng -Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử  quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978-1989), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.40.
[2] Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng Việt Nam, phông Quân ủy Trung ương, hồ sơ số 1306.
[3] Tlđd, hồ sơ số 1306.
[4] Bộ Quốc phòng -Viện lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử  quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1978-1989), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.40.
[5] Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Việt Nam), Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ số 11108.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng  toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.47, tr. 526.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Hồi ký mười năm chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1979-1989), Hà Nội 2009, tr.1155-1156.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Hồi ký mười năm chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1979-1989), Tlđd, tr.1167.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Hồi ký mười năm chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1979-1989), Tlđd, tr.1158-1159.
[10] Bộ Tư lệnh Quân khu 7: 50 năm lực lượng vũ trang quân khu 7 (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.210.
[11] Tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 34, ĐVBQ 1010.
[12] Bộ Tư lệnh Quân khu 7: 50 năm lực lượng vũ trang quân khu 7 (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.210.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng  toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, t.43, tr. 144.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam: Hồi ký mười năm chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Campuchia (1979-1989), Hà Nội 2009, tr.1171-1172.
[15] Tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 34, ĐVBQ 541.
[16] Tham gia công trình này có trên 4 vạn dân công, 2,6 dân quân du kích, 2 đội cầu đường Campuchia cộng 2 sư đoàn chủ lực Campuchia với sự giúp đỡ của 4 sư đoàn quân tình nguyện Việt Nam, 2 trung đoàn công binh Việt Nam; trong đó, quân tình nguyện Việt Nam đưa 10 trung đoàn thuộc mặt trận 479 lên biên giới, vừa tham gia xây dựng cụm điểm tựa, vừa chốt giữ bảo vệ biên giới (Nguồn: Bộ Tư lệnh Quân khu 7: 50 năm lực lượng vũ trang quân khu 7 (1945-1975), Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1995, tr.207).
[17] Tài liệu lưu trữ tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng, Phông số 34, ĐVBQ 1040.
[18] Tlđd, Phông số 34, ĐVBQ 599.
[19] Tlđd, Phông số 34, ĐVBQ 599.
[20] Tlđd, Phông số 34, ĐVBQ 543.
[21] Tlđd, Phông số 34, ĐVBQ 543.
[22] Tlđd, Phông số 34, ĐVBQ 1010.
[23] Trung tâm Lưu trữ quốc gia III (Việt Nam), Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ số 11108.
[24] Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, phông số 34, đơn vị bảo quản số 1.
[25] Chỉ thị số 75-CT/TƯ về tổ chức lực lượng giúp K, Tài liệu lưu tại Kho lưu trữ Văn phòng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[26] Mãi mãi đứng bên cạnh nhân dân Việt Nam anh hùng, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1982, tr.32-33.
[27] Trường Chinh: “Vấn đề Campuchia”, Báo Quân đội nhân dân tháng 12-1979.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!