Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

TÌNH HÌNH TRUNG QUỐC VÀ QUAN ĐIỂM ĐỐI VỚI CHIẾN TRANH VIỆT NAM NHỮNG NĂM 50-60 (XX)



Nguyễn Thị Mai Hoa
Sau khi cách mạng thành công (1949), Trung Quốc bước vào một thời kỳ phát triển mới với những năm tháng khó khăn và đầy biến động. Cuộc đấu tranh củng cố vị trí lãnh đạo trong nội bộ Đảng diễn ra gay gắt, biểu hiện qua các chiến dịch chính trị do chính Mao Trạch Đông phát động: “Phê phán Hồ Thích”, “chống nhóm phản cách mạng Hồ Phong”, “phê phán chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” và “chống Cao Cương – Nhiêu Thấu Thạch”... Nhận thức ấu trĩ, tả khuynh của một bộ phận các nhà lãnh đạo trong điều hành đất nước làm cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc trải qua những gập ghềnh, bất ổn.

        Nền kinh tế của Trung Quốc sau nhiều năm chiến tranh trở nên đình trệ, lạc hậu, đời sống nhân dân hết sức khó khăn. Năm 1949, diện tích trồng trọt so với trước khi bùng nổ kháng chiến chống Nhật giảm 16%, sản lượng lương thực giảm 25%, sản xuất công nghiệp giảm 50% và hệ thống giao thông hầu như bị tê liệt hoàn toàn[1]. Trước tình thế đó, sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Chính phủ Trung Quốc coi khôi phục kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, tranh thủ viện trợ của Liên Xô để xây dựng công nghiệp. Nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, nền công nghiệp Trung Quốc bước đầu hình thành.
        Thắng lợi của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và thành công của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1953-1957) khiến các nhà lãnh đạo trung Quốc mắc phải sai lầm, nôn nóng, duy ý chí trong đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội, có tham vọng vươn lên trở thành một cực của thế giới. Năm 1957, Mao Trạch Đông tin rằng, sau 10 năm, Trung Quốc có thể đuổi kịp hoặc vượt nước Anh, còn sau 15 năm có thể vượt nước Mỹ. Sự lạc quan này dựa trên một con tính hết sức đơn giản về sản lượng thép[2] mà Trung Quốc có thể sản xuất khi phát động phong trào “Đại nhảy vọt”. Với tâm lý nôn nóng đó, cuối năm 1957- đầu năm 1958, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc được xác định là “dốc lòng hăng hái, vươn lên hàng đầu, xây dựng chủ nghĩa xã hội nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Trong điều kiện kinh tế đang có những khó khăn chưa kịp khắc phục, nửa cuối năm 1959, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại phát động một cuộc Đại nhảy vọt mới với những chỉ tiêu rất cao, bất chấp điều kiện thực tế[3]. Khắp nơi tiếp tục xây dựng lò luyện thép thủ công và giương cao khẩu hiệu “người người làm thép, nhà nhà làm thép”, quyết tâm biến cả nước Trung Quốc thành một công xưởng thép vĩ đại, phục vụ Đại nhảy vọt. Hậu quả của phong trào làm thép là càng làm cho kinh tế mất cân đối trong quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp[4]; công nghiệp gang thép phát triển dị biến; mất cân đối nghiêm trọng giữa công nghiệp nhẹ và công nghiệp nặng, giữa sản xuất tư liệu sản xuất và sản xuất hàng tiêu dùng, giữa tích lũy và tiêu dùng. Mao Trạch Đông phải thừa nhận: “Trung Quốc lãng phí từ 1/4 đến 1/5 số vốn bỏ ra về công nghiệp”[5] để rút ra bài học về kinh nghiệm xây dựng các cơ sở công nghiệp nặng, “bài học đó đã phải trả giá rất đắt, tương đương 4 tỷ Mỹ kim”[6]. Thực hiện đường lối “ba ngọn cờ hồng” (đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân); đặc biệt, việc xây dựng công xã nhân dân và đại nhảy vọt làm cho kinh tế Trung Quốc bị đảo lộn, phát triển mất cân bằng, thậm chí xảy ra nạn đói nghiêm trọng[7]. Có thể nói rằng, giai đoạn này, Trung Quốc có hòa bình nhưng chưa ổn định. Về chính sách đối ngoại, Cương lĩnh chung Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc (9-1949) nêu rõ: “Nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa liên hợp với tất cả các nước và nhân dân yêu hòa bình, tự do trên thế giới, trước hết là liên hợp với Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân và dân tộc bị áp bức, đứng trong mặt trận dân chủ hòa bình lâu dài của quốc tế, cùng chống lại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc để bảo vệ hòa bình lâu dài của thế giới”[1]. Nhằm nhanh chóng xây dựng, phát triển kinh tế và quốc phòng, thời kỳ đầu, Mao Trạch Đông tuyên bố “nhất biên đảo”, ngả hẳn về Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Tháng 12-1949, Mao Trạch Đông thăm hữu nghị Liên Xô và tháng 2-1950, hai nước ký Hiệp ước hữu nghị, liên minh và tương trợ Trung – Xô. Mặt khác, Trung Quốc tích cực xây dựng quan hệ với các nước láng giềng, tạo thành vành đai an ninh, giúp Trung Quốc có môi trường hoà bình xung quanh đất nước. Mặc dầu coi Mỹ là kẻ thù số 1, nhưng Trung Quốc vẫn tìm kiếm cơ hội cải thiện quan hệ với Mỹ và tháng 8-1955, cuộc đàm phán Trung – Mỹ diễn ra ở Vacsava (Ba Lan), mở đầu cho con đường hoà hoãn với Mỹ sau này. Như vậy, về đối ngoại, một mặt, Trung Quốc tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở châu Á, nhất là ở Nam Á và Đông Nam Á; mặt khác, hướng tới sự hoà hoãn với Mỹ. Cả chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc đều nhằm tới mục tiêu củng cố thực lực quốc gia, tăng cường vị thế, tầm ảnh hưởng quốc tế, xác lập vị trí nước lớn ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Ngay sau khi thành lập, Trung Quốc nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước xã hội chủ nghĩa không cần thông qua đàm phán; với các nước khác, đàm phán trước, thiết lập ngoại giao sau. Từ năm 1949 đến cuối năm 1955, Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với 23 nước. Những năm sau đó, Trung Quốc nhanh chóng thiết lập quan hệ ngoại giao với một loạt các nước đang phát triển như Campuchia, Iraq, Marocco, Sudan, Uganda…. 
Nhằm đảm bảo an ninh để khôi phục, phát triển kinh tế và xây dựng hình ảnh một nước Trung Quốc đứng về phía các dân tộc bị áp bức, ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh Triều Tiên, tích cực viện trợ cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam. Khi cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc, với những đóng góp, hy sinh trong cuộc chiến, Trung Quốc cho rằng vị thế quốc tế của Trung Quốc đã khác, Trung Quốc có thể đứng vững và đang lớn mạnh; trên cơ sở đó, đặt ra nhiệm vụ chủ yếu là ổn định và phát triển, hòa nhập vào hệ thống ngoại giao thế giới, từng bước khẳng định vị trí nước lớn không chỉ trong khu vực, mà còn trên thế giới. Trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng chung sống hòa bình, Trung Quốc tăng cường phát triển quan hệ ngoại giao với các nước độc lập châu Á, châu Phi. Từ năm 1956 đến năm 1965, hoạt động ngoại giao của Trung Quốc diễn ra sôi nổi: Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với 27 nước, hầu hết là các nước Á - Phi mới giành độc lập; lãnh đạo Trung Quốc đi thăm 11 nước Á – Âu (1956-1957), 13 nước Á -Phi (1963), 4 nước Đông Nam Á (1963), tích cực viện trợ cho các nước đấu tranh giành độc lập dân tộc, mặc dù kinh tế Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn. Vì thế, năm 1962, Vương Gia Tường – Cục trưởng Cục Liên lạc quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh rằng, “chính sách đối ngoại của Trung Quốc phải hướng đến mục tiêu duy trì hòa bình thế giới, để có thể tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở trong nước”[9]. Theo Vương Gia Tường, “Trung Quốc nên hòa giải với Liên Xô trước khi các cuộc bút chiến leo thang, tuân thủ nguyên tắc chung sống hòa bình với chủ nghĩa đế quốc, ngăn chặn một cuộc chiến tranh theo hình mẫu chiến tranh Triều Tiên ở Đông Dương”[10]. Vương Gia Tường “đặc biệt lo lắng về tác động của sự gia tăng mạnh mẽ viện trợ cho nước ngoài đối với nền kinh tế Trung Quốc kể từ năm 1960”[11], mà một phần ba trong số đó là viện trợ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa[12]. Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai ủng hộ quan điểm này. Tại Hội nghị Trung ương tháng 9-1962, Mao Trạch Đông chỉ trích mạnh mẽ và gọi quan điểm của Vương Gia Tường, Lưu Thiếu Kỳ và Chu Ân Lai là “sự ủng hộ đối với chủ nghĩa xét lại” – một chính sách đối lập với “chính sách đấu tranh chống đế quốc, xét lại và phản động ở tất cả các quốc gia, để thúc đẩy sự phát triển cách mạng trong và ngoài nước” mà Mao Trạch Đông theo đuổi. Thông qua đề nghị của Vương Gia Tường, chắc chắn “vai trò của Trung Quốc ở Đông Dương sẽ bị hạn chế” – điều này là không phù hợp với quan điểm “cách mạng vô sản trên phạm vi toàn thế giới” của Mao Trạch Đông.
 Tuy nhiên, trong những năm 1950-1959, quan hệ của Trung Quốc với một số nước lớn và nước láng giềng có khúc mắc, xung đột: Mâu thuẫn với Liên Xô, Ấn Độ; quan hệ Trung – Mỹ căng thẳng qua sự kiện pháo kích Kim Môn năm 1958. Trong điều kiện đó, Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước đang tiến hành giải phóng dân tộc, các nước mới giành được độc lập, các nước đang phát triển, khẳng định vai trò và ảnh hưởng đối với các nước thế giới thứ ba. Đối với khu vực Đông Dương, khi Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược, Trung Quốc “xem việc Mỹ can thiệp vào Đông Dương là mối nguy cơ trực tiếp đối với an ninh, hòa bình của mình, chọn cách đối phó với Mỹ thông qua việc hỗ trợ cho chính phủ các nước Đông Dương chống Mỹ và tìm cách thức tỉnh chủ nghĩa dân tộc ở một loạt nước Đông Nam Á (…). An ninh quốc gia và ý thức hệ là hai yếu tố quan trọng quyết định cách tiếp cận của Trung Quốc đối với cuộc xung đột Đông Dương”[13].
Trước chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), Mỹ nhìn thấy nguồn gốc chủ yếu đe doạ vị trí của Mỹ ở châu Á là Liên Xô. Tháng 6-1949, Hội đồng An ninh Mỹ xác định mục tiêu chủ yếu là ngăn chặn và làm suy giảm quyền lực của Liên Xô ở châu Á. Song sự kiện chiến tranh Triều Tiên với sự dính lứu, can thiệp sâu của cả Liên Xô và Trung Quốc khiến cho Mỹ bắt đầu thay đổi nhận thức về tương quan lực lượng ở châu Á, về vai trò của Trung Quốc. Ba vấn đề Triều Tiên, Đài Loan, Việt Nam được Mỹ đặt trong một trục quan hệ đồng đẳng – một trục quan hệ liên quan trực tiếp và chi phối, tác động đến an ninh của Mỹ ở vùng Đông Á - Thái Bình Dương. Cũng bắt đầu từ chiến tranh Triều Tiên, quan hệ Mỹ - Trung trượt dài vào sự thù địch, đến mức các nhà bình luận cho rằng, nó không bao giờ có thể trở lại điểm xuất phát ban đầu được nữa. Mỹ đặt Trung Quốc vào hàng ngũ những địch thủ nguy hiểm nhất, một nguy cơ lan tỏa chủ nghĩa cộng sản xuống Đông Nam Á. Tiến hành chiến tranh, Mỹ đồng thời dịch chuyển sự nguy hiểm đến sát biên giới Trung Quốc, uy hiếp an ninh Trung Quốc từ phía Nam. Trung Quốc lập tức nhận thấy tính toán bao vây, phong toả Trung Quốc của Mỹ, ý đồ khôi phục Nhật Bản (một đối thủ nguy hiểm, trường kỳ uy hiếp an ninh Trung Quốc từ hướng biển), biến nước này thành đồng minh thân thiết của Mỹ ở khu vực – có nghĩa là tăng thêm nguy cơ và áp lực đối với Trung Quốc. Xuất hiện và dần lộ diện sự phân cực gay gắt trong quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á.
Sau một thời gian hòa hảo, liên minh Trung – Xô đã nảy sinh những trục trặc, chia rẽ bởi các quyền lợi quốc gia, các quan niệm về an ninh và cách thức mỗi nước có thể tồn tại trong môi trường quốc tế. Trong điều kiện đó, Việc Hoa Kỳ gia tăng sự hiện diện và ồ ạt viện trợ cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa  khiến Trung Quốc cảm thấy bất ổn, nhất là đối với đảm bảo an ninh từ phía Nam. Trung Quốc tin rằng "Hoa Kỳ - quốc gia đã không thành công ở Hàn Quốc và Đài Loan những năm 1950, đang mở rộng chiến tranh chống lại Trung Quốc từ hướng Việt Nam[14]. Đến cuối năm 1963, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất lo lắng về ý định của Mỹ ở Việt Nam, có kế hoạch chuẩn bị những ứng phó cần thiết. Sự lo ngại đó đặc biệt được đẩy lên sau “sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, thậm chí Trung Quốc đã lên một kế hoạch hoàn chỉnh để chống lại “sự tấn công bất ngờ”; đồng thời, “sẵn sàng cung cấp viện trợ đầy đủ cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đối đầu với Hoa Kỳ”[15].
Kinh nghiệm từ chiến tranh Triều Tiên cho Trung Quốc nhận thức rằng: 1-. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng đất nước và củng cố vị thế quốc tế là hai nội dung gắn bó mật thiết, chi phối, quy định lẫn nhau; 2- Với vị trí và sức mạnh của mình, đến một thời điểm nhất định, Trung Quốc hoàn toàn có thể phát huy vai trò nước lớn thông qua một giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh Việt Nam; theo đó, vấn đề Đài Loan – vốn dai dẳng và bế tắc  trong quan hệ tay đôi Mỹ - Trung, chắc chắn có cơ hội đặt lên bàn nghị sự trong một nước cờ có lợi nhất. Giúp Việt Nam, Trung Quốc tính đến việc khẳng định vị thế của mình, bước tới ghế lãnh tụ của phong trào cách mạng thế giới, phá ý đồ của Liên Xô độc quyền nắm ngọn cờ ủng hộ Việt Nam. Củng cố quan hệ với Việt Nam, Trung Quốc còn hướng tới sự gia tăng ảnh hưởng của mình đối với quốc gia láng giềng nhỏ bé, đặt Việt Nam vào quỹ đạo và vùng ảnh hưởng của mình.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC


[1] Nguyễn Huy Quý: Lịch sử hiện đại Trung Quốc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.18.
[2] Mao Trạch Đông tính rằng, mỗi năm nước Anh sản xuất 20 triệu tấn thép, 15 năm sau nữa có thể sản xuất năm 30 triệu tấn, còn Trung Quốc, 15 năm sau nữa có thể là 40 triệu tấn, vì thế có thể vượt nước Anh.
[3] Đặt ra chỉ tiêu: Gá trị tổng sản phẩm công nghiệp năm 1960 tăng 39,3% so với năm 1959, nông nghiệp tăng 12%.
[4]Từ năm 1958- 1960, công nghiệp nặng tăng trưởng 330%, trong khi nông nghiệp giảm 22,8%.
[5] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 39.
[6] Hồ sơ quan hệ Việt - Trung trong giai đoạn chống Mỹ, cứu nước (3-1954 đến tháng 8-1973), Tlđd, tr. 40.
[7]Nạn đói những năm 1959-1962 đã lấy đi sinh mệnh của 37,55 triệu người dân Trung Quốc (chiếm 5,11% dân số cả nước – số liệu chính thức được giải mật theo quyết định của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng  9 – 2005, nhiều hơn cả số người chết trong chiến tranh thế giới thứ hai). Trước đây, sự kiện này không được công bố. Cho đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc vẫn coi nguyên nhân của nạn đói là do “ba năm thiên tai”. Từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX, Trung Quốc đã thừa nhận 35% là do thiên tai, 45% là do sai lầm trong đường lối, chính sách và quản lý.
[8] Lịch sử ngoại giao Trung Quốc đương đại, bản dịch, lưu tại Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng, 2010, tr. 8.
[9] Chinese Foreign Policy during the Maoist Era and its Lessons for Today, MLM Revolutionary Study Group in the U.S, January, 2007, p.15.
[10] Chinese Foreign Policy during the Maoist Era and its Lessons for Today, Ibid, p.15.
[11]Yang Kuisong: Changes in Mao Zedong's Attitude toward the Indochina War, 1949-1973, Ibid, p.21-22.
[12]Theo số liệu Văn phòng quan hệ kinh tế quốc tế Trung Quốc, năm 1960, Trung Quốc chi 6,7 tỷ USD cho viện trợ nước ngoài, trong đó có 2,5 tỷ USD không hoàn lại và 3,2 tỷ USD cho vay với lãi suất thấp; trong đó, 1/3 số lượng (tương đương với  1,9 tỷ USD) là viện trợ cho Việt Nam; 133 triệu USD viện trợ cho Campuchia; 670.000 USD viện trợ cho Lào. Tính chung, từ năm 1950 đến năm 1960, trung bình hàng năm Trung Quốc phân bổ 1,18% tổng chi tiêu tài chính hàng năm cho viện trợ nước ngoài (Nguồn: The Foreign Economic Liaison Bureau’s report on foreign assistance and future tasks, 1 September 1961).
[13]Yang Kuisong: Changes in Mao Zedong's Attitude toward the Indochina War, 1949-1973, Ibid, p.6.
[14] Xiaoming Zhang: “The Vietnam War,  1964-1969:  A Chinese Perspective”, The Journal of Military History, Vol. 60, No. 4 (Oct., 1996), p. 734.
[15]Qiang Zhai: Beijing and the Vietnam Conflict, 1964-1965: New Chinese Evidence, Cold War International History Project, Wilson Center, p. 6

1 nhận xét:

  1. đọc cuốn "Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc 30 năm qua" ổn không cô :))

    Trả lờiXóa

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!