Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Cách đây vài chục năm, hình ảnh của Trung Quốc
trong con mắt thế giới là những toà nhà, quảng trường màu xám với những người dân
tay cầm trước tác Mao Trạch Đông, xếp hàng dài mua lương thực, thực phẩm. Còn hiện
tại, nói đến Trung Quốc là nói đến một đất nước đang phát triển năng động, có
vị trí không thể phủ định trên trường quốc tế, một trong những quốc gia có khả
năng làm cho thế giới trở nên đa cực hơn, song cũng đồng thời là một trong
những quốc gia đang đặt thế giới trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
1- Cải cách, ổn định và nguyên tắc “một đất
nước - hai chế độ”
Trung Quốc là nước tiến hành cải cách, mở cửa tương đối sớm và được
đánh giá là một trong những nước có mức độ
tăng trưởng nhanh, bền vững, liên tục với chế độ chính trị - xã hội ổn định suốt thời kỳ cải cách,
chuyển đổi. Có được thành tựu đó, Trung Quốc đã phải trải qua một chặng đường
tìm tòi, khảo nghiệm đầy chông gai.
Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (1949), Đảng Cộng sản
Trung Quốc xác định mục tiêu nhanh chóng tiến lên chủ nghĩa xã hội, “tước đoạt tư liệu sản xuất chiếm hữu tư nhân của
giai cấp tư sản thành chiếm hữu chung của xã hội”[1].
Nhận thức đó dẫn đến việc hình thành mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung,
quan liêu, bao cấp; xóa bỏ hoàn toàn sản xuất hàng hóa, phủ nhận sạch trơn cơ
chế thị trường[2].
Năm
1978, Trung Quốc tiến hành “cuộc đại cách mạng lần hai”, đặt ra mục đích nhanh
chóng phát triển đất nước, đạt tới nền kinh tế hiện đại, văn hoá phát triển, xây
dựng CNXH với đặc điểm, màu sắc riêng của mình. Bằng những bước đi thận trọng,
Trung Quốc đặt trọng tâm vào cải cách kinh tế, nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò khu vực “phi công hữu” - vấn đề cốt lõi của chế độ
sở hữu trong mô hình kinh tế - chính trị đặc thù Trung Quốc, chuyển đổi từ mô hình “kế hoạch hóa tập trung”
sang kết hợp kinh tế kế hoạch với điều tiết thị trường, lấy kế hoạch làm chủ thể;
triệt để coi trọng tác dụng của điều tiết thị trường. Điểm đột phá trong quá
trình chuyển đổi mô hình kinh tế của Trung Quốc nằm ở việc phủ nhận lý luận
truyền thống trước đây về kinh tế tư nhân, coi kinh tế tư nhân là “mảnh đất” phục
hồi chủ nghĩa tư bản, là “cái đuôi của chủ nghĩa tư bản”; đồng thời,
chính thức công nhận: “Kinh tế cá thể của Trung Quốc là kinh tế gắn với chế
độ công hữu xã hội chủ nghĩa, khác với kinh tế cá thể gắn với chế độ tư hữu tư
bản chủ nghĩa, nó có tác dụng không thể thay thế được đối với việc phát triển sản
xuất, tiện lợi cho đời sống
của nhân dân, mở rộng công ăn việc làm cho người lao động, nó là nguồn bổ sung
cần thiết cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và nằm trong kinh tế xã hội chủ
nghĩa”[3].
Tiếp đó, Hiến pháp năm 1982 của nước
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nâng khu vực “phi công hữu” lên địa vị hợp pháp:
“Nhà nước căn cứ theo Pháp luật quy định mà bảo vệ quyền thừa kế tài sản tư hữu
của công dân”[4].
Nhờ những bước đi tích cực nêu trên, Trung
Quốc bắt đầu chuyển mình. Số lượng doanh nghiệp Nhà nước giảm từ 650.000 doanh nghiệp năm 1998 xuống
còn 430.000 doanh nghiệp năm 2002, nhưng lợi nhuận của các doanh nghiệp này lại
tăng 3,5 lần. Đến cuối năm 2006, Trung Quốc cơ bản đã hoàn thành việc cải cách,
phân chia cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước. Trong tổng số 801 doanh nghiệp Nhà
nước nắm giữ cổ phần chi phối lên sàn giao dịch chứng khóa, có 785 doanh nghiệp
(chiếm 98%) hoàn thành hoặc đang bắt đầu làm thủ tục lên sàn giao dịch chứng
khoán trong nước[5].
Giai đoạn 2002-2007, số doanh nghiệp Nhà nước của Trung Quốc đứng trong danh
sách 500 doanh nghiệp mạnh trên thế giới tăng từ 11 doanh nghiệp lên 22 doanh
nghiệp[6]. Từ năm 1979 đến năm 1997, Trung Quốc
là một trong những nước có mức tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới: 9,8%/ năm;
năm 2000, xuất khẩu hơn 350 tỉ USD (năm 1978:20,6 tỉ ). Năm 1988, Trung Quốc đã có hơn 10 triệu doanh
nghiệp cá thể và 200.000 doanh nghiệp tư doanh với tổng số công nhân làm thuê
là 24,8 triệu người. Bên cạnh khu vực phi công hữu thuần túy Trung Quốc, sự tồn
tại và phát triển mạnh mẽ của bộ phận tư bản có vốn Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan
và nước ngoài tạo ra sự trỗi dậy, sức bật và sự sôi động của nền kinh tế.
Những
năm tháng Giang Trạch Dân lãnh đạo Trung Quốc[7] được
coi là thời kỳ ổn định chưa từng có của Trung Quốc trong vòng 150 năm trở lại
đây. Thu nhập bình quân đầu người đạt 800 USD/năm. Vào năm 1979, khu vực kinh
tế tư nhân gần như bằng không, còn ở thời điểm năm 2001, khu vực này chiếm 40%
nền sản xuất của đất nước. Năm 2001, đầu tư nước ngoài ở Trung Quốc vào khoảng
500 tỉ USD (chiếm vị trí số 2 trên thế giới, sau Mỹ). Đây được coi là thay đổi quan trọng nhất
trong cơ cấu kinh tế của Trung Quốc thời kỳ cải cách, mở cửa, nhất là khi Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XV (1997) đề ra
nhiệm vụ điều chỉnh và hoàn thiện cơ cấu chế độ sở hữu, khẳng định vai trò tích cực của kinh tế “phi
công hữu”, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, tăng thêm việc làm, thúc đẩy
kinh tế quốc dân phát triển; trên cơ sở đó, coi kinh tế phi công hữu là một “bộ
phận quan trọng” của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa Trung Quốc. Sau 20 năm xây dựng
và đổi mới chính sách, cuối cùng, khu vực kinh tế tư nhân ở Trung Quốc đã được
đối xử bình đẳng về tư cách pháp nhân, có một địa vị mới, chuyển từ vị trí thứ yếu -
“bộ phận bổ sung có ích” sang “bộ phận quan trọng”, được xếp vị trí ngang bằng
với khu vực công hữu trong quá trình phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ
nghĩa. Khuôn
khổ pháp lý của Chính phủ "ngày càng trở nên thân thiện hơn" với khu
vực kinh tế tư nhân. Với dấu mốc đó, giai đoạn xây dựng chính sách hầu như được
hoàn tất, khu vực tư nhân kết thúc thời kỳ khởi động, nền kinh tế Trung Quốc đã
dần chuyển đổi từ thể chế kinh tế kế hoạch hoá cứng nhắc sang thể chế kinh tế
thị trường có điều tiết.
Đà
và mức độ phát triển kinh tế ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng tiêu thụ của người
Trung Quốc - khả năng đó đang tăng lên rõ rệt. Cơ quan thống kê Trung Quốc đưa ra công
bố: Tiêu dùng người dân tăng 18%/năm (trong khi con số này tại Mỹ chỉ ở mức
2,2%). Nếu như vào những năm 80 (XX),
tivi, tủ lạnh là món hàng đầu tiên những người Trung Quốc có thu nhập khá nghĩ
đến, thì những năm đầu thập kỷ XXI, vi tính, điện thoại di động, ôtô, căn hộ...
không còn là mơ ước xa vời của một bộ phận dân cư không nhỏ. Năm 2013, Tập đoàn tư
vấn đầu tư hàng đầu thế giới CLSA Asia-Pacific công bố Báo cáo khảo sát mức tiêu thụ các mặt hàng xa xỉ phẩm, theo đó,
Trung Quốc tiêu thụ 15% số hàng hóa xa xỉ phẩm của thế giới[8]. Tập
đoàn này dự đoán năm tiếp theo, tỉ lệ này sẽ tăng vọt lên mức 44%, đưa quốc gia
đông dân nhất thế giới lên vị trí số 1 với các loại xe hơi hạng sang[9]. Theo số liệu khảo sát của Ngân hàng đầu tư Hoa Kỳ Goldman
Sachs, năm 2012, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi khoảng 46 tỷ USD vào hàng
hóa cao cấp với 27,1 tỷ USD chi tiêu ở nước ngoài và 18,9 tỷ USD tại Trung Quốc[10]. Ngân hàng này cũng dự đoán tổng mức tiêu thụ hàng cao cấp ở
Trung Quốc sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2015[11].
Như vậy, bằng sự lãnh đạo mềm dẻo, khôn khéo, Giang Trạch Dân đã đưa
đất nước Trung Quốc qua cơn khủng hoảng và đạt được sự thống nhất cao độ trong
Đảng kể từ khi Đặng Tiểu Bình lùi vào hậu trường. Trung Quốc đã bình thường hóa
quan hệ với nhiều nước trên thế giới (với Liên bang Nga, Việt Nam…), khẳng định
vị trí vững vàng trước nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.
Cống hiến to
lớn của Giang Trạch Dân còn ở chỗ đã cùng với Ban lãnh đạo Trung Quốc kết thúc
quá trình sáp nhập Hồng Kông, Ma Cao được bắt đầu từ thời Đặng Tiểu Bình.
Hồng Kông được trao trả Trung Quốc
vào ngày 1-7-1997. Với số dân hơn 7 triệu người, Hồng Kông là khu vực lãnh thổ
có sự tăng trưởng kinh tế cao ở Châu Á.
Đặng Tiểu Bình - người thiết kế việc
sáp nhập Hồng Kông đã đặt câu hỏi, đồng thời đó cũng là tuyên bố chính thống về
mô hình tương lai của Hồng Kông sau khi về với Trung Quốc: “Có cần phải giết
con gà đang đẻ trứng vàng hay không?”. Đặng Tiểu Bình nêu nguyên tắc: “Một đất
nước, hai chế độ”; “người Hồng Kông lãnh đạo Hồng Kông”; theo đó, Hồng Kông có
quyền tự trị rất cao, có hiến pháp riêng, có toàn quyền tham gia vào các quan
hệ quốc tế và các tổ chức quốc tế như một thành viên độc lập. Cũng với quan
điểm tương tự như trên,
tiếp sau Hồng Kông, ngày 20-12-1999,
lần thứ hai Trung Quốc thu hồi lãnh thổ của mình, đón Ma Cao trở về - lịch sử
Ma Cao lật sang một trang mới: Chuyển từ chế độ thuộc địa sang chế độ tự trị dân chủ.
Từ thời điểm đó, hai nền kinh tế tự do Hồng Kông, Ma Cao tiếp tục vai trò cửa
ngõ, cầu nối cho kinh tế Đại lục tiến mạnh ra bên ngoài. Thực tiễn đã minh chứng về sự đúng đắn của quan điểm “một
đất nước, hai chế độ” bằng những con số sống động của Hồng Kông sau 10 năm trở
về Trung Quốc: Từ năm 1997 đến năm 2006, kinh tế tăng trưởng bình quân 2%/năm
(năm 1998, tăng trưởng của Hồng Kông là -5%); GDP bình quân đầu người ngang mức
của Đức (27.565 USD/2006)[12]. Riêng
năm 2007, tổng GDP của Hồng Kông là 8,7
tỷ USD, đạt mức tăng 6,8% (trong cơ cấu GDP, công nghiệp chiếm 11,9%, dịch vụ
chiếm 88%, nông nghiệp chỉ chiếm 0,1%)[13]. Đối
với Ma Cao, doanh thu từ các sòng bạc đã vượt qua cả “ông trùm” Las Vegas đến 6
lần, tốc
độ tăng trưởng kinh tế gấp đôi Trung Quốc, GDP trên đầu người khoảng 40.000 USD/năm,
gần bằng Đức và cao hơn Anh[14]. Như vậy, cùng với việc sáp nhập Hồng Kông, Ma Cao, ở Trung
Quốc tồn tại hai hệ thống chính trị với hai hình thái kinh tế khác nhau. Sự lớn
mạnh không ngừng của tầng lớp trung lưu, những nhà doanh nghiệp, các ông chủ
cộng với nền kinh tế thị trường phát triển đòi hỏi các nhà lãnh đạo Trung Quốc cách
nhìn nhận chính trị linh hoạt. Đường lối chính trị mà Ban lãnh đạo Trung Quốc
thực hiện là tiến hành những bước đi, những cải cách từ từ, luôn tính toán đến
đặc điểm riêng của Trung Quốc. Trong quá trình thực hiện dân chủ hoá, đại diện
của những giai cấp mới dần có chỗ đứng và có tiếng nói nhất định.
2- Bài
toán dân số, việc làm và vấn đề chảy máu chất xám
Dân số Trung Quốc chiếm 21,2% dân số
trái đất[15] - hiện dân
số đang là một vấn đề phức tạp của Trung Quốc khi mức tăng dân số tỉ lệ nghịch với
nhịp độ phát triển của đất nước. Nhờ chính sách kế hoạch hoá dân số, trong
khoảng 20 năm trở lại đây (1993-2013), dân số Trung Quốc chỉ tăng thêm có 250
triệu người, song dù vậy, với mức độ tăng dân số như trên, trong 10 năm tới
(2014-2024), mỗi năm, dân số Trung Quốc sẽ tăng thêm 10 triệu người. Ở thời
điểm hiện tại, dân số khổng lồ của Trung Quốc đã vượt quá khả năng đáp ứng
của điều kiện tự nhiên. Theo tính toán, với điều kiện đất đai, môi trường như Trung
Quốc hiện có, dân số chỉ cho phép tối
đa ở ngưỡng từ 700 đến 800 triệu người, nhưng trên thực tế, dân số Trung
Quốc đã lên đến trên 1.3 tỉ và 94% dân cư đang sinh sống trên 46% lãnh thổ[16]. Diện tích đất khô hạn và bán khô hạn của Trung Quốc chiếm
31% và 22% (53%) tổng diện tích đất đai[17]. Trong
một tương lai không xa, Trung Quốc sẽ thiếu hụt trầm trọng diện tích đất sinh
kế.
Thu hẹp ruộng đất canh tác, thiếu
nước, phá rừng, rác thải sinh hoạt... hậu quả của việc tăng dân số đang gây thảm
họa cho môi trường, hủy hoại cân bằng sinh thái. Một trong những dạng thức phá
hủy môi trường thường gặp ở Trung Quốc là xói mòn, xâm thực và sa mạc hóa đất
đai. Đến những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, diện tích đất bị xói mòn ở Trung Quốc vào khoảng 1,6 triệu km2
(chiếm 1/6 diện tích cả nước); hàng năm, có khoảng 2.100 km2 đất đai
bị biến thành sa mạc[18].
Cũng do môi trường bị phá hủy mà trung bình mỗi năm Trung Quốc thiệt hại khoảng
40-60 tỷ Nhân dân tệ vì thiên tai[19].
Bên cạnh
đó, vấn đề dân số của Trung Quốc có khía cạnh bất thường - chênh lệch giới: Tương
quan giữa con trai và con gái sơ sinh có tỉ lệ 102-107:100, ở các tỉnh lẻ, tỉ lệ
này là 130:100, còn ở nông thôn lên tới 150:100[20]. Tương
lai gần, sẽ có 20 triệu nam thanh niên Trung Quốc không thể lấy được vợ - một hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử
nhân loại. Tuổi thọ của người Trung Quốc cao
hơn hẳn so với các nước công nghiệp phát triển, nơi mà hệ thống chăm sóc sức
khoẻ tốt hơn gấp nhiều lần. Năm 1996, Trung Quốc có khoảng 130 triệu người từ
60 tuổi trở lên, chiếm khoảng 10% tổng dân số[21]. Đến
năm 2025, dự báo người cao tuổi sẽ lên đến hơn 300 triệu (hơn 20% tổng dân số);
năm 2035, tỷ lệ đó sẽ là 27%, có nghĩa cứ 4 người lại có một người cao tuổi[22]. Chi
trả lương hưu cho người cao tuổi ở Trung Quốc gấp từ 5-7 lần đầu tư cho trẻ em
ở các thành phố[23]. Như
vậy, “chưa kịp giàu lên, Trung Quốc đã nhanh chóng già đi - đó là vấn đề kinh
tế - xã hội phức tạp nhất mà Bắc Kinh phải đối diện”[24]. Dân
số già đi hết sức bất lợi cho tương quan giữa chi phí và tích lũy vốn, là gánh
nặng đè lên vai người lao động nuôi gia đình, ảnh hưởng tiêu cực đến phân phối
và phân phối lại thu nhập quốc dân. Xuất hiện mâu thuẫn giữa việc dân số già đi
và mô hình gia đình một con - vấn đề đang làm đau đầu các nhà hoạch định chính
sách Trung Quốc.
Cùng với sự gia tăng dân số, bài
toán thất nghiệp vẫn chưa có lời giải thỏa đáng. Hiện nay, Trung Quốc đang phấn
đấu để giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,2%/năm, nhằm tránh sự tăng vọt tỷ lệ
thất nghiệp, vì giữ tốc độ này, Trung Quốc sẽ tạo được 10 triệu việc làm mỗi
năm, cho phép kìm chân tỷ lệ thất nghiệp vào khoảng 4%[25],
song điều đó cũng không giúp Trung Quốc thoát khỏi cảnh dư thừa từ 150-180
triệu lao động/năm. Chính phủ phải chi một khoản tiền không nhỏ cho những chính
sách xã hội liên quan đến thất nghiệp - 4% của mức tăng trưởng kinh tế cho quĩ phúc
lợi xã hội - có nghĩa là để tiến hành hiện đại hóa đất nước và giải quyết những
vấn đề xã hội, Trung Quốc phải giữ vững mức tăng trưởng liên tục không dưới
7%/năm. Đây là một nhiệm vụ quả là hết sức nặng nề, nhất là trong bối cảnh kinh
tế thế giới đang gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Trung Quốc.
Hiện
tượng người dân Trung Quốc di cư ra nước ngoài bắt đầu xảy ra từ sau ngày thi
hành chính sách cải cách mở cửa với qua ba giai đoạn: 1- Thập niên 80 (XX), dấy
lên phong trào xuất khẩu lao động rồi nhập
cư tại nước sở tại; 2- Thập niên 90 (XX) – luồng di dân mạnh mẽ với phong trào
“du Tây” và tầng lớp trí thức trẻ không trở về; 3- Thập niên đầu thế kỷ XXI – sự
ra đi của tầng lớp tinh hoa Trung Quốc. Có đến một nửa các nhà triệu phú đô la
Trung Quốc muốn di cư ra nước ngoài[26]. Một
điều tra do Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc thực hiện trong tháng 2-2007 cho thấy:
Hơn 300.000 người Trung Quốc nhập cư có trình độ cao đang làm việc trong những
ngành có giá trị gia tăng lớn tại các quốc gia khác. Từ năm 1978 đến năm 2009,
trong số khoảng 1,62 triệu người Trung Quốc ra nước ngoài học tập, chỉ có gần
460.000 người trở về[27].
Tính đến năm 2000, tỷ lệ du học sinh Trung Quốc về nước là 1/3, nhưng những năm
2010-2013, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1/4[28].
Phân tích ba làn sóng di cư Trung Quốc, nổi
lên một hiện thực: Càng về sau, di dân của Trung Quốc càng mạnh mẽ hơn, ảnh hưởng
“đau đớn” và nặng nề hơn đối với kinh tế - xã hội Trung Quốc thể hiện ở mức độ
tăng mạnh trào lưu ra đi của tầng lớp tinh hoa - tầng lớp vô cùng cần thiết cho
sự phát triển bứt phá của xã hội (ra đi cùng với tầng lớp này là chất xám, công
nghệ và đặc biệt là niềm tin vào tương lai đất nước). Tình trạng di dân ngoại
khối (di dân quốc tế) là một trong các tiêu
chí đánh giá quốc gia thất bại (Failed States Index), nên tuy nhiều
năm nay, dù Trung Quốc là một trong những đất nước liên tục dẫn đầu thế giới về
tốc độ trưởng kinh tế và sức mạnh tổng hợp quốc gia, “nhưng hai năm 2009, 2010
lại rơi vào hàng ngũ các nước thất bại nhất trên thế giới, tức thuộc vào khối
60 quốc gia có chỉ số thất bại cao nhất”[29]
(Trung Quốc xếp thứ 57 trong số 177 quốc gia được khảo sát). Trước tình trạng
đó, Nhà nước Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn nạn “chảy máu” chất xám bằng nhiều biện
pháp khác nhau, xây dựng Đề cương quy
hoạch phát triển nhân tài trung dài hạn[30];
tuy nhiên, những
nỗ lực của Trung Quốc vẫn còn quá khiêm tốn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế
và khoa học.
3. Cuộc chiến chống tham nhũng và vấn đề khủng hoảng tín nhiệm xã hội
Mặc dù có những phát triển ngoạn
mục, song các nhà phân tích chính sách, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng, hệ
thống kinh tế - chính trị, xã hội của Trung Quốc chứa đựng nhiều yếu tố bất ổn
sâu xa.
Có thể nói rằng, tham nhũng là bạn
đồng hành với nền kinh tế thị trường. Với Trung Quốc, Quân đội là nơi có kỉ
luật nghiêm minh nhất, nhưng những vụ việc tham nhũng, buôn lậu trong hàng ngũ
các sĩ quan cao cấp vẫn liên tục được phát hiện. Tham nhũng đặc biệt phổ biến ở các tỉnh biên giới, các đặc khu - nơi có nhiều
quyền lợi béo bở; tham nhũng lan tràn ở các địa phương, nhất là những
địa phương xa chính quyền Trung ương (Giang Tây, Hồ Bắc,
Quý Châu…); tham nhũng diễn ra với mức độ cao trong lĩnh vực xây dựng, đất đai và khai thác
khoáng sản. Theo điều tra
dư luận xã hội mới nhất (2013), hơn 70% dân số Trung Quốc cho rằng, cuộc đấu
tranh chống tham nhũng phải trở thành một trong những hoạt động chủ đạo của
chính phủ.
Chính phủ Trung Quốc đã nhận thấy nguy cơ đe
dọa đối với sự phát triển của đất nước nếu không loại trừ tận gốc nạn tham nhũng.
Hồ
Cẩm Đào từng phát biểu: “Tồn tại hay diệt vong của
Đảng và của chế độ phụ thuộc vào mức độ mạnh yếu của ý chí chính trị đối với
việc trừng trị và tiêu diệt tham nhũng”[31]. Trên
thực tế, nhiều năm nay, đấu tranh chống tham nhũng được thực hiện ở Trung Quốc
một cách khá cương quyết. Những năm 2000-2005, Uỷ ban chống tham nhũng đã lôi
ra ánh sáng hơn 136.000 quan chức các chức vụ khác nhau (trong đó có 1.5000 cán
bộ, công chức ngành pháp luật) mắc tội tham nhũng, tiếp tay, hoặc có liên quan
đến tham nhũng. Những năm 2007-2012, khoảng 150.000 người
đã bị bắt giữ về tội tham nhũng, không ít hơn 66.000
cán bộ đã bị bỏ tù vì tội nhận hối lộ và khoảng 23.000 công dân - vì tội đưa hối
lộ các quan chức; có 4.800 vụ án hình sự liên quan đến hối lộ đang bị điều tra
với số tiền hối lộ lên đến hơn 1 triệu Nhân dân tệ (164.000.000 USD), thậm chí có
những vụ số tiền hối lộ đã vượt quá 10 triệu Nhân dân tệ[32].
Từ năm 2000 đến năm 2012, Trung
Quốc đã xử tử vì tội tham nhũng khoảng 10.000 cán bộ, bỏ tù 120.000 người khác từ
10-20 năm[33]. Riêng
năm 2010, đã xử tử hình hoặc tù chung thân 11 quan chức cấp cao (với số tiền
trung bình họ đã nhận hối lộ khoảng 100.000.000 Nhân dân tệ), cao hơn 20% so với
năm 2009[34].
Năm 2012, Trung Quốc xuất bản Sách trắng “Tăng
cường đấu tranh chống tham nhũng và xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền
trong sạch”, nhấn mạnh rằng kể từ đầu thế kỷ XXI, chính phủ Trung Quốc đã
thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng và xây dựng bộ máy Nhà nước liêm khiết,
coi đó là một nhiệm vụ trọng yếu trong toàn bộ hoạt động. Chống tham nhũng ở
Trung Quốc được tiến hành trên nhiều hướng, nhiều lĩnh vực khác nhau, “giải
pháp tối ưu là kết hợp giữa các biện pháp cứng rắn và mềm dẻo; phòng đi đôi với
chống, đề cao biện pháp phòng”[35]. Tham nhũng ở Trung Quốc bị trừng trị khá nặng, từ năm
1982, theo quy định của Bộ Luật hình sự, đưa, nhận hối lộ ở Trung Quốc có thể bị
tù chung thân hoặc tử hình, mặc dù vậy, tham
nhũng vẫn như một thứ ung nhọt xã hội, đang, sẽ còn tồn tại với những hình thức
ngày càng tinh vi – điều đó cho thấy tính cam go của cuộc chiến tiêu trừ chúng.
Cuộc chiến này đòi hỏi những thay đổi đột phá không chỉ từ quyết tâm, nỗ lực
của Chính phủ, từ nhận thức, sự đồng lòng của người dân, mà còn từ khía cạnh
văn hoá, đạo đức toàn xã hội. Mức độ quyết liệt, sự thành công của cuộc chiến
là chỉ dấu quan trọng bậc nhất đo đạc “tín nhiệm xã hội” – điểm thành công ấn
tượng sau một chặng đường dài Trung Quốc cải cách, mở cửa, song đang là “điểm
nghẽn báo động” ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay,
Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ mất
lợi thế nhân công giá rẻ do chính sách tự biến mình thành “xưởng lắp ráp toàn
thế giới” và áp lực về lương bổng có nguy cơ gây
ra lạm phát. Sau hàng loạt cuộc đình công tại các nhà máy của Trung Quốc và của
nhiều doanh nghiệp nước ngoài, 11 tỉnh của Trung Quốc đồng loạt tăng lương tối
thiểu cho công nhân viên và thợ thuyền như là một hành động “bù đắp” sau khi Bộ
Nhân lực và An sinh xã hội quyết định hoãn tăng lương kể từ cuối năm 2008 do
nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, mức tăng lương bình quân mới đạt
17%, so với các nước mới nổi ở Đông Á, mức tối thiểu này vẫn thấp và
còn thấp hơn tỷ lệ mà Ngân hàng Thế giới (WB) định ra cho các nước đang phát
triển. Trung Quốc rất thiếu nguồn lực chất lượng cao làm việc ở những lĩnh vực
khoa học – công nghệ tại thành phố trong khi thừa nhân lực không có tay nghề ở
vùng nông thôn. Việc
cải biến một nền sản xuất dựa vào lực lượng nhân công giá rẻ, dựa vào lao động
phổ thông thành một nền sản xuất chú trọng chất xám, trước hết, đòi hỏi phải đầu
tư một nguồn kinh phí khổng lồ (nhất là để nâng cao trình độ giáo dục còn rất
thấp của dân cư[36]); đồng thời, khi nền
“kinh tế chất xám” bước vào hoạt động sẽ dẫn tới nạn thất nghiệp tăng lên một
cách gay gắt - tạo ra nguy cơ nghiêm trọng đe dọa ổn định xã hội. Trong nội tại xã hội Trung Quốc đang âm ỉ những mâu thuẫn
không thể sớm khắc phục, có nguyên nhân khách quan từ phân bố địa dư và nguyên
nhân chủ quan là chiến lược kinh tế của Ban lãnh đạo Trung Quốc có vẻ đã hết
công hiệu và hiện giờ dường như đang bế tắc. Tư duy “phát triển nghiêng lệch”-
đặt trọng
tâm cải cách vào thành phố và vào một số vùng kinh tế, phát triển bằng mọi giá,
chú trọng đến chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, xem nhẹ các chỉ tiêu mang tính xã hội
khiến ở Trung Quốc hình thành ba khu vực kinh
tế - xã hội với điều kiện phát triển lệch nhau, dẫn đến ba tốc độ tăng trưởng cách
xa nhau[37]. Về chiến lược phát
triển, từ khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách cách vào năm 1978, Trung Quốc
đã đạt tốc độ tăng trưởng cao nhờ các tỉnh duyên hải được mở cửa làm ăn với bên
ngoài, lấy xuất khẩu làm động lực, song chiến lược ấy cũng đồng thời tạo ra bất
ổn mới: Ngày càng đào sâu sự chênh lệch về lợi tức và nhận thức giữa các địa
phương, giữa thành thị với nông thôn, hình thành cơ cấu nhị nguyên phân tách thành thị với nông thôn. Giữa thành phố
và nông thôn, giữa các vùng miền của Trung Quốc có sự phân hoá, khác biệt
cao nhất thế giới, tới mức, các thống kê kinh tế - xã hội của nông thôn và
thành phố phải tiến hành riêng rẽ giống như thống kê ở những quốc gia khác nhau[38]. Người
nông dân Trung Quốc dường như “bị bỏ quên”, thậm chí bị “hy sinh”, trở thành quần
thể dễ bị tổn thương. Nhận ra bất ổn đó, thế hệ lãnh đạo thứ ba của Trung Quốc
(Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ) đã tìm cách đầu tư nhiều hơn vào các tỉnh kém
phát triển nhưng không thành công. Thế hệ lãnh đạo thứ tư (Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia
Bảo) muốn tái phân lợi tức cho các địa phương nghèo, xây dựng xã hội “tiểu
khang”, song vấp phải sự phản đối của những tỉnh duyên hải đang chạy đua cùng
các thị trường quốc tế và khai thác nguồn nhân lực dồi dào trong nước để phát
huy lợi thế nhân công rẻ. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Trung Quốc có những
vấn đề nóng bỏng, mà việc giải quyết không hề đơn giản: Cơ sở hạ
tầng lạc hậu, phúc lợi sa sút; 300 triệu lao động thừa ở nông thôn di cư tự do
vào thành phố kiếm việc làm; trẻ con nông thôn thất học, nông dân chiếm 70 %
dân số nhưng chỉ 10 % có bảo hiểm y tế[39];
thu nhập giữa đô thị và nông thôn cách biệt ngày càng lớn (thu nhập của người dân nông thôn chỉ bằng 1/3 của người dân đô thị); nông dân mất đất,
đói nghèo, các cuộc đấu tranh của nông dân bùng phát[40]... Xã hội Trung Quốc hình thành 10 tầng
lớp[41]
với hai tuyến bất đối xứng - quần thể đặc quyền đặc lợi và quần thể yếu thế. Chưa đầy 1% dân số
Trung Quốc kiểm soát hơn 70% giá trị tài sản của cả nước[42];
2% dân số Trung Quốc tiêu thụ 1/3 hàng xa xỉ phẩm
thế giới[43]. Hiện
nay, không sai khi nói rằng, “ở Trung
Quốc, có một số xã hội hoàn toàn khác
nhau, từ xã hội nông nghiệp cổ truyền đến xã hội hậu công nghiệp. Đó là
những xã hội không chỉ chênh lệch nhau về mức sống, mà còn hoàn toàn khác nhau
về tâm tính”[44].
Kinh tế
thị trường thiếu một cơ chế quản trị hiệu quả đã đẩy phân hóa giàu nghèo, bất công xã hội, mâu thuẫn nội bộ lên
mức báo động, khiến một bộ phận đông đảo nhân dân (kể cả lớp trẻ và giới trí
thức) Trung Quốc tìm chỗ “nương thân” trong tôn giáo, làm bùng lên trào lưu
phục hưng tôn giáo. Theo điều tra năm 2013, có đến 85% số người được hỏi cho
biết có tin vào tôn giáo, hoặc ít nhất cũng tin rằng có một quyền lực siêu
nhiên nào đó[45]. Phục
hưng tôn giáo ở Trung Quốc được lý giải là vì “tuy Đảng có mang lại cho người
dân cơ hội làm giàu và thăng tiến, nhưng không còn mang lại ý nghĩa, giá trị,
trong khi xã hội đang đầy biến động. Từ một hình mẫu bình đẳng kiểu cộng sản đã
chuyển sang một xã hội phức tạp, đa tầng, vô cùng bất bình đẳng và không có giá
trị xã hội rõ ràng giúp con người trong ứng xử với xã hội và môi trường”[46]. Như
vậy, chủ nghĩa vật chất đã tạo ra những lỗ hổng tinh thần và niềm tin tôn giáo
trở thành bệ đỡ cho những người đang mất phương hướng có thể tồn tại và bớt sợ
hãi khi nghĩ đến tương lai.
Về tổng thể, những thách thức, từ tái cân bằng
kinh tế, thu hẹp khoảng cách thành thị – nông thôn, đối phó với biển đổi khí hậu,
thất nghiệp, tham nhũng, thích ứng với sự dịch chuyển quyền lực toàn cầu… là những
“căn bệnh nan y” của xã hội Trung Quốc, trở thành đường dẫn, link tới một cuộc “khủng
hoảng tín nhiệm xã hội”[47]. Xuất
hiện những lực lượng xã hội mới, những xu hướng mới, “những nhân vật chính trị
có uy tín cao trong xã hội, các doanh nhân thành đạt, các học
giả, các nhà văn, nhà báo danh tiếng và các blogger có tầm ảnh hưởng xã
hội (…)- những chiến sĩ đấu tranh cho công bằng xã hội”[48]. Những
xu hướng đó, như nhà nghiên cứu Bùi Mẫn Hân[49]
bình luận, đang làm “thay đổi đáng kể cán cân quyền lực giữa Đảng Cộng sản và
xã hội Trung Quốc theo chiều hướng Đảng mất dần sự tín nhiệm và quyền kiểm
soát, còn xã hội thì đang tích thêm sinh lực và sự tự tin”[50].
Như
làn sóng ngầm, những xu hướng mới tại đất nước này vẫn đang tiếp tục
chuyển động, tác động trực tiếp đến tương quan quyền
lực chính trị, khiến những người lãnh đạo thuộc thế hệ thứ năm của Trung
Quốc không thể không lo lắng, tích cực thúc đẩy cải cách. Hội nghị Trung ương lần
thứ 3 (khóa XVIII, 11-2013) được giới quan sát đánh giá là một dấu mốc quan trọng
trong nỗ lực cải cách theo chiều sâu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa Trung Quốc
bước vào một khởi đầu mới trong quá trình phát triển, nhằm mục tiêu hoàn thiện và phát triển chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc, thực hiện “giấc
mơ Trung Hoa”[51] phục hưng dân tộc. Nội
dung về kinh tế (thị trường đóng vai
trò quyết định) của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3 (khóa XVIII) cho
thấy Đảng Cộng sản không chỉ mạnh dạn mà còn dứt khoát đưa nền kinh tế vận hành
đúng đường ray, tuân thủ quy luật. Về xã hội,
để trấn an dư luận, Đảng Cộng sản Trung Quốc nới lỏng chính sách một con, giảm
án tử hình, xóa bỏ chế độ “lao cải”[52],
tăng cường giám sát và kỷ luật trong bộ máy chính trị, năng cao năng lực bộ máy
hành chính công, nghiêm trị tham nhũng…. Tuy nhiên, trong lĩnh vực chính trị, người ta lại không nhìn thấy
những thay đổi mong đợi, nhằm hiện đại hóa đời sống chính trị một cách
mạnh mẽ, dù vào thời điểm bắt đầu cuộc cải cách kinh tế lần thứ ba, điều đó là
hết sức cần thiết. Dễ nhận thấy rằng, nếu chỉ tập trung vào cải cách kinh tế, bỏ
qua, hoặc thiếu những cởi mở chính trị,
rất nhiều khả năng Trung Quốc sẽ rơi vào tình thế lúng túng, tựa như lấy dây tự
trói tay mình và cuối cùng có thể bị dồn vào chân tường – lúc đó, liệu Tập Cận
Bình có đủ dũng khí “chặt cầu để tiến”?
[1] Tề Quế Trần: Trung Quốc 20 năm cải cách mở cửa cải cách
chế độ sở hữu, Nxb. Chính trị quốc gia, 2001, tr.62.
[2] Thay vì cần phải thừa
nhận sự tồn tại của kinh tế hàng hóa, phải xác định việc xóa bỏ sở hữu tư nhân
là một quá trình lâu dài, là kết quả của quá trình phát triển của lực lượng sản
xuất đạt tới trình độ rất cao, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến hành công cuộc
quốc hữu hóa thần tốc, quyết liệt, chuyển nhanh, chuyển gấp các thành phần kinh tế thành chế độ công hữu
đơn nhất với hai thành phần kinh tế cơ bản (kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể)
trên nền tảng nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông, lực lượng sản xuất kém phát
triển, thủ công là chính, sản xuất mất động lực phát triển, nền kinh tế thiếu
cân đối, kinh tế - xã hội khủng hoảng trầm trọng, đời sống người dân khó khăn,
thiếu thốn.
[3] Tề Quế Trần: Trung Quốc 20 năm cải cách mở cửa cải cách
chế độ sở hữu, Sđd, tr. 68.
[4] Tề Quế Trần: Trung Quốc 20 năm cải cách mở cửa cải cách
chế độ sở hữu, Sđd, tr. 67.
[5] Nguyễn Kim Bảo: Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa
có đặc sắc Trung Quốc (Một số đột phá về mặt lý luận và thực tiễn từ Đại hội
XV Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay), Nxb.
Khoa học Xã hội, 2002, tr. 310.
[6] Nguyễn Kim Bảo: Thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa
có đặc sắc Trung Quốc, Sđd, tr. 311.
[8] China will become the luxury consumption of the world, People Daily,
29-9-2011.
[9] China will become the luxury consumption of the world, People Daily,
29-9-2011.
[10] China's
luxury consumption hits $46 billion, People's Daily Online, 15-1-2011.
[11] China's
luxury consumption hits $46 billion, Ibid.
[12] TS. Phạm Hồng Thái: Hồng Kông sau 11 năm trở về Trung Quốc, Tạp
chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh số 25 (2009), tr. 105.
[13] TS Phạm Hồng Thái: Hồng Kông sau 11 năm trở về Trung Quốc, Tlđd,
tr.106.
[14] Nguyễn
Tuyến: Tại sao Trung Quốc chấp nhận “ván
bài” cờ bạc ở Macao?
Vef.vn, 20-02-2011.
[15] Л.И. Сосковец: Глобальные проблемы современности и
Азиатско-Тихоокеанский регион, M. 2005.
[17] Джан Хэ лань: Рост исленности населения -Факор социаьного давления в Китае, ecsocman.hse.ru,
2000г
[18] Джан Хэ лань: Рост исленности населения -Факор социаьного давления в Китае, Указ. Соч.
[19] Джан Хэ лань: Рост исленности населения -Факор социаьного давления в Китае, Указ. Соч.
[20] Александр Храмчихин: Почему Китай сломает весь мир, Указ. Соч.
[21]Джан Хэ лань: Рост исленности населения -Факор социаьного давления в Китае, Указ. Соч.
[22] Джан Хэ лань: Рост исленности населения -Факор социаьного давления в Китае, Указ. Соч.
[23] Джан Хэ лань: Рост исленности населения -Факор социаьного давления в Китае, Указ. Соч.
[24]Новая программа здравоохранения поможет решить проблему
старения населения КНР, russian.china.org.cn, 17-10-2013
[25] Китай готов для прорыва на внутреннем рынке, http://rus.ruvr.ru/
[26] Minxin Pei: China’s
Troubled Bourbons, Project Syndicate, 31-10-2012.
[27] Huy Đường: Nạn “chảy máu” tầng lớp tinh hoa Trung Quốc,
Tia sáng, 17-1-2011.
[28] Trung Quốc bức xúc nạn chảy máu chất xám, Vn.Economy, 8-5-2007.
[29] Huy Đường: Nạn “chảy máu” tầng lớp tinh hoa Trung Quốc,
Tlđd.
[30] Trung Quốc hiện đang
triển khai Chương trình 111 với nhiều hỗ trợ về tài chính, mục
tiêu sẽ thu hút khoảng 1000 học giả từ 100 trường đại học hàng đầu trở về với mục
tiêu xây dựng 100 nhóm nghiên cứu sáng tạo đẳng cấp quốc tế tại các đại học
Trung Quốc. Theo kế hoạch, các chuyên gia này sẽ làm việc với các chuyên gia
trong nước qua đó nâng cao chất lượng nghiên cứu nói riêng cũng như khả năng cạnh
tranh khoa học nói chung của Trung Quốc trên bình diện quốc tế. Chương trình được
khởi động từ năm 2005 này là minh chứng cho sự quyết tâm cũng như nhu cầu cấp
bách của việc thu hút các nhà khoa học trình độ cao trở về. Cho đến nay Chương
trình 111 đã lựa chọn được 662 học giả và hiện đang có 310 người đang làm việc
tại các đại học nghiên cứu ở Trung Quốc. Tuy vậy, chương trình này cũng tạo ra
một số vấn đề không dự báo được từ trước. Nhiều đại học Trung Quốc không hiểu
hết bản chất của thị trường lao động chất xám quốc tế và trong quá trình tuyển
chọn, họ thường chỉ dựa vào sơ yếu lý lịch, kết quả học tập, chức danh khoa
học, quan hệ cá nhân và thư giới thiệu chứ không có những đánh giá cẩn thận về
sự phù hợp của ứng viên với môi trường và điều kiện làm việc của họ; đồng thời,
nhiều học giả đồng ý quay trở về đã bước đến giai đoạn xế chiều của sự nghiệp
tại Hoa Kỳ hay Anh Quốc, nhiều người lại
lợi dụng chương trình này để tạo danh tiếng nhằm thực hiện những mục đích cá
nhân khác. Và sự thực là các nhà khoa học hàng đầu từ các đại học danh tiếng
phương Tây không muốn trở về hẳn. Họ thường chỉ chấp nhận một vị trí bán thời
gian để có thể định kỳ trở về giảng dạy, tư vấn và hợp tác với các giáo sư sở
tại (Nguồn: Philip G. Altbach &
Wanhua Ma: Trung Quốc- khó thu hút tri
thức về nước làm việc, Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 245/2011,
tr.29).
[31] Опыт успешной борьбы с коррупцией в Китае.
Взгляд из России,
[32] Как борятся с
коррупцией в Китае: 150 тысяч арестов, rus.postimees.ee
[34] Опыт успешной борьбы с коррупцией в Китае.
Взгляд из России, Указ. Соч
[35] Опыт успешной борьбы с коррупцией в Китае. Взгляд
из России, Указ. Соч
[36] Hiện nay (2013), Trung Quốc có hơn 200 triệu người mù chữ;
chỉ có 25% dân số có trình độ trung học phổ thông; 1% - đại học và trên đại học
(Nguồn: Л.И. Сосковец: Глобальные проблемы современности и
Азиатско-Тихоокеанский регион, Указ. Соч).
[37] Tổng thu nhập của
các tỉnh duyên hải miền Đông - Nam Quảng Đông cao hơn 90 lần so với tổng thu nhập
của khu tự trị Tây Tạng phía Tây - Nam nước này; nếu xem các vùng miền của
Trung Quốc như những nước khác nhau, thì Quảng Đông về quy mô kinh tế được xếp
vào loại 30 nước hàng đầu, vượt cả Argentina, trong khi đó, Tây Tạng đứng vào
hàng 130 - 140 thuộc nhóm nước Nigiêria, Malawi, Tadjikistan (Nguồn: Александр
Храмчихин: Почему Китай
сломает весь мир, Указ. Соч).
[38] Александр
Храмчихин: Почему Китай сломает весь мир, Указ. Соч.
[39] Đào Thế Tuấn, Chính sách nông thôn, nông dân và nông nghiệp
mới ở Trung Quốc, Web Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp,
nông thôn - IPSARD, 4-1-2008.
[40] Sách xanh “Phân tích và dự báo tình hình xã hội Trung Quốc” do Viện Khoa học
Xã hội Trung Quốc công bố năm 2005 cho thấy, số lượng “sự kiện có tính đám
đông” phát sinh ở Trung Quốc từ chỗ 8.700 vụ năm 1993 đã tăng lên đến 60.000 vụ
năm 2003. Năm 2008, số lượng vụ phản đối “có tính đám đông” không những nhiều,
qui mô lớn, mà hành vi càng thêm dữ dội. Điều đáng chú ý là những vụ này phần
lớn xảy ra ở nông thôn. Thống kê mới nhất (2013), mỗi ngày tại đất nước này
diễn ra khoảng 500 các vụ bạo loạn, chống đối tập thể và đình công, tăng gấp bốn lần so với
một thập kỷ trước (Nguồn: Minxin Pei: China’s Troubled Bourbons, Project Syndicate, 31-10-2012).
[41] Cao nhất là tầng lớp cán bộ quản lý nhà nước và xã hội; thứ
nhì là tầng lớp giám đốc doanh nghiệp quốc doanh; thứ ba là tầng lớp chủ doanh
nghiệp ngoài quốc doanh; thứ 8, 9 là tầng lớp công nhân xí nghiệp, lao động
nông nghiệp; thứ 10 là tầng lớp vô nghề nghiệp, thất nghiệp và nửa thất nghiệp.
Ba tầng lớp trên cùng thuộc vào quần thể đặc quyền đặc lợi; ba tầng lớp dưới
cùng thuộc quần thể yếu thế, đông người nhất, nghèo nhất và lợi ích của họ bị
xâm phạm nhiều nhất (Nguồn: Nguyễn
Hải Hoành, Xã hội công dân Trung Quốc,
Tạp chí Tia sáng, 4-5-2012)
[42] Hồ Quang Lợi: Về “giấc mơ Trung Hoa”, Nhandan online.
[43] 2% of China's
public consumes one-third of world's luxury goods, china.org.cn,
8-10-2013.
[44] Александр
Храмчихин: Почему Китай сломает весь мир, Указ. Соч.
[45] China: The Return of Religion, The Straits Times/AsiaNews, Jan 12, 2008.
[46]Lamin Sanneh: The Return of Religion: Currents of Resurgence,
Convergence, and Divergence, The Cresset, Trinity 2009 (Vol LXXII), No. 5, p.20.
[47] “Khủng hoảng tín nhiệm xã hội” có nghĩa là “chính quyền của dân” không nhận được sự tín nhiệm của người
dân, trên thực tế người dân không còn coi chính quyền là người đại diện cho
mình. Nói cách khác, đối với một bộ phận quần chúng nhân dân, chính quyền không
còn đồng hành với họ, không thể hiện được ý chí của họ. Một cuộc khủng hoảng
tín nhiệm xã hội sẽ gây ra sự nhiễu loạn về tư tưởng, gây mất niềm tin của dân
chúng vào hệ tư tưởng hiện hành của xã hội.
[48] Minxin Pei: China’s Troubled Bourbons, Ibid.
[49] Giáo sư về quản trị tại Claremont MacKenna College và chuyên viên cao cấp
không thường trú của Quỹ Marshall Đức tại Hoa Kỳ.
[50] Minxin Pei: China’s Troubled Bourbons, Ibid.
[51] Ngày 8-4-213, nội
hàm “giấc mơ Trung Hoa” được Tập Cận
Bình giải thích rõ trong phát biểu khai mạc Diễn
đàn châu Á Bác Ngao (BFA) như sau: Vào giữa thế kỷ XXI, Trung Quốc sẽ trở
thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, hùng mạnh, dân chủ,
văn hóa tiên tiến, hòa hợp và giấc mơ Trung Hoa, cụ thể là sự phục hưng vĩ đại
dân tộc Trung Hoa sẽ thành hiện thực.
[52] Hệ thống trại cải tạo
lao động ra đời từ năm 1957 để giam giữ những người phạm các tội danh không
nghiêm trọng như trộm cắp, gây rối trật tự, mại dâm, sử dụng ma túy, giam giữ
những người bất đồng chính kiến. Hệ thống này này tồn tại nhiều điều bất hợp lý
nguy hiểm như chính quyền địa phương và công an có quyền ra lệnh giam giữ mà
không cần ra tòa xét xử. Tuy nhiên, người ta cũng cho rằng, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn có thể tiếp tục sử dụng hệ
thống lao cải với tên gọi khác, hoặc thậm chí không cần đặt tên cho hệ thống
này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!