Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

HỒ CHÍ MINH VỚI QUAN HỆ VIỆT - TRUNG





Nguyễn Thị Mai Hoa
Đại học Quốc gia Hà Nội
Quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước láng giềng luôn luôn là mối quan tâm to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi "ngoại có yên, nội mới tĩnh". Trong sự nghiệp cách mạng của mình, Hồ Chí Minh không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hòa hiếu của Việt Nam với các nước có chung biên giới, đặc biệt là với Trung Quốc, bởi Trung Quốc không chỉ là nước láng giềng "núi liền núi, sông liền sông", là đất nước "cùng bị áp bức, cùng là bạn chiến đấu, cùng làm cách mạng”, mà còn là một nước lớn, có vị thế và ảnh hưởng mang tầm thế giới ; đồng thời, ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam. Hồ Chí Minh không chỉ là nhà kiến tạo quan hệ Việt - Trung trong thời đại mới, mà còn suốt đời phấn đấu cho sự vững bền, gắn bó "như răng với môi" của mối quan hệ đặc biệt này.

1. Hồ Chí Minh – người bắc nhịp cầu cho quan hệ Việt - Trung
Ngay từ rất sớm, trong khi bôn ba tìm chân lý cho cách mạng Việt Nam, - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã có mối liên hệ mật thiết và tốt đẹp với rất nhiều nhà cách mạng, nhiều lãnh tụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc sau này như: Lý Đại Chiêu, Chu Ân Lai, Lý Phú Xuân, Đặng Tiểu Bình, Triệu Thế Viêm, Tiêu Tam, Thái Hòa Sâm[1],… Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu kết nạp "các đồng chí Triệu Thế Viêm, Vương Nhược Phi, Trần Diên Niên, Trần Kiều Niên, Tiêu Tam"[2] vào Đảng Cộng sản Pháp. Với Thủ tướng Chu Ân Lai, Hồ Chí Minh có mối thâm tình sâu nặng: "Chu Ân Lai là anh em với tôi, chúng tôi đã từng đồng cam cộng khổ, cùng làm công tác cách mạng. Ông là chiến hữu thân mật của tôi từ hơn 20 năm nay"[3]. Những mối quan hệ thân thiết, gắn bó tự nhiên của những người đồng chí hướng đã tạo lập cơ sở đầu tiên cho những mối quan hệ cao hơn ở thời kỳ cách mạng tiếp sau, kể cả quan hệ về mặt Nhà nước.
 Bên cạnh đó, Trung Quốc là mảnh đất Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thường xuyên dừng chân và dừng chân lâu dài. Trong suốt thời gian 30 năm ở hải ngoại, Hồ Chí Minh có tới 12 năm sống tại Trung Quốc, uống nước Trung Quốc, hít thở khí trời Trung Quốc, thấm đẫm tinh hoa văn hóa Trung Quốc. Từ đó, Hồ Chí Minh thu nhận, thâu lọc và hình thành nên sự hiểu biết sâu sắc về đất nước và con người Trung Hoa, nhận thức, đánh giá đúng đắn về tầm vóc của đất nước này với sự khâm phục nhiệt thành: “Trung Quốc là một nước vĩ đại, hùng cường và đẹp đẽ. Nền văn hoá lâu đời và ưu tú của Trung Quốc đã có ảnh hưởng sâu xa ở châu Á và trên thế giới”[4]. Đã ba lần sống và hoạt động trên đất Trung Quốc[5], trong khi thực hiện nhiệm vụ cách mạng đối với đất nước mình, Hồ Chí Minh tích cực đóng góp cho cách mạng Trung Quốc. Ngay từ những ngày đầu tới Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã quan tâm nghiên cứu, phân tích, tổng kết phong trào nông dân, công nhân ở Trung Quốc, cuộc đấu tranh trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc chống các phần tử Trốtxki và báo cáo với Quốc tế Cộng sản, đồng thời đúc rút kinh nghiệm cách mạng cho chính bản thân mình. Nghiên cứu rất kỹ lưỡng phong trào cách mạng Trung Quốc, Hồ Chí Minh lấy đó làm tấm gương cổ vũ nhân dân Đông Dương đứng lên tự cứu mình: “Trung Quốc sát nách Đông Dương đã cựa mình và đánh đuổi chủ nghĩa đế quốc”[6]. Năm 1938, hoạt động trong Bát Lộ Quân Trung Quốc ở Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây, dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc, Hồ Chí Minh viết bài "Người Nhật Bản muốn khai hoá Trung Quốc như thế nào?”, tố cáo những tội ác dã man mà phát-xít Nhật đã gây ra đối với nhân dân Trung Quốc và khẳng định đanh thép: “Bọn phát-xít dã man tưởng rằng chúng có thể dùng khủng bố để làm bại hoại tinh thần của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc. Nhưng chưa bao giờ nhân dân và quân đội Trung Quốc lại đoàn kết và kiên quyết như ngày nay để đánh tan giặc ngoại xâm! Những sự tàn bạo của bọn Nhật sẽ được đáp lại một cách đích đáng bằng chủ nghĩa anh hùng vô song của những người Trung Hoa đang chiến đấu cho nền độc lập và sinh mệnh của mình”[7]. Tháng 5-1940, Hồ Chí Minh quyết định cho rải truyền đơn dọc tuyến đường sắt từ Côn Minh đến biên giới Việt – Trung, vạch trần tội ác của giặc Pháp, giặc Nhật và kêu gọi quần chúng ủng hộ nhân dân Trung Quốc chống Nhật[8]. Hồ Chí Minh đồng thời cũng nhận thấy rằng, cùng chung kẻ thù là phát-xít Nhật, nếu cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam tạo dựng được mối quan hệ chặt chẽ, thì sức mạnh của mỗi dân tộc chống kẻ thù chung sẽ được tăng lên đáng kể. Hồ Chí Minh phân tích: Ủng hộ Trung Quốc tức là tự giúp đỡ mình, vì “một khi chúng (Nhật- TG) đã thắng được nhân dân Trung Quốc”[9], thì chúng sẽ mở rộng sự xâm lược tới các nước châu Á khác, mà “vận mệnh các dân tộc châu Á quan hệ mật thiết với vận mệnh dân tộc Việt Nam”[10]. Trong bài viết "Ca dao Việt Nam và cuộc kháng chiến của Trung Quốc” đăng trên Cứu vong nhật báo (12-1940), dưới hình thức đưa tin nhân dân Việt Nam chi viện mọi mặt cuộc kháng chiến của Trung Quốc, Hồ Chí Minh nêu rõ: “Đại đa số nhân dân Việt Nam đều hết sức đồng tình với cuộc kháng chiến của Trung Quốc”[11] và đưa ra một lời kêu gọi, một sự khẳng định – sau này trở thành phương châm mang tính nguyên tắc cho quan hệ Việt – Trung trong nhiều năm dài: “Trung - Việt, khác nào môi với răng. Nhớ rằng môi hở thì răng buốt”[12]. Hồ Chí Minh luôn cho rằng, “Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, quan hệ mật thiết với nhau đã bao thế kỷ. Lẽ tất nhiên quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam cũng đặc biệt gắn bó”[13]. Như vậy, sự cần thiết đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc được Hồ Chí Minh chỉ ra rất sớm và thường xuyên, được Đảng Cộng sản Việt Nam lĩnh hội. Soi sáng bởi tư tưởng ấy, Hội nghị toàn quốc của Đảng tại Tân Trào (14-15-8-1945) đã chỉ thị: “Đối với các nước nhược tiểu và dân chúng Tầu và Pháp chúng ta phải liên lạc và tranh thủ sự giúp đỡ của họ”[14].
Rời đất nước Trung Hoa với rất nhiều gắn bó, trở về nước lãnh đạo cách mạng, song khi cách mạng Trung Quốc gặp khó khăn và cần sự trợ giúp, Hồ Chí Minh luôn sẵn sàng. Những năm 1948-1949, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc đề nghị được giúp đỡ về vật chất và lực lượng ở sát biên giới Việt Nam, Hồ Chí Minh lập tức chỉ thị đáp ứng mọi yêu cầu, mặc dù lúc đó Việt Nam còn rất nghèo và thiếu thốn mọi bề. Cảm kính trước tấm lòng của Hồ Chí Minh, của người Việt Nam, ngày 5-1-1950, trong buổi tiếp đại diện Đảng và Chính phủ Việt Nam, Chu Ân Lai phát biểu: "Trong lúc Việt Nam vừa nghèo, vừa phải gian khổ kháng chiến, lẽ ra phải được Trung Quốc giúp đỡ, thế mà các đồng chí đã hết lòng giúp đỡ Trung Quốc"[15]. Ngày 18-1-1950, Trung Quốc ra tuyên bố công nhận Việt Nam DCCH. Việt Nam DCCH trở thành một nước ngang hàng trong đại gia đình dân chủ thế giới, đứng hẳn về phe dân chủ và nhập vào khối 800 triệu nhân dân chống đế quốc, chính thức bước ra trường quốc tế, tham gia vào đời sống chính trị thế giới với tư cách là một thực thể chính trị độc lập, được thừa nhận. Và “cuộc thắng lợi chính trị ấy sẽ là cái đà cho những thắng lợi quân sự sau này”[16] – như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.
Với quan hệ mật thiết với nhiều lãnh tụ Trung Quốc, với sự hiểu biết sâu sắc về đất nước Trung Quốc, con người Trung Quốc và tầm quan trọng của cách mạng Trung Quốc, với sự đóng góp nhiệt thành cho cách mạng Trung Quốc cùng với tình cảm thủy chung trước sau như một với đất nước Trung Quốc anh em, Hồ Chí Minh đã bắc nhịp cầu qua sự khác biệt, nối những điểm tương đồng, khởi đầu một thời kỳ mới trong quan hệ Việt – Trung: Quan hệ giữa nước Việt Nam mới và nước Trung Hoa mới.
2. Hồ Chí Minh gìn giữ, phát triển quan hệ Việt – Trung
Không chỉ là người đặt nền móng cho quan hệ Việt - Trung, Hồ Chí Mình luôn luôn đặt làm trọng việc củng cố, giữ gìn và phát triển quan hệ hai nước, coi đó vừa là trách nhiệm, vừa là tình cảm thiêng liêng, đền đáp ơn nghĩa với “quê hương thứ hai của tôi”- như Hồ Chí Minh vẫn trìu mến khẳng định.
Trên tinh thần “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau bảo vệ hoà bình và xây đắp dân chủ thế giới”[17], chuyến đi bí mật đầu tiên ra nước ngoài của Chủ tịch Hồ Chí Minh có điểm đến thứ nhất là Trung Quốc, nhằm trao đổi ý kiến, tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam. Chuyến đi đã thành công rực rỡ. Các lãnh đạo Trung Quốc coi việc giúp đỡ Việt Nam như thực hiện công việc của chính mình. Nước CHND Trung Hoa trở thành hậu phương lớn của cuộc kháng chiến. Các tỉnh liền kề với Việt Nam như Vân Nam và Quảng Tây trở thành nơi đặt các trường (cả quân sự và dân sự) để đào tạo đội ngũ cán bộ cho cuộc kháng chiến; là nơi tập kết các loại hàng viện trợ của Trung Quốc và của các nước bạn cho Việt Nam. Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung Quốc là nước trực tiếp viện trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh, trang bị quân sự nhiều nhất cho Việt Nam. Trong điều kiện cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vô vàn khó khăn, thì viện trợ của Trung Quốc có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Cần phải nhấn mạnh rằng, viện trợ của Trung Quốc cho Việt Nam đều được dồn vào hai thời điểm quan trọng, có tính chất bước ngoặt của cuộc kháng chiến - điều đó càng làm tăng thêm ý nghĩa viện trợ của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Sau khi miền Bắc giải phóng (1954), Việt Nam chuyển sang thời kỳ mới – thực hiện nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng, củng cố miền Bắc XHCN, đấu tranh thi hành Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, chống sự can thiệp của đế quốc Mỹ và thực hiện thống nhất đất nước. Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam thường xuyên duy trì sự trao đổi, thống nhất ý kiến với Đảng Cộng sản Trung Quốc về những vấn đề quan trọng của cách mạng Việt Nam thông qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc ngoại giao chính thức và không chính thức. Vì thế, những năm 1954-1960, quan hệ Việt – Trung khá tốt đẹp và suôi sẻ. Từ năm 1960 trở đi, quan hệ Liên Xô - Trung Quốc xấu đi một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng tác động trực tiếp tới quan hệ Việt –Trung, đòi hỏi ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam cách thức, phương sách giải quyết, ứng xử phù hợp, nhằm phát huy những nhân tố thuận lợi, hạn chế những khó khăn, phức tạp, tranh thủ sự giúp đỡ tối đa về cả vật chất lẫn tinh thần của các nước XHCN anh em, tăng cường thực lực cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lúc này, một đường lối đối ngoại phù hợp, thể hiện sự tinh tế và khéo léo là hết sức cần thiết. Lời giải cho bài toán khó trông đợi ở tài trí ngoại giao Hồ Chí Minh.
Sớm phát hiện những biểu hiện của sự bất đồng giữa các nước XHCN, Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở Đảng và Nhà nước Việt Nam cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt công tác giữ gìn đoàn kết giữa Việt Nam và Liên Xô, Trung Quốc. Hồ Chí Minh có những chỉ thị cụ thể và uốn nắn kịp thời các hoạt động ngoại giao để đảm bảo giữ được quan hệ tốt đẹp với cả hai nước.
Bằng sự am tường, hiểu biết sâu sắc về các nước lớn anh em và quan hệ chân thành, gần gũi với các nhà lãnh đạo hai nước, Hồ Chí Minh đã xử lý thành công nhiều tình huống ngoại giao tế nhị và phức tạp trong quan hệ với Liên Xô, Trung Quốc bằng nghệ thuật ngoại giao cân bằng quan hệ, thể hiện sự phân tích sắc sảo, sự khéo léo, nhanh nhạy và linh hoạt.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên tăng cường các chuyến thăm viếng ngoại giao tới Trung Quốc, nhằm thắt chặt hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Liên tục trong những năm 1956 – 1960; 1965-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Trung Quốc chính thức và không chính thức, trao đổi ý kiến, tìm tiếng nói chung, tranh thủ sự ủng hộ của Trung Quốc đối với cách mạng Việt Nam, khẳng định rằng, Việt Nam, Liên Xô, Trung Quốc đều là “anh em ruột thịt trong đại gia đình cộng sản quốc tế"[18]. Trong vòng 20 năm, kể từ khi nước Trung Hoa mới được thành lập, Hồ Chí Minh đã đến Trung Quốc không dưới 30 lần. Riêng từ năm 1960-1969, Hồ Chí Minh đã tổ chức sinh nhật ở Trung Quốc 7 lần[19].
 Với phương châm không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, “chưa hiểu thì chưa nên bày tỏ thái độ”, tránh "để Trung Quốc đừng hiều lầm"[20] của Hồ Chí Minh, suốt thời kỳ mâu thuẫn Xô – Trung diễn ra gay gắt, trên các phương diện chính thống, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã không bàn luận, không bày tỏ thái độ đồng tình hay phản đối Cách mạng văn hóa của Trung Quốc, cũng như không tham gia các cuộc tranh luận công khai giữa hai bên, tránh đào sâu hố ngăn cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước Việt Nam bày tỏ mong muốn tình hình Trung Quốc sớm ổn định, không làm ảnh hưởng đến sự ủng hộ, chi viện của Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, không gây trở ngại cho việc quá cảnh hàng viện trợ từ Liên Xô và Đông Âu cho Việt Nam. Đảng, Chính phủ Việt Nam một lòng ủng hộ lập trường của Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc trong vấn đề giải phóng Đài Loan và những vấn đề quốc tế khác. Việt Nam luôn coi trọng vai trò của Trung Quốc trong quan hệ quốc tế, coi trọng truyền thống hữu nghị lâu đời giữa nhân dân hai nước và vai trò của Trung Quốc đối với sự nghiệp chống Mỹ của nhân dân ba nước Đông Dương.

Khi Trung Quốc phát động“cách mạng văn hoá”, trong Trung ương Đảng ta đã có một số đồng chí tỏ ý đồng tình và một số đồng chí tỏ ý phản đối. Cả hai phía đều muốn Đảng ta tỏ thái độ.
Với sự hiểu biết sâu sắc về Trung Quốc, Bác Hồ đã có chủ kiến: Đây là cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ, sẽ mang lại tai hoạ cho nhân dân Trung Quốc, chúng ta không thể ủng hộ, nhưng cũng không thể khuyên can vì dù có khuyên can họ cũng không nghe. Bác chỉ hỏi: “Ở đây có đồng chí nào hiểu Trung Quốc bằng Bác không?” Tất nhiên chẳng vị nào dám nói mình hiểu Trung Quốc hơn Bác.
Thấy mọi người im lặng, Bác nói tiếp: “Hiện giờ Bác cũng chưa biết “cách mạng văn hoá” là cái gì? Đã chưa biết, chưa hiểu thì chưa nên bầy tỏ thái độ!”
Câu nói ngắn gọn đó đã trở thành chủ trương của Đảng và nhân dân ta trong suốt thời gian Trung Quốc tiến hành công việc trên.
Nguồn: Dương Danh Di, tuanvietnam.net, tháng 9, 2009.

Tháng 5-1963, Chủ tịch Trung Quốc Lưu Thiếu Kỳ sang thăm Việt Nam và vấn đề “chống chủ nghĩa xét lại”, “tách khỏi Liên Xô” thường xuyên được nêu lên với hàm ý đổi bằng việc Trung Quốc sẵn sàng viện trợ trọn gói cho Việt Nam, thì Hồ Chí Minh vẫn luôn mềm mỏng và kiên định giải thích: “Đảng chúng tôi luôn luôn giáo dục cho cán bộ, đảng viên và cho quần chúng nhân dân lòng yêu nước chân chính và chủ nghĩa quốc tế vô sản, luôn luôn tăng cường đoàn kết hữu nghị với Liên Xô, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước anh em khác”[21]. Năm 1965, Việt Nam hoan nghênh ý kiến của Liên Xô đề nghị lập Mặt trận thống nhất và lập cầu hàng không để giúp đỡ Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhưng khi Trung Quốc phản đối đề nghị này, thì Việt Nam tạm thời gác vấn đề này lại. Việt Nam cũng công khai cải chính những tin tức nói Trung Quốc cản trở hàng viện trợ quân sự của Liên Xô cho Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc, đồng thời đồng ý để Trung Quốc cử một đội quân sang làm đường ở vùng đất Việt Nam gần biên giới với Trung Quốc. Đảng Lao động Việt Nam cũng không tham gia Hội nghị 75 Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế do Liên Xô triệu tập năm 1970, mà không có Đảng Cộng sản Trung Quốc tham dự.

Mặc dù ngay từ đầu chúng ta đã tỏ rõ thái độ là không ủng hộ nhưng cũng không phê phán “cách mạng văn hóa”, nhưng Ban lãnh đạo Trung Quốc (chủ yếu là phái tạo phản) vẫn không ngừng yêu cầu chúng ta chí ít cũng phải có sự ủng hộ về dư luận. Để giải toả vấn đề, Bác Hồ đã có một cử chỉ tuyệt vời.
Ngày 26 tháng 12 là sinh nhật của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Đúng ngày 26/12/1967 trên trang đầu và ở vào vị trí trang trọng của Nhân dân nhật báo Trung Quốc đã đăng mấy dòng chữ viết tay bằng chữ Hán của Bác chiếm chỗ khoảng bằng một danh thiếp: “Kính chúc Mao Chủ tịch vạn thọ vô cương”. 26/12/1967. Hồ Chí Minh”.
“Vạn thọ vô cương” là mấy từ mà các Hồng vệ binh Trung Quốc hồi đó thường xuyên hô lớn tại bất kỳ cuộc họp nào, nhất là trong dịp được Chủ tịch Mao tiếp kiến, nay Hồ Chí Minh cũng dùng nó để chúc thọ “người cầm lái vĩ đại”, thì còn có sự ủng hộ nào bằng. Sức ép hầu như không còn!
Nguồn: Dương Danh Di, tuanvietnam.net, tháng 9, 2009.

Làm hết sức mình để gìn giữ quan hệ hữu nghị với các nước anh em, đặc biệt là với Trung Quốc, trong những năm cuối đời, khi viết bản Di chúc lịch sử và trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn canh cánh một nỗi niềm trăn trở: “Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu về sự bất hoà hiện nay giữa các Đảng anh em”[22], đồng thời, Hồ Chí Minh cũng bày tỏ một niềm tin sắt đá: “Tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại”[23].
3. Nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong quan hệ với Trung Quốc – Bài học viết ở thì hiện tại
Cho đến hôm nay, người Trung Quốc vẫn xem Hồ Chí Minh là biểu tượng cho mối quan hệ “chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ” trong cuộc đấu tranh ý thức hệ vài chục năm trước. Đánh giá đó được thể hiện qua sách vở chính thống, qua ý kiến của các học giả tên tuổi và trong lòng nhân dân Trung Quốc. Trung Quốc gọi Hồ Chí Minh là người "dày công bồi đắp đóa hoa hữu nghị Trung -Việt” – như GS. Hoàng Tranh trong cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc đã khái quát. K‎ý ức về giai đoạn “trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình” của quan hệ Việt - Trung, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng sinh động vẫn được nhắc đến ở Trung Quốc với sự nhiệt thành, nồng ấm và thoải mái.

Hồ Chí Minh góp phần định hình Trung Quốc hiện đại
Tờ Thời báo Hoàn cầu thăm dò ý kiến của một số lãnh đạo và chuyên gia Trung Quốc để chọn ra 60 người trong số 200 “ứng cử viên” có ảnh hưởng nhất đến Trung Quốc.
Trong số 60 vĩ nhân này có 20 chính trị gia và chỉ huy quân sự, 17 chuyên gia văn hóa và triết học, 9 doanh nhân, 8 nhân vật nổi tiếng trong giới âm nhạc, thể thao và 6 nhà phát minh.
Kết quả cuộc thăm dò mới đây của Thời báo Hoàn cầu nhân kỷ niệm 60 năm Quốc khánh Trung Quốc cho thấy, vị lãnh tụ kính yêu của Việt Nam – Hồ Chí Minh là một trong 60 người nước ngoài góp phần định hình nên Trung Quốc hiện đại.
Tờ báo này nhận định: “Nhìn lại 60 năm phát triển Trung Quốc, những người nước ngoài không đơn thuần chỉ đứng ngoài chứng kiến mà còn trực tiếp tạo nên những thay đổi mang tính bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc”.
Nguồn: tinmoi.vn, ngày 8-9-2009

Sở dĩ Hồ Chí Minh thành công trong vun đắp quan hệ Việt - Trung bởi Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc văn hoá Trung Hoa, am hiểu tinh thần Trung Hoa, am hiểu con người Trung Hoa, kết mối thân tình, tôn trọng với các nhà lãnh đạo và với nhân dân Trung Quốc, tôn trọng lợi ích nước lớn của Trung Quốc, xử lý quan hệ Việt – Trung trong tương tác với các mối quan hệ nước lớn khác. Phong cách, phương pháp, phương cách ngoại giao Hồ Chí Minh nói chung, trong xây dựng, vun đắp quan hệ Việt – Trung nói riêng đã đạt đến tầm nghệ thuật. Trân trọng tình nghĩa và tín nghĩa, kế thừa truyền thống ngoại giao hòa hiếu "bán anh em xa, mua láng giềng gần" của cha ông, giữ gìn nghĩa tình “tối lửa tắt đèn có nhau”, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong quan hệ đối với Trung Quốc là sự biểu hiện ở mức độ cao cách ứng xử trong chiều sâu văn hóa.
Quan hệ Việt - Trung là một trong những mối quan hệ địa - chính trị lâu đời nhất trên thế giới và cũng là một trong những quan hệ nhiều nét thăng và trầm nhất trên thế giới. Sau những khúc quanh lịch sử, quan hệ hai nước được chính thức bình thường hóa vào năm 1991 và cho đến nay đã đi được một quãng thời gian đủ dài để có thể nhận thức bản chất ở thời điểm hiện tại. Đó là mối quan hệ "đồng chí, nhưng không đồng minh", "thân không gần, xa không lạnh". Về mặt hình thức, quan hệ hai nước được định vị trong một khuôn khổ có tính chuẩn tắc mà cả hai nước cùng công nhận. Song về thực chất, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phản ánh sự cọ xát, đụng độ hoặc nhân nhượng giữa hai nước với nhau, xét cho cùng là phản ánh tương quan lợi ích giữa hai quốc gia láng giềng lớn và nhỏ, với các chỉ số so sánh quá cách biệt, mà sức nặng nghiêng về phía Trung Quốc. Trong quan hệ hai nước, bên cạnh những thành tựu vẫn được hai bên thừa nhận, không thiếu những khúc mắc. Vẫn tiềm ẩn những nguy cơ, đặc biệt là vấn đề biển Đông. Cần nhận thức rõ ràng rằng, một số vấn đề nổi cộm trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc sẽ không dừng lại ở trạng thái hiện nay, mà sẽ còn được tiếp tục đẩy tới, vì Trung Quốc là nước lớn, nước mạnh và sẽ còn hùng mạnh hơn nữa và còn bởi Trung Quốc cho rằng, tình thế hiện tại đang rất thuận lợi cho việc Trung Quốc có thể thực hiện chính sách của mình, mà chỉ gặp phải phản ứng quốc tế ở mức thấp nhất. Do đó, đối sách của Việt Nam với Trung Quốc cần phải hết sức uyển chuyển, mềm dẻo, hiểu rõ sức mạnh nước lớn của Trung Quốc, nhưng không vì thế mà lùi bước trước sức ép một cách bị động. Cần nhận thức đúng về Trung Quốc, nắm vững chiến lược của Trung Quốc, bởi Trung Quốc tồn tại cận kề, đôi lúc không thể đoán trước, thì lợi ích, chiến lược và chính sách của Trung Quốc cần phải được tính đến, nghiên cứu, đánh giá để đề ra chủ trương phù hợp. Bên cạnh đó, phải chủ động tìm biện pháp thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, vì với vị thế là một nước lớn, Trung Quốc có ưu tiên hàng đầu cho ngoại giao với các nước lớn, đồng thời, Trung Quốc là cường quốc, bận tâm với các vấn đề của cường quốc. Trong khi ưu tiên hợp tác với Trung Quốc, cần có chính sách cân bằng quan hệ, mở rộng quan hệ với tất cả các nước, chú trọng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị, vì đó là những nhân tố đáng kể tác động đến Việt Nam và khu vực, đồng thời tác động trực tiếp đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Việt Nam sẽ không bị chi phối và kiềm tỏa, nếu tranh thủ được hậu thuẫn quốc tế, bởi trong thời đại ngày nay, mối tương quan quốc tế rất quan trọng và cộng đồng thế giới có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách của mỗi quốc gia. Nghệ thuật ngoại giao cân bằng quan hệ của Hồ Chí Minh trong lịch sử đã minh chứng cho điều đó và còn nguyên giá trị trong ngày hôm nay.
Một cách tổng quát, có thể coi việc xử lý quan hệ Việt Nam - Trung Quốc là nghệ thuật uyển chuyển của các cuộc đấu tranh và đối thoại, trong đó để tránh bớt thua thiệt, sự hợp tác với Trung Quốc cần thiết phải được bổ sung bằng việc đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với những định chế và các quốc gia khác. Cần khép lại những chương sử cũ, đặt Việt Nam vào dòng chảy chung, trào lưu chung của khu vực, của thế giới, đổi mới tư duy bạn – thù, nhận thức đầy đủ sự vận động, biến động của  khu vực và thế giới. Vận dụng nghệ thuật "ngũ tri"[24], kết hợp hài hoà giữa mềm dẻo và kiên quyết, giữa chiến lược và sách lược, giữa cương và nhu, giữa chủ động và sáng tạo, linh hoạt trên cơ sở giữ vững nguyên tắc để tồn tại và tồn tại bình yên bên cạnh Trung Quốc là yêu cầu cấp thiết hiện nay.

Download toàn văn bài viết tại: Trang Web TRI THỨC




[1] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 129.
[2] Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Tập 1, Sđd, tr.138.
[3] Đồng Ứng Long, “Diễn biến bất thường trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thập niên 70”, Tài liệu tham khảo đặc biệt “Các vấn đề quốc tế”, tháng 8-2007, tr. 14.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 8, tr. 2.
[5]1924-1927 tại Quảng Châu; 1930-1933 tại Hồng Công, Thượng Hải; 1938-1944 tại Diên An, Hoa Nam, Tây Nam và khu vực biên giới Việt – Trung
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 146.
[7]Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr. 98
[8] Vũ Anh, Từ Côn Minh về Pác Bó, in trong cuốn Bác Hồ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1975, tr.143
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr.  98.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr. 24.
[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr. 186.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr. 187.
[13] Hồ Chí Minh, Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội 1970, tr. 240.
[14] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 427.
[15]Võ Nguyên Giáp, Đường tới Điện Biên Phủ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 1999, tr. 28.
[16] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd,Tập 6, tr. 81-82.
[17] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, Tập 6, tr. 7-8.
[18] Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về một số vấn đề quốc tế, Sđd, tr.127.
[19] Đồng Ứng Long, “Diễn biến bất thường trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc thập niên 70”, Sđd, tr. 14
[20] Biên bản họp Bộ Chính trị, tháng 3-1966, Đơn vị bảo quản 173, Cục lưu trữ Trung ương Đảng.
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr. 604.
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,, Tập 12, tr. 511.
[23] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,, Tập 12, tr 511.
[24] Biết mình, biết người, biết thời thế, biết chừng mực, biết biến đổi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CHÀO BẠN! NẾU CÓ THẮC MẮC HOẶC ĐÓNG GÓP, XIN ĐỂ LẠI Ý KIẾN BẰNG TIẾNG VIỆT CÓ DẤU. CHÚNG TÔI RẤT VUI VÌ BẠN ĐÃ GHÉ THĂM!